Mẹ Bị Viêm Gan B Có Nên Cho Con Bú Không?
- Mẹ bị viêm gan B có thể cho con bú bởi nguy cơ lây truyền virus viêm gan B qua sữa mẹ rất thấp.
- Tuy nhiên, virus có thể lây truyền sang con qua các vết nứt hoặc tổn thương trên đầu vú của mẹ.
- Ngay sau khi trẻ chào đời nên được tiêm vắc xin viêm gan B để phòng tránh lây nhiễm
Mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú hay không?
Virus gây viêm gan B là HBV đã được tìm thấy trong sữa mẹ, tuy nhiên nó chiếm tỷ lệ vô cùng thấp. Đồng thời, hầu hết trẻ nhỏ khi sinh ra đều được tiêm phòng vacxin phòng bệnh. Chính vì vậy mà sữa từ người mẹ bị nhiễm viêm gan b hoàn toàn an toàn đối với trẻ sơ sinh, mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú.
Trong trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B cấp tính trong quá khứ và đã được điều trị, cơ thể có kháng thể. Lượng kháng thể này có thể đi qua nhau thai để bảo vệ thai nhi trước sự tấn công của virus viêm gan B trong 6 tháng đầu đời. Điều này có nghĩa là bé được phép thoải mái bú mẹ mà không sợ lây nhiễm virus viêm gan B.
Tuy nhiên, nếu mẹ bị viêm gan B, phần đầu vú có vết thương hở, chảy máu, đồng thời trong miệng trẻ cũng có vết thương hở thì khả năng truyền bệnh cho con là rất cao. Bởi khi đó máu, dịch tiết của mẹ sẽ đi vào cơ thể bé thông qua các vết xước tại miệng. Do vậy, mẹ không nên cho con bú trong những trường hợp này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Mẹ bị viêm gan B cần lưu ý những gì khi nuôi con và cho con bú?
Trong trường hợp mẹ dương tính với virus viêm gan B, cần trao đổi với bác sĩ về việc tiêm phòng cho trẻ ngay sau khi chào đời. Quá trình này cần được thực hiện đúng và đủ theo phác đồ để đảm bảo khả năng phòng bệnh tốt nhất. Cụ thể:
- Tiêm mũi đầu tiên trong vòng 12 – 24 giờ sau khi chào đời.
- Tiêm mũi thứ 2 khi bé đã đủ 6 tháng tuổi.
- Tiêm mũi cuối cùng khi bé được 9 – 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả phòng ngừa cho trẻ có mẹ bị viêm gan B, bác sĩ có thể yêu cầu tiêm thêm cho bé một mũi Globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG). Điều này giúp trẻ tạo ra được hệ miễn dịch tự động, giúp trung hòa virus viêm gan B trong khi chờ vacxin phát huy hiệu quả.
Lưu ý: Hiệu quả phòng ngừa của vacxin viêm gan B sẽ giảm dần theo theo gian, đồng thời vacxin có thể không mang lại được hiệu quả cao nếu thực hiện tiêm phòng sau 7 ngày kể từ lúc trẻ chào đời.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, mẹ không nên cho con bú nhằm tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con như:
- Mẹ đang sử dụng các loại thuốc kháng virus.
- Người mẹ không được điều trị bệnh viêm gan B theo phác đồ phù hợp.
- Phần đầu vú của người mẹ có dấu hiệu nứt nẻ, chảy máu, lở loét…
- Trẻ được chẩn đoán mắc phải hội chứng rối loạn Galactosemia hiếm gặp (tình trạng này được phát hiện ra thông qua quá trình sàng lọc sơ sinh).
Mẹ nên tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ ngay sau khi chào đời, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để biết cách chăm sóc con tốt nhất.