Đau Nhức Xương Khớp: Nguyên Nhân, Triệu Chứng
Đau nhức xương khớp có thể xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Tuổi tác, cân nặng, chấn thương, sinh hoạt không lành mạnh đều có thể là yếu tố gây đau khớp. Khi gặp phải tình trạng viêm đau khớp kéo dài và mức độ đau tăng lên theo thời gian, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời.
Định nghĩa
Đau nhức xương khớp là hiện tượng đau khớp xảy ra ở các khu vực khớp bàn tay, bàn chân, hông, đầu gối, cổ, vai gáy, cột sống,... Những cơn đau có thể xảy ra bất ngờ và giảm dần khi được điều trị đúng cách. Đôi khi người bệnh sẽ cảm thấy cứng khớp, nóng rát và sưng đỏ ở các khớp. Tình trạng cứng khớp này xảy ra chủ yếu vào buổi sáng nhưng sẽ thuyên giảm khi người bệnh vận động. Nhưng nếu bạn hoạt động quá nhiều có thể khiến cho những cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Đau xương khớp có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh, bao gồm việc bị nhiễm virus. Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau khớp là do người bệnh bị viêm khớp. Có tới hơn 100 loại bệnh viêm khớp khác nhau. Đau ở khớp có thể chỉ gây đau nhức sau một số hoạt động nhất định. Nhưng nó cũng có thể trở nên nghiêm trọng, khiến ngay cả những cử động nhỏ cũng rất đau đớn.
Bệnh đau khớp có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của khớp và khiến người bệnh bị hạn chế khả năng thực hiện các công việc, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, việc đau mỏi xương khớp còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nghiêm trọng khác. Vì vậy, việc điều trị không chỉ tập trung vào giảm đau mà còn cần chú trọng vào các hoạt động và chức năng bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng đau nhức xương khớp đều rất rõ ràng. Dưới đây là những dấu hiệu từ nhẹ đến nghiêm trọng người bệnh cần nắm rõ để kịp thời thăm khám và điều trị:
- Khớp sưng tấy.
- Cứng khớp.
- Chân tay bị tê mỏi.
- Khớp phát ra tiếng kêu lục cục, răng rắc khi chuyển động.
- Đau ở khớp mỗi khi vận động.
- Khó uốn hoặc duỗi thẳng khớp.
- Mất khả năng di chuyển.
- Khớp nóng, đỏ và sưng.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người bệnh bị đau nhức xương khớp, bao gồm:
- Viêm xương khớp: Một loại viêm khớp phổ biến, xảy ra theo thời gian khi sụn và khớp đệm bảo vệ giữa các xương bị mòn đi. Các khớp xương sẽ trở nên đau và cứng. Bệnh thường phát triển chậm và xảy ra ở độ tuổi trung niên.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một căn bệnh mãn tính gây ra tình trạng sưng và đau khớp, đặc biệt ở khu vực khớp ngón tay, cổ tay, ngón chân. Bệnh có thể gây biến dạng xương khớp nếu không được điều trị kịp thời.
- Bệnh gout: Bệnh gout xảy ra khi lượng axit uric trong máu tăng cao, các tinh thể muối tích tụ trong khớp, gây sưng tấy và đau nhức dữ dội. Bệnh thường xảy ra ở khớp cổ chân hoặc ngón chân cái.
- Viêm bao hoạt dịch: Viêm bao hoạt dịch là tình trạng sưng viêm tấy đỏ của một túi chứa dịch lỏng ở bên trong khớp. Căn bệnh xương khớp này thường gây đau ở đầu gối, hông, khuỷu tay hoặc vai.
- Viêm gân: Viêm gân là tình trạng gân bị tổn thương, gây đau nhức và sưng nóng quanh khớp. Bệnh lý này thường thấy ở khuỷu tay, gót chân, đầu gối hoặc vai và thường do vận động quá mức.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân ít phổ biến khác gây ra tình trạng đau nhức xương khớp, có thể kể đến như:
- Nhiễm virus (phát ban hoặc sốt).
- Bong gân, gãy xương.
- Bệnh Still người lớn.
- Viêm cột sống dính khớp.
- Hoại tử xương.
- Ung thư xương.
- Loãng xương.
- Hội chứng đau vùng phức hợp.
- Trầm cảm.
- Đau cơ xơ hóa.
- Bệnh viêm gan B, C
- Suy giáp.
- Bệnh bạch cầu.
- Bệnh Lupus.
- Bệnh lyme.
- Thoái hóa khớp.
- Lao xương.
- Thoát vị đĩa đệm.
- Viêm tủy xương.
- Bệnh Paget xương.
- Viêm đa khớp dạng thấp.
- Giả bệnh gout (viêm khớp CPPD).
- Viêm khớp vẩy nến.
- Viêm khớp phản ứng.
- Thấp khớp.
- Bệnh còi xương.
- Bệnh sacoit.
- Viêm khớp nhiễm trùng.
Chăm sóc tại nhà
Đối với những trường hợp bị đau khớp ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự cải thiện bệnh tại nhà bằng các phương pháp sau đây:
- Chườm đá lạnh vào các khớp bị sưng đau trong vòng 15-20 phút. Thực hiện liên tục nhiều lần trong ngày để giúp giảm đau xương khớp hiệu quả.
