U Xơ Tuyến Tiền Liệt

Triệu chứng và nguyên nhân

U xơ tuyến tiền liệt là một trong các chứng bệnh phổ biến ở cánh mày râu, đặc biệt là lứa tuổi trung niên với tỷ lệ 60% nam giới trên 60 tuổi ở Việt Nam mắc bệnh. Vậy thực chất u xơ tuyến tiền liệt có nguy hiểm không, nguyên nhân là gì và cách điều trị nào hiệu quả -  Bạn đọc hãy tham khảo những thông tin chi tiết về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Định nghĩa

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ ở hệ sinh dục của nam giới, nằm trước trực tràng, phía dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo, có khối lượng khoảng 20 gam. Vai trò của tuyến tiền liệt là kiểm soát lượng nước tiểu bằng cách tạo áp lực lên phần niệu đạo mà nó bao quanh, đồng thời sản xuất một số chất vào tinh dịch, nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng khi phóng tinh.

U xơ tuyến tiền liệt là hiện tượng gia tăng kích thước của của tuyến tiền liệt ở nam giới  trong độ tuổi trung niên và cao tuổi. Chứng bệnh này còn có tên gọi khác là phì đại tuyến tiền liệt lành tính, u phì đại tiền liệt tuyến hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Sự phình to tuyến tiền liệt sẽ chèn ép niệu đạo và bàng quang, gây ra các triệu chứng tiểu rắt, tiểu khó, tiểu ngắt quãng hay một số vấn đề về bàng quang, niệu đạo hay thận.

Hình ảnh

Triệu chứng

Tùy từng đối tượng khác nhau mà mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng không giống nhau. Tuy nhiên phần lớn người bệnh đều có các triệu chứng dưới đây:

  • Khó tiểu: Có cảm giác muốn đi tiểu nhưng rất khó, dòng nước tiểu yếu, thường phải rặn tiểu. Nhiều trường hợp khi tiểu khó, lượng nước tiểu không thoát đủ và bàng quang bị căng phồng.
  • Tiểu ngập ngừng, ngắt quãng: Đây là một trong những biểu hiện thường gặp khi bị u xơ tuyến tiền liệt, thường đi kèm với hiện tượng sỏi bàng quang, khiến nước tiểu bị ngắt quãng, dòng tiểu yếu.
  • Tiểu són, tiểu không hết: Người bệnh không kiểm soát được lượng nước tiểu, có thể tự thoát ra ngoài khi đang ngủ. Cùng với đó là tình trạng lượng nước tiểu rất ít, cảm giác tiểu không hết hay vừa tiểu xong lại muốn đi tiếp.
  • Tiểu rắt, nhiều lần nhưng lượng nước tiểu mỗi lần thường ít: Khi bị u xơ tuyến tiền liệt, số lần đi tiểu có thể tăng lên, tuy nhiên lượng nước tiểu mỗi lần thường rất ít. Một số trường hợp đi tiểu liên tục và tiểu nhiều vào ban đêm gây khó ngủ.
  • Sinh lý yếu: Người bệnh bị giảm ham muốn tình dục, có các biểu hiện xuất tinh sớm, khó xuất tinh, rối loạn cương dương.

Nguyên Nhân

Hiện nay y học vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho vấn đề nguyên nhân gây u phì đại tiền liệt tuyến hay u xơ tuyến tiền liệt. Tuy nhiên dựa vào tình trạng của các bệnh nhân, các nhà khoa học nhận thấy một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như sau:

Do hormone nam testosterone

Ở tuyến tiền liệt của nam giới, hormone testosterone có ảnh hưởng đến sự tăng sinh và biệt hóa tế bào. Nếu nồng độ DHT tăng lên quá mức, các tế bào mô tuyến tiền liệt có xu hướng phát triển mạnh hơn và gây nên bệnh u xơ tuyến tiền liệt.

