Viêm Cân Gan Bàn Chân
Viêm cân gan bàn chân là bệnh lý thường gặp với triệu chứng đặc trưng là đau nhói ở bàn chân khi đi lại. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh sẽ phát sinh biến chứng và gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra bệnh viêm cân gan bàn chân, dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị thì bạn hãy theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Cấu trúc của cân gan bàn chân là một dải mô liên kết xơ đi từ vùng xương gót chân kéo dài đến các ngón chân. Đây chính là các sợi collagen khá dày và chắc chắn, khi đi lại chúng sẽ tự co duỗi để thực hiện nhiệm vụ chống đỡ vòm bàn chân. Viêm cân gan bàn chân là một trong những bệnh lý xảy ra khá phổ biến và còn được gọi với cái tên khác là viêm cân gan chân.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là gây đau nhức nghiêm trọng ở vùng gót chân và vùng dưới cùng của bàn chân. Cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn vận động sau ngủ dậy hoặc sau nghỉ ngơi. Nếu tình trạng này gây ảnh hưởng đến cả hai bên chân sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại. Bệnh lý này rất dễ khởi phát ở những người thừa cân béo phì, mang giày dép không hợp, vận động viên thể thao hoặc diễn viên múa ba lê.
Chuyên gia xương khớp cho biết, viêm cân gan bàn chân nếu được phát hiện sớm thì có thể điều trị khỏi bằng phương pháp bảo tồn. Nhưng nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn quá muộn thì việc điều trị cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Lúc này, bệnh đã gây ra tình trạng đau gót chân mãn tính khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Khi rơi vào trường hợp này, bạn cần khắc phục bằng cách chăm sóc bản thân đúng cách, điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày, kết hợp điều trị y tế.
Hình ảnh
Triệu chứng
Khi bệnh viêm cân gan bàn chân khởi phát, triệu chứng đầu tiên mà bạn phải đối mặt là đau nhức hoặc đau nhói ở vùng bị ảnh hưởng. Người bệnh cần nắm rõ các triệu chứng của bệnh để sớm nhận biết và có biện pháp xử lý đúng cách. Cụ thể là:
- Xuất hiện cơn đau nhói ở gót chân hoặc phần dưới của bàn chân. Cơn đau thường diễn ra với mức độ nhẹ sau đó tăng dần lên theo thời gian.
- Thông thường, tình trạng đau nhức chỉ xảy ra ở một bên chân nhưng cũng có trường hợp bệnh gây ảnh hưởng đến cả hai bên.
- Cơn đau thường khởi phát khi bạn đứng dậy sau thời gian ngồi quá lâu, khi thực hiện động tác uốn cong bàn chân hoặc uốn ngón chân về phía ống chân,…
- Nếu bạn vận động sau thời gian dài nghỉ ngơi hoặc sau khi ngủ dậy thì cơn đau nhức sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Cố gắng đi bộ thì cơn đau sẽ dần thuyên giảm, nhưng khi ngừng tập thì cơn đau lại trở nên nặng nề hơn
- Một số triệu chứng hiếm gặp khi bị viêm cân gan bàn chân là tê bàn chân, ngứa ran, đau lan tỏa đến các cơ quan xung quanh, sưng tấy hoặc bầm tím gan bàn chân,…
- Trường hợp bệnh gây rách hoặc nứt cơ gan bàn chân sẽ có các triệu chứng như sưng cục bộ, đau cấp tính dưới bàn chân, phát ra tiếng kêu lách cách ở bàn chân,…
Nguyên Nhân
Gan bàn chân có hình dạng như một cây cung. Chức năng chính của cơ quan này là hỗ trợ vòm bàn chân, phân bố lực và hấp thụ chấn động khi chuyển. Nếu bạn vận động mạnh hoặc thực hiện lặp lại một động tác ở gan chân nhiều lần sẽ khiến cơ quan này bị tổn thương và kích thích phản ứng viêm xảy ra.
Hiện tại, y khoa vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm cân gan bàn chân. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp khởi phát bệnh đều do tác động của các yếu tố sau đây:
- Tuổi tác: Bệnh viêm cân gan bàn chân rất dễ khởi phát ở những người trong độ tuổi 40 – 60. Do đây là đối tượng có hệ thống xương khớp đang dần suy yếu nhưng vẫn phải hoạt động nhiều.
