Đau Lòng Bàn Chân

Cơ bản

Đau lòng bàn chân là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý như đau dây thần kinh tọa, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường,... Khi cơn đau diễn ra kéo dài, bạn không được chủ quan trong việc thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân. Nếu bị đau lòng bàn chân do bệnh lý, việc chậm trễ trong điều trị sẽ phát sinh ra nhiều biến chứng không mong muốn.

Nguyên nhân

Lòng bàn chân người được cấu tạo từ nhiều xương, khớp, dây chằng, gân và cơ. Các bộ phận này kết nối chặt chẽ với nhau để thực hiện chức năng cân bằng trọng lượng cơ thể, hấp thụ lực khi bước đi, giúp cơ thể đứng thẳng để thực hiện các hoạt động sống hàng ngày.

Do lòng bàn chân có cấu trúc phức tạp và phải chịu áp lực lớn từ cơ thể nên rất dễ bị tổn thương và gây ra triệu chứng đau nhức. Đau lòng bàn chân có thể ảnh hưởng đến chất bất kỳ cấu trúc nào của bàn chân. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau nhói ở lòng bàn chân bạn có thể tham khảo:

  • Tuổi tác: Đau lòng bàn chân xảy ra khá phổ biến ở những người trong độ tuổi 40 - 60 do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa của xương khớp.
  • Tính chất công việc: Đau lòng bàn chân rất dễ khởi phát ở những người phải thường xuyên thực hiện các động tác gây sức căng lên gót chân như vận động viên aerobic, nhảy xa, múa ba lê, chạy bộ đường dài,...
  • Sử dụng dày dép không phù hợp: Mang giày quá cao hay quá chật đều gây kích thích đến lòng bàn chân và hình thành nên triệu chứng đau nhức. Nếu bạn mang giày cao gót thường xuyên còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp và viêm cân gan bàn chân.
  • Chấn thương: Căng cơ, bong gân hay gãy xương đều là những chấn thương xảy ra khá phổ biến và gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của bàn chân. Khi bị chấn thương, ngoài đau nhức bạn còn có thêm một số triệu chứng đi kèm khác như sưng, bầm tím da, yếu chi,...
  • Béo phì: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau lòng bàn chân thường gặp. Bàn chân là nơi phải chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Khi bị béo phì, lòng bàn chân phải chịu áp lực rất lớn và kích thích phản ứng viêm đau xảy ra.
  • Cấu tạo bàn chân: Cấu tạo bàn chân bất thường cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lòng bàn chân. Chuyên gia cho biết, tình trạng này rất dễ khởi phát ở những người có cấu tạo bàn chân phẳng, vòm chân không có độ cong hoặc bàn chân sấp vào bên trong quá mức.

Chăm sóc tại nhà

Khi cơn đau diễn ra với mức độ nhẹ, bạn không nên lạm dụng thuốc giảm đau trong Tây y để tránh gây hại đến sức khỏe. Thay vào đó, bạn hãy ưu tiên áp dụng các mẹo giảm đau khác an toàn hơn. Ví dụ như:

  • Hạn chế thực hiện các vận động ở chân giúp chân được nghỉ ngơi. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng ghế massage giúp chân được thư giãn. Khi nằm nghỉ, nên kê chân cao hơn tim để quá trình tuần hoàn máu về tim diễn ra tốt hơn.
  • Khi cơn đau khởi phát hãy tiến hành chườm lạnh để cải thiện. Lúc này, bạn chỉ cần dùng khăn bông hoặc túi vải chứa đầy đá lạnh áp lên lòng bàn chân trong khoảng 15 phút là được.
  • Sử dụng nẹp cố định chân để ổn định cấu trúc khớp và hạn chế các vận động không mong muốn. Cách này có tác dụng giảm đau, ngăn ngừa tổn thương tiếp tục chuyển biến nặng và hỗ trợ phục hồi.
  • Mang giày dép có kích cỡ vừa chân, làm bằng chất liệu mềm và có khả năng thấm hút mồ hôi. Nếu có tính chất công việc phải mang giày cao gót, bạn nên mang theo một đôi dép êm ái để thay khi nghỉ ngơi giúp đôi chân được thư giãn.
  • Tập một số bộ môn thể dục nhẹ nhàng và ít gây áp lực lên đôi chân giúp quá trình điều trị bệnh nhanh chóng mang lại hiệu quả. Tốt nhất, bạn nên đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn thực hiện các bài tập kéo giãn chân.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu cơn đau lòng bàn chân chỉ xuất hiện thoáng qua thì bạn không cần phải điều trị y tế. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra kéo dài liên tục trong nhiều ngày liền và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân. Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu rơi vào những trường hợp sau đây:

  • Cơn đau tái phát nhiều lần với mức độ ngày càng nặng
  • Triệu trứng đau nhức không thuyên giảm sau 2 tuần điều trị tại nhà
  • Đau nhức lòng bàn chân kèm theo ngứa ran, tê bì,...
  • Có thêm một số triệu chứng toàn thân như buồn nôn, chóng mặt, sốt,...
  • Cơn đau nhức diễn ra nghiêm trọng sau khi lòng bàn chân bị chấn thương

Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Dựa vào kết quả thu được, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách điều trị cũng như chăm sóc sao cho phù hợp.

