Khô Khớp
Khô khớp là tình trạng đau cứng bất thường xảy ra ở một hay nhiều khớp xương do thiếu dịch nhầy bôi trơn. Phẫu thuật ít khi được chỉ định. Người bệnh chủ yếu được điều trị bằng các phương pháp nội khoa như tiêm Acid hyaluronic, dùng thuốc bác sĩ kê đơn kết hợp với vật lý trị liệu.
Định nghĩa
Khô khớp là hiện tượng khớp bị đau cứng và phát ra tiếng kêu lục cục do ít dịch khớp hoặc chất nhầy bôi trơn ổ khớp hoàn toàn không được tiết ra. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hay nhiều khớp cùng lúc, nhất là các khớp lớn thường xuyên vận động. Tùy theo vị trí bị ảnh hưởng mà bệnh được chia thành các loại như khô khớp háng, khô khớp gối, khô khớp vai...
Bệnh khô khớp có thể xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt là người già, các vận động viên thể thao, ít hoạt động thể chất hoặc dư thừa cân nặng. Dịch khớp bị thiếu làm các đầu xương không được bôi trơn đầy đủ, từ đó làm tăng lực ma sát giữa các đầu xương trong khớp khi vận động khiến người bệnh bị đau cứng khớp, hoạt động khó khăn. Thêm vào đó, khớp giảm tiết dịch còn khiến cho lớp sụn không được nuôi dưỡng tốt nên ngày càng bị ăn mòn, sần sùi, thô ráp, thậm chí là bong tróc dẫn đến biến dạng khớp, tàn phế suốt đời.
Nguyên nhân
Bệnh khô khớp thường khởi phát từ các tổn thương ở sụn khớp, tổn thương ở các đầu xương dưới sụn hoặc khớp giảm tiết dịch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như:
Chấn thương sụn
Lớp sụn trong các khớp có chức năng giảm xóc và bảo vệ các đầu xương khỏi sự ma sát khi vận động. Sau tuổi trưởng thành, các tế bào sụn mới sẽ không được tiếp tục sản sinh và tái tạo nên nếu sụn bị tổn thương sẽ không có các mô mới để bù đắp, sửa chữa.
Bạn có thể bị tổn thương sụn do nhiều nguyên nhân như: Vận động không đúng tư thế, tai nạn lao động, té ngã, tai nạn xe cộ hoặc chơi thể thao quá sức. Tình trạng chấn thương sụn có thể ảnh hưởng đến chức năng tiết dịch khớp, khiến khớp bị khô dần, sưng, đau và không thể hoạt động bình thường.
Viêm khớp
Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khô khớp. Có 3 loại viêm khớp thường gây đau cứng khớp và khiến khớp bị khô. Bao gồm:
- Thoái hóa khớp: Bệnh còn được gọi là viêm xương khớp, xảy ra do thoái hóa sụn. Khi bị thoái hóa khớp, lớp sụn bị hao mòn khiến hai đầu xương bị cọ xát mạnh với nhau khi hoạt động. Điều này không chỉ gây đau đớn cho người bệnh mà còn kích hoạt phản ứng viêm tại khớp, khiến khớp bị sưng viêm, nóng đỏ, giảm tiết dịch. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những người trong độ tuổi từ 5 trở lên.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một dạng viêm khớp mãn tính do hệ miễn dịch tự tấn công vào các mô khỏe mạnh ở khớp. Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp đối xứng và có thể gây viêm màng hoạt dịch dẫn dẫn đến sưng đau khớp, cứng khớp.
- Viêm khớp sau chấn thương: Tình trạng viêm khớp có thể phát triển sau khi gặp chấn thương, đặc biệt là tình trạng rách sụn hay đứt dây chằng. Ngoài tình trạng khô khớp, bệnh nhân bị viêm khớp sau chấn thương còn có các triệu chứng như sưng khớp, đau khớp, có cảm giác yếu sức và vận động kém linh hoạt.
Chấn thương dây chằng
Dây chằng được tạo thành từ nhiều mô liên kết sợi cứng. Bộ phận này có nhiệm vụ nối các xương trong và quanh khớp với nhau, giúp khớp không bị lỏng lẻo khi vận động.
