Vacxin Viêm Gan B Là Gì, Có Mấy Loại, Nên Tiêm Như Thế Nào?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus HBV gây ra, nó có tốc độ lây lan nhanh chóng nhưng lại chưa có phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn có thể phòng ngừa một cách hiệu quả bằng cách tiêm phòng vacxin viêm gan B. Vậy vacxin viêm gan B là gì, có những loại nào, nên tiêm như thế nào… hãy cùng Vietmec tìm hiểu ngay sau đây.
Vacxin viêm gan B là gì?
Vacxin viêm gan B là một loại vacxin tái tổ hợp, được sản xuất bằng kỹ thuật di truyền. Trong đó, HBsAg được biết đến là kháng nguyên chủ chốt của loại vacxin này, được tổng hợp từ nấm men hoặc tế bào của động vật. Vacxin viêm gan B có dạng đơn giá chứa thành phần kháng nguyên vỏ của virus, không gây truyền nhiễm, có thể là đơn liều hoặc đa liều, tuỳ thuộc vào từng loại và từng nơi sản xuất.
Vacxin viêm gan B có thể ngăn ngừa virus viêm gan B cũng như các biến chứng mà bệnh gây ra như: Xơ gan, suy giảm chức năng gan, men gan tăng cao, viêm gan nhiễm mỡ, ung thư gan… Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ lây nhiễm virus HBV, chính vì vậy mà việc tiêm phòng vacxin được khuyến cáo đối với tất cả mọi người.
Vacxin viêm gan B gồm những loại nào?
Hiện nay chúng ta đã điều chế ra hai loại vacxin phòng chống viêm gan B chính, đã được kiểm nghiệm và đưa vào sử dụng đó là: Vacxin thế hệ thứ nhất và vacxin thế hệ thứ 2 (vacxin tổng hợp). Trong đó:
Vacxin thế hệ thứ nhất
Vacxin phòng chống viêm gan B thế hệ đầu tiên được tạo ra từ huyết tương của người mang HBsAg (+), trải qua quá trình tinh chế để loại bỏ hết những yếu tố khác gắn vào. Loại vacxin này đã được sử dụng rộng rãi để phòng bệnh cho người lớn, trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc viêm gan B và đã được chứng minh là loại vacxin có hiệu lực, đảm bảo an toàn.
Thế nhưng vacxin thế hệ thứ nhất lại không trái khỏi một số nhược điểm như: Số lượng hạn chế (do lượng kháng nguyên ít), khó đảm bảo được độ tinh khiết, khó làm mất đi tính gây bệnh mà vẫn giữ được tính sinh miễn dịch, phải thử nghiệm tính an toàn trên vượn.
Chính những nhược điểm kể trên đã khiến cho việc sản xuất vacxin trở nên tốn kém và khó khăn hơn, đồng thời nó cũng không thể trở thành một loại vacxin được sử dụng rộng rãi. Trong đó, các loại vacxin thế hệ thứ nhất gồm có: Hevac B (Pasteur), Heptavax (MSD), vacxin do Việt Nam sản xuất.
Vacxin thế hệ thứ hai
Vacxin thế hệ thứ hai hay còn được biết đến là vacxin tái tổ hợp, được điều chế bằng cách áp dụng kỹ thuật công nghệ sinh học tổng hợp trên tế bào động vật, nấm hoặc tạo một plasmid, còn nguồn vào là dùng gen S hoặc Pre – S2. Như vậy, loại vacxin này có thể lợi dụng được tính sinh miễn dịch cao của đoạn S và Pre – S2, nhờ đó mà nó có hiệu quả và độ an toàn rất cao.
Vacxin thế hệ thứ hai hiện nay gồm có các loại là: Engerix (SB), Genhevac B (Pasteur), Recombivax (MSD).
Dưới đây là bảng tóm tắt thông tin của một số vacxin viêm gan B đang được lưu hành tại Việt Nam.
