Gù Cổ
Gù cổ xảy ra khi vùng cột sống cổ xuất hiện đường cong bất thường khiến cổ bị cúi gập về phía trước. Nếu bạn chủ quan trong việc điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến hàng loạt các cơ quan xung quanh như cơ, dây chằng, gân,... Lâu dần sẽ gây ra triệu chứng đau nhức dữ dội cùng nhiều vấn đề về xương khớp khác. Để hiểu rõ hơn về chứng gù cổ thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Gù cổ là hiện tượng các đốt sống cổ bị cong về phía trước quá mức. Tình trạng này thường xảy ra do chấn thương cổ hoặc căng thẳng cổ lặp lại nhiều lần. Cúi gập đầu về phía trước khi nhìn điện thoại hoặc máy tính kéo dài là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng gù cổ. Hiện tại, chứng gù cổ đang xảy ra ngày càng phổ biến do thói quen sinh hoạt sai tư thế của giới trẻ hiện nay.
Chuyên gia cho biết, hầu hết các trường hợp gù cổ đều chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ, có thể cải thiện bằng cách thay đổi tư thế sinh hoạt hàng ngày hoặc tiến hành tập luyện theo hướng dẫn của chuyên gia trị liệu. Nhưng nếu bạn chủ quan trong việc điều trị, triệu chứng của bệnh gù cổ sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn và làm gia tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
Các biến chứng đó có thể là mất đường cong sinh lý bình thường của cột sống, lệch cột sống, viêm khớp sớm, tổn thương dây thần kinh và cơ, gây ra các vấn đề về dạ dày và ruột,... Vì thế, ngay khi có các dấu hiệu của chứng gù cổ, bạn cần lên kế hoạch điều trị cho phù hợp.
Nguyên nhân
Chuyên gia cho biết, tình trạng gù cổ có thể xảy ra do tác động từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc nắm rõ nguyên nhân gây ra bệnh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị và phòng ngừa. Dưới đây là một số nguyên nhân gây gù cổ thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
+ Trọng lượng đầu: Tình trạng gù cổ thường xảy ra do căng thẳng lặp đi lặp lại nhiều lần ở vùng cột sống cổ như sử dụng cổ quá mức, cúi đầu sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài, không cử động cổ,... Khi ở vị trí cân bằng, phần đầu sẽ tác động lên cổ với lực chỉ khoảng 3 - 5 kg. Nhưng nếu bạn cúi đầu về phía trước hoặc để đầu hướng xuống một góc 45 - 60 độ, phần đầu sẽ tác động lên cổ với lực từ 20 - 27kg. Nếu bạn duy trì thói quen này trong thời gian dài sẽ khiến cột sống sống cổ dần cong về phía trước và gây ra tình trạng gù cột sống cổ.
+ Thoái hóa đĩa đệm: Thoái hóa đĩa đệm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng gù cổ mà bạn cần lưu ý. Thoái hóa đĩa đệm xảy ra khi cột sống bị bào mòn. Lúc này, đĩa đệm sẽ dần mỏng đi và xẹp xuống, khiến đầu bị nghiêng hoặc cong về phía trước. Thoái hóa đĩa đệm khiến chức năng nâng đỡ đầu của đĩa đệm bị suy yếu, điều này đã khiến cho phần đầu không thể giữ ở vị trí cân bằng. Lúc này, cột sống cổ sẽ dần nghiêng về phía trước và gây ra tình trạng gù cổ. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ dần tiến triển nặng theo thời gian.
+ Thoái hóa đốt sống cổ: Thoái hóa đốt sống cổ khởi phát khi đĩa đệm bị bào mòn theo thời gian và dần mất đi chức năng vốn có. Khi người bệnh cử động cột sống cổ, cho các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau, kích thích phản ứng viêm xảy ra và gây đau nhức. Nếu không điều trị sẽ làm gia tăng nguy cơ bị gãy xẹp đốt sống. Khi tình trạng gãy xẹp đốt sống xảy ra sẽ khiến cột sống nghiêng về phía trước và cong cổ. Lâu dần sẽ biến chứng sang viêm khớp hoặc thoát vị đĩa đệm.
