Mổ Viêm Xoang
Mổ viêm xoang là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay, có khả năng khắc phục các triệu chứng sổ mũi, đau đầu, chóng mặt, có mủ tại xoang,… Tuy nhiên, trường hợp nào có thể áp dụng và phương pháp này có nguy hiểm không?
Tổng quan
Mổ viêm xoang hay còn gọi là phẫu thuật xoang, thường sử dụng kỹ thuật nội soi mũi xoang chức năng. Cụ thể phẫu thuật này ứng dụng phương pháp nội soi nhằm điều chỉnh mũi xoang bị vẹo và thay thế bằng vách ngăn nhân tạo.
Hiện nay, kỹ thuật này được áp dụng khá phổ biến vì đem lại hiệu quả cao, ít xâm lấn và thời gian phục hồi thường ngắn hơn so với phương pháp mổ truyền thống.
Các phương pháp mổ viêm xoang
Hiện nay có rất nhiều cách phẫu thuật viêm xoang, tùy vào thể trạng và tình hình sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện phương pháp phù hợp. Cụ thể gồm 2 cách chính sau đây:
Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi chức năng mũi hay còn được gọi là phương pháp FESS. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm mở đường dẫn lưu của các xoang bên cạnh mũi. Sau khi phẫu thuật được tiến hành, cảm giác đau nhức mặt, tắc mũi của bệnh nhân sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Hơn nữa lúc này, khứu giác cũng được trở lại trạng thái bình thường.
Phẫu thuật nội soi chức năng mũi thông thường sẽ được tiến hành từ trước ra sau. Đầu tiên, bác sĩ sẽ cắt mỏm móc trước để giải phóng cho lỗ thông xoang, từ đó giúp quá trình dẫn lưu trở nên thoáng và trôi chảy hơn. Tiếp theo là tiến hành mở lỗ thông xoang hàm qua khe giữa và phẫu thuật nạo sàng.
Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê để đặt ống nội khí quản nhằm kiểm soát hô hấp. Đồng thời từ hình ảnh nội soi, chuyên gia sẽ sử dụng cụ mở rộng lỗ thông xoang nhằm giải quyết các vấn đề dị thường trong cấu trúc mũi của người bệnh. Cụ thể gồm có cuốn giữa đảo chiều, bóng hơi cuốn giữa, lệch vách ngăn,…
Cuối cùng, về thời gian thực hiện phẫu thuật này rơi vào khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ. Sau đó, cần thêm 24 – 28 giờ để bác sĩ đặt 2 miếng xốp ở hốc mũi nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa.
Phẫu thuật xoang mở
Mặc dù phẫu thuật nội soi có thể giúp hạn chế sự xâm lấn, tuy nhiên phẫu thuật mở xoang (Caldwell-Luc) sẽ giúp điều trị bệnh lý một cách dứt điểm. Cụ thể phương pháp này có khả năng tiệt căn xoang để sinh thiết xoang và mở lỗ dẫn lưu tới vị trí hốc mũi.
Thông thường, phương pháp Caldwell-Luc chỉ được áp dụng khi người bệnh bị viêm xoang hàm giai đoạn mãn tính hoặc phát hiện khối u tại xoang hàm và polyp đơn độc mũi xoang. Ngoài ra, phẫu thuật mở không phù hợp thực hiện cho những bị viêm xoang cấp, cốt tủy viêm, cũng như có dấu hiệu nhiễm khuẩn cấp. Đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ bị viêm xoang hoặc những người mắc bệnh về máu, thần kinh, tim tuyệt đối không được thực hiện.
Tại sao nó được thực hiện
Bệnh viêm xoang là căn bệnh phổ biến về đường hô hấp. Nó hình thành bởi sự xâm nhập và tác động từ các virus, vi khuẩn, nấm,… dẫn đến bít tắc, viêm nhiễm lỗ thông xoang. Đồng thời làm tích tụ dịch nhầy tại niêm mạc mũi. Bệnh lý này khi ở giai đoạn nhẹ, người bệnh không được chủ quan mà cần điều trị kịp thời, tránh phát sinh biến chứng nhiễm trùng khiến dịch mủ lan rộng ra. Còn khi các triệu chứng kéo dài, bệnh nhân mắc phải cân nhắc đến việc mổ xoang.
Bởi theo các chuyên gia, xoang có cấu trúc tương đối phức tạp và đóng vai trò quan trọng trên khuôn mặt. Do đó, việc mổ viêm xoang có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc giải phẫu học tự nhiên, gồm tổ chức mũi xoang và một số mao mạch.
Chính vì vậy, nếu bệnh chưa phát triển ở mức nghiêm trọng thì bạn nên cân nhắc việc điều trị nội khoa trước. Phương pháp phẫu thuật chỉ phù hợp với người bệnh dùng thuốc và áp dụng cách chữa bệnh viêm xoang tại nhà trong một thời gian dài nhưng tình hình sức khỏe vẫn không được cải thiện. Ngoài ra sẽ có một số trường hợp khác cũng được các bác sĩ cân nhắc việc mổ là:
- Người bị viêm xoang do nấm xâm lấn hoặc mũi xoang bị tắc nghẽn cơ học.
