Cách Chưng Yến Sào Đơn Giản, Thơm Ngon, Chuẩn Vị
Có 7 cách chưng yến phổ biến: Chưng yến đường phèn, chưng hạt sen, chưng với mật ong, chưng tứ bảo (với táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục và bạch quả), chưng yếu đậu xanh, chưng yến lá dứa, chưng bằng nồi cơm điện. Khi chưng và sử dụng yến sào không chưng quá lâu, không chưng cùng với các nguyên liệu khác, và cần tuân thủ liều lượng sử dụng yến.
Cách dùng yến sào phổ biến nhất là chưng giúp giữ được trọn vẹn nguồn dưỡng chất, tinh túy của nó. Chính vì vậy mà trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những cách chưng yến thơm ngon, bổ dưỡng mà tiết kiệm tối đa thời gian.
Cách sơ chế và làm sạch yến trước khi chưng
Dựa theo quy trình sơ chế, hiện nay trên thị trường tổ yến đang được chia làm 2 loại là tổ yến thô và tổ yến tinh chế. Mỗi loại sẽ có những ưu – nhược điểm riêng cũng như độ phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Chính vì vậy, để có thể chọn được sản phẩm phù hợp, đồng thời đảm bảo yến khi chưng đạt hiệu quả tốt nhất. Chúng ta cần nắm vững cách làm sạch, sơ chế của từng loại để mang lại hiệu quả cao nhất.
Cách làm sạch yến sào thô
Yến thô là những sản phẩm đang còn nguyên 100% chất dinh dưỡng từ tổ yến do chưa được trải qua quá trình sơ chế, khó bị làm giả. Do đó người dùng có thể yên tâm trong việc tìm mua để tự chế biến. Tuy nhiên, vì chưa trải qua bất cứ quá trình xử lý nào nên khâu làm sạch sẽ tốn khá nhiều thời gian, công sức và sự tỉ mỉ.
Để làm sạch yến, chúng ta cần chuẩn bị: 1 cây nhíp/kẹp để gắp lông yến, 1 thau nước sạch, 1 rây lỗ nhỏ, 1 thìa và 1 đĩa/chén để đựng yến sạch.
Cách làm sạch như sau:
- Bước 1: Ngâm yến trong nước ấm từ 1 – 2 giờ, cho tới khi nào các sợi yến bắt đầu tơi và mềm ra.
- Bước 2: Vớt yến ra, để cho ráo nước rồi bỏ vào đĩa, nhặt các sợi lông lớn, tạp chất (đất, vôi, phân chim…), các lông kim (loại lông nhỏ, khó nhặt). Nên nhúng đầu nhíp vào nước để làm sạch sau mỗi lần nhặt.
- Bước 3: Gắp từng phần yến cho vào ray và để vào tô nước, sau đó dùng muỗng khuấy nhẹ để làm rớt đi các lông kim nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý tránh để cho nước tiếp xúc quá lâu với yến, bởi nó sẽ làm mất đi các dưỡng chất.
- Bước 4: Tiến hành thực hiện các thao tác tương tự như bước 3 thêm 1 lần nữa cho tới khi yến sạch hoàn toàn.
Cách làm sạch yến tinh chế
Yến tinh chế là loại yến sào đã được trải qua quá trình làm sạch lông, các loại tạp chất nên vô cùng tiện lợi. Người dùng có thể sơ chế ngay sau khi mua về, phù hợp với những ai không có quá nhiều thời gian để làm sạch.
Cách làm sạch như sau:
- Bước 1: Ngâm tổ yến trong nước sạch khoảng 10 – 15 phút cho tới khi yến mềm ra.
- Bước 2: Tách các sợi yến ra và làm sạch một số tạp chất còn sót lại.
- Bước 3: Vớt yến ra và để cho thật ráo nước.
Những cách chưng yến sào thơm ngon, bổ dưỡng nhất
Yến sau khi đã được làm sạch và sơ chế thì cần được chế biến sao cho đúng cách, mục đích là giữ lại toàn bộ dưỡng chất vốn có, đồng thời tạo mùi vị thơm ngon, dễ ăn cho người dùng.
Cách chưng yến sào đường phèn
Yến sào chế biến cùng đường phèn là cách chưng yến phổ biến nhất hiện nay, bởi dễ thực hiện, bổ dưỡng, không tốn quá nhiều thời gian và hợp khẩu vị người dùng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Tổ yến đã tinh chế, được làm sạch lông, loại bỏ tạp chất : 5 – 10g.
- Đường phèn: Tuỳ khẩu vị.
- Nước lọc.
- Rây inox.
- Nồi chưng có nắp kính hoặc thố để chưng yến.
- Một chén nhỏ có nắp đậy kín để đựng yến.
