Mẹ Bầu Bị Viêm Gan B Nên Ăn Gì? Kiêng Gì?
- Khi bị viêm gan B, mẹ nên ăn các thực phẩm giàu protein, các loại rau xanh, trái cây tươi cùng các chế phẩm từ sữa.
- Hạn chế những thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, các món ăn tươi sống chưa nấu chín, không sử dụng chất kích thích có hại
- Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để phòng tránh lây truyền từ mẹ sang con
Mẹ bầu bị viêm gan B nên ăn gì?
Dưới đây là những nhóm thực phẩm được khuyến nghị cho phụ nữ mang thai bị viêm gan B:
Thực phẩm giàu protein
Protein là chất quan trọng, giúp hình thành, duy trì và thay thế các tế bào trong cơ thể. Nó chiếm tới 50% khối lượng của tế bào, nếu thiếu protein cơ thể sẽ đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, thời ảnh hưởng tới chức năng của hệ thần kinh trong cơ thể.
Trong khi đó, gan có chức năng dự trữ protein trước khi phân bổ chúng đi khắp cơ thể. Vì vậy mà người bệnh cần được bổ sung nhóm thực phẩm giàu protein nhằm cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho gan. Trong đó có một số nhóm thực phẩm được khuyến khích sử dụng bởi nó chứa nhiều protein có lợi hơn như là:
- Thịt nạc, các loại đậu (đặc biệt là đậu nành), trứng, sữa ít béo, các loại hạt cứng, các loại mầm.
- Các loại rau xanh bao gồm rau có lá màu xanh (đặc biệt là rau họ cải), ớt chuông, nấm.
- Các loại trái cây có hàm lượng đường thấp như dâu tây, việt quất mâm xôi (phúc bồn tử).
Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý khi cơ thể hấp thụ quá nhiều protein động vật sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, khiến hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao quá mức cho phép. Đồng thời gây ảnh hưởng không tốt tới thai nhi và gây ra nhiều biến chứng không mong muốn trong tương lai.
Các loại hạt họ đậu
Các loại hạt họ đậu là thực phẩm có khả năng giải độc tốt, chúng không chỉ làm mát gan mà còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp cơ thể tái tạo và phục hồi, hỗ trợ cho hệ tiêu hóa hấp thụ chất dinh dưỡng được tốt hơn. Một số hạt mà bà bầu nên chú trọng bổ sung như: Đậu đen, đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng…
Những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho thai nhi được chế biến từ đậu như: Cháo thịt bằm nấu cùng đậu xanh, cháo đậu đỏ, ý dĩ, chè đậu, nước đậu rang, cháo xương ninh cùng đậu hoặc một số chế phẩm từ đậu khác.
Các loại rau xanh
Rau xanh là nguồn cung cấp sắt, canxi, magie, kali và nhiều loại vitamin nhóm B, C, E, K cho cơ thể. Những thành phần này có khả năng cân bằng nội tiết tố, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa ung thư gan và một số bệnh lý về gan, cải thiện dần tình trạng viêm gan B. Mẹ bầu nên tăng cường bổ sung những loại rau có màu xanh đậm như: Rau cải, xà lách, cải xoăn, rau bí…
Ngoài ra, bổ sung một lượng chất xơ vừa đủ từ rau xanh cũng giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột, qua đó giảm gánh nặng cho gan, đồng thời hỗ trợ đào thải bớt độc tố tích tụ trong cơ thể ra ngoài. Chưa hết, chúng còn chứa rất nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid… mang đến hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lão hóa, phục hồi các tế bào hư tổn và giảm viêm sưng.
Các loại trái cây tươi
Mẹ bầu cũng nên tăng cường thêm trái cây tươi vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình, mục đích là để tăng cường thêm chất xơ, vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất thiết yếu. Trái cây tươi giàu vitamin A và C như cam, việt quất, đu đủ, dâu tây rất tốt cho những người bị viêm gan B. Chúng giúp cho cơ thể có sức đề kháng tốt, chống lại virus gây bệnh, đồng thời tăng cường khả năng giải độc của gan.
Tuy nhiên, để hạn chế lượng đường có trong trái cây làm tăng lượng đường trong máu. Mẹ bầu nên ưu tiên dùng những loại trái cây có lượng đường thấp như: Mơ, bưởi, ổi, lê, dâu tây, cam, chuối, táo, dưa hấu, đu đủ… Chúng đều là những loại trái cây dễ tiêu hóa và thân thiện với đường ruột.
Các loại sữa bầu
Tình trạng chung của người bị viêm gan B là thường xuyên thiếu hụt vitamin D do khả năng tổng hợp chất béo của gan để hòa tan loại vitamin này bị suy giảm. Chính vì vậy mà người bệnh cần bổ sung sữa để cung cấp lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Bên cạnh đó, sữa còn là nguồn thực phẩm giàu protein rất tốt cho bà bầu. Thành phần của nó có chứa methionin – chất giúp cơ thể tổng chợp cholin, hỗ trợ tăng cường khả năng ngăn mỡ tích tụ tại gan (gan nhiễm mỡ). Tuy vậy, lượng chất béo có trong sữa bò lại rất khó tiêu nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mẹ bầu bị viêm gan B chỉ nên uống 1 ly mỗi ngày.
Mẹ bầu bị viêm gan B cần kiêng ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm nên tăng cường bổ sung, mẹ bầu bị viêm gan B cũng cần phải đặc biệt hạn chế, loại bỏ những nhóm thực phẩm sau khỏi thực đơn của mình:
- Thực phẩm nhiều mỡ, rán, xào, chiên, quay.
- Rượu bia, thuốc lá, chất kích thích.
- Thực phẩm quá bổ dưỡng, nhiều đạm, tính nóng (thịt dê, lòng đỏ trứng, thịt chó, ba ba…).
- Gan động vật.
- Thực phẩm nhiều đường, chất tạo ngọt.
- Hạt có nhiều chất béo (hướng dương, điều, lạc, dừa…).
- Món cay nóng (tỏi, gừng, ớt, hồ tiêu, hành, cari…).
- Món quá mặn, nhiều độc tố (măng tươi, khoai mì, sắn tươi, cà chua xanh…).
- Cá biển có chất làm đông máu (cá ngừ, cá thu…).
- Hải sản tươi sống, chưa nấu chín.
- Chất phụ gia (tẩy màu, phẩm màu, hàn the, muối diêm…).
Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ bầu có thêm kiến thức hữu ích, từ đó cải thiện tình trạng, bảo vệ sức khỏe của bản thân và thai nhi một cách tốt nhất.