X Quang Khớp Vai
Chụp X quang khớp vai là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được thực hiện để xác định tình trạng tổn thương và các bệnh lý ở khớp vai. Quy trình chụp được tiến hành khá đơn giản, nhanh chóng với một mức chi phí phải chăng. Tuy nhiên, phương pháp chụp X quang khớp vai không được chỉ định cho phụ nữ mang thai và một số đối tượng nhất định.
Tổng quan
Chụp X quang xương khớp là dùng máy chụp X quang sử dụng sóng vô tuyến hay bức xạ ánh sáng để tiếp cận với khu vực cần chẩn đoán bệnh. Trong máy chứa một ống đặc biệt có khả năng phát ra chùm tia X với bức xạ cao, khi đi vào cơ thể sẽ được các mô hấp thụ với nhiều mức độ khác nhau. Các mô mềm quanh khớp vai, chẳng hạn như mỡ hay cơ sẽ chặn ít tia bức xạ hơn. Trong khi đó các mô xương dày đặc lại chặn hầu hết các tia bức xạ đi qua.
Sau khi đi qua vùng khớp vai, chùm tia X chiếu vào tấm phim hay một máy dò đặc biệt. Các mô có khả năng chặn được một lượng bức xạ cao (ví dụ như xương) sẽ hiển thị trên phim chụp dưới dạng là những vùng trắng trên nền đen. Các mô mềm quanh khớp vai chặn được ít bức xạ hơn nên hiển thị ở dạng các vùng màu xám.
Trường hợp bị u xương, khối u thường đặc hơn so với các mô mềm xung quanh nên có màu xám nhạt hơn.
Tại sao nó được thực hiện
Chụp X quang khớp vai là một phương pháp xét nghiệm hình ảnh đang được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh lý ở khớp vai. Kỹ thuật này sử dụng các tia X có khả năng đi xuyên qua các tế bào xương, sụn cũng như mô mềm quanh khớp vai và tạo ra hình ảnh chi tiết cho phép bác sĩ có thể đưa ra kết luận chính xác về bệnh, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.
Khớp vai là một khớp lớn có nhiều vai trò quan trọng đối với chức năng vận động của cơ thể. Do phải hoạt động thường xuyên cùng với cấu tạo đặc thù không được vững chắc như các khớp khác trên cơ thể nên khớp vai rất dễ bị chấn thương hoặc mắc các bệnh lý về cơ xương khớp. Hầu hết các trường hợp đều được chỉ định chụp X quang để chẩn đoán bệnh khi có dấu hiệu bất thường ở khớp vai.
Nguy cơ
Kết quả chụp X quang có giá trị cao trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở khớp vai. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến cáo áp dụng liên tục vì tiềm ẩn một số rủi ro cho sức khỏe như:
- Làm tăng nguy cơ bị ung thư do ảnh hưởng của tia bức xạ X.
- Ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ em.
- Tác động tiêu cực đến sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của em bé trong bụng.
- Một số bệnh nhân bị dị ứng với chất cản quang.
Chuẩn bị
+ Nhân viên y tế:
- Kỹ thuật viên chuẩn bị phim chụp
- Kiểm tra lại tình trạng máy, đồng thời điều chỉnh máy ở vị trí phù hợp.
- Kiểm tra và đối chiếu thông tin vị trí cần chụp phim với chẩn đoán lâm sàng
- Giải thích quá trình chụp và trao đổi với bệnh nhân những vấn đề cần lưu ý khi chụp.
+ Người bệnh:
- Tháo đồ trang sức cùng những vật dụng bằng kim loại ra khỏi cơ thể và để ngoài phòng chụp
- Mặc trang phục của bệnh viện nếu được yêu cầu.
- Nếu quá lo lắng, hãy thông báo cho kỹ thuật viên biết.
Thực hiện
Quy trình chụp X quang khớp vai được tiến hành theo các bước sau:
- Người bệnh được hướng dẫn tư thế đứng, ngồi hay nằm để chụp vùng khớp vai được rõ nét và chính xác nhất.
- Kỹ thuật viên tiến hành đặt dấu bên phải và bên trái. Thông thường, bóng tia X phát ra sẽ chiếu ngang tạo thành góc vuông so với phim chụp. Lúc này, các tia trung tâm khu trú sẽ đi sâu vào trong các mô bên khớp vai cần chụp.
- Kỹ thuật viên đứng bên trong phòng điều khiển và quan sát người bệnh qua kính, Khi đã canh đúng góc độ thì nhấn nút phát ra tia X.
- Kết thúc quá trình chụp, người bệnh ra ngoài chờ lấy kết quả. Kỹ thuật viên điều chỉnh và in phim. Phim chụp X quang khớp vai đạt yêu cầu khi sạch sẽ, không bị trầy xước, cho hình ảnh rõ ràng và có độ nét tương phản.
- Đưa phim chụp cho người bệnh hoặc chuyển trực tiếp về phòng khám ban đầu của bệnh nhân.
Kết quả
Khi có kết quả chụp X quang khớp vai, bác sĩ chuyên khoa xương khớp sẽ xem và chỉ ra những điểm bất thường trong cấu trúc của khớp, đồng thời đưa ra kết luận về vấn đề bệnh nhân đang gặp phải. Một số trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm khác để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác.
- Chuyên gia
- Cơ sở