Thực tế cho thấy những người đã cắt bỏ tinh hoàn hoặc tinh hoàn bị mất chức năng trước tuổi dậy thì sẽ không bị mắc chứng bệnh phì đại tiền liệt tuyến. Ngoài ra, trường hợp đã bị bệnh, sau đó cắt bỏ tinh hoàn, khối u có thể nhỏ lại sau một thời gian.

Do tuổi tác

Nam giới tuổi càng cao, tuyến tiền liệt càng phát triển và nguy cơ mắc bệnh lớn.Theo đó, cánh mày râu thường bị viêm tiền liệt tuyến ở độ tuổi 25, phì đại ở tuổi 45 và tiềm ẩn nguy cơ mắc ung thư khi bước vào 50 tuổi.

Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nam giới bị u xơ tuyến tiền liệt do tuổi tác như sau:

  • Từ 31 - 40 tuổi: Trung bình 12 nam có 1 người mắc bệnh, tỷ lệ dưới 10%.
  • Từ 51 -  60: Trung bình cứ 2 nam có 1 nam mắc bệnh, tỷ lệ trên 50%.
  • Từ sau 80 tuổi: Trung bình 10 nam có 8 người mắc bệnh, tỷ lệ trên 80%.

Yếu tố di truyền

U xơ tuyến tiền liệt có thể di truyền, vì vậy nếu gia đình có người thân bị phì đại tiền liệt tuyến, bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bên cạnh đó, trong trường hợp ông, bố, anh em của bạn phải phẫu thuật điều trị chứng bệnh này trước độ tuổi 64, bạn cũng có thể phải phẫu thuật khi bị bệnh với tỉ lệ cao hơn gấp  4 - 6 lần so với người bình thường.

Chế độ sinh hoạt

Một chế độ sinh hoạt không lành mạnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và gây nên tình trạng u xơ phì đại tuyến tiền liệt. Đối tượng bị bệnh thường là người có thói quen uống nước không đủ, hay gặp căng thẳng, stress, môi trường sống bị ô nhiễm, chế độ ăn uống thiếu chất, quan hệ tình dục quá nhiều hoặc không quan hệ tình dục. Ngoài ra, khi lạm dụng quá nhiều rượu bia, chất kích thích cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.

Do bệnh lý khác

Những người bị viêm nhiễm đường tiết niệu, khi bị u xơ tuyến tiền liệt sẽ khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tình trạng tuyến tiền liệt phì đại thường hay đi kèm bệnh tiểu đường, xơ gan, suy tim, cao huyết áp. Đặc biệt, những người bị béo phì, có chỉ số khối cơ thể càng cao, nguy cơ u xơ tuyến tiền liệt cao gấp 3,5 lần so với người có trọng lượng bình thường, cân đối.

Biến chứng

U xơ tuyến tiền liệt không phải là chứng bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng sau:

Sỏi bàng quang

Khi bị u xơ, người bệnh thường gặp các triệu chứng tiểu rắt, tiểu không hết, tiểu ít, do đó, lượng nước tiểu không được tống hết ra khỏi cơ thể mà vẫn đọng lại một phần trong bàng quang, gọi là nước tiểu tồn dư. Đây chính là nguyên nhân khiến vi khuẩn có cơ hội hình thành, phát triển và gây nên hiện tượng viêm tiết niệu hay sỏi bàng quang.

Sỏi bàng quang biểu hiện với các triệu chứng tiểu buốt, tiểu nhiều lần, thậm chí đi tiểu ra máu. Trong trường hợp sỏi bàng quang có kích thước quá lớn có thể gây bí tiểu.

Viêm tiết niệu

Khi người bệnh đi tiểu không hết, sự lắng đọng của nước tiểu và vi khuẩn trong bàng quang làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm đường tiết niệu với các bệnh lý như: Viêm bàng quang, viêm tiết niệu, viêm thận, viêm tinh hoàn - mào tinh,...

Triệu chứng thường gặp khi bị viêm tiết niệu là sốt cao, đau hông lưng, nước tiểu có màu đục hoặc tiểu ra máu. Những người u xơ tuyến tiền liệt có thể bị viêm tiết niệu tái phát nhiều lần và gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật về sau, thậm chí bệnh nhân có nguy cơ chảy máu nhiều do bóc tách u xơ bị dính rất khó khăn.

