Thoái Hoá Đốt Sống Cổ Chèn Ép Dây Thần Kinh
Thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh khiến khả năng cảm giác và khả năng vận động bị ảnh hưởng đáng kể, nghiêm trọng hơn là gây tê liệt. Tình trạng này cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để phòng ngừa các biến chứng có liên quan.
Định nghĩa
Thoái hóa đốt sống cổ là hiện tượng lão hóa và tổn thương xảy ra tại các bộ phận cấu thành đốt sống như sụn, xương, đĩa đệm,... Bệnh lý này thường khởi phát ở những người ngoài độ tuổi trung niên, khi quá trình lão hóa xương khớp đang diễn ra mạnh mẽ, xương khớp bị mất đi độ đàn hồi tự nhiên.
Thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh còn được gọi là hội chứng rễ thần kinh cổ, đây là một biến chứng thường gặp của bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Tình trạng này xảy ra khi một vài bộ phận cấu thành cột sống cổ bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu và chèn ép lên dây thần kinh xung quanh. Lúc này, cột sống sẽ bị tổn thương và đẩy mạnh tốc độ thoái hóa.
Nếu tình trạng chèn ép dây thần kinh diễn ra kéo dài sẽ dẫn đến xơ hóa, khiến hoạt động của cơ quan nội tạng và các chi bị rối loạn. Đồng thời, bệnh còn gây ra triệu chứng đau nhức kéo dài ở vùng cổ vai gáy, khiến khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể.
Triệu chứng
Thông thường, bệnh thoái hóa đốt sống cổ sẽ gây ảnh hưởng đến dây thần kinh cổ và dây thần kinh cánh tay. Triệu chứng mà người bệnh phải đối mặt còn phụ thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bệnh đều có các triệu chứng sau đây:
- Đau nhức kéo dài dai dẳng ở vùng cổ vai gáy khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và không thể nằm nghỉ ngơi. Cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh thực hiện động tác xoay cổ, ngửa cổ, ho hoặc hắt hơi.
- Đau nhức lan rộng từ vai xuống cánh tay, bàn tay và ngón tay. Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác tê bì như kiến bò, mỏi cơ, cứng tay và tê lạnh vào buổi sáng.
- Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra tình trạng yếu cơ. Theo thời gian, cơ sẽ dần teo lại và làm gia tăng nguy cơ liệt tay.
Nguyên Nhân
Tình trạng bệnh xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần nhanh chóng thăm khám và điều trị chuyên khoa. Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp là:
- Tuổi tác cao khiến quá trình lão hóa xương khớp diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Lúc này, xương cột sống cũng dần bị thoái hóa và gây ra tình trạng chèn ép lên rễ thần kinh xung quanh.
- Thói quen sinh hoạt và làm việc sai tư thế khiến đốt sống cổ phải chịu áp lực trong thời gian dài. Điều này đã dẫn đến tình trạng biến dạng cột sống, thoái hóa cột sống và gây chèn ép lên dây thần kinh.
- Tính chất công việc phải hoạt động lặp lại một động tác thường xuyên khiến cơ và cột sống cổ bị quá tải, gây chèn ép lên rễ thần kinh. Ví dụ như vận động viên bơi lội.
- Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất khiến xương khớp không thể phát triển một cách toàn diện. Nếu bạn có thói quen ăn nhiều chất béo sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì gây áp lực lên cột sống, lúc này đĩa đệm sẽ lệch khỏi vị trí ban đầu và chèn ép lên rễ thần kinh.
- Cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số bệnh lý như thấp khớp, gai đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm,...
Biến chứng
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh là tình trạng nguy hiểm. Nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách sẽ gây tổn thương đến dây thần kinh cổ và cánh tay. Lúc này, người bệnh sẽ bị đau nhức và tê mỏi vai gáy kéo dài ngay cả khi không vận động. Đồng thời, cử động của tay cũng bị suy giảm và dẫn đến tình trạng teo cơ nếu không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp là:
+ Ảnh hưởng đến khả năng vận động: Thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh gây đau nhức kéo dài dai dẳng, khiến người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện một số cử động thường ngày. Với trường hợp nặng gây chèn ép lên tủy sống sẽ khiến hoạt động của tứ chi bị rối loạn. Lúc này, người bệnh sẽ bị mất cảm giác tay, thậm chí là rơi vào trạng thái liệt nửa người hoặc liệt hai chân.
+ Rối loạn tuần hoàn máu lên não: Rễ thần kinh bị chèn ép khiến cho quá trình lưu thông máu bên trong cơ thể bị cản trở. Lúc này, máu và oxy sẽ không được vận chuyển lên não, gây ra tình trạng rối loạn tuần hoàn máu với các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ,... Lầu dài sẽ gây ra tình trạng suy nhược cơ thể, sụt chân, thậm chí là trầm cảm.
+ Rối loạn huyết áp: Bệnh có thể gây ra một vài bất ổn trong chỉ số huyết áp như huyết áp quá cao hoặc quá thấp. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt và ngất xỉu. Nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến tình trạng đột quỵ hoặc tai biến, khiến tứ chi bị tê liệt hoàn toàn.
Phòng ngừa
Khi bị thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh, bạn cần có kế hoạch chăm sóc bản thân đúng cách để ngăn ngừa bệnh tiếp tục tiến triển nặng và hỗ trợ quá trình điều trị nhanh mang lại hiệu quả. Cụ thể là:
- Mỗi khi cơn đau nhức xuất hiện, người bệnh nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng cổ vai gáy để cải thiện triệu chứng đau nhức.
- Hạn chế các thói quen xấu gây ảnh hưởng không tốt đến cột sống cổ như duy trì một tư thế cố định trong thời gian dài, thực hiện các tư thế đầu cổ sai lệch, bẻ vặn cổ đột ngột, mang vác vật nặng, đội vật nặng trên đầu, lặp lại một hoạt động thường xuyên,...
- Khi đi ngủ bạn không nên ngủ trong một tư thế cố định mà hãy thường xuyên thay đổi tư thế. Tuyệt đối không ngủ ở tư thế nằm sấp khiến cổ bị gập xuống. Nên ưu tiên nệm ngủ cứng, sử dụng nệm mềm sẽ ảnh hưởng không tốt đến đốt sống cổ.
- Hình thành thói quen ăn uống khoa học trong suốt quá trình điều trị bệnh giúp cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhiều chất béo, đồ ăn quá mặn, rượu bia và chất kích thích,...
- Không nên vận động quá mạnh hoặc lạm dụng giày cao gót. Thay vào đó, hãy thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để cải thiện độ dẻo dai của hệ xương khớp như yoga, đi bộ, dưỡng sinh,...
- Nếu mắc phải các bệnh lý về cột sống như chấn thương cột sống, thoái hóa cột sống cổ hoặc thoát vị đĩa đệm,... Bạn nên thăm khám và điều trị ngay từ sớm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh là tình trạng cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nếu chủ quan sẽ gây ra tổn thương vĩnh viễn tại khu vực này và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh. Vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu của bệnh bạn cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để lên kế hoạch điều trị cho phù hợp.
- Chuyên gia
- Cơ sở