Tylenol
Thông tin về thuốc dưới đây dành cho các cán bộ y tế tại hệ thống Vietmec Clinic dùng để tra cứu, sử dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày. Đối với người bệnh, khi sử dụng cần có chỉ định/ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ/ dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Thành phần
- Tên hoạt chất: Acetaminophen.
- Tên biệt dược: Tylenol®.
- Thành phần chính của thuốc là Paracetamol kết hợp cùng một số loại tá dược khác vừa đủ một viên.
Dạng bào chế - biệt dược
Dạng viên nén.
Một số dạng thuốc Tylenol chính gồm có:
- Tylenol® Cold & Flu Severe
Tylenol® Cold & Flu Severe có chứa thành phần gồm paracetamol hàm lượng 325mg/viên, Guaifenesin hàm lượng 200mg/viên và Dextromethorphan HBr với hàm lượng 10mg/viên.
Phenylephrine HCl có hàm lượng 5mg/viên, được đóng gói theo quy cách hộp 24 viên. Thuốc sản xuất tại Mỹ, bào chế dưới dạng viên nén, dùng cho đối tượng là người lớn.
- Tylenol Extra Strength 500mg
Tylenol Extra Strength 500mg có thành phần chính là paracetamol với hàm lượng 500mg/viên bào chế ở dạng viên nén. Thuốc được sử dụng cho đối tượng là trẻ em trên 12 tuổi và người lớn, quy cách đóng gói gồm một lọ gồm 325 viên/hộp. Thuốc được sản xuất bởi công ty MaNeil Consumer Heathcare của Mỹ.
- Tylenol Children’s
Tylenol Children’s là thuốc được bào chế ở dạng hỗn dịch, đóng gói theo quy cách lọ 60ml/lọ, hàm lượng paracetamol là 80mg/2,5ml. Thuốc được sản xuất bởi công ty Janssen, sử dụng cho đối tượng là trẻ em.
- Tylenol 8 hour 650 mg
Tylenol 8 hour 650mg được bào chế dưới dạng viên nén giải phóng kéo dài, với thành phần chính gồm có paracetamol hàm lượng 650mg/viên. Thuốc được thuốc được đóng gói vào hộp, mỗi hộp gồm 5 vỉ, vỉ 10 viên, dùng cho đối tượng là trên 18 tuổi.
Nhóm thuốc - Tác dụng
- Hạ sốt: Cơ chế hạ sốt của paracetamol hoạt động nhờ vào việc tác dụng lên vùng dưới đồi, từ đó giúp hạ nhiệt, làm giãn mạch, giúp cơ thể tăng tỏa nhiệt. Đồng thời tăng lưu lượng máu ngoại biên, mang lại hiệu quả cao trong hỗ trợ cơ thể hạ nhiệt khi bị sốt.
- Giảm đau: Cơ chế giảm đau của paracetamol là nhờ vào việc ức chế enzym cyclooxygenase (COX) của hệ thần kinh, tuy nhiên lại không tác dụng lên COX toàn thân. Enzym này đóng vai trò tổng hợp nên các prostaglandin, trong khi đó các prostaglandin lại là chất quan trọng trong việc hình thành các phản ứng đau. Như vậy thông qua quá trình ức chế COX thuốc có tác dụng giảm đau hiệu quả và nhanh chóng.
- Dextromethorphan HBr: Là thuốc tác dụng lên trung tâm ho ở thần kinh trung ương nên có khả năng giảm ho hiệu quả. Dextromethorphan HBr được sử dụng trong những trường hợp kích thích nhẹ phế quản hoặc trường hợp hít phải một số chất gây kích ứng nhẹ.
- Guaifenesin: Nhờ vào cơ chế làm tăng tiết dịch đường hô hấp, Guaifenesin có khả năng làm giảm độ nhớt của dịch và loãng dịch đờm, hỗ trợ cho việc đẩy đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Thuốc thường được kết hợp cùng với dextromethorphan để vừa làm giảm ho vừa làm long đờm.
