Tê Mỏi Cánh Tay
Tê mỏi cánh tay có thể do ngủ nằm đè lên tay, do bê đồ quá nặng trong thời gian dài, do thiếu máu hoặc các bệnh về xương khớp. Tình trạng này nếu kéo dài với mức độ ngày càng tăng kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nên không được chủ quan.
Định nghĩa
Bên cạnh nhức mỏi chân thì tê mỏi cánh tay cũng là một trong những vấn đề phổ biến rất nhiều người gặp phải hiện nay, kể cả những người trẻ. Tình trạng này có thể chỉ xuất hiện ngắn hạn trong vài ngày nhưng đôi khi cũng có thể kéo dài kèm theo rất nhiều các triệu chứng bất thường khác. Phát hiện rõ nguyên nhân và các dấu hiệu lạ của bệnh sẽ giúp bạn sớm có hướng điều trị chính xác.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây tê mỏi cánh tay ngắn hạn
Sinh hoạt kém khoa học, tư thế ngủ kém khoa học hay đôi khi chủ cần bê đồ nặng quá mức cũng dẫn đến tình trạng hai cánh tay mỏi nhừ. Nếu liên quan đến các tác nhân này thì đa phần chỉ bị đau nhức, tê mỏi tay trong vài ngày, chỉ cần bạn có biện pháp thư giãn, nghỉ ngơi phù hợp sẽ không xuất hiện bất cứ nguy hiểm nào.
Cụ thể, một số tác nhân làm tê mỏi cánh tay ngắn hạn bao gồm
- Do thói quen sinh hoạt: nằm ngủ đè lên tay, ngủ trên ghế hay trên bàn là lấy cánh tay làm điểm tựa hay kê đầu thì khi ngủ dậy bạn sẽ cảm thấy tê tay, đau nhức tay, có cảm giác châm chích như kim châm. Nguyên nhân là do máu huyết kém lưu thông gây áp lực lên các rễ thần kinh, tuy nhiên chỉ cần nghỉ ngơi một chút thì tình trạng này sẽ được cải thiện ngay.
- Tính chất công việc: người phải làm việc gõ máy tính, viết lách quá nhiều; người làm các công việc phải lái xe đường dài, người thường xuyên phải bê, xách đồ nặng, nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế hay một số công việc phải sử dụng lực tay nhiều thì cũng thường bị đau nhức cánh tay. Nguyên nhân cũng do mạch máu và rễ thần kinh bị chèn ép tạm thời nhưng không quá nguy hiểm.
- Thay đổi thời tiết: thường gặp ở người già hay một số người quá nhạy cảm với nhiệt độ. Sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ khiến cơ thể họ chưa kịp thích ứng và dẫn đến tê mỏi, đau nhức tay.. Nếu liên quan đến các tác nhân này bạn cảm còn có thể bị cảm cúm, hắt hơi, dị ứng..
- Một số yếu tố khác: căng thẳng, stress kéo dài cũng hoàn toàn có thể gây căng cơ và khiến bạn bị tê mỏi cánh tay liên tục mà không rõ nguyên nhân.
- Chấn thương: khi té ngã nếu dùng cánh tay chống xuống đầu tiên hoặc vô tình va đập tay vào đâu đó hoàn toàn có thể làm bạn thấy đau nhức. Ngoài ra bạn còn có thể thấy cánh thì bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện vì có thể đã bị gãy xương hay các tổn thương nặng bên trong.
- Thiếu chất: người thường xuyên bị đau nhức, tê mỏi tay chân cũng có thể liên quan đến việc thiếu chất, đặc biệt là thiếu canxi. Ngoài ra việc thiếu nhóm vitamin B12, Magie, acid Folic cũng gây ra tình trạng này. Thiếu hụt canxi trong thời gian dài cũng là nguyên nhân gây loãng xương hàng đầu ở rất nhiều người.