Hãng sản xuất |
Tên thương mại |
Nước sản xuất |
Loại Vacxin |
GlaxoSmithKline |
Engerix-B |
Bỉ |
DNA tái tổ hợp |
GlaxoSmithKline |
Twinrix |
Bỉ |
Kết hợp HAV và HBV tái tổ hợp |
GlaxoSmithKline |
Tritanrix -HB |
Bỉ |
Kết hợp DPwT và HB tái tổ hợp |
GlaxoSmithKline |
Infanrix-HB |
Bỉ |
Kết hợp DPaT và HB tái tổ hợp |
Korea Green Cross |
Hepavax B |
Hàn Quốc |
Chế phẩm huyết tương |
Korea Green Cross |
Hepavax – Gene |
Hàn Quốc |
DNA tái tổ hợp |
LG Chemical |
EuvaxB |
Hàn Quốc |
DNA tái tổ hợp |
Merck Sharp&Dome |
RecombivaxH-B-vaxll |
Mỹ |
DNA tái tổ hợp |
Merck Sharp&Dome |
Comvax |
Mỹ |
Kết hợp HiB và DNA tái tổ hợp |
Pasteur Mérieux Connaught |
Genhevac-B |
Pháp |
DNA tái tổ hợp |
Centro de Ingenieria Genetics Y Biotecnologia |
Enivac-HB |
Cuba |
DNA tái tổ hợp |
Viện VSDT TW |
Vacxin viêm gan B |
Việt Nam |
Chế phẩm huyết tương |
Viện Vacxin và Huyết thanh Thụy Sỹ |
Heprecombe |
Thuỵ Sỹ |
DNA tái tổ hợp |
Vacxin viêm gan B tiêm mấy mũi là đủ?
Tuỳ vào từng nhóm đối tượng khác nhau mà sẽ có liều lượng và thời gian tiêm phòng vacxin viêm gan B khác nhau. Để vacxin có thể phát huy được tối đa hiệu quả thì chúng ta cần tìm cơ sở y tế uy tín và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Thông thường, liều lượng của vacxin sẽ được chia thành hai đối tượng chính là trẻ nhỏ và người lớn. Cụ thể:
Đối với trẻ nhỏ
Tất cả trẻ sơ sinh đều cần được tiêm chủng 1 mũi vacxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Chỉ sử dụng vacxin đơn giá để tiêm cho trẻ, ngoài ra cũng có thể dùng cùng với vacxin phòng lao phổi, tuy nhiên cần được tiêm ở hai vị trí khác nhau. Trước khi tiêm, bác sĩ cần lưu ý về tình trạng sức khỏe của người mẹ. Trong đó:
- Trường hợp mẹ khỏe mạnh, không mắc viêm gan B
Trẻ sơ sinh tốt nhất cần được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Vacxin sau đó sẽ được tiêm tiếp tục khi trẻ đủ 2 tháng tuổi và khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 liều là 1 tháng. Cha mẹ nên chú ý khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần được tiêm vacxin nhắc lại 6 trong 1 nhằm giúp phòng ngừa viêm gan B một cách hiệu quả nhất.
- Trường hợp mẹ bị viêm gan B
Trong suốt quá trình mang thai, tỷ lệ viêm gan B có thể lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ khoảng 2%. Thế nhưng ở quá trình chuyển dạ thì khả năng lây nhiễm lại vô cùng cao. Do vậy mà ngoài 1 mũi ngừa viêm gan B như các trẻ thông thường khác, bé cần được tiêm thêm 1 mũi kháng thể (chứa huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg ngay trong 12 – 24 giờ sau sinh.
Mục đích của quá trình này là giúp tạo ra hệ miễn dịch chủ động cho trẻ. Cần lưu ý vị trí tiêm kháng thể HBIg phải khác với vị trí tiêm phòng vacxin viêm gan B. Sau đó, khi trẻ được 15 – 18 tháng tuổi thì cần được xét nghiệm lại để kiểm tra HBsAg và anti HBs xem có chắc chắn đã được bảo vệ và có còn khả năng bị lây nhiễm virus từ mẹ nữa hay không.
Bên cạnh mũi tiêm phòng ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh và huyết thanh (nếu có), trẻ còn được khuyến cáo nên tiêm thêm 4 mũi vacxin phòng chống viêm gan B khác, gồm có:
- Mũi 1: Tiêm mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh.
- Mũi 2: Sau mũi đầu một tháng.
- Mũi 3: Sau mũi 2 một tháng.
- Mũi 4: Được tiêm nhắc lại sau mũi 3 một năm.
Xem thêm: Tác Hại Của Viêm Gan B Là Gì, Phải Phòng Tránh Như Thế Nào?
Đối với người lớn
Đối với người trưởng thành khi tiêm phòng vacxin viêm gan B cần:
- Xét nghiệm trước khi tiêm
Trước khi thực hiện tiêm phòng viêm gan B, chúng ta cần thực hiện xét nghiệm các yếu tố cần thiết như: HBsAg, anti-HBs (HBsAb) để biết mình đã từng bị nhiễm virus HBV hay chưa. Đồng thời xác định được cơ thể đã có lại kháng thể để chống lại virus hay không.
