Ung Thư Tuyến Tiền Liệt
Theo thống kê của WHO, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến hiện nay và đứng thứ 8 về tỷ lệ tử vong. Chứng bệnh này thường phát triển chậm và nếu được phát hiện sớm sẽ có biện pháp điều trị khả quan. Bạn đọc hãy đồng hành cùng bài viết sau để được tìm hiểu chi tiết hơn về ung thư tiền liệt tuyến, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh hiệu quả.
Định nghĩa
Ung thư tuyến tiền liệt là chứng bệnh thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, xuất hiện khi tế bào tuyến tiền liệt phát triển một cách không bình thường hoặc mất kiểm soát. Bệnh thường phát triển chậm và gần như không có biểu hiện ở giai đoạn đầu.
Đa số người mắc ung thư tiền liệt tuyến ở mức độ nhẹ có thể sống được nhiều năm nếu phát hiện và chữa trị kịp thời. Tuy nhiên khi bệnh diễn biến nặng sẽ lan nhanh ra các vùng khác, di căn sang xương, hạch bạch huyết, gây cảm giác đau đớn, khó khăn khi đi tiểu, rối loạn cương dương, thậm chí là tử vong.
Các giai đoạn của ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư phát triển ở tuyến tiền liệt, giống như một mô tuyến tiền liệt bình thường. Ở giai đoạn này, kích thước tuyến tiền liệt không to hơn so với bình thường, do đó nếu thăm khám trực tràng không phát hiện được. Chỉ khi bạn thực hiện làm sinh thiết hoặc thấy PSA tăng mới biết mình bị ung thư.
- Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư bắt đầu phát triển, kích thước tuyến tiền liệt tăng nhưng chưa phá vỡ vỏ bọc của tuyến. Bệnh nhân có thể phát hiện ung thư bằng phương pháp thăm khám trực tràng hoặc xét nghiệm PSA.
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã phá vỡ vỏ bọc của tuyến tiền liệt, bắt đầu di căn sang các cơ quan gần kề như: Bàng quang, trực tràng, túi tinh, cơ thắt niệu đạo,...
- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư đã di căn sang các hạch bạch huyết và một số cơ quan ở xa như: Phổi, gan, xương,...
Hình ảnh
Triệu chứng
Như đã nói, ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn khởi phát rất khó phát hiện vì gần như không có dấu hiệu cụ thể. Tuy nhiên ở các giai đoạn sau, triệu chứng bệnh bao gồm:
- Đi tiểu khó: Người bệnh thường xuyên buồn tiểu nhưng không thể đi được hoặc đang đi tiểu bị dừng lại, dẫn đến việc tiểu không hết. Nguyên nhân là bởi tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, do đó chỉ một khối u nhỏ cũng có thể gây cản trở đến hoạt động đi tiểu.
- Có cảm giác đau khi đi tiểu: Khối u tuyến tiền liệt chèn ép lên niệu đạo sẽ khiến bạn có cảm giác đau mỗi khi đi tiểu. Đây cũng là biểu hiện thường gặp của bệnh nhiễm trùng tuyến tiền liệt.
- Xuất hiện nước tiểu trong máu: Dấu hiệu này thường ít gặp và có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác như viêm đường tiết niệu. Do đó, khi thấy trong nước tiểu có vệt máu, dù chỉ là vệt màu hồng nhạt, bạn cũng nên đi khám để được chẩn đoán rõ ràng.
- Tiểu đêm: Nhiều người có biểu hiện thường xuyên tiểu đêm nhưng lại không để ý. Nếu bạn đi tiểu đêm nhiều hơn hai lần, nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
- Tiểu rắt: Nếu có hiện tượng bị rò rỉ nước tiểu và đi tiểu không kiểm soát, bạn cần chú ý vì nó liên quan đến các bệnh về tuyến tiền liệt.
- Dương vật khó cương cứng: Khối u trong tuyến tiền liệt sẽ làm chặn lưu lượng máu đến dương vật khiến bộ phận này khó có thể cương cứng.
- Xuất hiện máu trong tinh dịch: Trong tinh dịch có máu, thậm chí lượng máu rất ít và chỉ là những vệt hơi hồng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư tiền liệt tuyến.
- Thường xuyên đau lưng, hông, đùi trên: Thông thường, cảm giác đau lưng, hông, đùi trên thường bị nhầm với đau thần kinh tọa hoặc đau lưng thấp. Tuy nhiên nếu bạn xuất hiện những cơn đau không rõ nguyên nhân, nên đi khám để kịp thời phát hiện những bất thường và ung thư nếu có.
Nguyên Nhân
Hiện nay, nguyên nhân gây nên bệnh ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh như sau:
- Tuổi tác: Tuổi tác có thể tác động trực tiếp đến khả năng mắc các bệnh về tuyến tiền liệt, trong đó có ung thư, do đó tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Theo thống kê, nam giới dưới 54 tuổi, tỷ lệ mắc ung thư tiền liệt tuyến là 10%, trong khi nam giới từ 55 - 74 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh là 65%.
- Di truyền: Nếu gia đình bạn có người bị ung thư tuyến tiền liệt, khả năng bạn bị bệnh sẽ cao hơn những người bình thường. Đặc biệt, trong gia đình từng có nhiều hơn 1 người bị bệnh, tỷ lệ bạn bị ung thư sẽ cao hơn nhiều lần.
- Lối sống: Nhiều nghiên cứu cho thấy môi trường sống và thói quen sinh hoạt là các yếu tố tác động và làm tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt. Một người sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, hóa chất, không thường xuyên tập thể dục và sử dụng nhiều thuốc lá hay chất kích thích có thể dễ bị ung thư hơn những đối tượng khác.
- Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Biến chứng
Ung thư tuyến tiền liệt nằm trong top ung thư có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh ở giai đoạn đầu có thể không gây nguy hiểm, tuy nhiên nếu sau một thời gian dài không được can thiệp, người bệnh có thể gặp các biến chứng sau:
Tiểu không tự chủ
Các bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt có thể dẫn đến hiện tượng tiểu không tự chủ. Theo đó, những lúc buồn tiểu, người bệnh không tiểu được hoặc tiểu rất ít, phải đi tiểu nhiều lần. Đặc biệt có thể xảy ra tình trạng tiểu không kiểm soát trong khi đang ngủ hoặc đang ngồi, gây ra tâm lý lo lắng, tự ti, ngại giao tiếp,
Rối loạn cương dương
Hiện tượng này có thể là biến chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt hoặc tác dụng phụ của quá trình điều trị bệnh. Rối loạn cương dương không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tâm lý e ngại, tự ti và có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Tế bào ung thư di căn sang các bộ phận khác
Sau một thời gian, các khối u ác tính ở tuyến tiền liệt có thể di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể, mạch máu và các hạch bạch huyết gần kề. Thậm chí, các khối u này còn có thể di căn đến xương, gây đau và gãy xương. Nếu ung thư ở giai đoạn di căn, bệnh vẫn có thể điều trị, tuy nhiên không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Phòng ngừa
Khi phát hiện mình bị ung thư, đa số bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, bi quan, điều này sẽ khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn nên ghi nhớ và thực hiện theo những lưu ý sau:
- Đến các bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả.
- Tập thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ.
- Giữ tâm lý thoải mái, lạc quan, không nên quá lo lắng vì khi bạn tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ sẽ có thể đẩy lùi bệnh hiệu quả.
- Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
- Lựa chọn địa chỉ khám chữa bệnh uy tín để đảm bảo kết quả điều trị cao, nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.
Biện pháp chẩn đoán
Ung thư tuyến tiền liệt không biểu hiện cụ thể ra bên ngoài hoặc khi có biểu hiện cũng là lúc bệnh phát triển ở giai đoạn nặng. Do đó ngay khi nhận thấy những bất thường dù là nhỏ nhất, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Hiện nay có rất nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến, có thể kể đến như:
Xét nghiệm máu PSA
PSA là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, khi xét nghiệm, nếu nồng độ PSA càng cao, khả năng ung thư càng lớn. Hiện nay, xét nghiệm máu PSA được cho là phương pháp hiệu quả nhất, có thể xác định chính xác giai đoạn bệnh và theo dõi sự phát triển của khối u.
Ưu điểm của phương pháp này là mang tính khách quan, tránh cảm giác đau và tâm lý ngại ngùng cho người bệnh. PSA giúp làm tăng cơ hội phát hiện bệnh sớm, tăng khả năng điều trị bệnh. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy phương pháp PSA có thể dự báo ung thư tiền liệt tuyến trước 25 - 30 năm.
Siêu âm
Siêu âm là một trong các phương pháp chẩn đoán có giá trị cao đối với ung thư tuyến tiền liệt, hỗ trợ quan trọng cho quá trình thăm khám lâm sàng. Hiện nay có 2 loại siêu âm chính:
- Siêu âm trên xương mu: Phương pháp này cho phép đánh giá ảnh hưởng của xương mu đối với ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt trong giai đoạn sau của bệnh. Qua kết quả siêu âm có thể thấy các tổn thương khác như hạch chậu, kích thước tuyến tiền liệt, mức độ xâm lấn u vào bàng quang.
- Siêu âm qua trực tràng: Phương pháp này sử dụng đầu dò tần số cao 5 -7 MHz, vì vậy cho hình ảnh rõ nét hơn so với siêu âm xương mu, có thể phát hiện được khối u có kích thước đường kính từ 2 - 4 mm. Siêu âm qua trực tràng cũng giúp sinh thiết chính xác hơn.
Sinh thiết tuyến tiền liệt
Sinh thiết được thực hiện dựa trên kết quả của thăm khám trực tràng và nồng độ PSA trong máu. Sinh thiết tuyến tiền liệt có thể thực hiện bằng hai cách:
- Sinh thiết qua đường trực tràng dưới hướng dẫn của ngón tay hoặc siêu âm đầu dò trực tràng.
- Sinh thiết thông qua đường tầng sinh môn.
Sự kết hợp giữa thăm khám trực tràng, xét nghiệm PSA và sinh thiết tuyến tiền liệt cho kết quả chẩn đoán trên 90% ung thư tuyến tiền liệt, đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị về sau.
Biện pháp điều trị
Hiện nay y học phát triển, có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng, mức độ bệnh để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt phổ biến đó là:
Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt
Đây là phương pháp được dùng để điều trị ung thư ở giai đoạn khởi phát. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh và có thể nạo hạch hai bên vùng chậu. Phương pháp này nhằm mục đích điều trị triệt để khối u còn cư trú trong tuyến tiền liệt và chưa lan ra ngoài. Tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định mổ hở hoặc nội soi.
Với phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt, bệnh nhân có thể sống được trên 10 năm. Biến chứng sau mổ thường gặp nhất là tiểu không kiểm soát với tỷ lệ khoảng 5 - 10% và rối loạn cương dương với tỷ lệ khoảng 70%.
Đốt tuyến tiền liệt với siêu âm hội tụ
Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm đặt bên trong trực tràng để phá hủy các tế bào ung thư bằng nhiệt. Đối tượng thường áp dụng đốt tuyến tiền liệt là những người ung thư ở giai đoạn sớm, không chấp nhận các nguy cơ và biến chứng hậu phẫu. Tuy nhiên một số biến chứng thường gặp của phương pháp đốt tuyến tiền liệt với siêu âm hội tụ là hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo,...
Xạ trị
Đây là phương pháp sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư bên trong tuyến tiền liệt. Hiện nay có các phương pháp xạ trị ung thư tiền liệt tuyến phổ biến như:
- Xạ trị ngoài: Bác sĩ sẽ sử dụng một máy nằm bên ngoài cơ thể để tập trung chùm tia X tác động lên khu vực ung thư. Hiện nay một số trung tâm sử dụng liệu pháp xạ trị CRT, sử dụng máy tính để xác định vị trí và hình dạng của khối u. Từ đó có thể điều khiển chùm tia xạ từ các hướng khác nhau để tập trung vào khối u, làm giảm bức xạ cho các mô và cơ quan khỏe mạnh.
- Xạ trị trong: Đây là phương pháp chèn nguồn phóng xạ trực tiếp vào tuyến tiền liệt. Các hạt phóng xạ có tỷ lệ thấp được để lại trong tuyến tiền liệt vĩnh viễn và hoạt động trong 1 năm kể từ khi chúng được đưa vào, tuy nhiên thời gian hoạt động cụ thể còn tùy thuộc vào nguồn bức xạ. Đối với liệu pháp xạ trị liều cao thường để lại trong cơ thể khoảng 30 phút nhưng sẽ cần thực hiện nhiều lần.
- Xạ trị điều biến cường độ (IMRT): IMRT là loại liệu pháp bức xạ chùm tia ngoài có sử dụng quét CT để tạo hình ảnh tuyến tiền liệt trước khi điều trị. Kết hợp sử dụng máy tính cho ra thông tin về kích thước, hình dạng và vị trí ung thư để xác định lượng bức xạ cần thiết để tiêu diệt khối ung thư.
Điều trị bằng nội tiết
Phương pháp này chỉ áp dụng đối với bệnh nhân đã có di căn sang hạch bạch huyết và di căn đến các cơ quan ở xa. Mục đích của điều trị nội tiết là làm giảm các nội tiết tố nam Androgen, trong đó chủ yếu là testosteron - nguyên nhân khiến cho tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển. Hiện nay có 2 phương pháp điều trị nội tiết tố, đó là:
- Phẫu thuật cắt tinh hoàn: Có tác dụng giúp triệt tiêu nội tiết tố nam. Phẫu thuật cắt tinh hoàn trong vỏ bao thường được sử dụng nhiều nhất vì đảm bảo tính hiệu quả và thẩm mỹ.
- Sử dụng thuốc nội tiết: Trong trường hợp bệnh nhân từ chối phẫu thuật hoặc không thể thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nội tiết để triệt tiêu nội tiết tố nam.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Đối với bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng, giúp tăng cường sức khỏe, chống lại tế bào ung thư và đảm bảo cơ thể đáp ứng tốt với quá trình điều trị. Bên cạnh đó chế độ ăn uống còn hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh. Do đó bạn nên chú ý nhiều hơn đến các thực phẩm bổ sung hàng ngày.
Người bị ung thư tuyến tiền liệt cần ưu tiên chọn những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ung thư như:
- Các loại trái cây giàu vitamin C: Cam, bưởi, chanh, xoài,...
- Các loại cá chứa hàm lượng lớn omega - 3 bao gồm: Cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá mòi,...
- Các loại rau xanh.
- Ngũ cốc: Hạt mè đen, đỗ đen, đậu phộng,...
Ngoài ra, khi bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt bạn nên tránh những thực phẩm sau đây vì chúng có khả năng thúc đẩy tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ:
- Thực phẩm chứa nhiều canxi: Hải sản, phô mai, chế phẩm từ sữa,...
- Đồ ăn nhiều đường: Bánh kem, kẹo, nước ngọt,...
- Thức ăn chế biến sẵn, đồ đóng hộp, lên men.
- Thực phẩm cay nóng, chứa hàm lượng muối cao.
- Những chất kích thích như cà phê, thuốc lá và thức uống có cồn.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về ung thư tuyến tiền liệt.
Xem ngay:
Câu hỏi thường gặp
Bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt đòi hỏi chế độ ăn uống cân đối và giàu dinh dưỡng. Các loại thực phẩm có lợi cho tuyến tiền liệt gồm:
- Vừng: Rất giàu kẽm, cần thiết cho sức khỏe của tuyến tiền liệt, giúp cải thiện bệnh vôi hóa.
- Cà chua: Chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, giúp hạn chế sự phát triển của tế bào gây ung thư.
- Giá đỗ: Dồi dào chất dinh dưỡng, giúp chống oxy hóa, ngăn viêm nhiễm, cải thiện khả năng sinh lý.
- Rau bắp cải: Chứa vitamin C và chất chống oxy hóa, hỗ trợ tái sinh tế bào và cải thiện vôi hóa.
- Đậu xanh: Chứa flavonoid, ức chế tế bào ung thư, cải thiện tình trạng vôi hóa.
- Hạt giàu dinh dưỡng: Hạt Macadamia, óc chó, hạnh nhân, Chia, dẻ đều giàu vitamin và khoáng chất, giúp cải thiện sức khỏe nam giới bị vôi hóa tuyến tiền liệt.
Theo thống kê, tỷ lệ tiên lượng sống của người bệnh theo giai đoạn bệnh là:
- Giai đoạn 1: Hơn 99% bệnh nhân sống sót sau 5 năm.
- Giai đoạn 2: Hơn 95% bệnh nhân sống sót sau 5 năm.
- Giai đoạn 3: Khoảng 70% bệnh nhân sống sót sau 5 năm.
- Giai đoạn 4: Khoảng 30% bệnh nhân sống sót sau 5 năm.
Người bị ung thư tuyến tiền liệt nên ăn các loại thực phẩm giàu Omega 3, Omega 6, giàu Phytoestrogen, chất chống oxy hóa như: Các loại đậu, nấm linh chi, tỏi, trà xanh, súp lơ xanh, cà chua, ớt, lựu, …
Xem chi tiết- Chuyên gia
- Cơ sở