- Một vài lát gừng (tùy thích).
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem tổ yến đã tinh chế ngâm với nước lọc trong khoảng 20 phút để cho các sợi yến được nở mềm đều. Sau đó cho qua rây inox để loại bỏ nước và cho yến vào chén sứ nhỏ.
- Bước 2: Đổ nước sạch vào sao cho vừa đủ ngập phần yến, tiếp đến cho thêm đường phèn vào chung với yến trong chén, có thể cho thêm vào lát gừng cho đậm mùi nếu thích. Sau đó đậy kín nắp chén lại và bỏ vào trong nồi chưng.
- Bước 3: Đặt nồi chưng lên bếp và bật cho lửa lớn vừa cho tới khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, để chưng trong khoảng 20 phút. Nếu bạn sử dụng các loại nồi chưng chuyên dụng thì nên chưng trong vòng 60 – 80 phút. Còn đối với loại yến đảo tinh chế, thời gian chưng cách thủy thông thường là 30 – 40 phút, dùng nồi chưng chuyên dụng là từ 2 – 3 giờ.
Lưu ý: Chúng ta nên chú ý tới thời gian chưng, không nên chưng quá lâu so với thời gian quy định, nhằm tránh trường hợp tổ yến có thể bị nhão, mất đi hương vị đặc trưng và độ dai ngon tự nhiên của yến.
Yến sào chưng hạt sen
Hạt sen cũng là loại nguyên liệu mang đến nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, khi được kết hợp với yến sào nó sẽ trở thành món ăn bổ dưỡng, tăng cường thể lực.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Tổ yến sào đã tinh chế, được làm sạch lông: 2 chiếc.
- Hạt sen: 10g.
- Đường phèn: Tuỳ khẩu vị.
- Các dụng cụ cần thiết.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đem tổ yến đã làm sạch lông đi ngâm trong khoảng 20 phút, cho tới khi sợi yến đã mềm thì lọc phần yến qua một rây nhỏ để loại bỏ đi các tạp chất, bụi bẩn.
- Bước 2: Hạt sen đem rửa sạch hoặc ngâm cho mềm (đối với loại hạt khô), bạn cũng có thể dùng tăm để loại bỏ đi phần tâm sen nến thích.
- Bước 3: Cho yến vào trong chén sứ cùng với một ít hạt sen và đường phèn, sau đó đậy kín chén lại và cho hỗn hợp vào trong nồi chưng. Chúng ta chưng cách thủy trong vòng 30 phút, tới khi hạt sen mềm ra thì nêm nếm lại cho vừa ăn rồi thưởng thức.
Lưu ý: Đối với những người mắc bệnh tim mạch thì không nên dùng tim sen. Ngoài ra, tim sen có vị đắng gắt nên sẽ làm giảm đi vị ngọt thanh của yến với đường phèn.
Chưng yến sào với mật ong
Yến sào chưng cùng với mật ong sẽ cho ra món ăn có mùi vị thơm ngon, kích thích vị giác trẻ em, rất thích hợp với những bé lười ăn, bị suy dinh dưỡng. Đồng thời đẩy lùi cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng do căng thẳng, mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Tổ yến: 20g.
- Mật ong: 2 thìa.
- Một vài lát gừng.
- Các dụng cụ cần thiết.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Lấy 20g tổ yến ngâm trong nước khoảng 2 phút cho yến nở mềm và đều là được.
- Bước 2: Vớt tổ yến ra, để ráo nước và cho ra một chén sứ có nắp đậy, thêm nước sạch vào sao cho đủ ngập phần yến, đậy nắp chén và cho vào nồi chưng. Nên chưng trên lửa to tới khi nước sôi thì điều chỉnh lửa nhỏ xuống, chưng trong khoảng 30 phút.
- Bước 3: Hòa mật ong cùng với 1 lít nước ấm rồi cho vào cùng với yến, thêm một vài lát gừng tùy theo khẩu vị và tiếp tục chưng trên lửa nhỏ thêm 5 phút nữa.
- Bước 4: Tắt bếp, lấy yến ra và thưởng thức, tùy theo sở thích, khẩu vị mà có thể dùng nóng hay lạnh đều không làm mất đi dưỡng chất của món ăn.
Lưu ý: Tổ yến chưng mật ong tốt nhất nên được dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 30 phút hoặc buổi sáng sớm, bởi lúc này là thời điểm cơ thể có thể hấp thu dưỡng chất một cách đầy đủ nhất.
Cách chưng yến tứ bảo
Chưng yến tứ bảo là cách chưng tổ yến với táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục và bạch quả. Đây đều là những dược liệu quý, chứa thành phần dược tính cao nên đặc biệt tốt đối với sức khỏe người dùng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Tổ yến tinh chế: 5g hoặc yến tươi đã nhặt sạch lông: 20g.
