Trật khớp cổ chân
Trật khớp cổ chân là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải, dạng chấn thương thường xảy ra khi bạn tham gia các hoạt động sống hàng ngày. Ở những trường hợp nhẹ, bạn có thể tự cải thiện bằng cách chăm sóc tại nhà. Với những trường hợp nặng gây tổn thương xương và khớp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Định nghĩa
Khớp cổ chân được cấu tạo từ 3 xương chính là xương chày, xương mác và xương bàn chân. Đây là một trong những khớp lớn trên cơ thể nên có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp bàn chân có thể di chuyển lên xuống một cách linh hoạt và là cơ quan chịu lực cho toàn bộ cơ thể. Khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày, khớp cổ chân phải vận động liên tục và thường xuyên, chính điều này đã khiến cho khớp cổ chân dễ bị chấn thương hơn so với các vùng khớp khác trên cơ thể.
Trật khớp cổ chân là một dạng chấn thương thường gặp. Lúc này, hoạt động của khớp cổ chân sẽ mất đi tính ổn định do các xương cấu tạo nên khớp bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Dựa vào mức độ chấn thương mà tình trạng trật khớp sẽ gây tổn thương đến một hoặc nhiều cơ quan tại khớp. Ví dụ như tổn thương gân, dây chằng, cơ hoặc xương,... Khi bị chấn thương cổ chân, bạn phải đối mặt với triệu chứng đau nhức nghiêm trọng tại khớp. Ngoài ra, khớp còn bị tê yếu, sưng tấy, bầm tím ngoài da và giảm khả năng chịu lực. Nếu không điều trị đúng cách ngay từ sớm, tình trạng này sẽ gây tổn thương đến mạch máu và dây thần kinh, để lại nhiều rủi ro không mong muốn.
Hình ảnh
Triệu chứng
Trật khớp cổ chân nếu chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ sẽ không để lại biến chứng nếu được điều trị sớm và đúng cách. Còn với những trường hợp nặng nếu chủ quan trong việc điều trị sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương mạch máu và dây thần kinh, tổn thương khớp, xuất hiện cục máu đông, cứng khớp, nhiễm trùng khớp,... Các biến chứng này thường xảy ra khi khớp cổ chân bị trật kèm theo gãy xương. Nếu tình trạng này được điều trị đúng cách thì khả năng xuất hiện biến chứng sẽ giảm đáng kể.
Vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu trật khớp cổ chân bạn không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bạn cần nắm rõ:
- Trật khớp cổ chân khiến vùng khớp này bị biến dạng hoàn toàn và mất đi khả năng chịu lực. Lúc này, người bệnh không thể đứng lên và đi lại một cách bình thường.
- Xuất hiện cơn đau nhức nghiêm trọng tại khớp sau khi bị chấn thương. Đồng thời, khớp mắt cá chân còn bị sưng tấy và bầm tím nghiêm trọng bên ngoài da.
- Trường hợp gây viêm dây thần kinh đi qua mắt cá chân sẽ gây ra triệu chứng tê bì và ngứa ran tại lòng bàn chân.
Nguyên Nhân
Trật khớp cổ chân là một dạng chấn thương nghiêm trọng tại vùng cổ chân. Tình trạng này xảy ra khi cổ chân bị tác động với lực mạnh gây đứt dây chằng hoặc gãy xương. Thông thường, tình trạng trật khớp cổ chân sẽ xảy ra do có liên quan đến việc gãy xương cấu tạo nên khớp. Một số nguyên nhân gây trật khớp cổ chân thường gặp là té ngã khiến bàn chân bị uốn cong quá mức, va chạm khi tham gia giao thông, tập luyện thể dục thể thao quá sức gây chấn thương cổ chân,...
Những đối tượng có nguy cơ cao là:
- Tham gia tập luyện thể dục thể thao với cường độ cao.
- Đã từng bị bong gân, gãy xương hoặc trật khớp cổ chân trong quá khứ.
- Mắc phải một số dị tật bẩm sinh tại mắt cá chân.
- Dây chằng bị yếu bẩm sinh do hội chứng Ehlers-Danlos.
- Bị thừa cân béo phì hoặc nghiện thuốc lá.
