Những Biến Dạng Khớp Trong Viêm Khớp Dạng Thấp Và Điều Trị

Những biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp thường gặp ở những người bị bệnh thể nặng. Chúng làm giảm khả năng vận động hoặc thậm chí khiến người bệnh bị tàn phế suốt đời. Do vậy, bệnh nhân cần chủ động trong công tác điều trị và dự phòng để giảm thiểu tổn thương cho khớp.

Tìm hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp mãn tính liên quan đến tình trạng tự miễn trong cơ thể. Bình thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân có hại nhưng khi bị rối loạn, cơ quan này lại sản sinh kháng thể tấn công vào các mô lành. Tổn thương do bệnh gây ra thường khởi phát từ màng dịch khớp dẫn đến sưng đau và khiến xương bị bào mòn từ từ.

Biến Dạng Khớp Trong Viêm Khớp Dạng Thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến dạng tại khớp

Ở giai đoạn sớm, bệnh viêm khớp dạng thấp có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn đến các khớp nhỏ, chẳng hạn như khớp ngón tay, ngón chân, sau đó mới đến khớp cổ tay, hông, vai hay đầu gối… Các khớp bị tổn thương có biểu hiện nóng ấm, viêm đỏ, cứng và khó vận động vào buổi sáng. Chúng thường xảy ra ở các khớp đối xứng hai bên cơ thể. Đặc biệt, có khoảng 40% các trường hợp mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thêm triệu chứng ở các cơ quan khác, bao gồm da, đôi mắt, thận, tủy xương, phổi, tim, tuyến nước bọt, mô thần kinh hay mạch máu.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở nữ giới nhiều hơn so với nam. Đối tượng mắc bệnh nhiều nhất tập trung ở lứa tuổi trung niên, người hút thuốc lá, béo phì, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc có tiền sử bị viêm khớp dạng thấp trong gia đình.

Bệnh viêm khớp dạng thấp được chia thành 4 giai đoạn phát triển chính. Mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những đặc điểm khác nhau:

  • Giai đoạn 1: Khớp có cảm giác đau nhức, sưng đỏ và cứng. Lúc này màng hoạt dịch của khớp và các mô bên trong khớp bị viêm nhưng chưa gây tổn thương cho xương.
  • Giai đoạn 2: Tình trạng viêm ở màng hoạt dịch tiến triển nặng hơn và có thể ảnh hưởng đến sụn khớp. Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau rõ ràng, dữ dội hơn. Các hoạt động tại khớp cũng bị hạn chế đáng kể.
  • Giai đoạn 3: Lớp sụn trong khớp bị ăn mòn quá mức khiến các đầu xương lộ ra và bị hủy hoại. Khi vận động, xương cọ sát vào nhau gây đau đớn dữ dội. Người bệnh cũng sẽ cảm thấy khớp bị sưng nhiều hơn, các cơ bắp xung quanh cũng bị yếu đi. Một số bệnh nhân thậm chí còn bị biến dạng khớp, mất khả năng hoạt động.
  • Giai đoạn 4: Khớp bị hỏng, dính, mất hẳn chức năng vận động. Người bệnh cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là tình trạng biến dạng khớp.

Những biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra nhiều biến chứng tại khớp. Các biến dạng phổ biến nhất gồm:

1. Biến dạng khớp cổ thiên nga

  • Đây là một trong những biến dạng khớp phổ biến nhất ở bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.
  • Các khớp ngón xa luôn ở trong trạng thái gấp lại. Trong khi đó các khớp ngón gần thì lại duỗi ra. Tất cả tạo nên hình ảnh tương tự như cổ thiên nga

2. Sưng khớp

  • Biến dạng này xảy ra ngay từ giai đoạn đầu khi bệnh mới khởi phát.
  • Bệnh viêm khớp dạng thấp gây tràn dịch khớp và sưng các mô mềm khiến cho các khớp bị sưng đau, nóng đỏ. Cơn đau kéo dài liên tục cả ngày và thường không thuyên giảm ngay cả khi đã nghỉ ngơi.
  • Tình trạng sưng khớp có tính chất đối xứng, tức xảy ra tại các khớp giống nhau ở hai bên cơ thể cùng lúc.
Những biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp
Sưng khớp là một trong những biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp thường gặp nhất

