Teo Cơ Tay

Cơ bản

Teo cơ tay là hiện tượng suy giảm khối lượng cơ bắp ở tay xảy ra sau khi bị chấn thương, bất động lâu hoặc do ảnh hưởng của các vấn đề về thần kinh, gân cơ... Triệu chứng đặc trưng của bệnh là tình trạng suy giảm khối lượng cơ bắp khiến cho tay teo nhỏ, khả năng chịu lực kém và vận động thiếu linh hoạt. Tùy theo nguyên nhân cơ bản, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật.

Định nghĩa

Teo cơ tay là hiện tượng giảm khối lượng cơ xảy ra ở các cơ bắp ở vùng bàn tay, bắp tay hay cánh tay. Bình thường, các cơ này chịu trách nhiệm tạo lực và đảm bảo cho các cử động linh hoạt của đôi tay, chẳng hạn như duỗi cánh tay, khép cẳng tay, nâng cánh tay lên cao... Tuy nhiên, khi bị teo cơ, các hoạt động này đều bị giới hạn đáng kể. Tay của người bệnh trở nên yếu hơn, khả năng chịu lực kém và gặp khó khăn khi thực hiện các cử động thông thường.

Nguyên nhân

Các cơ ở tay cũng như hệ thống cơ bắp nằm ở khu vực khác trên cơ thể có chức năng lưu trữ một lượng acid amin nhất định. Nếu chế độ ăn uống hàng ngày không thể cung cấp đủ nhu cầu protein cho cơ thể thì lượng acid amin này sẽ được sử dụng. Chính vì vậy, nếu nhu cầu protein không được đáp ứng đủ trong thời gian dài sẽ khiến cho khối lượng cơ bị suy giảm dần dẫn đến teo cơ tay, teo cơ chân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giữa lượng protein được tổng hợp với nhu cầu protein hàng ngày của cơ thể. Tình trạng này có liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bệnh nhân. Ngoài ra, điều kiện thể chất, thói quen vận động hay bệnh tật.

Cụ thể, một cá nhân có thể bị teo cơ tay vì những lý do dưới đây:

1. Teo cơ tay do bệnh lý

Chứng teo cơ tay được xem là hậu quả của các bệnh lý dưới đây:

Hội chứng suy mòn: 

Người mắc hội chứng suy mòn thường bị mất cơ liên tục trong khi liệu pháp dinh dưỡng hầu như không đáp ứng được với quá trình điều trị. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những người bị ung thư, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh thận mãn tính, đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp hay bị phổi tắc nghẽn trong thời gian dài.

Các triệu chứng khác có thể gặp khi mắc hội chứng suy mòn bao gồm:

  • Giảm cân không kiểm soát
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi
  • Giảm khả năng hoạt động
  • Sưng hoặc phù nề do chất lỏng thẩm thấu vào mô.

Tổn thương thần kinh:

Người bị tổn thương thần kinh trung ương hay các dây thần kinh ngoại vi cũng có nguy cơ cao bị teo cơ các chi hay teo cơ tủy sống. Riêng các trường hợp có tổn thương lan rộng tại hệ thần kinh trung ương có liên quan đến tình trạng bại não, chấn thương sọ não thì có thể phải đối mặt với tình trạng teo cơ toàn thân.

Bệnh liên quan đến nội tiết tố:

  • Suy giáp
  • Cushing...

Bệnh về cơ xương:

  • Viêm cơ tay
  • Xơ cứng teo cơ
  • Chứng loạn dưỡng cơ
  • Rách cơ
  • Giãn cơ

Bệnh Sarcopenia (thiểu cơ)

Ở người mắc bệnh Sarcopenia, khối lượng cũng như sức mạnh của các cơ có khuynh hướng giảm dần theo thời gian do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khối cơ nào trên cơ thể, bao gồm cả các cơ ở tay.

Tình trạng Sarcopenia kéo dài sẽ dẫn đến co giật chậm. Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn bị suy giảm chức năng vận động và bị tàn phế suốt đời.

Các bệnh loạn dưỡng cơ:

  • Dunchenne
  • Becker
  • Emery Dreifuss
  • Bệnh loạn dưỡng cơ gốc chi.

Chấn thương:

Các chấn thương như rách cơ, giãn cơ hay gãy xương tay có thể xảy ra khi bạn gặp tai nạn giao thông, té ngã hay tai nạn lao động. Nếu không được điều trị tích cực, khối lượng cơ tay sẽ bị suy giảm dần dẫn đến teo cơ.