Tình trạng chấn thương ở dây chằng có thể xảy ra do hoạt động mạnh hoặc sử dụng khớp quá mức. Lúc này, dây chằng có thể bị đứt, rách dẫn đến xuất huyết nội, khô khớp, sưng đau khớp, khớp lỏng lẻo và hoạt động kém ổn định.
Xơ khớp:
Đây là sự hình thành của các mô sẹo xơ cứng sau khi khớp bị tổn thương hoặc sau khi làm phẫu thuật. Ngoài triệu chứng khô khớp, bệnh còn gây sưng đau, nóng ấm quanh khớp hoặc không thể duỗi thẳng khớp bình thường.
Vận động sai tư thế:
Tư thế sinh hoạt không đúng, thường xuyên khuân vác, làm việc nặng nhọc quá sức có thể gây tổn thương, hao mòn khớp và khiến khớp bị khô dần.
Tuổi tác:
Theo sự gia tăng của tuổi tác, xương khớp sẽ ngày càng bị thoái hóa, hao mòn sụn khiến cho dịch khớp được sản sinh ít dần và không đủ để bôi trơn khớp.
Chăm sóc tại nhà
Nhiều mẹo tự nhiên có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của khô khớp ở giai đoạn nhẹ. Người bệnh có thể tham khảo một số cách dưới đây:
- Chườm lạnh: Dùng 1 túi đá lạnh chườm lên khớp khoảng 15 phút có thể giúp giảm sưng đau, nóng đỏ khớp. Phương pháp này thích hợp với những người mới bị chấn thương hoặc viêm khớp cấp. Mỗi ngày, người bệnh có thể chườm lạnh 3 - 4 lần để giảm sưng đau khớp. Khoảng cách giữa 2 lần chườm gần nhau tối thiểu là 2 giờ.
- Chườm nóng hoặc tắm nước ấm: Các phương pháp này có tác dụng làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến nuôi dưỡng khớp bị bệnh, cải thiện chức năng sản xuất dịch khớp. Ngoài ra, chườm nóng hay tắm nước ấm còn giúp giảm hiện tượng co cơ, cứng khớp, làm thư giãn thần kinh và giúp các khớp vận động trơn tru, linh hoạt.
- Tập thể dục: Các hoạt động rèn luyện thể chất vừa sức không chỉ giúp nâng cao khả năng miễn dịch mà còn ổn định lưu thông máu đến các khớp, giảm đau, giải tỏa căng thẳng và cải thiện phạm vi chuyển động của khớp. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên lựa chọn các bộ môn vận động phù hợp với sức khỏe. Không cố gắng tập luyện với cường độ cao gây tổn thương và khô khớp nghiêm trọng hơn.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một số thực phẩm có tác dụng làm tăng tiết dịch khớp tự nhiên. Người bệnh nên thường xuyên ăn các loại cá béo, dầu cá, dầu ô liu, quả mọng hay ngũ cốc để cải thiện tình trạng khô khớp.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Tình trạng khô khớp kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chức năng vận động mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, bạn nên tới bệnh viện khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay:
- Sưng đau khớp kéo dài.
- Biến dạng khớp.
- Các cơ teo dần.
- Không thể vận động bình thường hoặc mất khả năng cử động khớp.
Câu hỏi thường gặp
Khô khớp có nguy hiểm không?
Ở mức độ nặng, bệnh khô khớp có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Teo cơ
- Thoái hóa khớp, viêm khớp tiến triển
- Liệt khớp, liệt các chi
- Tàn phế, mất khả năng vận động.
Để phòng ngừa những rủi ro trên, người bệnh nên sớm thăm khám và xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, đồng thời tích cực điều trị khô khớp theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm kiểm soát tốt bệnh.
Đối tượng bị bệnh
Bạn sẽ có nguy cơ bị khô khớp cao hơn nếu nằm trong nhóm đối tượng dưới đây:
- Người trên 60 tuổi.
- Đối tượng có thói quen thường xuyên hút thuốc lá và uống bia rượu.
- Béo phì.
- Ít vận động.
- Người trẻ tuổi có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ.
- Lao động nặng.
