Thiếu Xương
Thiếu xương là tình trạng mà rất nhiều người mắc phải nhưng khó nhận biết. Lúc này, mật độ xương sẽ bị giảm thấp so với bình thường nhưng ở mức không quá nghiêm trọng, không gây ra triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, nếu để tình trạng thiếu xương xảy ra kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ loãng xương.
Định nghĩa
Mật độ xương chính là chỉ số đánh giá số lượng khoáng chất có trong xương. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ biết được độ cứng chắc và khả năng chịu lực của xương. Thông thường, mật độ xương của cơ thể người sẽ đạt ở mức cao nhất khi đến độ tuổi 35. Thiếu xương là hiện tượng mật độ xương bị giảm thấp so với bình thường. Điều này đã khiến xương trở nên giòn xốp và không còn chắc khỏe như trước.
Nữ giới là đối tượng dễ bị thiếu xương hơn so với nam giới, đặc biệt là những người ngoài 50. Thiếu xương rất khó nhận biết do không gây ra triệu chứng lâm sàng đặc trưng. Bạn chỉ có thể phát hiện ra bệnh khi thăm khám chuyên khoa và tiến hành đo mật độ xương. Thông thường, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá về mức độ thiếu xương dựa trên thang điểm T-Score hoặc Z-Score.
Hình ảnh
Nguyên Nhân
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng thiếu xương có thể xảy ra do tác động từ rất nhiều nguyên nhân như bệnh lý, thói quen sinh hoạt hàng ngày,... Việc nắm rõ nguyên nhân gây thiếu xương sẽ giúp ích rất lớn trong việc phòng ngừa. Cụ thể là:
- Nguyên nhân lối sống
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, không cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, vitamin D, vitamin K, magie, kali,...
- Thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá và đồ uống có gas khiến cơ thể tăng đào thải canxi qua thận.
- Lười vận động khiến hoạt động của hệ tiêu hóa trì trệ, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dưỡng chất. Đồng thời, thói quen này còn đẩy nhanh tốc độ thoái hóa của xương khớp.
- Nguyên nhân bệnh lý
- Gặp vấn đề về đường tiêu hóa khiến quá trình hấp thụ dưỡng chất tại đường ruột bị ảnh hưởng. Ví dụ như cơ địa kém hấp thụ, mắc bệnh Celiac,...
- Mắc bệnh lý về tuyến giáp như cường giáp, tuyến giáp hoạt động bất thường,...
- Đang dùng một số loại thuốc điều trị bệnh gây ra tác dụng phụ mất xương như Corticoid, thuốc chống động kinh,...
- Đang điều trị bệnh lý bằng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị.
Biến chứng
Như được nhắc đến ở trên, thiếu xương chỉ là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị loãng xương. Vì thế, nguy cơ bị gãy xương do thiếu xương là khá thấp. Tuy nhiên, bạn cũng không được chủ quan trong việc cải thiện để tránh gây ra các vấn đề sau đây:
- Xương trở nên giòn xốp khiến khả năng chịu đựng của xương trở nên kém hơn bình thường. Khi có tác động vật lý sẽ khiến xương dễ bị rạn, nứt và gãy.
- Nền xương kém chắc chắn khiến cột sống phải chịu áp lực lớn và dần bị biến dạng. Một số biến dạng cột sống có thể gặp là gù, cong, vẹo,...
- Trường hợp bị nứt xương hoặc gãy xương, nếu phải cố định xương trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh về đường hô hấp.
- Thiếu xương cũng khiến bạn có nguy cơ mắc một số bệnh lý xương khớp khác như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, loãng xương,...
Phòng ngừa
Thiếu xương rất dễ xảy ra do ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt thiếu khoa học của mỗi người. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề xương khớp nghiêm trọng khác. Để phòng ngừa thiếu xương, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Nếu mắc phải các bệnh lý dễ làm giảm mật độ xương, bạn cần tiến hành điều trị chuyên khoa theo đúng hướng dẫn của bác sĩ giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
- Thực đơn ăn uống hàng ngày cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin D và canxi. Không nên tập trung bổ sung một thực phẩm để tránh bị mất cân bằng dinh dưỡng.
- Cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và làm gia tăng nguy cơ mất xương. Ví dụ như rượu bia, cà phê, thuốc lá, đồ uống có gas, đồ ăn mặn nhiều muối,...
- Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường chuyển hóa dưỡng chất và giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Đồng thời, thói quen này còn có tác dụng cải thiện độ chắc khỏe và dẻo dai của xương khớp.
- Nếu phải sử dụng thuốc Tây y điều trị bệnh có tác dụng phụ làm mất xương, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thêm thực phẩm chức năng bổ sung canxi cho cơ thể để tránh làm giảm mật độ xương.
- Tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ và đo mật độ xương thường xuyên nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Nên sử dụng thêm thuốc chống mất xương hoặc thuốc tăng tạo xương khi khối lượng xương bị giảm đột ngột.
Biện pháp điều trị
Khi xác định bản thân bị thiếu xương, bạn cần có các biện pháp can thiệp đúng cách ngay từ sớm để ngăn chặn tình trạng này tiến triển sang loãng xương. Thông thường, việc điều trị thiếu xương cần phải phối hợp giữa việc dùng thuốc và chế độ dinh dưỡng. Cụ thể là:
+ Dùng thuốc
Những trường hợp mật độ xương giảm thấp gần với mức loãng xương, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc Tây y để điều trị thiếu xương. Các loại thuốc thường dùng là Alendronate, Axit zoledronic, Ibandronate, Raloxifene, Risedronate,...
Việc dùng thuốc Tây y điều trị bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Không tự ý mua thuốc về dùng tại nhà để tránh gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
+ Chế độ ăn uống
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị bệnh thiếu xương. Nếu tình trạng thiếu xương chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ, bạn chỉ cần cải thiện bằng cách điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày. Ăn uống khoa học sẽ làm tăng chất lượng xương, ngăn ngừa tình trạng mất xương tiếp tục diễn ra và giúp mật độ xương trở về mức bình thường.
Ở trường hợp này, người bệnh cần tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D. Cụ thể là:
- Sữa và chế phẩm từ sữa: Sữa tươi, phomai, sữa chua,...
- Các loại đậu và ngũ cốc: Đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ,...
- Cá béo hoặc cá giàu canxi: Cá hồi, cá mòi, cá trích,...
- Các loại rau họ cải: Cải xoăn, cải ngọt, cải thìa,...
- Chuyên gia
- Cơ sở