- Hạt sen: 30g.
- Táo đỏ: 5 – 8 quả.
- Nhãn nhục: 2 muỗng nhỏ.
- Bạch quả: 5g.
- Đường phèn: Tuỳ khẩu vị.
- Vát lát gừng (nếu muốn).
- Các dụng cụ cần thiết.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Lấy yến sào đã chuẩn bị đem ngâm vào nước ấm khoảng 20 phút cho yến nở thật đều. Kiểm tra nếu thấy yến đã nở thành các sợi mềm thì vớt ra và để cho ráo nước.
- Bước 2: Nhãn nhục cũng đem đi ngâm vào trong nước ấm để nở cho thật đều rồi sau đó rửa lại cùng với các nguyên liệu khác.
- Bước 3: Hạt sen tươi đem tách vỏ, lấy tăm để loại bỏ tim sen, sau đó rửa sạch rồi cho vào trong nồi đun. Còn đối với hạt sen khô thì đem ngâm với nước ấm trong khoảng 45 phút, sau đó rửa lại với nước sạch rồi cho vào nồi đun với 1 ít nước cho hạt sen chín mềm. Vì hạt sen tươi rất nhanh mềm nên cần căn thời gian đun ít hơn.
- Bước 4: Khi hạt sen đã mềm thì cho thêm nhãn nhục, táo đỏ, bạch quả vào cùng và tiếp tục đun, để lửa nhỏ liu riu cho các nguyên liệu chín đều và hòa vào nhau. Tiếp đến cho thêm một ít đường phèn vào để tạo độ ngọt tùy theo khẩu vị.
- Bước 5: Yến sau khi đã làm sạch và để cho ráo nước thì cho vào chén sứ có nắp, đem chưng cách thủy trong khoảng 30 phút. Sau đó cho thêm đường phèn vào vừa đủ độ ngọt, chưng thêm 10 phút nữa rồi tắt bếp.
- Bước 6: Sau khi yến chưng xong thì cho vào hỗn hợp hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục, bạch quả ở trên và đun trong khoảng 5 phút nữa. Như vậy là bạn đã thực hiện xong món yến chưng tứ bảo thơm ngon, bổ dưỡng và đúng vị.
Lưu ý: Bạn cũng có thể chưng yến tứ bảo vào thố chưng yến để tiết kiệm thời gian. Cách chưng bằng thố điện sẽ đảm bảo hơn bởi lượng nhiệt vừa phải, không làm mất đi giá trị dinh dưỡng của món ăn.
Chưng yến với đậu xanh
Yến sào chưng cùng với đậu xanh cũng là món ăn được nhiều người ưa thích, dễ thực hiện và cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất thiết yếu.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Yến sào tinh chế: 1 tổ.
- Đậu xanh: 100g.
- Lá dứa.
- Đường phèn: Vừa đủ.
- Nước lọc 500ml.
- Các dụng cụ cần thiết.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Tổ yến mang đi ngâm với nước sạch khoảng 20 phút cho tới khi sợi yến tơi ra, sau đó rửa sạch rồi vớt ra để cho thật ráo nước.
- Bước 2: Đun đường phèn với nước để đường phèn tan thật đều, có thể thêm một ít lá dứa vào để tạo mùi vị thơm ngon.
- Bước 3: Cho tổ yến cùng với nước đường phèn vào chén sứ có nắp, đem đi chưng cách thủy trong khoảng 15 – 20 phút.
- Bước 4: Đậu xanh đem đãi sạch vỏ và nấu chín cùng với đường phèn, tiếp đến cho hỗn hợp yến đã chưng vào cùng với đậu xanh và thưởng thức.
Lưu ý: Khi chưng không nên cho đường quá ngọt, bởi nó sẽ làm ảnh hưởng tới hương vị và chất lượng của yến.
Chưng tổ yến với lá dứa
Bên cạnh mùi vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe thì tổ yến còn mang đến nhiều công dụng tuyệt vời đối với hệ thần kinh, hệ bài tiết, hệ tuần hoàn… Đặc biệt, khi chưng cùng lá dứa sẽ cho mùi vị thơm ngon, hấp dẫn vô cùng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Tổ yến: 5 – 10g.
- Đường phèn: Tuỳ khẩu vị.
- Lá dứa: 3 – 5 lá.
- Các dụng cụ cần thiết.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Yến sào đem ngâm với nước ấm trong khoảng 20 phút cho các sợi yến nở hoàn toàn, sau đó vớt ra và rây sạch bụi bẩn, tạp chất, để cho ráo nước.
- Bước 2: Lá dứa đem rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, để ráo nước và cắt khúc.