Các vấn đề khác về sức khỏe

  • Các bệnh lý ở thần kinh ngoại biên
  • Chấn thương đốt sống cổ C4 - C7
  • HIV
  • Ung thư
  • Suy thận mãn tính
  • COPD
  • Tai biến mạch máu não
  • Hội chứng Guillain-Barre
  • Bỏng nặng.

2. Nguyên nhân teo cơ tay không do bệnh lý

Một số yếu tố thông thường cũng có thể dẫn đến teo cơ tay, bao gồm:

  • Lười vận động
  • Bất động cánh tay trong thời gian dài do bó bột hoặc do bị bệnh nặng phải nằm yên trên giường.
  • Lão hóa: Càng lớn tuổi, tốc độ mất cơ càng diễn ra nhanh.
  • Di truyền: Sự sai lệch về gen có thể ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein và khiến một số trẻ bị teo cơ tay bẩm sinh hoặc mắc bệnh ngay từ khi còn nhỏ.
  • Tác dụng phụ của thuốc tây, nhất là thuốc corticosteroid
  • Suy dinh dưỡng
  • Sử dụng nhiều bia rượu

Triệu chứng

Bệnh teo cơ tay thường tiến triển một cách từ từ với điểm đặc trưng là tình trạng mất dần khối lượng các cơ ở bàn tay, bắp tay hay toàn bộ cánh tay. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tay. Nếu chỉ ảnh hưởng đến 1 tay, bạn có thể thấy khu vực bị teo cơ bé hơn so với bên tay còn lại.

Các dấu hiệu khác có thể gặp khi bị teo cơ tay bao gồm:

  • Tê tay
  • Yếu cơ gốc chi dẫn đến giảm mạnh lực cơ
  • Hoạt động ở tay kém linh hoạt
  • Khó hoặc không thể khép sát cánh tay vào thân mình khi nghỉ ngơi
  • Ở tư thế khuỷu gấp, hai bên khuỷu tay khó chạm vào nhau.
  • Khu vực giữa hai vai bị xệ xuống, xương bả vai nhô cao
  • Bán sai khớp vai hoặc vai xuôi
  • Có biến dạng vùng lưng ngực
  • Cánh tay uốn cong và rễ ra khi phần cơ trước tay bị teo. Ngược lại, cánh tay có thể kéo dài hơn hoặc uốn cong khi phần sau vai bị ảnh hưởng.
  • Vẹo cột sống do sự bất cân đối giữa lực ở hai bên cánh tay và vai.Điều này có thể làm giảm phản xạ của xương cũng như hệ thống cơ gân.
  • Tay yếu, không có lực để nâng đỡ vật nặng.

Ngoài ra, tùy theo vị trí bị teo cơ mà chứng teo cơ tay được chia thành nhiều dạng khác nhau. Mỗi thể có những đặc điểm riêng.

Phân loại teo cơ tay

Bệnh teo cơ tay được phân thành các dạng sau:

  • Teo cơ bắp tay
  • Teo cơ bàn tay
  • Teo cơ cánh tay
  • Teo cơ tay trái
  • Teo cơ tay phải
  • Teo cơ cả 2 bên cánh tay cùng lúc.

Dưới đây là các dạng thường gặp:

Teo cơ bắp tay:

Khối lượng cơ ở bắp tay thuyên giảm chủ yếu là do ít vận động, chấn thương hoặc do ảnh hưởng của bệnh lý. Quan sát bắp tay bị teo cơ sẽ thấy bé hơn so với bên tay còn lại.

Tình trạng teo cơ bắp tay chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Một số người trưởng thành bị bệnh do bị gãy xương, nằm bất động lâu ngày hoặc do lạm dụng thuốc tăng cơ quá mức khiến cho các cơ bị xơ hóa.

Teo cơ bàn tay

  • Bệnh phát triển có liên quan đến hội chứng Guyons, các bệnh lý về xương khớp, mạch máu hay chấn thương.
  • Các triệu chứng đặc trưng: Ngón út hoặc nửa ngón áp út bị mất cảm giác, yếu cơ bàn tay, cầm nắm đồ vật khó khăn...

Teo cơ toàn bộ tay trái hoặc phải

  • Khi bị teo cơ toàn bộ cánh tay, người bệnh sẽ nhận thấy tay bị teo nhỏ dần, bé hơn so với tay khỏe mạnh.
  • Giảm cảm giác hoặc nghiêm trọng hơn là mất cảm giác ở toàn bộ cánh tay cho đến cổ tay và bàn tay.
  • Đôi khi, tình trạng teo cơ có thể ảnh hưởng đến cả hai tay.