+ Chấn thương: Nếu vùng cột sống cổ bị chấn thương ở mức độ nghiêm trọng sẽ gây ra tình trạng gãy nén đốt sống hoặc trật đốt sống. Nếu không tiến hành xử lý đúng cách, cột sống sẽ dần biến dạng và gây ra tình trạng gù cổ. Chấn thương vùng cổ có thể xảy ra khi bạn chơi thể thao, ngã từ trên cao xuống, tai nạn giao thông,...
+ Rối loạn bẩm sinh: Tình trạng gù cổ cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số rối loạn bẩm sinh như vẹo cột sống cổ bẩm sinh,... Gù cổ khởi phát ở trẻ sơ sinh thường là do dị tật bẩm sinh. Tình trạng này xảy ra khi cột sống phát triển bất thường hoặc không hình thành hoàn toàn ở giai đoạn bào thai. Khi lớn lên, các đốt sống cổ sẽ xếp chồng lên nhau và khiến cột sống cổ có đường cong không tự nhiên. Quan sát bên ngoài bạn sẽ thấy vùng cổ bị cong gù về phía trước.
+ Nguyên nhân khác: Tình trạng gù cổ cũng có thể xảy ra do một số vấn đề khác tại cột sống như lao cột sống, viêm tủy xương,... Tuy nhiên, đây là nguyên nhân gây gù cổ khá hiếm gặp và cần được điều trị đúng cách để tránh phát sinh biến chứng.
Chăm sóc tại nhà
Khi bị gù cổ, người bệnh nên cải thiện bằng cách duy trì tư thế tốt và tập luyện các bài tập kéo căng giúp tăng cường sức mạnh cơ cổ. Đồng thời, hạn chế các thói quen xấu khi sử dụng thiết bị điện tử làm gia tăng nguy cơ bị gù cổ. Dưới đây là các cách điều trị chứng gù cổ mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Điều chỉnh tư thế
Để cải thiện chứng gù cổ, điều mà bạn cần làm là điều chỉnh lại tư thế hoạt động hàng ngày. Một số điều mà bạn cần phải lưu ý khi sử dụng thiết bị điện tử là:
- Nâng điện thoại lên cao ngang tầm mắt khi sử dụng, tránh để đầu bị nghiêng về phía trước quá mức. Nên sử dụng thiết bị điện tử với thời gian phù hợp, không nên quá lạm dụng.
- Tránh thực hiện các tư thế khiến đầu phải cúi về phía trước. Luôn đứng thẳng người, đưa cằm ra phía trước và kéo vai về phía sau. Khi di chuyển luôn giữ cho phần cổ, đầu và lưng thẳng đứng.
- Tập luyện đều đặn mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe cơ lưng và cơ cổ. Điều này sẽ làm tăng khả năng chịu đựng của vùng cột sống cổ, giúp cột sống luôn duy trì ở tư thế bình thường.
Kéo giãn cổ
Thực hiện các bài tập kéo giãn cổ cũng là một trong những phương pháp giúp cải thiện triệu chứng đau nhức do gù cổ gây ra và giúp người bệnh điều chỉnh lại tư thế. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách tập luyện bạn có thể tham khảo:
+ Bài tập căng góc
- Đứng quay mặt vào vùng góc tường và cách góc tường khoảng 2 bước chân.
- Dang hai chân rộng bằng vai, hai cẳng tay đặt ở hai bên góc tường. Chú ý, giữ cho khuỷu tay thấp hơn vai một chút.
- Từ từ ngã người về tường hết mức có thể. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy căng tức ở vùng ngực và vai nhưng không có cảm giác đau.
- Giữ yên tư thế này trong khoảng 30 giây rồi thả lỏng, thực hiện lặp lại động tác này từ 3 - 5 lần/ngày là được.