- Những đối tượng bị polyp mũi, lỗ thông xoang đôi, lỗ thông xoang nhỏ,…
- Người có cấu trúc mũi xoang bất thường bẩm sinh, ví dụ như vẹo vách ngăn, mỏ móc trong quá lớn, xẹp loãng xoang hàm,…
- Bên nhân bị tắc nghẽn lỗ thông mũi xoang do thịt dư hoặc viêm xoang mãn tính.
- Trường hợp gặp biến chứng về áp xe quanh ổ mắt, viêm tấy mắt, suy giảm thị lực, viêm màng não,…
- Những người thường xuyên bị tái phát viêm xoang, 4 – 5 đợt/năm.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp chống chỉ định thực hiện kỹ thuật mổ xoang như sau:
- Không áp dụng được với những trường hợp mắc các bệnh lý nội khoa nghiêm trọng như suy thận, máu,…
- Phụ nữ đang mang thai bị viêm xoang cũng không thể thực hiện phẫu thuật.
Để dự phòng tốt nhất những rủi ro hậu phẫu, người bệnh nên nói rõ với các bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử dị ứng thuốc nhằm cân nhắc kỹ càng hơn trước khi chỉ định phương pháp này.
Nguy cơ
Trong quá trình mổ, người bệnh không cảm thấy đau đớn do các bác sĩ sẽ tiến hành gây mê trước đó. Tiếp theo ở giai đoạn hậu phẫu, người bệnh được đưa đến phòng hồi sức và theo dõi. Lúc này, bạn đã được lấy ống nội khí quản ra khỏi miệng nhưng vẫn giữ miếng xốp cầm máu thêm 24 – 28 giờ đồng hồ. Khoảng vài tiếng sau đó, người bệnh có thể cảm thấy máu xuất hiện trong mũi, miệng, đồng thời thấy mệt mỏi, đau giống viêm họng, nghẹt mũi và khát nước.
Trong thời gian điều trị tại nhà, người bệnh sẽ thấy khó chịu tương tự như khi bị bệnh cúm hay viêm mũi dị ứng 1 – 2 tuần tiếp theo. Đồng thời cơ thể cũng xuất hiện hiện tượng chảy máu trong 3 tháng sau phẫu thuật. Đây đều là những triệu chứng hết sức bình thường, do đó bạn không nên lo lắng quá mức.
Vì vậy câu trả lời cho thắc mắc mổ viêm xoang có đau không là có, nhưng không phải cảm giác đau dữ dội mà sẽ có những khó chịu nhất định tùy vào cơ địa từng người. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật này cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối nên vẫn có thể phát sinh những rủi ro nhất định như:
- Đau kéo dài.
- Giảm sức đề kháng.
- Thay đổi chức năng sinh lý bình thường tại mũi.
- Tổn thương túi lệ, ống lệ.
- Bị tràn khí hoặc có những biểu hiện phù nề dưới da.
- Mất nhiều máu.
- Bị bít lấp lỗ thông xoang hàm.
- Nhiễm trùng vết mổ thường gặp ở người thực hiện phẫu thuật xoang mở.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể đối mặt với một số biến chứng nghiêm trọng khác, nhưng những trường hợp này sẽ hiếm gặp hơn, gồm có:
- Chảy máu sau nhãn cầu.
- Mất thị lực.
- Tổn thương động mạch cảnh trong.
- Rò dịch não tủy.
Bên cạnh đó, sau khi chữa khỏi bệnh viêm xoang với phương pháp phẫu thuật, người bệnh vẫn có thể bị tái phát. Nguy cơ tái phát viêm xoang mũi trong trường hợp này thường xảy ra với những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, cao huyết áp, người sống và làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, hoặc các đối tượng vẫn thường xuyên sử dụng thuốc lá cả chủ động lẫn bị động.
Chuẩn bị
- Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, trước khi thực hiện cần thông báo với bác sĩ để xem xét mức độ ảnh hưởng, từ đó dự phòng những biện pháp phù hợp.
- Trong 2 tuần trước khi mổ, người bệnh tuyệt đối không sử dụng thuốc lá. Đồng thời cũng nên tránh để hít phải khói thuốc một cách thụ động. Bởi trong khói thuốc chứa rất nhiều loại chất độc, làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng hậu phẫu.
- Bên cạnh đó, người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi phẫu thuật mổ xoang.
Kết quả
Chăm sóc sau phẫu thuật xoang là quan trọng để tăng tốc độ phục hồi và giảm triệu chứng khó chịu. Cần chú ý đến việc không xì mũi và hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích thích trong 1 tuần sau mổ, sử dụng nước muối sinh lý, và tránh nhiễm trùng. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ hướng dẫn bác sĩ, và không tự ý thay đổi loại thuốc. Thay đổi thói quen sinh hoạt bao gồm không bơi lội, tập thể dục, hoặc mang vác vật nặng trong hai tuần. Chế độ ăn uống lành mạnh sau mổ bao gồm ăn thực phẩm lỏng, uống nhiều nước, và tránh thực phẩm khó tiêu. Theo dõi sát sao để phát hiện kịp thời các dấu hiệu biến chứng như sưng nóng, đau dữ dội, chảy máu nhiều, sốt cao, và tìm gặp bác sĩ khi cần thiết.