Suy thận

Trường hợp bí tiểu, tiểu không hết cũng gây áp lực cao cho bàng quang, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến thận. Nếu tình trạng nước tiểu ứ đọng gây giãn đài bể thận và viêm đường tiết niệu gây ứ mủ bộ phận này có thể dẫn đến hiện tượng suy thận.

Gây chấn thương cơ vùng chậu

Người bị u xơ phì đại tuyến tiền liệt thường có biểu hiện đi tiểu không hết hoặc cảm giác buồn tiểu nhưng không đi tiểu được. Lúc này họ có thể phải căng cơ vùng chậu để gắng cho nước tiểu thoát ra ngoài. Việc làm này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây tổn thương cơ vùng chậu hoặc thậm chí gây nên bệnh trĩ.

Phòng ngừa

U xơ tuyến tiền liệt là chứng bệnh thường gặp ở nam giới, do đó để có thể cải thiện tình hình sức khỏe khi bị bệnh và phòng tránh căn bệnh này, bạn cần chú ý:

  • Chú ý đến chế độ ăn uống của mình, bổ sung thực phẩm chứa nội tiết tố thiên nhiên như đậu nành, giá đỗ, đậu xanh để ức chế phản ứng viêm nhiễm trong tuyến tiền liệt. Đồng thời ăn nhiều rau củ quả: Cà chua, cà rốt, dưa hấu, bí đỏ,.... và thực phẩm chứa omega -3 để tăng cường sức đề kháng.
  • Không nên ăn đồ ăn cay nóng, mặn, nhiều đường, nhiều dầu mỡ, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và một số chất kích thích khác.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày để chức năng của thận và bàng quang được đảm bảo.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát tình trạng bệnh và đẩy lùi được các yếu tố gây bệnh.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cơ thể hàng ngày, tránh tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, hóa chất.
  • Kiểm soát cân nặng vì tình trạng béo phì cũng là một trong các nguyên nhân gây bệnh u xơ tuyến tiền liệt.
  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ về các phương pháp điều trị và những lưu ý trong quá trình chữa bệnh.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Để xác định chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp chẩn đoán. Ban đầu sẽ là chẩn đoán các triệu chứng cận lâm sàng: Dựa vào triệu chứng, mức độ, thời gian bị bệnh để đánh giá. Tuy nhiên sau đó vẫn cần đến các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, bao gồm:

  • Siêu âm tinh hoàn, tuyến tiền liệt và thận: Việc làm này giúp đánh giá kích thước và khối lượng tuyến tiền liệt để có thể dễ dàng lựa chọn biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, siêu âm còn để phân biệt bệnh phì đại với các bệnh như: Ung thư tuyến tiền liệt, áp xe tuyến tiền liệt,...
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Bao gồm các xét nghiệm như: Xác định nồng độ PSA (kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến), xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm chức năng thận,...
  • Chụp cắt lớp vi tính: Giúp bác sĩ xác định khối lượng tuyến tiền liệt, từ đó có thể đánh giá chi tiết hơn về tình trạng của bệnh nhân.
  • Chụp X-quang hệ tiết niệu: Hình ảnh sau khi chụp X-quang sẽ cho thấy những thay đổi bất thường trong cấu trúc của đường tiết niệu do hiện tượng phì đại gây ra. Đồng thời xác định mức độ lồi vào trong bàng quang của khối u và đánh giá chức năng của thận 2 bên.
  • Thăm dò niệu động học: Đây là việc làm nhằm đánh giá áp lực bên trong bàng quang và hiệu quả co bóp của bàng quang. Tuy nhiên phương pháp thăm dò này thường được thực hiện trong trường hợp nghi ngờ bị các vấn đề về bàng quang hơn là phì đại tuyến tiền liệt.

Biện pháp điều trị

U phì đại tuyến tiền liệt gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh, do đó cần được điều trị sớm. Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa bệnh u xơ tuyến tiền liệt hiệu quả như mẹo dân gian, Đông y hay Tây y, người bệnh nên dựa vào tình trạng sức khỏe và mức độ của khối u.

