Propofol
Thông tin về thuốc dưới đây dành cho các cán bộ y tế tại hệ thống Vietmec Clinic dùng để tra cứu, sử dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày. Đối với người bệnh, khi sử dụng cần có chỉ định/ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ/ dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Thành phần
Propofol có thành phần: lecithin của trứng, glycerol, dầu đậu tương, dinatri edetat với natri hydroxyd để điều chỉnh pH
Dạng bào chế - biệt dược
- Nhũ dịch để tiêm 10 mg propofol/ml, dưới dạng ống tiêm 20 ml, lọ chứa dung dịch tiêm truyền 50 ml hoặc 100 ml.
- Bơm tiêm đóng sẵn 50 ml chứa 10 mg propofol/ml.
Nhóm thuốc - Tác dụng
Thuốc được sử dụng để gây và duy trì an thần - vô cảm, có thể theo dõi bằng monitor, đặc biệt trong phẫu thuật chẩn đoán ở người lớn hoặc kết hợp với gây tê cục bộ hoặc gây tê vùng. Propofol cũng có tác dụng chống nôn sau phẫu thuật.
Chỉ định
Propofol được sử dụng để khởi mê và/hoặc duy trì mê trong phẫu thuật cho người lớn và trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Chống Chỉ định
- Mẫn cảm với propofol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Không khuyến cáo dùng trong sản khoa, bao gồm cả mổ lấy thai.
- Không khuyến cáo dùng propofol để gây mê cho trẻ em dưới 3 tuổi, an thần cho trẻ em ở đơn vị chăm sóc tăng cường (ICU).
- Bệnh tim (phân số tống máu dưới 50%) hoặc phổi nặng.
- Không được dùng propofol trong liệu pháp sốc điện gây co giật.
Chống chỉ định tương đối:
- Tiền sử động kinh hoặc co giật.
- Tăng áp lực nội sọ hoặc suy tuần hoàn não.
- Tăng lipid huyết, thể hiện ở tăng nồng độ triglycerid huyết thanh hoặc huyết thanh đục.
- Hạ huyết áp, giảm lưu lượng tuần hoàn hoặc không ổn định về huyết động.
- Bệnh porphyrin.
Thận trọng
- Bệnh nhân đang mang thai, cho con bú hoặc phẫu thuật cần thông báo trước khi sử dụng Propofol hay bất kỳ loại thuốc gây mê – tê nào.
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Propofol.
- Những loại thuốc và thực phẩm chức năng mà người bệnh đang sử dụng.
- Tiền sử các bệnh đã mắc bao gồm các bệnh viêm gan, chứng suy thận và đặc biệt là các bệnh tim mạch, bệnh lý thần kinh như: Động kinh, từng bị đột quỵ – tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson,…
Tác dụng không mong muốn
- Cảm giác lâng lâng, khó tập trung kể cả khi đã tỉnh táo.
- Khó thở hoặc thở yếu.
- Nhịp tim sau khi dùng Propofol nhanh hoặc chậm hơn bình thường.
- Đau, ngứa nóng hoặc khó chịu vùng tiêm sau khi tiêm Propofol.
- Ngứa hoặc phát ban nhẹ.
Liều dùng và cách dùng
Liều dùng Propofol cho người lớn
Đối với người lớn dưới 55 tuổi, tùy thuộc vào giai đoạn của cuộc phẫu thuật cũng như mục đích điều trị mà sử dụng liều lượng tham khảo như sau:
- Khi kích thích gây mê: Tiêm tĩnh mạch với lượng 40mg mỗi 10 giây cho đến khi bắt đầu khởi phát. Tổng liều cần thiết được tính theo trọng lượng người bệnh là từ 2 – 2.5 mg/kg, không vượt quá 250mg.
- Để duy trì gây mê: Bệnh nhân sẽ được tiêm tĩnh mạch từ 100 – 200 mcg/kg/phút. Tối đa có thể tiêm là 10000 mcg/phút.
- Propofol dùng cùng Opioid để duy trì gây tê kết hợp với gây mê: Tiêm với liều dùng 50 – 150 mcg/kg/phút và tối đa 15000 mcg/phút.
- Trong phẫu thuật thần kinh: Sử dụng liều khởi phát mỗi 10 giây ở mức 20mg và liều duy trì 100 – 200 mcg/kg/phút (tối đa 20000 mcg/phút). Bệnh nhân cần được tiêm liên tục để duy trì gây tê kết hợp với Nitơ Oxit.
- An thần ICU: Tiêm tĩnh mạch 5 – 10 mcg/kg/phút đối với các bệnh nhân đang cần thở máy và chỉ định tiêm thêm 10 – 20 mg khi cần tăng nhanh độ an thần.
- An thần MAC: Liều lượng khởi phát là 100 – 150 mcg/kg/phút tiêm tĩnh mạch nhanh trong vòng 3 – 5 phút. Sau đó tiêm tĩnh mạch chậm liều 0.5mg/kg trong 3 – 5 phút tiếp theo. Duy trì an thần bằng truyền tĩnh mạch 25 – 75 mcg/kg/phút.
Liều dùng Propofol cho trẻ em
Propofol được sử dụng cho trẻ ở độ tuổi từ 3 – 16 tuổi theo liều lượng cụ thể như sau:
- Liều khởi phát: Tiêm tĩnh mạch 2.5 – 3.5 mg/kg trong khoảng 20 – 30 giây.
- Liều duy trì: Tiêm dựa theo thể trọng của trẻ, từ 125 – 300 mcg/kg/phút.
Propofol chỉ được chỉ định dùng để tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân. Thuốc chỉ được phép sử dụng trong phòng mổ và các bệnh viện. Bệnh nhân sẽ mất ý thức rất nhanh chóng sau khi được tiêm Propofol.
Trong quá trình gây mê bằng thuốc này, bác sĩ cần giám sát chặt chẽ các chỉ số sống của bệnh nhân bao gồm nhịp tim, huyết áp, mức Oxy máu, các chức năng gan, thận cũng như các dấu hiệu quan trọng khác.
Chú ý khi sử dụng
Propofol có thể tương tác và làm trầm trọng thêm tác dụng của các loại thuốc khiến bệnh nhân buồn ngủ hoặc làm chậm nhịp thở. Hãy chú ý khi bạn đang sử dụng các loại thuốc ngủ, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm hay động kinh và thông báo với bác sĩ điều trị trước khi được chỉ định.
Thức ăn, chất kích thích như rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với một số loại thuốc nhất định, trong đó có Propofol. Hãy xin ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại thực phẩm này khi sử dụng thuốc này.