- Phenylephrine HCl: Có tác dụng chủ vận đối với a1-adrenergic. Nhờ vào quá trình ức chế enzym adenyl cyclase – enzyme đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất AMP vòng, vì vậy Phenylephrine có tác dụng làm ức chế sản xuất AMP vòng. Đồng thời làm giảm tình trạng xung huyết mũi, gây co mạch tăng huyết áp.
Chỉ định
- Tylenol Cold Flu Severe: Được chỉ định cho đối tượng là người trên 18 tuổi.
- Tylenol 8 hour 650mg: Được chỉ định cho đối tượng là người trên 18 tuổi.
- Tylenol Extra Strength 500mg: Được chỉ định cho đối tượng là người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
- Tylenol Children’s: Được chỉ định cho đối tượng là trẻ nhỏ và dược bào chế ở dạng siro. Dạng bào chế này có vị thơm, dễ uống, ngoài ra nó còn là dạng hỗn dịch nên giúp trẻ dễ nuốt hơn so với những dạng bào chế khác như viên nén hay viên nang.
Chống Chỉ định
Tylenol được chống chỉ định sử dụng đối với các đối tượng có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với các thành phần có trong thuốc. Bên cạnh đó, do có nguy cơ gây độc trên gan nên Tylenol cũng không được khuyến khích dùng cho những người có bệnh lý như: Suy giảm chức năng gan, xơ gan, viêm gan, bệnh về gan do nghiện rượu bia….
Ngoài ra, thuốc còn được chống chỉ định dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, do chưa đủ các dữ liệu an toàn khi sử dụng trên nhóm đối tượng này. Những bệnh nhân thiếu hụt G6PD cũng nằm trong trường hợp tương tự.
Thận trọng
- Người bệnh đang gặp phải các vấn đề thiếu máu, rối loạn tạo máu khi dùng thuốc có thể dẫn đến thiếu máu, khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
- Phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ khi dùng thuốc được cho là tương đối an toàn. Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về cách dùng chính xác và an toàn nhất.
- Phụ nữ cho con bú khi dùng thuốc hiện chưa có báo cáo nào về bất lợi xảy ra, tuy nhiên vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách dùng phù hợp nhất.
- Cần chú ý quan sát một số biểu hiện không mong muốn trên da có thể xảy ra khi dùng thuốc như: Phát ban, phù mạch, phản ứng quá mẫn như phù thành mạch, hội chứng steven Johnson…
- Người bệnh nên đọc kỹ các thành phần thuốc đang sử dụng hoặc hỏi bác sĩ để chắc chắn rằng mình không sử dụng thêm bất cứ loại thuốc nào khác có chứa paracetamol.
Tác dụng không mong muốn
- Hệ thần kinh trung ương: Người bệnh có thể xuất hiện cảm giác đau đầu, chóng mặt, choáng váng hoặc kích động nhẹ sau khi sử dụng thuốc.
- Hệ tiêu hóa: Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc như: Đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa.
- Trên da và mô mềm: Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng dị ứng, nổi phát ban, nổi mề đay, nguyên nhân là do phản ứng với các thành phần của thuốc. Ngoài ra còn có nguy cơ xuất hiện hội chứng lyell, hội chứng steven-Johnson, hoại tử bì nhiễm độc mụn mủ, ban đỏ toàn thân cấp. Tuy nhiên, hầu hết các tác dụng không mong muốn này có tần suất hiếm gặp.
- Trên máu và bạch huyết: Thuốc có khả năng gây rối loạn tạo máu, nên khi xét nghiệm máu một số chỉ số có thể thay đổi như: Giảm số lượng bạch cầu, giảm số lượng bạch cầu trung tính với tần suất ít gặp, gây thiếu máu.
- Khi sử dụng thuốc dài ngày hoặc làm dụng quá liều: Cơ thể có nguy cơ xuất hiện một số tác dụng không mong muốn trên thận như: Suy thận, hoại tử thận, độc tính trên thận.
