Ung Thư Gan Di Căn Xương
Ung thư gan di căn xương là dấu hiệu cho thấy bệnh ung thư gan đã chuyển biến nặng. Ở trường hợp này, tiên lượng điều trị khỏi bệnh là không cao và khả năng sống trên 5 năm của người bệnh cũng giảm đi đáng kể. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này cũng như cách điều trị thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Ung thư gan là sự phát triển của khối ung thư bên trong gan từ các tế bào gan ác tính. Đây là bệnh lý ác tính có tiến triển rất phức tạp, đặc biệt là khi đã bước vào giai đoạn di căn. Chuyên gia cho biết, ung thư gan di căn đến đâu thì sẽ gây ra các biểu hiện rõ ràng đến đó.
Ung thư gan di căn xương xảy ra khi bệnh ung thư gan đã phát triển sang giai đoạn cuối. Lúc này, các tế bào ung thư tồn tại trong gan sẽ đi theo hạch bạch huyết và máu để tấn công vào hầu hết các cơ quan khác trên cơ thể.
Hình ảnh
Triệu chứng
Bạn có thể nhận biết ra bệnh ung thư di căn vào xương thông qua các dấu hiệu đặc trưng sau đây:
Triệu chứng toàn thân
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, sức khỏe bị suy kiệt nhanh chóng.
- Gầy sút cân đột ngột không rõ nguyên nhân.
- Sốt tái phát thường xuyên, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.
- Vàng da và vàng mắt ở mức độ nghiêm trọng.
Triệu chứng tại đường tiêu hóa
- Gặp một số vấn đề về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa,...
- Vùng gan bị sưng to bất thường kèm theo triệu chứng đau nhức. Khi dùng tay sờ vào sẽ thấy sự xuất hiện của khối u ở vùng bụng trên.
Triệu chứng tại xương
- Có cảm giác đau nhói ở bên trong xương, cơn đau thường diễn ra âm ỉ kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn khi về đêm.
- Cấu trúc xương trở nên suy yếu và dễ gãy, tình trạng gãy xương cũng có thể xảy ra ngay khi bạn thực hiện các hoạt động sống hàng ngày.
- Khi làm xét nghiệm sẽ thấy hàm lượng canxi trong máu tăng cao một cách đột ngột.
Biến chứng
Ung thư gan di căn sang xương được xác định là bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không được can thiệp đúng cách sẽ đe dọa đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Một số biến chứng mà bạn phải đối mặt khi ung thư gan di căn sang xương là:
- Đau xương: Các tế bào ung thư thường sẽ di căn đến nhiều vùng xương trên cơ thể như cột sống, xương chậu, xương sườn, xương cánh tay, xương sọ,... Khi bệnh di căn đến vùng xương nào bạn sẽ có cảm giác đau nhói ở khu vực đó. Nguyên nhân gây ra triệu chứng đau nhức là do tế bào ung thư đã phá hủy cấu trúc vỏ xương và chèn ép lên rễ thần kinh xung quanh.
- Gãy xương: Tế bào ung thư thường sẽ phá hủy cấu trúc vỏ xương để xâm nhập vào bên trong tủy xương. Điều này đã khiến cho cấu trúc và tính chất xương bị biến đổi. Lúc này, xương không còn chắc khỏe như ban đầu mà trở nên dễ tổn thương và dễ gãy hơn bình thường.
- Tổn thương thần kinh: Bệnh ung thư gan khi di căn đến xương sẽ hình thành nên ung thư xương ác tính chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh. Điều này đã khiến cho rễ thần kinh bị tổn thương và gây ra các triệu chứng như đau lưng, đau toàn thân, lú lẫn,...
Phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh ung thư gan di căn xương, bạn cần hình thành cho bản thân lối sống lành mạnh, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển các tế bào ác tính bên trong cơ thể. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Tiến hành tiêm phòng vacxin viêm gan siêu vi B đầy đủ theo quy định của Bộ y tế giúp phòng ngừa các bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, ung thư gan,...
- Cần tránh tiêu thụ rượu bia và thuốc lá, đây là nhóm thức uống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đặc biệt là chức năng gan. Nếu bạn quá lạm dụng sẽ làm gia tăng nguy cơ xơ gan và dễ dàng tiến triển sang ung thư gan.
- Tuyệt đối không sử dụng chung vật dụng cá nhân với những người đang mắc bệnh viêm gan như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bơm kim tiêm,... Tiến hành thăm khám hoặc can thiệp y tế tại những cơ sở y tế uy tín đảm bảo yếu tố vô trùng.
- Nếu đang mắc các bệnh lý về gan, bạn cần tiến hành điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ và theo dõi chặt chẽ mức độ tiến triển của bệnh. Với những người đang bị ung thư gan, cần tầm soát bệnh đúng cách ngay từ sớm, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và di căn.
Biện pháp điều trị
Việc điều trị bệnh ung thư gan di căn xương còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như mức độ di căn. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát cho người bệnh để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư gan di căn xương được áp dụng phổ biến trong y khoa bạn có thể tham khảo:
- Hóa trị: Được chỉ định điều trị với hầu hết các trường hợp ung thư. Mục đích của việc hóa trị là tiêu diệt tế bào ung thư bên trong cơ thể và hỗ trợ thu nhỏ kích thước khối u. Thông thường, thuốc hóa trị sẽ được sử dụng bằng cách truyền tĩnh mạch để đi khắp cơ thể nên sẽ gây ảnh hưởng đến cả tế bào ác tính lẫn tế bào khỏe mạnh.
- Xạ trị: Đây là phương pháp điều trị bệnh ung thư di căn mang lại hiệu quả khá cao. Lúc này, tia bức xạ năng lượng cao sẽ được chiếu vào vùng xương bị di căn để tiêu diệt tế bào ung thư, giải phóng chèn ép lên rễ thần kinh và giảm đau nhức. Phương pháp điều trị này thường được áp dụng giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
- Phẫu thuật: Được chỉ định thực hiện với những bệnh nhân bị ung thư gan di căn sang xương gây gãy xương. Quá trình phẫu thuật cần có sự phối hợp của cả bác sĩ khoa chỉnh hình, bác sĩ nội khoa và bác sĩ chuyên khoa xạ trị. Mục đích của việc phẫu thuật là cố định xương bị gãy giúp người bệnh có thể duy trì vận động bình thường.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, khi bệnh ung thư gan đã chuyển biến sang giai đoạn cuối thì tỷ lệ chữa khỏi là rất thấp, khả năng sống quá 5 năm cho giai đoạn này là không cao. Nhưng nếu người bệnh có quyết tâm thì bệnh vẫn có khả năng được kiểm soát và có thể sống chung với căn bệnh ác tính này. Một số điều mà người bệnh cần lưu ý trong suốt quá trình điều trị là:
- Luôn duy trì tâm lý vui vẻ, lạc quan và có niềm tin chiến thắng bệnh tật. Nghiêm túc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra.
- Luôn vận động và thực hiện một số bài tập phù hợp với thể trạng của bản thân để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của bệnh. Tốt hơn hết, bạn nên tiến hành tập luyện theo chỉ định của bác sĩ.
- Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của bản thân, nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn lên thực đơn ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh.
- Luôn sát cánh và đồng hành với người thân trong suốt quá trình điều trị. Sự quan tâm và chia sẻ của người thân sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh để vượt qua bệnh tật.
- Sử dụng thêm thực phẩm chức năng nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh để kéo dài thời gian sống. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn sản phẩm chức năng cho phù hợp.
- Chuyên gia
- Cơ sở