Phòng ngừa
Trật khớp cổ chân là chấn thương xảy ra do tai nạn nên rất khó để phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn vẫn nên lưu ý những điều sau đây để có thể hạn chế thấp nhất nguy cơ bị trật khớp cổ chân:
- Nên hạn chế tham gia các bộ môn thể thao tiếp xúc để tránh bị té ngã. Khi tập thể dục, nên tập luyện vừa sức và đúng biên độ.
- Mặc đồ bảo hộ khi chơi thể thao hoặc làm việc ở những môi trường nguy hiểm.
- Khi tham gia các hoạt động sống hàng ngày, bạn cần cẩn thận trong việc đi đứng để tránh bị té ngã dẫn đến chấn thương.
- Loại bỏ các thói quen xấu gây ảnh hưởng không tốt đến vùng cổ chân như đứng quá lâu một chỗ, bật nhảy liên tục, tiếp đất trên nền cứng,...
- Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Nên chuyển động cổ chân nhẹ nhàng giúp vùng khớp này được thư giãn, giảm áp lực lên mô và xương. Duy trì thói quen này trong thời gian dài sẽ hạn chế được nguy cơ chấn thương cũng như tái phát trật khớp cổ chân.
Biện pháp điều trị
Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán tình trạng trật khớp cổ chân bằng cách kiểm tra tiền sử chấn thương và bệnh tật, kiểm tra triệu chứng lâm sàng quanh cổ chân. Để có được kết quả chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành xét nghiệm hình ảnh bằng các phương pháp như chụp x-quang, chụp MRI hoặc chụp CT.
Dựa vào mức độ trật khớp và tổn thương tại khớp mà bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất. Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc và điều trị trật khớp cổ chân mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Chăm sóc sau khi bị trật khớp
Khi bị trật khớp cổ chân, bạn nên tiến hành chăm sóc đúng cách giúp giảm nhẹ triệu chứng đau nhức và ngăn ngừa tổn thương trở nên tồi tệ hơn. Cụ thể là:
- Nghỉ ngơi: Sau khi bị chấn thương, bạn nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ và nâng cao chân so với tim giúp cải thiện triệu chứng sưng đau. Nên thực hiện cách này trong vòng 48 giờ tính từ thời điểm bị chấn thương. Tuyệt đối không cố gắng di chuyển khớp hoặc ép xương trở về vị trí cũ để tránh gây tổn thương đến các mô mềm xung quanh.
- Chườm lạnh: Khi nghỉ ngơi, bạn cũng có thể tiến hành chườm lạnh ở vùng khớp bị tổn thương để cải thiện triệu chứng sưng tấy và đau nhức. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần bọc đá lạnh trong túi chườm rồi áp trực tiếp lên vùng khớp bị tổn thương. Nên tiến hành chườm lạnh từ 3 - 6 giờ/lần và mỗi lần chườm lạnh chỉ nên kéo dài tối đa 20 phút.
- Băng nén: Sử dụng nẹp hoặc băng thun để băng ép vùng khớp bị tổn thương giúp ổn định khớp, hỗ trợ phục hồi mô và hạn chế phát sinh các rủi ro khác. Sau khi băng nén, triệu chứng sưng viêm cũng được cải thiện đáng kể. Lưu ý, không nên băng nén quá chặt khiến mạch máu bị tắc nghẽn.
- Sử dụng nạng: Người bệnh có thể sử dụng nạng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Dùng nạng sẽ giảm được trọng lượng tác động lên mắt cá chân mỗi khi di chuyển và hạn chế xảy ra tổn thương.
- Tránh tác động lên khớp: Tuyệt đối không thực hiện các vận động tại khớp khi khớp cổ chân đang bị tổn thương cho đến khi tình trạng trật khớp được chữa lành hoàn toàn. Ví dụ như chạy nhảy, tham gia các bộ môn thể thao gia tăng áp lực lên khớp,...
Điều trị y tế
Với những trường hợp bị trật khớp cổ chân ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị nội khoa bằng các phương pháp như nắn chỉnh hoặc dùng thuốc. Còn với những trường hợp trật khớp ở mức độ nặng gây tổn thương xương hoặc mô xung quanh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Dưới đây là các phương pháp điều trị trật khớp cổ chân được áp dụng phổ biến trong y khoa bạn có thể tham khảo:
- Dùng thuốc Tây y: Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng một số loại thuốc Tây y giúp cải thiện triệu chứng đau nhức. Thường dùng là Acetaminophen, Ibuprofen, thuốc giãn cơ,... Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.