Hầu hết một yếu chung gây tê mỏi cánh tay cho các nguyên nhân này chính là máu kém lưu thông. Do đó bạn còn có thể gặp tình trạng tay chân tê lạnh, xanh xao, cứng khớp.
Nguyên nhân bệnh lý
Tình trạng tê mỏi cánh tay nếu kéo dài lâu ngày, mức độ và tần suất đều tăng kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần, cuộc sống của người bệnh thì tuyệt đối không được coi thường. Rất nhiều bệnh lý nguy hiểm đều có triệu chứng tê bì cánh tay nên bạn cần phải thăm khám sớm thì mới có thể phát hiện.
Một số bệnh lý liên quan trực tiếp đến chứng tê mỏi cánh tay gồm
- Các bệnh về xương khớp: khi nghĩ đến tê mỏi cánh tay thì các bệnh lý về xương khớp luôn là mối liên quan hàng đầu. Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, thấp khớp cấp, hội chứng ống cổ tay, loãng xương đều là các bệnh lý có kèm triệu chứng tê mỏi cánh tay. Ban đầu cơn đau chỉ âm ỉ, châm chích sau đó ngày càng có dấu hiệu yếu cơ, cử động cánh tay khó khăn. Ngoài ra bạn cũng có thể cảm thấy vấn đề ở lưng, bả vai, cột sống và gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình vận động, sinh hoạt hằng ngày.
- Các bệnh về mạch máu: Thiếu máu nuôi, viêm mạch máu, xơ vữa động mạch hay có các cục máu đông cũng hoàn toàn có thể làm ảnh hưởng đến cánh tay. Các triệu chứng điển hình kèm theo thường là chân tay lạnh toát, da dẻ xanh xao, người dễ bị thâm, tê bì chân tay, mệt mỏi, các mắt cá chân có thể bị sưng. Do mạch máu cần đi đến khắp cơ thể nên nếu liên quan đến bệnh về mạch máu sẽ xuất hiện các triệu chứng trên khắp cơ thể.
- Bệnh dây thần kinh ngoại biên: nếu liên quan đến các nguyên nhân này thì bên cạnh triệu chứng tê mỏi cánh tay bạn còn gặp tình trạng ngứa ran cánh tay, bàn tay; đau khi chạm vào hoặc nhiệt độ thay đổi; co giật cơ không kiểm soát; tiết mồ hôi nhiều thậm chí là có dấu hiệu teo cơ.
- Bệnh thần kinh tiểu đường: ở một số bệnh nhân tiểu đường có thể bị tổn thương cả các dây thần kinh nên dẫn đến các triệu chứng tê mỏi cánh tay, đau nhức chân. Một số triệu chứng để nhận biết sớm tiểu đường là khát nước, sụt cân bất thường, đói và mệt mỏi, giảm thị lực và đi tiểu nhiều.
- Hội chứng lối thoát ngực: mạch máu và dây thần kinh ở những bệnh nhân này có thể bị chèn ép tại xương đòn với xương sườn nên mới dẫn tới tình trạng đau nhức, yếu cơ ở tay, cánh tay kèm theo ngứa ran ở bàn tay.
- Chứng đau đầu migraine thể liệt nửa người: chứng này thường khá dễ nhầm lẫn với đột quỵ. Đặc trưng của bệnh ban đầu là có thể bị đau nhức, tê liệt một bên cánh tay và nửa mặt cùng bên. Người bệnh còn bị mất cảm giác, rối loạn ngôn ngữ, mất phối hợp cơ. Các triệu chứng này ban đầu có thể kéo dài trong vài phút đến 1 giờ đồng hồ nên đôi khi có thể bị bỏ qua.
- Các bệnh về tim mạch: tê mỏi cánh tay đột ngột ở người già thậm chí có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim hay đột quỵ cực kỳ nguy hiểm nên tuyệt đối không nên chủ quan. Nguyên nhân là do tim không nhận đủ lượng oxy hay máu nên bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tê cánh tay phải/ trái hoặc cả hai bên, lan lên đến bả vai; lồng ngực có cảm giác bị ép chặt, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, ợ nóng, chân tay lạnh.. Nếu có triệu chứng đột quỵ cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp cung cấp oxy cho tim và đưa đến bệnh viện gần nhất.