+ Bài tập tăng cơ cổ
- Nâng khuỷu tay phải cao hơn so với vai rồi đặt bàn tay vào cạnh cổ.
- Từ từ xoay đầu về phía bên phải rồi kéo cằm về sát cổ giúp kéo căng mặt sau của cơ cổ.
- Sau đó, đưa tay trái lên trên đầu rồi dùng lực kéo đầu về phía trước giúp làm tăng độ căng.
- Giữ yên như vậy trong khoảng 30 giây rồi thả lỏng, thực hiện tương tự với bên vai còn lại.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng đặc trưng nhất của chứng gù cổ là gây đau nhức ở vùng cổ. Gù cổ khiến cột sống cổ bị cong quá mức và gây áp lực lớn lên vùng cột sống, điều này đã kích thích phản ứng viêm đau xảy ra. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết chứng gù cổ mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
- Bị đau nhức ở vùng cổ, lưng trên hoặc vai. Cơn đau thường khởi phát ở một vị trí nhất định với tính chất đau nhói, đau nhức hoặc đau dữ dội. Ở một số trường hợp, cơn đau sẽ phát triển lan rộng đến các cơ quan xung quanh như gáy và vai trên. Khi người bệnh cúi gập cổ thì cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Gù cổ khiến đầu bị kéo về phía trước gây mất cân bằng tư thế. Lúc này, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì các tư thế tốt và làm giảm khả năng vận động. Quan sát bên ngoài sẽ thấy người bị gù cổ có tư thế vai tròn và hơi chùng người về phía trước.
- Khi cơ cổ bị co thắt sẽ gây ra triệu chứng đau nhức ở vùng cổ, đôi khi là đau lan rộng lên vùng đầu. Nếu người bệnh sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ làm gia tăng nguy cơ bị đau đầu và mỏi mắt.
Ngoài các triệu chứng thường gặp ở trên, tình trạng cổ gù cũng có thể gây ra một số triệu chứng ít gặp sau đây:
- Khởi phát bệnh rễ tủy cổ với triệu chứng đặc trưng là đau đớn như điện giật, tê yếu khắp vùng vai và tay. Bệnh lý này khởi phát khi rễ thần kinh ở vùng cổ bị kích thích hoặc đè nén quá mức.
- Gù cổ xảy ra khi đốt sống cổ bị lệch khỏi vị trí ban đầu. Điều này cũng có thể kích thích khởi phát triệu chứng đau hàm hoặc đau khớp thái dương hàm.
- Nếu tình trạng gù cổ diễn ra trong thời gian dài sẽ gây mất cân bằng cơ, khả năng kiểm soát tư thế ở cổ và thân cũng bị thay đổi.
Điều trị
Nếu triệu chứng đau nhức không cải thiện sau khi điều chỉnh lại tư thế vận động, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám để được hướng dẫn chăm sóc y tế. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng các loại thuốc có tác dụng giảm đau để cải thiện triệu chứng đau nhức. Thường dùng là thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ,... Ngoài việc dùng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng thêm một số mẹo giảm đau đơn giản khác như chườm lạnh, laser lạnh, xoa bóp,...
Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Mục đích của việc tập vật lý trị liệu là cải thiện tư thế và hạn chế các chấn thương không mong muốn khác. Người bệnh cũng có thể đeo nẹp cổ để ổn định vùng cổ và mang lại hiệu quả giảm đau. Nếu tình trạng gù cổ xảy ra ở mức độ nghiêm trọng và chèn ép lên dây thần kinh, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán thêm và yêu cầu điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về chứng gù cổ bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Gù cổ là vấn đề về cột sống không quá nghiêm trọng, có thể cải thiện bằng các mẹo đơn giản tại nhà. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra với mức độ nghiêm trọng kèm theo triệu chứng bất thường, bạn không được chủ quan trong việc điều trị chuyên khoa để tránh phát sinh biến chứng không mong muốn.