3. Hội chứng ống cổ tay

  • Hội chứng ống cổ tay là một kiểu biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến phần cổ tay.
  • Các triệu chứng xuất hiện khi dây thần kinh cổ tay bị chèn ép. Người bệnh có thể bị tê tay, viêm gân, đau nhức xương khớp ở cổ tay và bàn tay.
  • Giảm khả năng vận động ở bàn tay cũng như các khớp ngón tay.
  • Ở mức độ nặng, hội chứng ống cổ tay gây teo cơ, mất cảm giác ở bàn tay.

4. Biến dạng khớp ngón tay người thợ thùa khuyết

  • Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến các khớp ngón tay. Nguyên nhân là do viêm khớp dạng thấp gây tổn thương, rách dây gân và khiến gân trượt ra khỏi vị trí ban đầu.
  • Các khớp ngón tay nằm gần đầu ngón luôn ở trong tình trạng duỗi thẳng. Trong khi đó, các khớp nằm giữa ngón tay thì bị gập lại ở trạng thái cố định.

5. Nốt thấp khớp

  • Sự xuất hiện của các nốt thấp khớp cũng gây biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp giai đoạn cuối.
  • Các khớp bị ảnh hưởng hình thành nhiều nốt sần dị dạng. Chúng không di động mà dính liền với xương. Dùng tay ấn vào nốt sần không thấy đau.
  • Không chỉ gây biến dạng khớp, các nốt sần còn phát triển ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả phổi.

6. Loãng xương trong viêm khớp dạng thấp

  • Tỷ lệ người bị loãng xương ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cao hơn so với các đối tượng không mắc căn bệnh này.
  • Loãng xương được xem là hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng viêm điều trị viêm khớp dạng thấp trong thời gian dài.
  • Biến dạng này ảnh hưởng nhiều hơn đến các khớp bị viêm.

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh tự miễn và có tính chất mãn tính nên việc điều trị khỏi là điều khó có thể thực hiện. Bệnh nhân thường phải tiến hành chữa trị cả đời. Mục tiêu của điều trị là giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài khoảng cách giữa các đợt tái phát bệnh và ngăn chặn biến chứng cho người bệnh.

Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp, kiểm soát biến dạng khớp

Bệnh viêm khớp dạng thấp được điều trị theo phác đồ chung. Tùy theo biến chứng, mức độ bệnh và các triệu chứng gặp phải, bệnh nhân có thể được bác sĩ đề nghị dùng thuốc phối hợp với các phương pháp điều trị khác hoặc phẫu thuật chỉnh hình.

Điều trị triệu chứng

Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn để điều trị triệu chứng đau nhức, sưng viêm khớp hay cứng khớp, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

+ Thuốc chống viêm không steroid:

Thuốc kháng viêm không steroid được sử dụng nhằm mục đích kiểm soát cơn đau và tình trạng sưng viêm cho khớp.

Các trường hợp bị viêm nhẹ có thể được kê đơn các thuốc như:

  • Diclofenac đường uống hay tiêm bắp
  • Brexin dạng uống

Các thuốc kháng viêm ức chế không chọn lọc được chỉ định cho bệnh nhân bị sưng viêm khớp nghiêm trọng hơn. Bao gồm:

  • Celecoxib ( 200mg): Ngày dùng 1 – 2 lần
  • Meloxicam ( 15mg): Dùng theo đường uống hoặc tiêm bắp mỗi ngày 1 lần.
  • Etoricoxib (60 – 90 mg): Uống 1 lần/ngày

Thận trọng khi dùng thuốc chống viêm không steroid cho người mắc bệnh dạ dày và người cao tuổi. Không lạm dụng thuốc kéo dài khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Một số trường hợp được bác sĩ kê đơn thuốc ức chế bơm proton dùng kèm để bảo vệ dạ dày.