Chẩn đoán

Có thể thấy, bệnh teo cơ tay do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Việc chẩn đoán là một bước cần thiết cho phép bác sĩ xác định được nguyên nhân cơ bản để xây dựng được phác đồ chữa trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân.

Tại phòng khám, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân liệt kê đầy đủ về lịch sử y tế, chấn thương, các dấu hiệu đang gặp phải, loại thuốc sử dụng hay thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày... Đây sẽ là căn cứ để bác sĩ đưa ra những chẩn đoán ban đầu về thủ phạm gây teo cơ tay.

Cùng với đó, một số xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán phân biệt bệnh như:

  • Kiểm tra công thức máu
  • Chụp cắt lớp vi tính
  • Xét nghiệm dẫn truyền thần kinh
  • Chụp X-quang kỹ thuật số
  • Chụp cắt lớp vi tính
  • Chụp cộng hưởng từ
  • Sinh thiết mẫu bệnh phẩm ở cơ hoặc dây thần kinh

Điều trị

Những sự lựa chọn trong điều trị teo cơ tay bao gồm:

1. Sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn

Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn để điều trị các nguyên nhân cơ bản gây teo cơ tay, đồng thời giảm nhẹ các triệu chứng liên quan và ức chế sự tiến triển của bệnh. Quá trình điều trị bằng thuốc thường kéo dài trong một thời gian nhất định.

Đôi khi, bệnh nhân cần dùng thuốc kết hợp với các phương pháp điều trị khác nhằm đạt được hiệu quả toàn diện, giúp nhanh chóng phục hồi khối lượng cơ bắp ở tay.

2. Điện châm chữa teo cơ tay

Phương pháp điện châm sử dụng kích thích điện để điều trị teo cơ tay cho các trường hợp bị bệnh có liên quan đến các vấn đề về thần kinh ngoại biên. Khi thực hiện, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ gắn các điện cực vào vị trí cơ bị teo và truyền điện đến cơ để kích thích chuyển động của tay.

Điện châm không gây đau hoặc làm tổn thương da nhưng người bệnh có thể cảm thấy hơi khó chịu. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ biến mất trong thời gian ngắn.

3. Phương pháp siêu âm hội tụ cường độ cao

Kỹ thuật này liên quan đến việc chiếu các chùm tia siêu âm có cường độ cao đến khu vực cơ tay bị teo để kích thích sự co thắt mô, cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng của cơ. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được ứng dụng rộng rãi và hiện đang được nghiên cứu thêm.

4. Vật lý trị liệu

Bệnh nhân được hướng dẫn luyện tập các động tác kéo giãn kết hợp với một số phương pháp trị liệu khác để giảm cứng cơ, tăng tuần hoàn máu, ngăn ngừa tình trạng bất động, đồng thời tăng cường sức mạnh cho các cơ bắp ở tay, phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân. Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên trì từ phía người bệnh.

5. Phẫu thuật

Các trường hợp được phẫu thuật thường là người bị teo cơ tay có liên quan đến tình trạng chấn thương ( rách gân, rách dây chằng, gãy xương...), chèn ép thần kinh hay suy dinh dưỡng. Sau phẫu thuật, cần kết hợp tập vật lý trị liệu với chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để sức khỏe nhanh phục hồi.

Phòng ngừa

Bệnh teo cơ tay có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Nếu chưa mắc căn bệnh này hoặc nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bạn nên chủ động thực hiện các phương pháp dự phòng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Tăng cường các thực phẩm chứa nhiều protein chất lượng cao vào thực đơn. Tránh nhịn ăn hoặc ăn uống kiêng khem quá mức gây thiếu hụt nhu cầu chất đạm hàng ngày cho cơ thể.
  • Ngủ đủ giấc để các dây thần kinh được nghỉ ngơi, phục hồi. Tránh căng thẳng.
  • Hạn chế sử dụng các đồ uống có tính kích thích như cà phê, bia, rượu.
  • Tăng cường các hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên. Tránh nằm bất động một chỗ quá lâu.
  • Thường xuyên massage tay để các cơ được thư giãn, đồng thời kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng, sữa chữa tổn thương ở các cơ.
  • Điều trị triệt để các chấn thương cũng như bệnh lý có thể dẫn đến teo cơ tay.
Chuyên sâu

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android