Đau Cổ Tay Sau Sinh
Đau cổ tay là triệu chứng mà rất nhiều chị em phụ nữ gặp phải sau khi sinh. Tình trạng này có thể xảy ra do các nguyên nhân như nội tiết tố thay đổi, vận động sai tư thế, do chấn thương, do bệnh lý,... Ở trường hợp này, chỉ em có thể cải thiện bằng các mẹo giảm đau đơn giản tại nhà và tiến hành thăm khám chuyên khoa khi cần thiết.
Mức độ và thời gian đau nhức ở cổ tay sẽ có sự khác nhau ở từng trường hợp, phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Một số triệu chứng mà bạn có thể gặp phải là:
- Đau nhức âm ỉ hoặc đau mỏi tại khớp cổ tay. Theo thời gian, mức độ đau sẽ tăng lên với tính chất châm chích, đau nhức hoặc đau buốt.
- Cơn đau thường khởi phát khi thực hiện một số vận động như bế con, giặt quần áo, lau nhà,...
- Tần suất xuất hiện cơn đau nhức sẽ tăng lên theo thời gian.
- Đau nhức kèm theo cứng khớp khiến cho việc cử động cổ tay gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Nhiều trường hợp còn bị sưng và nóng đỏ tại khớp cổ tay.
Định nghĩa
Theo thống kê y tế, có khoảng 60% phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai hoặc sau sinh bị đau cổ tay. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần và việc chăm sóc con nhỏ của mẹ. Nếu cơn đau xảy ra do các nguyên nhân thông thường thì mẹ không cần quá lo lắng, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất sau đó. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về xương khớp khác.
Nguyên nhân
Dưới đây là các nguyên nhân gây đau cổ tay sau sinh thường gặp bạn có thể tham khảo:
- Nội tiết tố thay đổi: Sau khi sinh, nồng độ nội tiết tố trong cơ thể của phụ nữ sẽ có sự thay đổi lớn, điều này đã khiến cho hệ xương khớp trở nên yếu dần. Nếu chị em phải hoạt động thường xuyên hoặc sống trong thời tiết lạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơn đau nhức ở khớp cổ tay khởi phát.
- Vận động sai tư thế: Vừa phải bế con vừa phải làm các công việc nhà hàng ngày sau khi sinh sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến khớp cổ tay. Do lúc này hệ xương khớp của mẹ còn rất yếu, nếu cử động tay liên tục như vậy sẽ rất dễ gây ra triệu chứng đau mỏi và đau nhức.
- Chấn thương: Khi tham gia các hoạt động sống hàng ngày, nếu bạn bị té ngã hoặc va đập cổ tay mạnh sẽ dẫn đến chấn thương. Dựa vào mức độ tổn thương tại cổ tay mà cơn đau nhức sẽ xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc nặng.
- Bệnh lý về xương khớp: Một số bệnh lý gây đau cổ tay sau sinh có thể kể đến là viêm khớp, thoái hóa khớp, hội chứng ống cổ tay, hội chứng DE Quervain,... Ở trường hợp này, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh phát sinh biến chứng.
- Thiếu dưỡng chất: Sau khi sinh, mẹ bỉm cần hàm lượng dưỡng chất rất cao để phục hồi cơ thể và nuôi con bằng sữa. Nếu chế độ ăn uống của mẹ không cung cấp đủ các thành phần dưỡng chất cần thiết như canxi, vitamin D, vitamin B,... sẽ gây ảnh hưởng đến xương khớp và dây thần kinh ngoại vi. Điều này đã tạo cơ hội cho triệu chứng đau nhức cổ tay khởi phát.
Chăm sóc tại nhà
Sau khi sinh, cơ thể của chị em đang còn rất yếu, các cơ quan nội tạng còn chưa phục hồi hoàn toàn. Đồng thời, trong giai đoạn này mẹ còn phải nuôi con bú bằng sữa nên việc sử dụng thuốc trị bệnh cần được hạn chế tối đa. Chỉ những trường hợp bị đau nhức dữ dội kéo dài mới có thể dùng thuốc. Tuy nhiên, việc dùng thuốc trị bệnh cũng cần phải cẩn thận và tuyệt đối tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu cơn đau chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể cải thiện bằng các mẹo đơn giản và an toàn sau đây:
Nghỉ ngơi
Với những người có tính chất công việc phải hoạt động khớp cổ tay nhiều, mẹ cần phải xây dựng lại chế độ làm việc sao cho phù hợp. Tránh làm việc liên tục trong nhiều giờ liền. Thay vào đó, hãy bỏ ra một ít thời gian sau mỗi tiếng làm việc để nghỉ ngơi hoặc massage tay giúp cổ tay được thư giãn.