- Bước 3: Cho yến đã ngâm vào một chén sứ có nắp đậy và cho tiếp đường phèn vào. Đậy nắp chén, đem đặt vào trong nồi chưng, có thể thêm vài cọng lá dứa vào nồi nước để tạo mùi thơm. Tiếp đến, chưng cách thủy trên lửa nhỏ trong vòng 30 phút. Như vậy là chúng ta đã có ngay món tổ yến chưng cùng lá dứa thơm ngon, bổ dưỡng, bạn cũng có thể cho vào chai, hũ đậy kín nắp và bảo quản lạnh để dùng ngon hơn.
Lưu ý: Chúng ta nên vệ sinh nồi chưng thật sạch sẽ, không đổ quá nhiều nước vào nồi, bởi khi tổ yến nở sẽ khiến nước tràn ra ngoài, tốt nhất chỉ nên đổ ½ nồi là đủ.
Chưng yến với nồi cơm điện
Chưng yến bằng nồi cơm điện là cách làm vô cùng tiện lợi, tiết kiệm thời gian mà vẫn mang đến món yến chưng thơm ngon, bổ dưỡng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Tổ yến tinh chế: 10g hoặc dùng yến thô sau đó làm sạch và sơ chế.
- Đường phèn: Tuỳ khẩu vị.
- Gừng tươi: 2 lát nhỏ (thêm vào nếu muốn làm giảm mùi tanh tự nhiên của yến và tăng vị thơm cho món ăn).
- Các dụng cụ cần thiết.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Tổ yến đem ngâm với nước sạch trong khoảng 20 phút, tới khi các sợi yến đã nở đều thì đổ ra một cái rây để cho ráo nước. Nước chưng yến cũng có thể dùng để chưng yến luôn.
- Bước 2: Cho yến vào trong tô sứ, có thể thêm một vài lát gừng lên nếu thích. Sau đó cho chén vào nồi cơm điện, đổ cho nước ngập ¼ chén và bật nồi ở chế độ cooking, chưng trong vòng 20 – 30 phút.
- Bước 3: Sau khoảng 20 – 30 phút thì kiểm tra xem yến đã nở đều hay chưa, nếu đạt độ mềm dai vừa phải thì tắt nồi, lấy chén yến ra. Với cách làm đơn giản này, bạn và người thân có thể dễ dàng thưởng thức món yến chưng nồi cơm điện thơm ngon, giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.
Những lưu ý quan trọng khi chưng và sử dụng yến sào
Cách chưng yến sào cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự cẩn thận và chú tâm để tránh làm mất đi dưỡng chất có trong yến. Chính vì vậy mà khi chưng và sử dụng chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới những yếu tố sau đây:
- Nên cho yến đã làm sạch hoặc yến tinh chế vào các chén/thố sứ có thể tích lớn, bởi yến sào sau khi nở ra sẽ gấp 6 – 7 lần thể tích ban đầu.
- Không nên chưng yến quá lâu (trên 30 phút), bởi điều này sẽ khiến yến bị nhão, mất đi hương vị, độ dai tự nhiên, khiến món ăn không còn ngon mà đặc biệt là không giữ được những dưỡng chất quý.
- Nếu chưng yến sào chung với các nguyên liệu khác như: Táo đỏ, hạt sen, đông trùng hạ thảo… hoặc nấu chè, cháo… chúng ta cần nấu chín những nguyên liệu kể trên trước, sau đó mới cho vào chén yến sào đã được chưng. Tuyệt đối không cho yến vào nấu hoặc chưng chung cùng với các nguyên liệu khác.
- Mặc dù là món ăn bổ dưỡng nhưng các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, không phải cứ ăn nhiều yến là tốt. Thực chất việc nạp vào cơ thể quá nhiều dưỡng chất sẽ không mang lại hiệu quả nhanh hơn, thay vào đó gây ra tình trạng lãng phí, quá tải. Theo tài liệu y khoa, liều dùng thích hợp nhất cho người lớn là 200ml yến chưng sẵn, dùng khoảng 3 lần/tuần.
- Những người đang mắc các bệnh như ho nhiều đờm loãng, viêm nhiễm ngoài da, viêm phế quản cấp, viêm đường tiết niệu… cũng không nên dùng yến sào. Bởi khi đó tì vị còn quá yếu, không hấp thu được nhiều dưỡng chất và có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
Trên đây chúng ta đã cùng tìm hiểu 7 cách chưng yến đơn giản, thơm ngon, bổ dưỡng và tiết kiệm thời gian nhất. Hy vọng rằng, bạn có thể chế biến những món ăn giàu dinh dưỡng, giúp cải thiện sức khỏe cho bản thân và mọi người trong gia đình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!