Lồi Củ Xương Hàm Trên
Lồi củ xương hàm trên là tình trạng xảy ra khá phổ biến và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với chúng mà không cần điều trị. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng như cách xử lý thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Lồi củ xương hàm trên là một dạng bất thường của xương trên vòm họng. Tình trạng này còn được gọi với nhiều cái tên khác như lồi xương hàm trên, vòm miệng hình xuyến, Torus palatinus,... Thống kê y khoa cho biết, lồi củ xương hàm trên có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng thường gặp nhất là phụ nữ và những người có gốc Châu Á. Thông thường, tình trạng lồi củ xương chỉ xảy ra ở đường giữa của khẩu cái cứng. Khi dùng tay sờ vào bạn sẽ cảm thấy hơi sưng nề hoặc xuất hiện khối u bất thường nhưng không gây đau. Với những trường hợp nặng, bạn có thể thấy rõ được khối lồi củ xương đang phát triển lớn bên trong vòm miệng.
Chuyên gia cho biết, lồi củ xương hàm trên xảy ra do sự phát triển quá mức của xương. Đây là tình trạng lành tính và không phát sinh triệu chứng nên không cần điều trị. Nhưng nếu khối lồi xương này được bao phủ bởi lớp niêm mạc sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc nhai nuốt, điều này đã tạo cơ hội cho nhiều vấn đề khác phát sinh. Với những trường hợp mang răng giả sẽ gây khó khăn trong việc tháo lắp răng giả. Bên cạnh đó, khi khối lồi củ xương hàm trên phát triển với kích thước lớn có thể bị viêm loét hoặc chấn thương khi bạn nhai đồ ăn cứng. Do vùng vòm miệng hình xuyến không có mạch máu đi qua nên khi xảy ra tổn thương sẽ rất khó lành.
Nguyên nhân
Việc xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng lồi củ xương hàm trên sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp bạn có thể tham khảo:
- Di truyền: Tình trạng lồi củ xương hàm trên thường xảy ra do yếu tố di truyền. Nếu bạn mắc phải bệnh lý này thì khả năng cao sẽ di truyền cho con cái.
- Chế độ ăn uống: Trong cá biển chứa rất nhiều chất cần thiết cho sự phát triển của xương như vitamin D, chất béo không bão hòa,... Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều sẽ tạo điều kiện cho bệnh lồi củ xương hàm trên khởi phát. Vì thế, tình trạng lồi củ xương hàm trên thường xảy ra ở những quốc gia tiêu thụ lượng lớn cá biển như Nhật, Na Uy,...
- Nghiến răng: Thói quen nghiến răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lồi củ xương hàm trên. Khi bạn nghiến răng sẽ gây áp lực lên cấu trúc xương trong miệng. Chính điều này đã kích thích sự phát triển quá mức của xương và hình thành bệnh.
- Mật độ xương: Thống kê y khoa cho biết, phụ nữ sau mãn kinh sẽ có nguy cơ mắc phải tình trạng lồi củ xương hàm trên cao hơn bình thường, đặc biệt là thể vòm miệng hình xuyên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mật độ xương bên trong cơ thể bị giảm thấp.
Phân loại lồi củ xương hàm trên
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, khối lồi củ xương hàm trên có thể phát triển với nhiều hình dáng khác nhau. Y khoa đã dựa vào hình dáng của chúng để phân thành các nhóm cụ thể sau đây:
- Torus hình thoi: Khối lồi củ xương có hình dạng hẹp dài, chiều dài của chúng có thể kéo dài từ vùng gai cửa đến giới hạn sau của khẩu cái cứng. Khối Torus hình thoi thường hình thành và phát triển ở đường ráp của hai xương hàm trên.
- Torus dạng thùy: Dạng lồi củ xương này chỉ phát triển với một khối lồi xương duy nhất. Vì vậy, chúng sẽ có kích thước to hơn hẳn so với các dạng khác. Ở một số trường hợp, Torus dạng thùy sẽ có cuống và đáy rộng.
- Torus phẳng: Khối lồi củ xương phát triển với kích thước rộng, có hình dáng phẳng là dẹt. Dạng lồi củ xương này có thể hình thành ở cả vùng xương hàm dưới và xương hàm trên.
- Torus dạng hòn: Torus dạng hòn có hình dáng giống hòn xương nhỏ. Quan sát bạn sẽ thấy giữa các hòn xương này có một đường rãnh đi qua. Các hòn xương này thường phát triển rời rạc ở hai bên đường giữa. Khi chúng phát triển với kích thước lớn, có thể tập hợp lại và hình thành nên một khối lồi củ xương duy nhất.