Trong trường hợp HBsAg dương tính, HBsAb âm tính thì chứng tỏ đã bị mắc viêm gan B, lúc này vacxin được đưa vào cơ thể sẽ không còn hiệu quả nữa. Người bệnh cần thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu cần thiết khác để bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Trong trường hợp HBsAb dương tính còn HBsAg âm tính thì có nghĩa bạn đã mắc viêm gan B trước đó nhưng cơ thể đã tự chữa khỏi. Khi đó trong cơ thể đã tồn tại các kháng thể chống lại virus và không cần thiết phải tiêm nhắc lại viêm gan B.
Còn nếu các kết quả HBsAg và HBsAb đều âm tính thì chứng tỏ bạn chưa mắc bệnh, khi này cần tiêm vacxin kịp thời để phòng bệnh.
- Phác đồ tiêm
Nếu cơ thể chưa từng bị nhiễm virus viêm gan B, bạn sẽ được khuyến cáo nhanh chóng tiêm phòng 3 mũi theo phác đồ sau:
- Mũi 1: Lần đầu đến tiêm.
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi đầu.
- Mũi 3: 6 tháng sau mũi đầu.
Những ai cần tiêm và không nên tiêm vacxin viêm gan B?
Có tới 80% bệnh nhân viêm gan B không xuất hiện các biểu hiện rõ ràng, vì thế mà khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn nghiêm trọng, các loại thuốc và phương pháp điều trị cũng không mang đến hiệu quả tốt nhất. Bởi vậy không có cách nào tốt hơn là đi tiêm phòng viêm gan B. Thế nhưng những đối tượng nào có thể tiêm và không thể tiêm vacxin?
Đối tượng nên tiêm
Một số nhóm đối tượng cần được tiêm vacxin phòng chống viêm gan B đó là:
- Trẻ sơ sinh
Như đã đề cập tới ở trên, trẻ em cần được tiêm chủng vacxin viêm gan B trong vòng 24 giờ kể từ lúc sinh để phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ cần tiêm đủ 3 mũi theo đúng như hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Nhân viên y tế
Đây là những người thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân, kim tiêm, máu, vết thương hở, làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao. Để đảm bảo an toàn các nhân viên cũng cần được chích ngừa vacxin phòng chống viêm gan B.
- Người quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn
Những người thường xuyên quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn, quan hệ với nhiều người, trai, gái mại dâm, quan hệ tập thể… cũng có nguy cơ mắc bệnh vô cùng cao. Để đảm bảo an toàn, ngoài việc tiêm phòng vacxin thì tốt nhất không nên quan hệ tình dục với người lạ, sử dụng bao cao su khi quan hệ.
- Người đi đến các vùng, quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao
Nhiều quốc gia tại Châu Phi và Châu Á có tỷ lệ nhiễm viêm gan B vô cùng cao, do vậy mà những người đi du lịch hoặc làm việc ở đây cũng sẽ có nguy cơ lây bệnh. Tốt nhất hãy tiêm phòng ngay khi có ý định đi tới những quốc gia đó.
- Người bị bệnh thận, rối loạn đông máu, phúc mạc
Những người đang chạy thận nhân tạo, bị rối loạn đông máu hoặc được thẩm phân phúc mạc cũng có nguy cơ mắc viêm gan B rất cao. Tốt nhất là nên tiêm phòng viêm gan b ngay khi phát hiện mình mắc phải các căn bệnh này.
- Một số trường hợp khác
Tuy bệnh thường lây qua đường tiếp xúc máu, dịch cơ thể, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con. Thế nhưng khi sống, làm việc với người bị viêm gan B vẫn có thể xuất hiện các tình huống gây bệnh. Chính vì vậy tốt nhất người khỏe mạnh cũng nên tiêm phòng viêm gan B để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh từ cộng đồng.
Đối tượng không nên tiêm
Việc tiêm phòng viêm gan B giúp bảo vệ cơ thể giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm, vậy nhưng một số đối tượng sau lại không nên tiêm vacxin:
- Mắc bệnh suy giảm miễn dịch
Khi mắc bệnh suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS không nên tiêm vacxin. Bởi lúc này hệ thống miễn dịch của đã bị tấn công và phá hủy nghiêm trọng, gần như không có khả năng tấn công đề kháng mầm bệnh từ bên ngoài. Việc tiêm vacxin không những không có tác dụng mà ngược lại còn khiến virus viêm gan B tấn công cơ thể và gây bệnh.
- Phụ nữ mang thai
Thông thường phụ nữ trước khi mang thai khoảng 4 tháng được khuyến cáo nên tiêm phòng vacxin viêm gan B. Tuy nhiên, khi đã mang thai thì tuyệt đối không nên tiêm, bởi khi này vacxin sẽ không có tác dụng, ngược lại còn gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi.