- Gây độc trên gan: Thông thường khi sử dụng thuốc, các chất sẽ được chuyển hóa qua thông qua con đường sulphate hóa và glucuronide hoá. Ngoài ra, một số ít còn lại chuyển hóa qua enzym cytochrome P450 tạo ra NAPQI- một chất gây độc cho gan.
Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
Đối với các dạng bào chế là viên nén hay viên nén giải phóng kos dài, thuốc được sử dụng cùng một lượng nước vừa đủ. Đối với trẻ em, khi sử dụng dạng uống hỗn dịch nên có các dụng cụ hỗ trợ uống thích hợp cho trẻ. Phụ huynh có thể sử dụng ống đong có chia liều để lấy đúng liều lượng cần dùng hoặc các ống nhỏ giọt, giúp đưa thuốc đường uống dễ dàng hơn nếu trẻ còn quá nhỏ.
Liều dùng:
Cần lưu ý liều sử dụng của paracetamol là không quá 1000mg/lần và không quá 4000ng/ngày, mục đích là để tránh tối đa các tác dụng phụ không đáng có bởi paracetamol. Mặt khác, việc tăng liều lượng cao quá so với liều trần của paracetamol cũng sẽ không mang lại thêm tác dụng điều trị hạ sốt hay giảm đau.
Đối với trẻ nhỏ liều lượng sẽ được tính theo cân nặng, đồng thời không được coi trẻ em là người lớn thu nhỏ. Việc sử dụng thuốc cho các đối tượng này cần chú ý liều dùng sao cho hợp lí, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.
Tham khảo liều lượng được chỉ định đối với từng loại thuốc:
- Tylenol 500 mg Extra Strength: Liều sử dụng được chỉ định là 2 viên/lần, mỗi ngày uống 3 lần và không được ống quá 6 viên. Liều dùng có thể được thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân hay chỉ định của bác sĩ.
- Tylenol 8 hour 650mg: Liều sử dụng được chỉ định là 2 viên/lần, mỗi lần dùng cách 8 tiếng, ngày sử dụng 3 lần. Đặc biệt cần lưu ý không sử dụng quá 6 viên/ngày để tránh gặp phải các nguy cơ quá liều thuốc. Ngoài ra, thuốc còn được khuyến cáo không sử dụng quá 10 ngày. liên tiếp.
- Tylenol Cold Flu Severe: Thuốc được chỉ định sử dụng với liều dùng là 2 viên/ngày, không sử dụng thuốc quá 7 ngày liên tiếp.
Việc lạm dụng hoặc uống quá liều thuốc có thể dẫn tới ngộ độc gan và xuất hiện một số triệu chứng như: Buồn nôn, chán ăn, vã mồ hôi, tăng GOT, GDT, đau hạ sườn phải. Ngoài ra, tỷ lệ prothrombin có thể sụt giảm, gây nên tình trạng hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, hội chứng não gan, thậm chí là tử vong do suy đa tạng.
Chú ý khi sử dụng
Tương tác thuốc:
- Đối với các loại thuốc đông máu coumarin và dẫn chất indandion, khi được kết hợp cùng với paracetamol liều cao trong dài ngày có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông máu của các thuốc nêu trên.
- Đối với Phenothiazin khi sử dụng đồng thời cùng với paracetamol có thể làm tăng nguy cơ gây hạ nhiệt quá mức, nguyên nhân là do cả 2 đều có tác dụng hạ nhiệt cơ thể.
- Paracetamol khi kết hợp với Isoniazid có thể gây tác dụng không mong muốn trên gan như tăng nguy cơ gây độc tính trên gan. Chính vì vậy người bệnh cần chú ý khi sử dụng cùng với paracetamol liều cao.
- Đối với việc uống rượu khi đang sử dụng paracetamol có thể làm tăng nguy cơ gây độc trên gan, do đó chúng ta không nên sử dụng rượu bia khi đang uống thuốc.