Sưng Đau Ngón Chân Út
Sưng đau ngón chân út khiến bạn gặp nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, làm giảm khả năng vận động cũng như năng suất lao động. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Nếu tình trạng sưng đau ngón chân út xảy ra do bệnh lý, việc chủ quan trong việc điều trị sẽ làm gia tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
Định nghĩa
Sưng đau ngón chân út là tình trạng xảy ra khá phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Đây là hiện tượng tích tụ chất lỏng bên trong ngón chân khiến ngón chân bị sưng to bất thường kèm theo triệu chứng đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội.
Hình ảnh
Triệu chứng
Khi gặp phải tình trạng này, ngoài sưng đau tại ngón chân thì người bệnh còn phải đối mặt với một số triệu chứng khác như:
- Cứng khớp khiến người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện một số cử động thông thường như mở rộng ngón chân, đưa ngón chân lên xuống,...
- Ngón chân có triệu chứng viêm sưng, khi dùng tay sờ vào vùng da bên ngoài sẽ có cảm giác ấm nóng, nhìn từ bên ngoài sẽ thấy da căng bóng.
- Tình trạng sưng có thể lan rộng ra các ngón chân xung quanh hoặc bàn chân và mắt cá chân.
- Có cảm giác châm chích hoặc ngứa ngáy giữa các ngón chân hoặc lòng bàn chân.
- Khớp ngón chân út bị lệch khỏi ổ khớp khiến cấu trúc khớp bị biến dạng.
- Một số triệu chứng toàn thân có thể gặp là nóng sốt, tê bì ngón chân, mệt mỏi,...
Sưng ngón chân út có thể khởi phát từ một số nguyên nhân thông thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý xương khớp. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài bạn cần thăm khám chuyên khoa để xác định mức độ bệnh trạng, dựa vào đó bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên Nhân
Hai nguyên nhân gây ra tình trạng sưng đau ngón chân út phổ biến nhất là mang giày không phù hợp và chấn thương khớp ngón chân út (bong gân, trật khớp, gãy xương,...). Khi bệnh khởi phát do hai nguyên nhân này thì việc cải thiện thường rất dễ dàng. Nhưng với những trường hợp sưng đau ngón chân út diễn ra kéo dài và tái phát nhiều lần thì khả năng cao là do bệnh lý. Ở trường hợp này bạn cần điều trị chuyên khoa, tránh để bệnh chuyển biến nặng và phát sinh biến chứng. Các bệnh lý gây sưng đau ngón chân út thường gặp là:
- Viêm khớp: Viêm khớp có thể xảy ra do nhiễm khuẩn hoặc phát triển từ một chấn thương. Khi bệnh lý này gây ảnh hưởng đến ngón chân út sẽ khiến ngón chân bị sưng to, nóng đỏ và cứng khớp. Đây là bệnh lý cần được điều trị sớm, nếu không khớp sẽ bị phát hủy và mất đi chức năng vốn có.
- Thoái hóa khớp: Ngón chân út sưng đau cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp. Bạn có thể nhận biết ra bệnh lý này thông qua các triệu chứng đi kèm như cứng khớp vào mỗi buổi sáng, khó cử động khớp ngón chân út,...
- Bệnh gout: Sưng đau ngón chân út là triệu chứng điển hình của bệnh gout. Bệnh lý này xảy ra khi acid uric tích tụ tại khớp dưới dạng tinh thể muối sắc nhọn và kích thích phản ứng viêm xảy ra. Khi bị gout, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức dữ dội tại ngón chân, cơn đau thường khởi phát đột ngột vào ban đêm.
- Viêm khớp dạng thấp: Nếu tình trạng sưng đau xảy ra ở ngón chân út của cả hai bàn chân thì khả năng cao là do bệnh viêm khớp dạng thấp. Đặc trưng của bệnh lý này là gây tổn thương khớp có tính chất đối xứng nhau qua hai bên cơ thể. Đây là bệnh lý tự miễn nên có độ nguy hiểm cao, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị.
Phòng ngừa
Sưng đau ngón chân út khiến bạn gặp khó khăn khi di chuyển và gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Để tình trạng này nhanh chóng được cải thiện và phòng ngừa bệnh tái phát trở lại thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Sử dụng giày dép phù hợp và tạo cảm giác thoải mái cho đôi chân, tránh mang giày quá chật khiến ngón chân út bị cọ xát quá mức và tổn thương. Nên sử dụng giày dép chuyên dụng khi tham gia các hoạt động dễ gây tổn thương đến ngón chân như chơi thể thao, lao động nặng,...
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi khi ngón chân út bị sưng đau. Cần hạn chế đi lại hoặc thực hiện các vận động cần phải cử động ngón chân út nhiều, loại bỏ thói quen vọp bẻ ngón chân,... Có thể sử dụng nạng hoặc gậy để hỗ trợ di chuyển, hạn chế gây áp lực lên ngón chân.
- Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Nên tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm như cá béo, trái cây giàu vitamin C, gừng, nghệ,... Hạn chế tiêu thụ thực phẩm dễ kích thích phản ứng viêm như đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn,...
Biện pháp điều trị
Nếu tình trạng sưng đau ngón chân út diễn ra kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, bạn cần đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa tìm ra nguyên nhân và xác định bệnh lý. Sau khi đã có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp.
Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng thuốc Tây y để cải thiện. Nhưng nếu tình trạng đau nhức diễn ra với mức độ nhẹ thì bạn có thể tự cải thiện tại nhà bằng mẹo dân gian. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Đây là cách giảm đau nhức khá hiệu quả và an toàn, bạn hoàn toàn có thể tự áp dụng tại nhà. Ở mỗi phương pháp chườm sẽ mang lại hiệu quả khác nhau, bạn cần dựa vào nguyên nhân gây đau nhức để lựa chọn ra phương pháp chườm cho phù hợp. Cụ thể là:
+ Chườm lạnh: Thích hợp áp dụng với những trường hợp bị đau ngón chân út do chấn thương. Nhiệt độ lạnh có tác dụng giảm sưng viêm và đau nhức tại khu vực bị tổn thương. Lúc này, bạn chỉ cần cho vài viên đá lạnh vào túi vải mỏng rồi chườm lên khu vực bị đau nhức trong khoảng 15 phút. Có thể lặp lại cách này từ 2 - 3 lần/ngày mỗi khi cơn đau nhức khởi phát.
+ Chườm nóng: Được áp dụng sau khi ngón chân út bị chấn thương khoảng 48 tiếng. Chườm nóng có tác dụng giảm đau nhức, kích thích tuần hoàn máu đến ngón chân để chữa lành tổn thương. Cách thực hiện cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần cho nước ấm vào túi chườm rồi chườm trực tiếp lên khu vực bị đau nhức.
Kê cao chân khi ngủ
Chuyên gia cho biết, khi ngón chân út bị sưng đau bạn nên kê cao chân lúc đi ngủ hoặc lúc nằm nghĩ ngơi. Cách này có tác dụng ngăn chặn tình trạng ứ trệ, giúp tuần hoàn máu về tim diễn ra thuận lợi hơn và hỗ trợ cải thiện triệu chứng sưng đau. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng một chiếc gối kê bên dưới bàn chân khi đi ngủ là được.
Ngâm chân bằng nước muối Epsom
Đây cũng là một trong những phương pháp giúp giảm sưng đau ngón chân út khá hiệu quả. Thành phần khoáng chất trong muối Epsom khi tiếp xúc với khu vực bị đau nhức sẽ có tác dụng giảm viêm sưng và làm dịu cơn đau nhức. Vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bạn chỉ cần cho một ít muối Epsom vào trong nước ấm rồi khuấy tan. Sau đó, tiến hành ngâm chân trong khoảng 20 phút cho đến khi nước nguội hoàn toàn là được.
Sử dụng thảo dược tự nhiên
Tận dụng các loại thảo dược lành tính có sẵn trong tự nhiên để cải thiện triệu chứng sưng đau ngón chân út được nhiều người ưu tiên áp dụng tại nhà. Tỏi và gừng là hai loại thảo dược được sử dụng phổ biến nhất. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:
+ Giảm đau bằng gừng tươi
- Gừng tươi đem rửa sạch, gọt bỏ vỏ bên ngoài rồi cho vào cối giã nát. Sau đó, thêm một ít rượu trắng vào rồi dùng thìa trộn đều lên.
- Dùng bông y tế thấm vào hỗn hợp trên rồi thoa trực tiếp lên ngón chân út bị sưng đau. Dùng tay massage nhẹ nhàng giúp thành phần dược tính trong gừng nhanh chóng thấm vào bên trong da.
- Thực hiện cách này khoảng 2 lần/ngày, áp dụng đều đặn mỗi ngày cho đến khi triệu chứng của bệnh thuyên giảm hoàn toàn.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể nấu nước muối gừng để ngâm chân vào mỗi buổi trước khi đi ngủ giúp cải thiện triệu chứng đau nhức và ngủ ngon hơn.
+ Giảm sưng đau bằng tỏi
- Tỏi tươi đem lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch với nước rồi giã nát. Sau đó, cho tỏi vào lọ thủy tinh ngâm cùng với rượu trắng trong khoảng 10 ngày là được.
- Sau 10 ngày, lấy rượu tỏi ra xoa bóp lên ngón chân bị đau nhức cùng với phần mềm xung quanh. Áp dụng đều đặn mỗi ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm hoàn toàn.
- Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì thói quen ăn từ 2 - 3 tép tỏi mỗi ngày giúp hỗ trợ điều trị bệnh từ bên trong.
Dùng thuốc Tây y
Khi ngón chân út bị sưng đau, bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường để cải thiện như Tylenol, Ibuprofen,... Sau khi cơn đau nhức đã thuyên giảm (khoảng 3 - 4 ngày), người bệnh cần phải ngừng sử dụng thuốc ngay. Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài để tránh gây hại đến dạ dày và phát sinh ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Với những trường hợp đau nhức ở mức độ nghiêm trọng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc theo đơn kê. Lúc này, bác sẽ sẽ tiến hành thăm khám để chẩn đoán bệnh lý cũng như nguyên nhân gây bệnh, dựa vào đó mới có thể lên phác đồ điều trị. Các loại thuốc Tây y thường được sử dụng để cải thiện tình trạng đau ngón chân út là thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, thuốc giảm acid uric,...
- Chuyên gia
- Cơ sở