điều trị biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp
Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp thường được sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng, ngăn ngừa biến dạng khớp

+ Thuốc Corticosteroids

Các thuốc thuộc nhóm Corticosteroids chỉ được sử dụng cho bệnh nhân bị viêm khớp nặng gây ra những cơn đau nghiêm trọng. Thông dụng nhất là các thuốc sau:

  • Methylprednisolone
  • Prednisone
  • Prednisolone

Thuốc Corticosteroids đường uống thường được chỉ định cho người bị viêm khớp dạng thấp thể vừa. Trong khi đó, thuốc tiêm tĩnh mạch lại được bác sĩ kê đơn cho người bị viêm khớp dạng thấp thể nặng. Riêng các bệnh nhân có biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp hoặc xuất hiện các biến chứng khác ở thể cấp thì cần dùng thuốc theo đường truyền tĩnh mạch trong vòng vài ngày, sau đó chuyển về liều duy trì.

Thuốc chống thấp khớp (DMARDs )

Loại thuốc này được sử dụng để làm chậm sự tiến triển của bệnh. Trong quá trình điều trị với thuốc DMARDs, bệnh nhân được yêu cầu tái khám thường xuyên để theo dõi và đánh giá hiệu quả của thuốc. Liều lượng sử dụng thuốc chống thấp khớp được điều chỉnh dựa theo mức độ bệnh.

Các thuốc dùng cho bệnh viêm khớp dạng thấp thể thường và mới khởi phát:

  • Methotrexat
  • Sulfasalazin
  • Hydroxychloroquine

Có thể dùng thuốc riêng lẻ hoặc điều trị kết hợp 2 – 3 loại thuốc với nhau, trong đó luôn có 1 loại là Methotrexat.

Thuốc DMARDs sinh học được dùng cho bệnh nhân bị viêm khớp thể nặng, không hiệu quả sau 6 tháng điều trị với các thuốc trên. Người bệnh có thể được kê đơn Methotrexate kết hợp với một trong các loại thuốc gồm Tocilizumab, Etanercept, Etanercept, Infliximab, Adalimumab, Golimumab và Rituximab. Chúng được sử dụng theo đường truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Một liệu trình dùng thuốc sinh học kéo dài từ 3 – 6 tháng. Sau đó, bác sĩ đánh giá lại kết quả và có thể đổi tiếp tục đổi sang loại thuốc khác nếu không đáp ứng tốt.

Các phương pháp điều trị phối hợp

Quá trình dùng thuốc thường được tiến hành song song với các phương pháp hỗ trợ khác để kiểm soát tốt các triệu chứng, phục hồi chức năng vận động cũng như giảm thiểu nguy cơ gặp biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp. 

  • Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, giảm đau, ức chế phản ứng viêm, làm thư giãn cơ và tăng tính linh hoạt cho khớp bị tổn thương.
  • Tập thể dục, vận động tại nhà nhằm tăng tuần hoàn máu, ngăn ngừa teo cơ hoặc biến dạng khớp.
  • Tắm khoáng: Phương pháp này có tác dụng giảm đau, giảm co thắt cơ, cải thiện tình trạng sưng viêm khớp và giúp thần kinh được thư giãn.
  • Chườm nóng giảm đau, làm giãn nở mạch máu để bơm máu đến nuôi dưỡng, phục hồi khớp bị tổn thương.
  • Phẫu thuật: Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp nặng, có biến dạng khớp thường được chỉ định phẫu thuật thay khớp hay cắt xương trục.

Phòng ngừa biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát tốt có nguy cơ gây biến dạng khớp khá cao. Để giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng, người bệnh cần lưu ý:

  • Tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị của bác sĩ
  • Tái khám thường xuyên để theo dõi, đánh giá kết quả và thay đổi phương pháp điều trị nếu cần thiết.
  • Tránh lao động nặng nhọc
  • Mặc đủ ấm khi trời lạnh. Tránh tiếp xúc với không khí ẩm thấp hoặc để cơ thể bị nhiễm lạnh.
  • Giảm cân đối với những bệnh nhân bị béo phì.
  • Sử dụng các chế phẩm hay thực phẩm bổ sung canxi, vitamin D, vitamin B12, sắt và axit folic để ngừa thiếu máu, loãng xương, giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc điều trị.
  • Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng
  • Vận động, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày để cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường chức năng vận động và giảm nguy cơ bị biến dạng khớp trong viêm khớp dạng thấp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android