- Thừa cân: Thừa cân sẽ khiến bàn chân và các cơ quan có liên quan chịu áp lực rất lớn. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ gây kích thích đến vùng cân gan bàn chây và hình thành bệnh viêm cân gan bàn chân.
- Bất thường ở bàn chân: Những người có bất thường ở bàn chân như bàn chân bẹt, vòm bàn chân cao, chiều dài chân bị mất cân bằng,… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
- Thói quen sinh hoạt: Khi thực hiện các hoạt động sống thường ngày, nếu trọng lượng cơ thể không phân bổ lên đều cả hai chân sẽ khiến một bên bị căng thẳng quá độ và làm gia tăng nguy cơ bị viêm cân gan bàn chân.
- Vận động viên: Bệnh viêm cân gan bàn chân rất dễ khởi phát ở những vận động viên chạy đường dài, vận động viên nhảy aerobic,… Đây là các bộ môn thể thao gây áp lực lớn lên vùng gót chân cũng như các mô mềm xung quanh.
- Nghề nghiệp: Tính chất công việc phải đứng trên bề mặt cứng trong thời gian dài hoặc đi bộ nhiều cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao. Ví dụ như công nhân nhà máy, giáo viên,…
- Yếu tố khác: Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát nếu bạn sử dụng giày dép có đế cứng hoặc miếng đệm lót quá mỏng, hay đi chân đất, lạm dụng giày cao gót, có gân Achiles quá chặt, có thói quen ngồi chồm hổm,…
Phòng ngừa
Viêm cân gan bàn chân khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để đẩy nhanh tốc độ hồi phục và phòng ngừa bệnh tái phát trở lại thì bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức an toàn, tránh tình trạng thừa cân béo phì gây áp lực không tốt lên bàn chân. Tiến hành giảm cân khoa học bằng cách tập luyện và ăn uống lành mạnh.
- Sử dụng giày dép có kích thước vừa với bàn chân và có độ cao vừa phải, có thể sử dụng thêm miếng lót dày có khả năng hỗ trợ vòm chân. Tránh lạm dụng giày cao gót.
- Cần tránh thực các hoạt động gây ảnh hưởng không tốt đến bàn chân như đứng trên bề mặt cứng, đi bộ quá nhiều, đi bộ hoặc chơi thể thao trên mặt sàn cứng hoặc gồ ghề, lặp lại một động tác ở bàn chân quá nhiều lần,…
- Nếu tính chất công việc phải thường xuyên đứng trong thời gian dài hoặc đi lại quá nhiều, bạn nên xoa bóp bàn chân thường xuyên giúp quá trình tuần hoàn máu đến cơ quan này diễn ra tốt hơn.
- Khi đứng hoặc đi lại, cần đảm bảo trọng lượng cơ thể phải phân bố đều ở cả hai bên chân. Chơi thể thao đúng kỹ thuật. Khởi động cơ thể thật kỹ trước khi chơi thể thao để tránh các tổn thương không mong muốn tại bàn chân. Đặc biệt là múa ba lê, nhảy cao, nhảy xa, nhảy aerobic,…
Biện pháp chẩn đoán
Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán bệnh. Việc chẩn đoán viêm cân gan bàn chân cần dựa trên triệu chứng lâm sàng cũng như một số hình ảnh xét nghiệm chuyên khoa như chụp x-quang, chụp MRI, chụp CT,… Đồng thời, viêm cân gan bàn chân cũng cần được chẩn đoán với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như viêm xương, viêm bao hoạt dịch gân gót, viêm khớp, chấn thương xương gót,…
Biện pháp điều trị
Sau khi đã xác định chính xác bệnh lý cũng như mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thông thường, bệnh viêm cân gan bàn chân có thể phục hồi sau khoảng 2 – 4 tháng điều trị bảo tồn. Dưới đây là hướng dẫn điều trị bệnh bạn có thể tham khảo:
Sử dụng thuốc theo đơn kê
Hầu hết các trường hợp viêm cân gan bàn chân đều được bác sĩ kê đơn điều trị bằng thuốc Tây nhằm mục đích giảm viêm sưng và giảm đau, giúp cải thiện lại khả năng vận động của người bệnh. Được sử dụng phổ biến nhất là nhóm thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Aspirin, Naproxen sodium,…
Với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ xem xét và yêu cầu tiêm trực tiếp thuốc steroid vào vùng đau nhức. Thuốc tiêm mang lại hiệu quả chống viêm và giảm đau rất mạnh, chỉ nên thực hiện với những trường hợp không đáp ứng điều trị với thuốc chống viêm đường uống.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu thường được chỉ định thực hiện kết hợp với dùng thuốc Tây y giúp tăng hiệu quả giảm viêm đau và cải thiện chức năng vận động. Thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện một số bài tập trong vậy lý trị liệu để kéo căng gân Achilles và cơ bắp. Điều này sẽ mang lại hiệu quả tăng cường chức năng cơ bắp chân và giảm đau nhức. Ngoài ra, người bệnh còn được bác sĩ hướng dẫn băng bó thể thao giúp hỗ trợ phần dưới bàn chân và ngăn ngừa tổn thương tiếp tục diễn ra.