Dấu hiệu nhận biết
Tình trạng lồi củ xương hàm trên thường không gây ra triệu chứng đau nhức cũng như không ảnh hưởng đến thể chất của người bệnh. Khi khối lồi củ xương phát triển với kích thước lớn, bạn có thể nhận biết thông qua các đặc điểm sau đây:
- Xuất hiện khối xương cứng, nổi đơn độc bên giữa vòm miệng. Lồi củ xương có thể phát triển với nhiều kích thước khác nhau, trung bình là từ 2 - 6mm.
- Khi mới phát triển, khối lồi củ xương có kích thước khá nhỏ và chỉ hơi nhô lên so với những vùng khác. Theo thời gian, chúng sẽ phát triển với kích thước ngày càng lớn và hiện diện rất rõ bên trong vòm miệng, bạn có thể dễ dàng quan sát thấy bằng mắt thường.
- Nếu khối lồi củ xương hàm trên phát triển với kích thước quá lớn sẽ gây ra một số vấn đề như khó chịu và vướng víu khi nhai nuốt, niêm mạc bao bọc bên ngoài bị kích thích hoặc viêm loét do chấn thương,...
- Khối lồi củ xương thường khởi phát bắt đầu ở độ tuổi dậy thì và có tốc độ phát triển rất chậm, gây khó khăn cho việc nhận biết. Nhưng khi tuổi tác cao, chúng sẽ ngừng phát triển và có thể thu nhỏ lại.
Điều trị
Nếu thấy bên trong vòm miệng có sự phát triển bất thường của một cục u, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra bệnh lý và hướng dẫn điều trị đúng cách. Với những trường hợp nghiêm trọng, đây có thể là khối u ác tính, sẽ phát triển thành ung thư nếu không được can thiệp đúng cách ngay từ sớm.
Để chẩn đoán tình trạng lồi củ xương hàm trên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng tại cục u bất thường trong vòm miệng. Đồng thời, người bệnh cũng cần nói rõ với bác sĩ các triệu chứng mà bản thân đang gặp phải trong thời gian gần đây để hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh. Để có thể phân biệt tình trạng lồi củ xương hàm trên với các vấn đề sức khỏe khác và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như chụp x-quang, chụp MRI, xét nghiệm máu,...
Trường hợp bệnh nhân bị lồi củ xương hàm trên, bác sĩ không khuyến khích điều trị vì tình trạng này này không gây hại đến sức khỏe và không gây ra các triệu chứng bất thường khác. Tốt nhất, bạn nên chấp nhận chung sống với chúng, ở một số trường hợp khối lồi củ xương có thể dần tiêu biến khi về già.
Nhưng nếu khối lồi củ xương phát triển với kích thước lớn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày như cản trở việc ăn uống, gây khó khăn khi tháo lắp răng giả, hình thành nên vết loét và nhiễm trùng tại niêm mạc,... Bác sĩ sẽ xem xét là chỉ định làm phẫu thuật cắt bỏ lồi củ xương hàm. Thông thường, việc phẫu thuật sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật hàm mặt. Đây là phương pháp điều trị khá đơn giản và mang lại thành công cao với những bệnh nhân có vòm miệng hình xuyến. Tuy nhiên, sau phẫu thuật người bệnh vẫn có nguy cơ đối mặt với một số biến chứng như khoét hốc mũi, chảy máu nhiều, nhiễm trùng,... nhưng với tỷ lệ rất thấp.
Sau phẫu thuật điều trị thành công, với những trường hợp có tiên lượng tốt thì quá trình phục hồi chỉ mất từ 3 - 4 tuần. Trong quá trình phục hồi, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp chăm sóc sức khỏe đúng cách để đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Ví dụ như súc miệng bằng nước muối, ăn uống thực phẩm mềm và giàu dưỡng chất, uống đủ nước,...
Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa tình trạng lồi củ xương hàm trên xảy ra, người bệnh cần tránh thực hiện các hoạt động làm gia tăng áp lực lên xương hàm. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn nên tham khảo và áp dụng:
- Loại bỏ thói quen nghiến răng để tránh gây áp lực quá mức lên cấu trúc xương trong miệng.
- Chỉ nên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin và chất béo không bão hòa với hàm lượng vừa đủ.
- Với những đối tượng có nguy cơ cao nên thường xuyên theo dõi sức khỏe răng miệng và làm kiểm tra định kỳ để sớm phát hiện bất thường.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng lồi củ xương hàm trên bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Đây tình trạng lành tính, bạn không cần phải điều trị nếu không xuất hiện triệu chứng bất thường. Nhưng nếu khối lồi củ xương hàm trên phát triển lớn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách.