Ung Thư Xương Ở Trẻ Em
Theo thống kê, tỷ lệ ung thư xương ở trẻ em khá cao so với mặt bằng chung, tuy nhiên các triệu chứng lại khá mơ hồ nên thường điều trị muộn. Phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của thông qua những cơn đau nhức, sụt cân, có các khối u bất thường sẽ giúp kiểm soát nhanh các biến chứng để con có thể có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh nhất.
Định nghĩa
Ung thư xương nguyên phát (xuất hiện các tế bào ung thư phát triển bất thường từ trong xương) khá hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% số ca ung thư trên thế giới. Tuy nhiên ở trẻ em, tỷ lệ này lại khá cao và còn là một trong những dạng ung thư thường gặp nhất ở trẻ em. Căn bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tinh thần và cả tương lai của con.
Độ tuổi thanh thiếu niên từ 12- 20 tuổi là độ tuổi có tỷ lệ ung thư xương cao nhất, thường nằm ở các vị trí khớp gối hoặc khớp vai, trong đó tỷ lệ trẻ nam mắc bệnh thường cao gấp đôi bé gái. Các dạng ung thư xương thường gặp ở trẻ em bao gồm
- Sarcoma xương (osteosarcoma): vị trí xuất hiện các tế bào ung thư tại quanh đầu gối hay những đầu xương dài, là ung thư nguyên phát
- Ewing sarcoma: ung thư có tính chất gia đình với những khối u thường xuất hiện ở các vị trí như xương đùi, vùng chậu và các xương ở phần thân trên. Các tế bào ung thư có thể phát triển từ mô mềm sau đó lan vào trong xương.
Các khối u cũng có thể xuất hiện từ các cơ quan khác sau đó lan dần tới xương, phá hủy xương và cơ thể khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Dù vậy người lớn nếu trong gia đình nếu không có người mắc bệnh thường rất ít nghĩ con mình bị ung thư, do đó chỉ khi tiến đến những triệu chứng của ung thư xương giai đoạn cuối mới phát hiện thì tiên lượng cũng đã khá xấu.
Hình ảnh
Triệu chứng
Tương tự như người lớn, các triệu chứng ung thư xương ở trẻ em trong những giai đoạn đầu cũng còn khá mơ hồ, không quá rõ ràng nên dễ nhầm lẫn sang dấu hiệu của tuổi dậy thì. Trẻ khi có những chỗ bị sưng trên cơ thể hay cảm thấy nhức mỏi tay chân không rõ nguyên do phụ huynh cũng có thể cho rằng con nghịch ngợm, va đập và chấn thương mà không chú ý.
Cụ thể, các triệu chứng ung thư điển hình thường gặp ở trẻ em bao gồm
- Thường xuyên cảm thấy đau nhức xương khớp mà không rõ nguyên nhân, trẻ có thể kêu than cơn đau tăng lên khi về đêm, kể cả khi nghỉ ngơi cơn đau vẫn không thuyên giảm. Nếu vị trí ung thư nằm ở chân thì trẻ có thể khó khăn trong vận động vì càng đi càng đau
- Vị trí có khối u sẽ bị sưng dần lên, sờ vào thấy nóng ấm, tê bì, đỏ da do bị tụ máu tại đây. Dù vậy nếu khối u nằm ở vị trí quá sâu có thể không sờ nắn bình thường bằng tay như vậy
- Giảm khả năng vận động bởi khối u chèn ép khiến con không chỉ đau nhức mà còn nhanh mệt, thiếu sức. Với những trẻ có khối u ở vùng thân dưới có thể phải ngồi xe lăn để di chuyển
- Thường xuyên gãy xương dù có các va đập rất nhẹ. Nguyên nhân là do tự xâm lấn của các tế bào ung thư khiến xương yếu, khả năng chống chịu với ngoại lực ngày càng giảm nên xương dễ gãy hơn
- Trên da có các vết bầm tím, tụ máu bất thường mà không có lý do rõ ràng, phụ huynh thường chỉ cho rằng do con va đập ở đâu đó
- Sốt cao kéo dài nhiều lần không rõ nguyên nhân. Ngoài ra tùy vị trí có khối u mà còn còn gặp vấn đề trong việc đi vệ sinh hay nôn ói thường xuyên, gặp khó khăn trong ăn uống
- Cơ thể suy nhược, con sút cân nhanh, ngày càng xanh xao và gầy yếu. Một phần vì các tế bào ung thư đã phá hủy các cơ quan trong cơ thể, một phần vì cơn đau khiến con ngủ đủ nên thiếu năng lượng, đồng thời việc ăn uống kém cũng là nguyên nhân khiến con ngày càng gầy gò
Do đó khi thấy con thường xuyên có các triệu chứng bất thường này, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan mà cần tiến hành đưa con đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt, ngăn ngừa các hệ lụy xấu khác xuất hiện.
Nguyên Nhân
Theo các chuyên gia, hầu hết nguyên nhân gây ung thư xương ở trẻ em là liên quan đến các tác nhân nguyên phát hơn là thứ phát. Cụ thể là liên quan đến những tác động từ bên trong hơn là các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Dù vậy thực tế việc vì sao tỉ lệ ung thư xương ở trẻ em lại cao như vậy vẫn còn đang được nghiên cứu để tìm chính xác nguyên nhân.
Một số nguyên nhân tác động được cho là có liên quan đến các yếu tố sau
- Yếu tố di truyền: Ung thư xương có di truyền không thì theo các chuyên gia là có, tuy nhiên nó không hoạt động theo cơ chế mendel thông thường là sẽ liên quan đến bệnh lý có tính chất di truyền khác. Chẳng hạn như bệnh hội chứng Lifeframe, paget xương, u nguyên bào võng mạc, tăng trưởng xương bất thường.. Do đó nếu trong gia đình có người mắc bệnh di truyền bị ung thư xương thì tỷ lệ các thành viên mắc bệnh khác cũng cao hơn
- Chấn thương kéo dài: ở những trẻ thường xuyên bị chấn thương sẽ kích thích các quá trình sản xuất mô xương để tái tạo lại các tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên nếu quá trình này lặp đi lặp lại quá nhiều lại ở cùng một vị trí có thể bị rối loạn quá trình sản xuất, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng bất thường của các tế bào ung thư ác tính
- Tiếp xúc với phóng xạ: hầu hết trường hợp này khá hiếm, nhưng không phải là không thể xảy ra.Việc tiếp với xúc với môi trường ion hóa này cũng có thể liên quan đến việc trẻ phải sử dụng các loại thuốc phóng xạ liều cao trong điều trị ung thư khác
- Di căn từ các dạng ung thư khác:‘ các tế bào ung thư có thể di chuyển nhanh chóng, từ các cơ quan khác và xâm lấn vào xương làm phá hủy xương. Và ngược lại, tế bào ung thư từ xương cũng có thể di căn và tấn công các cơ quan khác khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.
Biến chứng
Đã là ung thư thì không có căn bệnh nào là không nguy hiểm. Tương tự như người lớn, nếu trẻ phát hiện và điều trị bệnh ở những giai đoạn sớm khi các khối chưa di căn thì tiên lượng điều trị vẫn khá tốt, các tế bào ác tính có thể nhanh chóng được loại bỏ, người bệnh có thể sống trên 5 năm hay thậm chí là trưởng thành, sinh sống như những người bình thường lên tới 80%.
Càng phát hiện muộn, tiên lượng của bệnh càng xấu. Ở những giai đoạn cuối, tỷ lệ sống sót và sống trên 5 năm chỉ khoảng 20-50%, chưa kể nếu điều trị quá muộn thì bé có thể phải cắt bỏ các chi hay nằm liệt giường do những biến chứng của bệnh. Tình trạng sức khỏe, cuộc sống, tương lai của con bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, có đến khoảng 70% trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh ung thư xương và các dạng ung thư xương khác nói chung đều có tỷ lệ chữa khỏi cao hơn người lớn, lên tới 90%, đặc biệt là khi phát hiện sớm. Nguyên nhân có thể là do khả năng tái tạo và hồi phục ở trẻ em vẫn cao hơn người lớn. Dù vậy thực tế thì do phát hiện quá muộn nên tỷ lệ tử vong của trẻ bị ung thư xương hiện nay vẫn khá cao.
Biện pháp điều trị
Phụ huynh ngay khi nghi ngờ con có những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng đưa con đến các địa chỉ xét nghiệm, khám ung thư xương tốt nhất để được kiểm tra chính xác nhất. Thường bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp như xét nghiệm máu, chụp X quang, MRI, Chụp xạ xương, sinh thiết xương và tủy xương để xác định chính xác bệnh và giai đoạn nhất.
Ung thư xương có chữa được không cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giai đoạn, sức khỏe của trẻ hay hướng điều trị của bác sĩ. Tùy từng giai đoạn mà tiên lượng khác nhau, phác đồ điều trị khác nhau. hay thậm chí là dù đã lên phác đồ điều trị nhưng tùy theo những chuyển biến tích cực hay tiêu cực của con mà hướng điều trị cũng được thay đổi.