Nói chung tê mỏi cánh tay có thể liên quan đến rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nên tuyệt đối không được chủ quan. Chỉ qua các triệu chứng bên ngoài thì rất khó nhận biết nên người bệnh cần đến bệnh viện lớn để được khám và chỉ định các chẩn đoán phù hợp nhất giúp phát hiện bệnh sớm.
Chăm sóc tại nhà
Như đã nói do có rất nhiều nguyên nhân làm tê mỏi cánh tay nên nếu chưa biết chính xác rất khó có thể khẳng định chính xác nên dùng thuốc nào, phương pháp phẫu thuật nào. Do đó trong bài viết này sẽ chỉ đề cập đến các phương pháp giảm đau mỏi tạm thời để giúp người bệnh dễ chịu hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống, không hướng dẫn các biện pháp điều trị chuyên môn.
Cách phương pháp giảm đau tại chỗ
Có rất nhiều phương pháp giảm đau nhức, tê bì cánh tay đơn giản có thể áp dụng được với mọi nguyên nhân, mọi đối tượng lại có thể cải thiện các triệu chứng nhanh chóng mà bạn có thể tham khảo. Tất nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, cực kỳ phù hợp với người bị đau tay do các nguyên nhân ngắn hạn mà không cần dùng bất cứ loại thuốc nào.
Khi cảm thấy cánh tay tê nhức thì người bệnh nên nghỉ ngơi thư giãn ngay, tránh tiếp tục bê hay xách đồ nặng, lái xe... Bên cạnh đó, áp dụng ngay các biện pháp giảm đau đơn giản sau
- Chườm lạnh: dùng một vài hòn đá chườm lên vùng tay bị đau nhức sẽ giúp giảm đau nhanh chóng, đặc biệt nếu có liên quan đến chấn thương do nhiệt lạnh có thể làm tê dây thần kinh tạm thời. Tuy nhiên chú ý chỉ nên chườm trong 15 phút và không nên để trực tiếp đá lạnh lên da do có thể làm bỏng lạnh.
- Chườm ấm: dùng túi chườm ấm hay cho nước ấm 40 độ vào một bình thủy tinh, lăn nhẹ trên tay có thể làm giãn nở các mạch máu, kích thích máu huyết lưu thông, nhờ đó cải thiện được tình trạng nhức mỏi, tê bì tay hiệu quả.
- Tắm nước ấm: cuối ngày được ngâm mình trong nước ấm sẽ giúp bạn thư giãn toàn cơ thể, giảm ngay tình trạng tê mỏi cánh tay hay đau nhức bả vai hiệu quả. Bạn cũng có thể thể chỉ ngâm cánh bị đau với nước ấm. Để tăng thêm hiệu quả thư giãn có thể sử dụng thêm các loại tinh dầu hay nấu nước ngâm tay với gừng, lá trà xanh hay lá lốt..
- Dùng miếng dán giảm đau: với những người bị căng cơ, đau mỏi do làm việc quá sức thì chỉ cần dùng miếng dán giảm đau trong vài ngày sẽ loại bỏ đươc cơn đau
- Dùng thuốc/ rượu xoa bóp: bạn có thể tìm mua các thuốc hay rượu xoa bóp để massage cho cánh tay khi bị đau nhức cũng đem đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng.