- Người đã bị viêm gan B
Nếu đã bị nhiễm viêm gan B thì việc tiêm vacxin là hoàn toàn dư thừa. Không những thế nếu tiêm sau khi mắc bệnh còn khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
- Trẻ sinh thiếu tháng, khó sinh, suy yếu
Dù được khuyến cáo nên tiêm phòng trong 24 giờ sau sinh, nhưng với trẻ khó sinh, sinh thiếu tháng, sốt sau sinh, nhịp tim bất thường… thì tuyệt đối không nên tiêm phòng để tránh gặp phải các rủi ro đáng tiếc.
Một số thắc mắc phổ biến khi tiêm phòng vacxin viêm gan B
Trong quá trình tiêm phòng viêm gan B, phần lớn chúng ta sẽ gặp một số vướng mắc như:
Tiêm vacxin viêm gan B có ngừa được bệnh 100% không?
Trên thực tế, vacxin viêm gan B chỉ hỗ trợ phòng bệnh một cách hiệu quả nhưng không thể đảm bảo đạt tỷ lệ 100%. Vẫn có rất nhiều trường hợp bị mắc viêm gan B dù đã tiêm phòng đầy đủ.
Trong một số trường hợp, lượng kháng thể có trong cơ thể sẽ giảm xuống dưới mức bảo vệ. Nó thường xảy ra ở các bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo hoặc những người bệnh thường xuyên phải truyền máu. Đối với các trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra kháng thể và yêu cầu tiêm vacxin nhắc lại.
Chính vì vậy mà chúng ta không nên quá chủ quan hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào vacxin mà không quan tâm đến các biện pháp phòng tránh khác. Đồng thời cần xây dựng chế độ và các thói quen sinh hoạt khoa học, điều độ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Tiêm vacxin phòng viêm gan B có gây ra tác dụng phụ không?
Tính đến nay đã có hơn 1 tỷ liều vacxin viêm gan B được cung cấp trên toàn thế giới, nó cũng được xem là một trong những vacxin an toàn và hiệu quả nhất từng được thực hiện.
Nhiều nghiên cứu về sự an toàn của vacxin, được Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cùng nhiều tổ chức y tế khác thực hiện. Kết quả nhận được là không có bằng chứng nào chứng minh được vacxin viêm gan B gây ra cái chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDs), chứng tự kỷ, đa xơ cứng hoặc các rối loạn thần kinh khác.
Có thể khẳng định vacxin viêm gan B khá an toàn, rất hiếm khi xảy ra các phản ứng phụ. Trong đó một số phản ứng phụ nhẹ thường gặp có thể là: Gây sưng đau tại chỗ tiêm (5 – 15%), sốt nhẹ (2 – 3%), chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, đau các cơ khớp…
Nếu mẹ có HBsAg (-) có nên tiêm vacxin cho trẻ trong 24 giờ không?
Nếu trong trường hợp mẹ xét nghiệm HBsAg cho kết quả âm tính thì dù mẹ không bị mắc viêm gan B vẫn nên tiêm phòng vacxin cho trẻ đầy đủ trong vòng 24 giờ sau sinh. Bởi:
- Có thể là xét nghiệm âm tính giả trong khi cơ thể mẹ vẫn đang bị nhiễm virus viêm gan B. Chưa kể tới những sai số khi chất lượng xét nghiệm không đảm bảo, ghi chép hoặc báo cáo nhầm.
- Người mẹ đang nhiễm virus viêm gan B ở thời kỳ cửa sổ (30 – 60 ngày đầu) vây nên không thể phát hiện được bệnh thông qua các xét nghiệm thông thường.
- Có nhiều trường hợp mẹ bị nhiễm virus viêm gan B đột biến, lẩn tránh được hệ miễn dịch và không thể phát hiện được thông qua các xét nghiệm máu.
- Mẹ có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không thể loại trừ khả năng trẻ bị nhiễm virus viêm gan B từ phòng sinh, từ nhân viên y tế hay thậm chí là người nhà.
Ngoài ra. với một nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao như Việt Nam thì việc tiêm phòng vacxin cho trẻ từ sớm là một việc vô cùng cần thiết. Mũi tiêm đúng sẽ giúp giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống chỉ còn 10 – 15%, ngay cả khi trẻ đã nhiễm virus ở dạng phơi nhiễm thì vacxin vẫn có tác dụng. Can thiệp kịp thời sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa kháng thể và sự nhân lên của virus.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về vacxin viêm gan B, quá trình tiêm và giải đáp các thắc mắc phổ biến xoay quanh vấn đề này. Việc tiêm phòng viêm gan B là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân và cộng đồng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!