- Có tiền sử mắc các bệnh lý như viêm khớp vảy nến, thống phong, vôi hóa khớp.
Triệu chứng
Bệnh khô khớp khi mới khởi phát thường chỉ gây ra những cơn đau nhẹ khi vận động. Cảm giác đau có thể xảy ra ở bất kì khớp nào trên cơ thể tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng. Cơn đau có khuynh hướng tăng dần theo sự tiến triển của bệnh, đau tăng nặng khi đi lại, vận động hoặc khi chạy nhảy.
Tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của khô khớp, bệnh nhân có thể bị đau nhức từ âm ỉ đến dữ dội. Đôi khi, cảm giác đau còn lan rộng ra khu vực xung quanh.
Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị khô khớp bao gồm:
- Sưng khớp
- Nóng đỏ khớp
- Cứng khớp, khó vận động
- Khớp phát ra tiếng kêu lạo xạo, lục cục khi vận động.
- Có thể sốt nhẹ
- Yếu cơ
- Giới hạn phạm vi vận động của khớp
Chẩn đoán
Một số phương pháp có thể được thực hiện để chẩn đoán khô khớp. Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi trực tiếp với người bệnh nhằm khai thác được tiền sử bệnh lý, chấn thương và các triệu chứng đang gặp phải. Người bệnh cũng được kiểm tra bên ngoài khớp bị ảnh hưởng để tìm kiếm dấu hiệu liên quan, đồng thời thực hiện một số cử động để bác sĩ đánh giá được chức năng vận động của khớp bị ảnh hưởng.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân gây khô khớp và tình trạng tổn thương trong khớp.
- Xét nghiệm máu: Giúp chẩn đoán phân biệt khô khớp do các bệnh lý như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp...
- Các xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT hay MRI. Chúng giúp phát hiện ra những sự thay đổi bất thường trong cấu trúc của khớp, chẳng hạn như rạch sụn, thoái hóa khớp, gai khớp.
Điều trị
Tại bệnh viện, nhiều phương pháp được đưa ra để chữa khô khớp. Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân bệnh lý, mức độ nghiêm trọng cũng như các triệu chứng đi kèm để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân.
Dùng thuốc trị khô khớp:
Các loại loại có thể được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân bị khô khớp bao gồm:
- Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol, Acetaminophen...
- Thuốc kháng viêm không steroid: Thuốc được chỉ định cho các bệnh nhân bị sưng đau khớp nhờ có tác dụng giảm đau, kháng viêm.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Dùng cho người bị khô khớp liên quan đến viêm khớp dạng thấp.
- Thuốc Corticoid: Loại thuốc này được chỉ định theo đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp. Thuốc có tác dụng kháng viêm mạnh nhờ khả năng ức chế miễn dịch. Trường hợp bị viêm khớp hoặc không đáp ứng với thuốc chống viêm không steroid có thể được bác sĩ kê đơn loại thuốc này.
- Thuốc kháng sinh: Dùng khi khớp bị nhiễm trùng.
- Tiêm Acid hyaluronic: Đây là loại thuốc có tác dụng làm tăng tiết dịch khớp, giảm đau , cải thiện tình trạng co cứng khi bị khô khớp. Bệnh nhân được tiêm thuốc lặp lại sau 6 tháng đến 1 năm nếu cơn đau tái phát trở lại.
- Các chất bổ sung: Canxi, glucosamin, chondroitin,...
Vật lý trị liệu chữa khô khớp
Một số phương pháp hay bài tập vật lý trị liệu có thể giúp hỗ trợ giảm đau, cải thiện khả năng vận động, đồng thời tăng cường sản sinh dịch khớp. Quá trình điều trị sẽ được tiến hành tại các trung tâm vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên viên có kinh nghiệm.
Phẫu thuật
Bệnh nhân được đề nghị phẫu thuật trong các trường hợp sau:
- Bị khô khớp nặng
- Khó khăn khi vận động khớp, đi lại
- Tổn thương sụn khớp hoặc xương dưới sụn nghiêm trọng
- Biến dạng khớp.
Phẫu thuật chữa khô khớp là một phương pháp tốn kém và có thể để lại nhiều di chứng. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để nắm rõ lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định mổ.