Dùng mẹo dân gian

Mẹo dân gian truyền tai nhau nhiều công thức hay để chữa bệnh u phì đại tuyến tiền liệt. Đây là phương pháp được người bệnh ưu tiên lựa chọn vì tính an toàn, đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên mẹo dân gian chỉ áp dụng thành công cho những trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát, khối u chưa lớn và chưa gây ra các biến chứng khác.

Cây trinh nữ hoàng cung

Đây được biết đến là loại cây dùng cho quý tộc thời xưa. Trinh nữ hoàng cung chứa các hoạt chất như: Crinafoline, Crinafolidine, Paratorimin giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào, ức chế khả năng phát triển của khối u. Ngoài ra, loại cây này còn giúp kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch và đẩy lùi các triệu chứng khó tiểu, tiểu rắt,..

Cách thực hiện:

  • Người bệnh lấy khoảng 3 lá trinh nữ hoàng cung còn tươi, rửa sạch, thái nhỏ và sao khô màu hơi vàng.
  • Sắc nguyên liệu đã chuẩn bị với nước, uống liên tục trong 7 ngày, nghỉ 7 ngày, duy trì trong khoảng 2 tháng để đạt hiệu quả.

Cây tướng quân

Cây tướng quân hay còn có tên gọi khác là náng hoa trắng, được dùng làm bài thuốc chữa u xơ tuyến tiền liệt hiệu quả. Theo đó, loại cây này có khả năng làm giảm hiện tượng u phì đại lành tính tuyến tiền liệt lên tới 35,4%. Khi sử dụng, cây tường quân giúp làm giảm kích thước khối phì đại và giảm áp lực lên niệu đạo. Đặc biệt cây không gây tác dụng phụ hay làm ảnh hưởng đến khả năng sinh lý của người bệnh.

Cách thực hiện:

  • Bạn chuẩn bị khoảng 100g lá náng hoa trắng tươi, rửa sạch  sau đó đổ 0,5 lít rượu trên 40 độ, ngâm trong 1 tuần, bạn lấy phần dịch chiết này ra.
  • Phần bã tiếp tục ngâm cùng 0,5 lít rượu, sau 1 tuần chiết dịch ra, trộn với dịch chiết lần 1 và uống trực tiếp trong 20 ngày.

Dầu cọ lùn

Dầu cọ lùn là loại dược liệu nổi tiếng với công dụng điều trị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Dầu cọ lùn có khả năng ức chế DHT, giảm nồng độ DHT trong máu, ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển của các khối u. Bên cạnh đó, dược liệu này còn làm giãn cơ trơn tuyến tiền liệt và cơ bàng quang, tránh tình trạng tắc nghẽn niệu đạo, giảm triệu chứng tiểu đêm, khó tiểu, tiểu yếu, tiểu rắt.

Cách thực hiện: Bạn chuẩn bị 300g dầu cọ lùn đã được ép sẵn, mỗi ngày dùng 2 cốc nhỏ thêm vào thức ăn hoặc trộn với rau để ăn.

Thuốc Tây y cho người bệnh

Sau khi đã chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng một số loại thuốc Tây y. Không giống như mẹo dân gian hay Đông y, thuốc Tây y thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, do đó bạn nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Một số loại thuốc dùng để điều trị u xơ tuyến tiền liệt là:

  • Thuốc chẹn beta: Có tác dụng làm thư giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt, đẩy lùi các triệu chứng của bệnh. Thuốc chẹn beta thường được dùng là: Doxazosin, Alfuzosin, Terazosin, Tamsasmin,...
  • Thuốc ức chế men khử 5-alpha: Bao gồm: Dutasteride, Finasteride,... Đây là nhóm thuốc giúp giảm và ức chế hormone DHT trong cơ thể, làm thu nhỏ tuyến tiền liệt, đồng thời tránh khối u phát triển.
  • Thuốc kháng cholinergic: Thường được chỉ định dùng trong trường hợp người bệnh gặp các vấn đề bí tiểu, khó tiểu, rò nước tiểu, từ đó giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh.
  • Desmopressin: Thuốc có tác dụng hạn chế tiểu đêm nhiều lần, hoạt động bằng cách làm chậm quá trình lọc nước tiểu của thận từ 6 - 8 giờ, nhờ đó giúp người bệnh ngủ ngon hơn.