Với những trường hợp bệnh nặng không đáp ứng điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ xem xét và yêu cầu thực hiện điều trị bằng phương pháp sóng xung kích ngoài cơ thể. Phương pháp trị bệnh này được tiến hành bằng cách sử dụng sóng âm thanh tác động vào vùng gót chân để kích thích chữa lành tổn thương tại đây và cải thiện triệu chứng của bệnh.
Can thiệp ngoại khoa
Phẫu thuật thường được chỉ định thực hiện cuối cùng khi mà tất cả phương pháp điều trị ở trên đều không mang lại hiệu quả tích cực. Thông thường, phẫu thuật sẽ được thực hiện với những trường hợp bệnh gây tổn thương nghiêm trọng đến cơ bàn chân và không thuyên giảm sau 6 tháng điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Dựa vào mức độ bệnh trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ yêu cầu mổ nội soi hoặc mổ hở.
Mổ nội soi ít xâm lấn nên ít gây đau đớn và thời gian phục hồi nhanh nên được áp dụng phổ biến hiện nay. Với những trường hợp bệnh nặng không thể mổ nội soi thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ hở. Tuy nhiên, phương pháp trị bệnh này tồn tại rất nhiều nhược điểm như can thiệp nhiều và sâu, gây đau nhức nhiều sau phẫu thuật, thời gian phục hồi lâu và dễ biến chứng.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Bên cạnh việc thực hiện điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Cụ thể là:
- Sử dụng nẹp chỉnh hình giúp phân bổ áp lực từ trọng lượng cơ thể lên đều hai chân. Khi bạn đứng hoặc thực hiện các hoạt động sống hàng ngày sẽ tránh tình trạng gây căng thẳng quá độ ở một bên chân.
- Vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên sử dụng thanh nẹp cố định bắp chân và vòm chân trong suốt khoảng thời gian ngủ. Cách này có tác dụng giữ cho gân Achilles và cơ bắp chân được kéo dài suốt đêm, từ đó triệu chứng đau nhức cũng dẫn thuyên giảm.
- Khi cơn đau khởi phát, bạn cũng có thể tiến hành chườm đá lên vùng đau nhức để cải thiện. Nhiệt độ lạnh từ đá sẽ làm tê liệt rễ thần kinh, mang lại hiệu quả giảm viêm sưng và đau nhức. Bạn có thể thực hiện cách trị bệnh này từ 3 – 4 lần/ngày mỗi khi cơn đau khởi phát.
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi sẽ giúp làm dịu cơn đau khá hiệu quả. Nếu bạn cố gắng vận động sẽ gây áp lực lên bàn chân và khiến cơn đau trở nên ngày càng tồi tệ hơn.
- Nên sử dụng giày hỗ trợ để hạn chế tiếp tục gây tổn thương đến bàn chân. Hãy sử dụng giày có kích thước vừa vặn, có đế mềm hoặc miếng lót dày, độ cao vừa phải. Tuyệt đối không đi chân trần hoặc sử dụng giày dép có đế cứng.
Trong suốt quá trình điều trị bệnh viêm cân gan bàn chân, bạn cần tiến hành tái khám đều đặn 2 tuần/lần. Cách này giúp bác sĩ đánh giá được mức độ đáp ứng điều trị của cơ thể để có thể điều chỉnh lại phác đồ sao cho phù hợp. Trong quá trình áp dụng, nếu có triệu chứng bất thường thì bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ điều trị khác thích hợp hơn.
- Chuyên gia
- Cơ sở