Thay đổi tư thế sinh hoạt hằng ngày
Một số người đau nặng hay có liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm có thể được đề nghị đeo nẹp, đai để giữ yên vị trí cánh tay, nâng vị trí tay cao hơn tim, nhờ đó có thể kiểm soát được một số biến chứng nguy hiểm. Tất nhiên việc sử dụng các dụng cụ này cần phải có chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bên cạnh đó bạn cũng cần thay đổi tư thế sinh hoạt, các tránh tư thế nằm đè lên tay hay gây áp lực lên cái tay làm cản trở dòng chảy của máu hiệu quả. Khi đi ngủ hãy nằm xuôi hai tay, nếu muốn nằm nghiêng hay kê thêm một chiếc chăn mỏng dưới tay để giúp máu huyết lưu thông ổn định hơn. Bạn cũng có thể đưa tay lên đầu, nhưng tránh ngủ quá lâu ở bất cứ tư thế nào.
Với những người đang tê mỏi cánh tay nhiều cũng nên hạn chế xách, bê đồ nặng hay lái xe đường dài. Hãy để đôi tay thực sự bình phục trước khi quay trở lại công việc để tránh các tình huống xấu đi.
Cải thiện chế độ chế độ sống lành mạnh
Xây dựng chế độ sống lành mạnh không chỉ giúp giảm tê mỏi cánh tay mà còn nâng cao sức khỏe, phòng tránh nguy cơ các biến chứng nguy hiểm này xuất hiện trở lại. Mỗi người cũng nên tham khảo thực hiện lối sống, dinh dưỡng lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh này.
Cụ thể, cần xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh sau đây
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày
- Luyện tập yoga có thể giúp giảm căng thẳng và duy trì độ linh hoạt của hệ thống xương khớp
- Đảm bảo ngủ đủ giấc hằng ngày, tránh thức quá khuya
- Tránh xa căng thẳng, stress
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, chú ý bộ ba canxi, vitamin D và K2 để cơ thể hấp thụ được tối ưu dưỡng chất
- Đảm bảo uống đủ 2- 2,5 lít nước mỗi ngày
- Tăng cường rau xanh, hải sản, các loại hạt, các loại sữa canxi phù hợp với độ tuổi hoặc các nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe khác
- Tránh xa đồ uống có cồn, thuốc lá, chất kích thích, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn có lượng đạm cao hay đồ ăn nội tạng động vật, đồ ăn muối chua
- Thực hiện các biện pháp thư giãn cơ thể hằng ngày như tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương..
- Thăm khám bác sĩ định kỳ ít nhất 1 năm/ 1 lần để phát hiện các vấn đề bất thường của bản thân
Chẩn đoán
Các triệu chứng tê mỏi cánh tay có thể làm lu mờ một số triệu chứng chính của bệnh nên nếu chỉ thông qua các dấu hiệu lâm sàng thì không thể nào chẩn đoán được bệnh. Tốt nhất người bệnh nên thăm khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu sau
- Tê mỏi cánh tay kéo dài nhiều ngày, đã áp dụng nhiều phương pháp mà không được cải thiện
- Yếu cơ, không thể giơ cánh tay
- Đau khi chạm vào
- Cánh tay có dấu hiệu sưng nóng, tê râm ran như bị kim chích
- Cơ thể mệt mỏi uể oải, không thể sinh hoạt làm việc bình thường
- Xuất hiện các triệu chứng bất thường khác như đau nhức lưng, tê cứng bả vai, khó thở, chóng mặt, tay chân lạnh ngắt..
- Mất thăng bằng, không kiểm soát được các cử động của cánh tay
- Có cảm giác như tê liệt cơ thể
Để xác định được chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm hình ảnh như X quang, CT, MRI
- Siêu âm cánh tay
- Kiểm tra khả năng vận động bằng cách giơ tay hay yêu cầu người bệnh cầm đồ vật
Người bệnh tốt nhất nên tìm đến các bệnh viện lớn, có đầy đủ các chuyên khoa để tiện cho việc thăm khám. Nếu người bệnh đi khám ở khoa xương khớp nhưng chỉ số lại cho thấy mắc bệnh tiểu đường thì cũng được thuyên chuyển nhanh chóng để kịp thời điều trị.