Can thiệp ngoại khoa

Can thiệp ngoại khoa được thực hiện khi các biện pháp dùng thuốc không có tác dụng hoặc bệnh nhân ở giai đoạn nghiêm trọng, khối u lớn cần loại bỏ. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe và kích thước khối u để chỉ định phương pháp phù hợp bao gồm:

Nội soi đường niệu đạo

Đây là phương pháp phổ biến, không gây chảy máu và đau đớn như phẫu thuật mở. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ nội soi nhỏ vào tuyến tiền liệt thông qua niệu đạo để cắt bỏ khối u và hút khối u ra khỏi cơ thể qua ống nội soi.

Quá trình nội soi này được kiểm soát thông qua màn hình máy tính, thời gian thực hiện chỉ khoảng 60 phút, tuy nhiên khối u có thể tái phát trở lại do không loại bỏ được hết u xơ.

Phẫu thuật mở

Phương pháp này sử dụng laser có năng lượng cao để cắt bỏ khối, giảm được các nguy cơ u xơ có thể gây ra và hạn chế tác dụng phụ trong quá trình điều trị.

Hiện nay phẫu thuật phổ biến với phương pháp bóc tách khối u xơ tiền liệt tuyến qua niệu đạo và rạch tuyến tiền liệt qua niệu đạo.

Phương pháp khác

Có một số phương pháp khác giúp giảm kích thước tuyến tiền liệt, tuy nhiên chưa được khẳng định là đảm bảo an toàn và không gây tác dụng phụ như: Mổ tuyến tiền liệt bằng laser, liệu pháp nhiệt vi sóng qua niệu đạo, tiêm ethanol,...

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Người mắc u xơ tiền liệt tuyến nên ăn rau bắp cải, đậu xanh, súp lơ xanh, cà chua, giá đỗ, cá hồi, và sử dụng nước trà xanh.
  • Nên kiêng muối hoặc các món mặn, lòng đỏ trứng gà, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ, và đồ uống có chứa chất kích thích.
Xem chi tiết

Bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt đòi hỏi chế độ ăn uống cân đối và giàu dinh dưỡng. Các loại thực phẩm có lợi cho tuyến tiền liệt gồm:

  1. Vừng: Rất giàu kẽm, cần thiết cho sức khỏe của tuyến tiền liệt, giúp cải thiện bệnh vôi hóa.
  2. Cà chua: Chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, giúp hạn chế sự phát triển của tế bào gây ung thư.
  3. Giá đỗ: Dồi dào chất dinh dưỡng, giúp chống oxy hóa, ngăn viêm nhiễm, cải thiện khả năng sinh lý.
  4. Rau bắp cải: Chứa vitamin C và chất chống oxy hóa, hỗ trợ tái sinh tế bào và cải thiện vôi hóa.
  5. Đậu xanh: Chứa flavonoid, ức chế tế bào ung thư, cải thiện tình trạng vôi hóa.
  6. Hạt giàu dinh dưỡng: Hạt Macadamia, óc chó, hạnh nhân, Chia, dẻ đều giàu vitamin và khoáng chất, giúp cải thiện sức khỏe nam giới bị vôi hóa tuyến tiền liệt.
Xem chi tiết

U xơ tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến thường gặp ở nam giới tuổi trung niên và thường KHÔNG NGUY HIỂM. Tuy nhiên bệnh có thể gây ra một số triệu chứng ảnh hưởng sinh hoạt như:

  • Khó đi tiểu
  • Tiểu không hết
  • Tiểu đêm
  • Dòng chảy yếu
  • Tiểu không tự chủ
Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android