- Nắn chỉnh: Hầu hết các trường hợp bị trật khớp cổ chân đều được bác sĩ thực hiện nắn chỉnh để đưa các khớp xương bị trật trở về vị trí ban đầu. Với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành nắn chỉnh trong quá trình phẫu thuật. Dựa vào mức độ nghiêm trọng ở từng trường hợp mà phương pháp nắn chỉnh sẽ có sự khác nhau. Sau khi nắn chỉnh, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp x-quang để chắc chắn rằng xương đã trở về vị trí ban đầu.
- Nẹp hoặc bó bột: Khi bị trật khớp, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh mang nẹp hoặc bó bột trong khoảng 3 - 4 tuần. Phương pháp này có tác dụng ổn định khớp, giúp quá trình phục hồi tổn thương tại khớp diễn ra tốt hơn và ngăn ngừa các tác động bên ngoài vào khớp. Trong thời gian mang nẹp hoặc bó bột, người bệnh sẽ được yêu cầu dùng nạng để hỗ trợ di chuyển.
- Vật lý trị liệu: Sau khi tháo bột, người bệnh cần tiến hành vật lý trị liệu để phục hồi chức năng khớp. Khi mới bắt đầu, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các bài tập nhẹ để khớp quen dần rồi mới tăng dần cường độ lên. Sau một thời gian dài kiên trì thực hiện, chức năng khớp cổ chân sẽ được phục hồi hoàn toàn. Lúc này, người bệnh có thể thực hiện vận động một cách bình thường.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật thường được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị trật khớp cổ chân gây biến dạng khớp nghiêm trọng và không thể nắn chỉnh, trật khớp gây tổn thương đến xương và các mô mềm xung quanh, trật khớp tái phát trở lại,... Dựa vào mức độ tổn thương tại khớp, bác sĩ sẽ yêu cầu mổ hở hoặc mổ nội soi. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được bó bột trong vài tuần rồi mới tiến hành phục hồi chức năng vận động.
- Phục hồi chức năng sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật hoặc cố định chân để điều trị tình trạng trật khớp cổ chân, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập luyện một số bài tập phục hồi chức năng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện khả năng vận động. Thông thường, thời gian phục hồi chức năng sẽ diễn ra kéo dài khoảng 12 tuần hoặc lâu hơn dựa vào khả năng phục hồi của mỗi người. Sau đó, người bệnh đã có thể trở lại thực hiện các hoạt động một cách bình thường.
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, thời gian lành sau khi bị trật khớp cổ chân còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương và phương án điều trị. Với những trường hợp nhẹ thì có thể lành sau 2 tháng và 3 - 4 tháng với trường hợp nặng. Còn với những trường hợp bắt buộc phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, người bệnh phải mất khoảng 3 - 6 tháng để tập phục hồi chức năng và từ 8 - 12 tháng để khỏi hoàn toàn.
Câu hỏi thường gặp
Thời gian hồi phục trật khớp gối phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tổn thương, cơ địa, phương pháp điều trị và chế độ vận động, dinh dưỡng. Để xác định thời gian khỏi trật khớp gối, bạn có thể dựa trên 2 mức độ sau:
- Trật khớp gối nhẹ, di lệch ít: Thời gian hồi phục dưới 6 tuần.
- Trật khớp gối nặng, di lệch lớn: Thời gian hồi phục trung bình trên 6 tuần, một số trường hợp có thể kéo dài vài tháng.
Bong gân:
- Định nghĩa: Bong gân xảy ra khi cơ hoặc gân bị căng đến mức độ vượt quá giới hạn bình thường, nhưng chưa gây tổn thương nặng.
- Triệu chứng: Đau nhẹ hoặc mức độ đau vừa, sưng, có thể có một ít bầm tím.
- Nguyên nhân: Thường xảy ra do chấn thương nhẹ, vận động quá mức, hoặc đột ngột thay đổi hướng cử động.
Trật khớp:
- Định nghĩa: Trật khớp xảy ra khi hai đầu xương trong khớp mất liên kết với nhau.
- Triệu chứng: Đau mạnh, sưng, khả năng di động giảm, có thể cảm nhận sự không ổn định trong khớp.
- Nguyên nhân: Thường liên quan đến chấn thương nặng, tai nạn hoặc tác động mạnh đến khớp.
- Chuyên gia
- Cơ sở