Câu hỏi thường gặp

Đau lòng bàn chân nguy hiểm không?

Ngoài các nguyên nhân thường gặp ở trên, đau lòng bàn chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh phát sinh biến chứng. Một số bệnh lý gây đau lòng bàn chân thường gặp có thể kể đến là:

+ Viêm cân gan chân: Cân gan chân là dây chằng lớn chạy dọc từ gót chân đến các ụ ngón chân, có chức năng duy trì cấu trúc vòm của gan bàn chân. Viêm cân gan bàn chân khởi phát khi bạn bị hoạt động chân quá mức khiến chúng bị tổn thương và gây ra triệu chứng đau nhức. Lúc này, bạn sẽ có triệu chứng đau nhói ở gan bàn chân hoặc gần gót chân. Vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, bạn sẽ cảm nhận cơn đau khá rõ.

+ Hội chứng ống cổ chân: Bệnh khởi phát khi thần kinh chày chi phối hoạt động của bàn chân bị chèn ép quá mức. Lúc này, dây thần kinh sẽ bị kích thích và gây ra triệu chứng đau nhức hoặc ngứa ran ở lòng bàn chân.

+ Đau thần kinh tọa: Đau dây thần kinh tọa thường khởi phát khi bệnh thoát vị đĩa đệm không được phát hiện và điều trị đúng cách. Lúc này, đĩa đệm thoát vị ra ngoài sẽ chèn ép quá mức lên rễ thần kinh và gây ra triệu chứng đau nhức lan rộng theo đường đi của dây thần kinh. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau ở hông, mông, bắp chân, bàn chân và lòng bàn chân.

+ Bệnh Gout: Bệnh lý này khởi phát khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, tích tụ tại khớp dưới dạng tinh thể muối và kích thích phản ứng viêm xảy ra. Ngón chân cái là vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra triệu chứng đau nhức ở lòng bàn chân khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động.

+ Tiểu đường: Bệnh tiểu đường khi chuyển biến nặng sẽ gây ảnh hưởng đến thần kinh ngoại vi ở bàn chân. Lúc này, cảm giác của bàn chân sẽ suy giảm đáng kể. Việc điều chỉnh tư thế bàn chân khi đứng đối với người bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra, bệnh còn gây biến đổi cơ, da và khớp ở những khu vực phải chịu áp lực nhiều.

+ Viêm khớp dạng thấp: Đau lòng bàn chân là triệu chứng thường gặp ở những người trung niên bị viêm khớp dạng thấp. Bệnh lý này đã khiến cho xương khớp dần suy yếu và mất đi chức năng vốn có. Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý nguy hiểm, cần được kiểm soát tốt để tránh bị tàn phế.

Điều trị

Nếu cơn đau vẫn không thuyên giảm sau khi áp dụng các mẹo ở trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị. Thuốc Tây y sẽ giúp kiểm soát nhanh chóng triệu chứng đau nhức khó chịu do bệnh gây ra. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến là:

  • Thuốc giảm đau thông thường
  • Thuốc chống viêm không steroid
  • Thuốc giảm đau gây nghiện
  • Tiêm Cortison

Với những trường hợp bị đau lòng bàn chân do gãy xương hoặc chèn ép dây thần kinh nhưng thất bại khi điều trị bảo tồn, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định thực hiện phẫu thuật. Mục đích của việc phẫu thuật là giải quyết nguyên nhân gây đau nhức, mang lại hiệu quả điều trị dứt điểm.

Phòng ngừa

Như được nhắc đến ở trên, đau lòng bàn chân có thể xảy ra do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau. Dựa vào các nguyên nhân gây ra bệnh, bạn hãy chủ động đưa ra biện pháp phòng ngừa sao cho phù hợp. Cụ thể là:

  • Cần tránh các hoạt động gây ảnh hưởng không tốt đến lòng bàn chân như chạy nhảy nhiều, vận động quá sức, đi lại ở những nơi có địa hình cứng hoặc hiểm trở. Sử dụng dày dép đúng mục đích và có kích cỡ phù hợp với đôi chân. Không nên mang giày quá chật hay lạm dụng giày cao gót.
  • Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt của bàn chân. Khi chơi thể thao hoặc tập luyện, nên sử dụng thêm thiết bị hỗ trợ để tránh bị chấn thương bàn chân.
  • Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống giúp duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh. Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, tránh để trọng lượng cơ thể tạo áp lực quá mức lên lòng bàn chân.
  • Thư giãn đôi chân sau một ngày dài làm việc bằng cách bấm huyệt, ngâm chân trong nước muối gừng hoặc sử dụng thiết bị massage chân.

Đau lòng bàn chân là tình trạng mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Bàn chân là cơ quan phải chịu áp lực rất lớn khi chúng ta thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Nếu không có biện pháp chăm sóc đúng cách sẽ gây kích thích không tốt đến lòng bàn chân và khởi phát triệu chứng đau nhức. Nếu cơn đau nhức diễn ra ở mức độ nặng, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android