Lúc này, mẹ hãy nhờ người thân bế con để cổ tay có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi hoàn toàn. Đồng thời, mẹ cũng không nên sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều để tránh gây viêm sợi gân cổ tay và khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Chườm nóng, chườm lạnh
Khi cơn đau nhức khởi phát, mẹ bỉm cũng có thể tiến hành chườm nóng hoặc chườm lạnh để cải thiện triệu chứng đau nhức. Dựa vào nguyên nhân cũng như triệu chứng đang mắc phải mà bạn hãy lựa chọn phương pháp chườm cho phù hợp. Không áp dụng phương pháp chườm nóng khi cổ tay đang bị sưng viêm. Chú ý, sau khi sinh bạn nên kiêng cử cẩn thận và tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh.
Nẹp cổ tay
Sử dụng nẹp cổ tay có tác dụng hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng sưng gân khá tốt và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Chỉ sau 1 tuần sử dụng nẹp, tình trạng đau nhức ở cổ tay sẽ được cải thiện đáng kể.
Khi dùng nẹp, hoạt động của cổ tay sẽ bị hạn chế rất nhiều. Lúc này, mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc chăm sóc bé cũng như thực hiện các công việc hàng ngày. Tuy nhiên, mẹ cần phải kiên nhẫn dùng nẹp cho đến khi cơn đau thuyên giảm hoàn toàn.
Châm cứu, bấm huyệt
Đây là phương pháp điều trị bệnh có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Cơ chế điều trị bệnh của việc châm cứu bấm huyệt là tác động vào huyệt đạo trên cơ thể giúp đả thông kinh mạch và đẩy lùi triệu chứng đau nhức. Tuy nhiên, châm cứu bấm huyệt điều trị bệnh cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Thay đổi hoạt động cổ tay
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, mẹ cần điều chỉnh lại các hoạt động ở cổ tay cho phù hợp. Tốt nhất, bạn nên hạn chế thực hiện các hoạt động ở khớp cổ tay. Tuyệt đối không bế con quá lâu hoặc bê đồ nặng. Khi bế con cũng tránh dồn lực lên cổ tay, tránh để cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Nếu cảm thấy khó chịu khi xoay cổ tay bế con, bạn nên thay đổi tư thế bé trẻ để tránh gây kích ứng đến cổ tay. Thay vì bế trẻ dưới cánh tay, mẹ hãy cố gắng nhấc trẻ bằng cách đỡ lòng bàn tay dưới mông trẻ. Ở cách bế con này, phần gân cổ tay không phải chịu áp lực quá nhiều nên sẽ hạn chế khởi phát cơn đau.
Dùng thảo dược tự nhiên
Tận dụng các loại thảo dược trong tự nhiên để cải thiện triệu chứng đau nhức cổ tay được rất nhiều mẹ bỉm ưu tiên áp dụng tại nhà do có hiệu quả tốt và an toàn đối với sức khỏe. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:
- Lá lốt: Rửa sạch 10 gram lá lốt, đem đun sôi với 500ml nước cùng một ít muối hạt. Sau đó, đổ ra chậu để cho nguội bớt rồi tiến hành ngâm tay cho đến khi nước nguội hoàn toàn rồi thực hiện xoa bóp tay nhẹ nhàng.
- Gừng tươi: Gừng sau khi mua về đem đi rửa sạch rồi để cho ráo nước. Dùng vật nặng đập dập gừng rồi cho vào lọ thủy tinh ngâm cùng với một ít rượu trắng trong khoảng 2 ngày là được. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, lấy một ít rượu gừng để xoa bóp cổ tay.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Nếu bị đau nhức cổ tay sau khi sinh, mẹ nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày sao cho phù hợp. Lúc này, mẹ nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu dưỡng chất vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày, đặc biệt là canxi và vitamin D. Cách này có tác dụng tăng mật độ xương, làm xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương. Điều này cũng có tác động rất tích cực đến quá trình điều trị bệnh đau cổ tay sau sinh.