- Chườm ấm hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm để giúp tăng cường lưu thông máu, thư giãn cơ bắp để giảm nhanh những cơn đau.
- Dùng thuốc mỡ hoặc các loại thuốc xoa bóp dạng gel để giảm tình trạng đau nhức xương khớp. Những loại thuốc này đều được bán phổ biến tại các hiệu thuốc.
- Bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày những thực phẩm giàu canxi, vitamin D, collagen, kali, magie, photpho.... để giúp xương khớp của bạn luôn khỏe mạnh.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để phục hồi chức năng của xương khớp. Tuy nhiên bạn chỉ nên tập các bộ môn nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội và thực hiện mỗi ngày 30 phút là đủ.
- Nếu bác sĩ có kê đơn thuốc bạn nên uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
- Cần có chế độ nghỉ ngơi, làm việc phù hợp, tránh làm việc quá sức. Khi đi ngủ nên nằm ở tư thế phù hợp để không làm ảnh hưởng đến các khớp.
- Tránh sử dụng các chất kích thích gây ảnh hưởng đến khả năng hồi phục xương khớp như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, nước ngọt có gas.
- Hạn chế sử dụng những đồ ăn chứa chất béo, đồ ăn mặn, các loại thịt đỏ, hải sản, thức ăn nhanh,...
- Nếu người bệnh bị thừa cân, béo phì, nên có phương pháp giảm cân phù hợp để không gây áp lực lên các khớp.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Nếu những triệu chứng đau xương khớp gây cản trở các hoạt động thường ngày của bạn, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và lập phác đồ điều trị. Việc chữa trị càng sớm sẽ giúp bạn giảm đau nhức, duy trì xương khớp khỏe mạnh và không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu bạn có những dấu hiệu sau:
- Đau khớp kèm theo tình trạng sốt.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Các khớp bắt đầu bị biến dạng.
- Cơn đau dữ dội khiến bạn không thể đi lại, vận động như bình thường.
Câu hỏi thường gặp
Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng đau nhức xương khớp:
Đau nhức khớp có gây nguy hiểm không?
Bệnh đau nhức xương khớp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, trong đó phải kể đến như:
- Teo cơ, biến dạng khớp: Bị đau xương khớp trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng cứng khớp, khiến bàn tay, bàn chân khó vận động, di chuyển. Lúc này, người bệnh rất dễ gặp phải tình trạng teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp thậm chí là tàn phế.
- Mất khả năng vận động: Người bị đau khớp trong thời gian dài nếu không được can thiệp điều trị kịp thời sẽ mất dần chức năng vận động như cầm nắm,...
- Ảnh hưởng đến tim mạch: Không chỉ gây biến chứng tại khớp, người bệnh còn có thể gặp phải những tổn thương ở tim, van tim và làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch.
Ai có nhiều khả năng bị đau khớp?
Những đối tượng sau có nguy cơ bị đau xương khớp nhiều hơn những người khác:
- Đã từng bị chấn thương khớp do chơi thể thao, tai nạn lao động hoặc ngã xe.
- Bê các vác vật nặng.
- Bị viêm khớp hoặc một số căn bệnh mãn tính khác.
- Bị trầm cảm, lo âu.
- Thừa cân, béo phì.
- Thể lực kém.
- Những người trên 50 tuổi.
Đau xương khớp chẩn đoán bằng kỹ thuật nào?
Để xác định được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử. Sau đó bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để làm rõ vấn đề. Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Đếm số lượng bạch cầu trong máu, kiểm tra tốc độ máu lắng, tìm ra nguyên nhân gây viêm khớp có phải do nhiễm khuẩn không.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp MRI, CT hoặc siêu âm để quan sát kỹ những tổn thương bên trong xương khớp.
- Chọc hút dịch khớp làm xét nghiệm: Phương pháp này giúp loại trừ nhiễm khuẩn, xác định nguyên nhân gây bệnh.
- Quan sát dịch khớp: Sau khi hút dịch có thể quan sát dịch khớp bằng mắt thường để kiểm tra độ trong và màu sắc. Từ đó có thể phân loại tràn dịch là không viêm, viêm hoặc nhiễm trùng.
Điều trị đau mỏi khớp bằng phương pháp nào?
Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh đau nhức xương khớp, bác sĩ sẽ cho bạn lựa chọn một số phương pháp điều trị bao gồm:
- Dùng thuốc uống: Bao gồm các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kê đơn hoặc không kê đơn, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh,...
- Tiêm thuốc: Thuốc được tiêm trực tiếp vào khớp, bao gồm các loại thuốc steroid, hyaluronan và thuốc gây tê cục bộ.
- Vật lý trị liệu: Tập vật lý trị liệu để ổn định khớp, tăng cường các cơ xung quanh khớp và cải thiện khả năng vận động của người bệnh.
- Nội soi khớp: Mục đích để sửa chữa sụn hoặc loại bỏ các mảnh xương trong hoặc gần khớp.
- Thay khớp: Người bệnh cần phải phẫu thuật để thay khớp khi lớp sụn ở xương dần mòn đi. Điều này có thể được thực hiện cho khớp hông, đầu gối và vai.
Đau nhức xương khớp có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị một hoặc nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Vì vậy ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe, người bệnh hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.