Dùng thuốc
Một số nhóm thuốc giảm đau, chống sưng được chỉ định nhằm giảm đau đớn, khó chịu cho con, tối đa, giúp con được nghỉ ngơi nhiều hơn trong suốt quá trình điều trị. Ngoài ra hiện nay một số loại thuốc như Mifamurtide cũng đã được nghiên cứu có hiệu quả trong việc điều trị ung thư xương, đặc biệt với nhóm trẻ bị ị ung thư xương dạng Sarcoma xương,
Mifamurtide được chỉ định nhằm tăng cường hệ miễn dịch thông qua việc kích thích đại trực bào miễn dịch, nhờ đó tăng tốc độ tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên phương pháp này thường được sử dụng thông qua tiêm tĩnh mạch sau khi phẫu thuật hoặc kết hợp với hóa trị, xạ trị tùy tình trạng. Một số tác dụng phụ thường xuất hiện như mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là một trong những phương pháp chính được hướng tới cho những bệnh nhân ung thư xương ở trẻ em nhằm loại bỏ các tế bào ung thư và các vùng mô bị hư tổn, ngăn ngừa được nguy cơ di căn tiến triển. Bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật cắt bỏ khối u và các mô xung quanh nó hoặc phải cắt bỏ các chi trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên hiện nay bác phương pháp đều hướng tới phẫu thuật bảo tồn, dù cắt chi nhưng vẫn cố gắng giữ lại tối đa mạch máu và dây thần kinh để có thể ghép xương, nhờ đó đảm bảo được tương lai và cuộc sống người bệnh sau này. Bác sĩ có thể dùng kim loại titan, nhựa cứng hoặc dùng xương tự thân để ghép vào các vị trí đã cắt bỏ.
Dù vậy việc phẫu thuật bảo tồn xương cũng cực kỳ phức tạp nên cần thực hiện tại các bệnh viện lớn, có chuyên gia giỏi, có đầy đủ các thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn và chính xác nhất.
Hóa trị
Hóa trị có thể được thực hiện trước và sau phẫu thuật, tùy vào từng giai đoạn. Chẳng hạn hóa trị trước phẫu thuật sẽ giúp thu nhỏ được các khối u, nhờ đó việc cắt bỏ các tế bào ung thư sẽ dễ dàng hơn. Hóa trị sau phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ tối đa các tế bào ung thư còn sót lại, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát hay di căn sau đó.
Trong trường hợp ung thư xương ở trẻ em nếu không thể thực hiện phẫu thuật, hóa trị cũng sẽ giúp tăng thời gian sống cho người bệnh nhờ kiểm soát được việc di căn. Hóa trị có thể được thực hiện qua dạng uống hay tiêm qua đường tĩnh mạch tùy theo từng giai đoạn và phù hợp.
Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện khi điều trị ung thư xương cho trẻ em như rụng tóc, nôn ói, mệt mỏi, suy nhược, gặp vấn đề trong ăn uống… Do đó nếu trẻ không có đủ sức khỏe thì cũng có thể không vào thuốc được nên rất cần có sự hỗ trợ của phụ huynh.
Xạ trị
Với phương pháp này cần sử dụng một số máy móc hiện đại để quét chùm năng lượng cao trên toàn thân, nhờ đó có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư bên trong. Mặt khác xạ trị cũng nhằm mục đích giảm đau đớn cho bệnh nhân, tăng cường hiệu quả hơn khi kết hợp cùng hóa trị và phẫu thuật cho những bệnh nhân giai đoạn cuối.
Xạ trị ung thư xương ở trẻ em cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ như thay đổi vị giác, khẩu vị, đau nhức, buồn nôn, đau tai, sâu răng, khó nuốt.. Ngoài ra do trong quá trình dùng các tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư thì nó cũng có thể vô tình tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh nên thường ít được sử dụng hơn.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Quá trình chăm sóc và phục hồi sau điều trị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, sớm lấy lại cuộc sống bình thường cho người bệnh. Nếu việc hóa trị, xạ trị kết hợp với phẫu thuật ghép xương thuận lợi, người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục và được chuyển sang các khoa vật lý trị liệu để tập làm quen với chân hoặc tay mới.
Bên cạnh đó các liệu pháp phục hồi chức năng khác như liệu pháp nhiệt, kích thích điện.. cũng được ứng dụng để kích thích quá trình tái tạo xương mới nhanh chóng hơn, giúp trẻ nhanh phục hồi. Gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sau điều trị để con nhanh khỏe lại và hòa nhập với cuộc sống hằng ngày.
Gia đình nên trao đổi chi tiết với bác sĩ để lên chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp theo từng giai đoạn sức khỏe cho con. Đồng thời cũng cần thường xuyên động viên, chia sẻ, đưa con đi dạo ngoài trời để nâng cao tinh thần cho bé, tránh tình trạng xuống tinh thần vì đau đớn.
Người bệnh sau điều trị vẫn nên tái khám thường xuyên, thực hiện đầy đủ các quy trình tầm soát ung thư xương để đảm bảo đã loại bỏ bệnh hoàn toàn, ngăn ngừa tối đa nguy cơ tái phát trở lại.
Ung thư xương ở trẻ em có thể gây ra rất nhiều hệ lụy xấu đến cuộc sống và tương lai của con nên phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan. Với những trẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao cần thực hiện tầm soát để sớm phát hiện các triệu chứng bất thường và loại bỏ càng sớm càng tốt.
- Chuyên gia
- Cơ sở