Tăng Sắc Tố Sau Viêm Da Có Hết Không?
Tăng sắc tố sau viêm da có thể tự hết, nhưng tốc độ cải thiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nông-sâu của melanin, nguyên nhân gây tăng sắc tố, vùng da bị tổn thương, và độ tuổi của người mắc bệnh.
Tăng sắc tố sau viêm da có hết không là thắc mắc của nhiều người, đặc biệt là các chị em. Đây là một tình trạng da liễu khá phổ biến, xảy ra bởi các phản ứng của da khi bị viêm hoặc tổn thương. Da bị gia tăng sắc tố sau viêm ảnh hưởng khá nhiều đến thẩm mỹ và cần có sự can thiệp từ bên ngoài để cải thiện tình hình.
Chứng tăng sắc tố sau viêm da có hết không?
Tăng sắc tố da sau viêm (Tên tiếng Anh: Post-inflammatory hyperpigmentation, viết tắt: PIH) là tình trạng lượng sắc tố melanin bị tăng sinh đột ngột tại một khu vực trên da sau các phản ứng viêm. Đây là một bệnh lý phổ biến, có thể xuất hiện sau các bệnh về da, kích thích ngoại sinh hay các thủ thuật trên da. Viêm da càng nặng thì nguy cơ và mức độ nặng của tăng sắc tố sau viêm da cao.
PIH có thể phát sinh ở bất kỳ độ tuổi nào, màu da nào và không có ưu thế về giới tinh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng PIH có xu hướng xảy ra phổ biến và nặng hơn ở những bệnh nhân có type da tối màu (châu Á, châu Phi) so với bệnh nhân có màu da sáng (châu Âu, châu Mỹ).
Tình trạng tăng sắc tố da sau viêm tạo ra các vùng da tối màu làm ảnh hưởng nhiều đến mặt thẩm mỹ của da, khiến người mắc cảm thấy thiếu tự tin trước ánh mắt của người đối diện. Vậy, chứng tăng sắc tố sau viêm da có hết không? Bản chất của PIH không gây ra sẹo xơ và có thể tự cải thiện sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên, trung bình phải mất từ 3 – 24 tháng để các vết sắc tố mờ dần đi, trong một số trường hợp có thể lâu hơn.
Trên thực tế việc tăng sắc tố da sau viêm có hết không, mờ nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Mức độ nông – sâu của melanin: Tăng sắc tố chỉ trên bề mặt da sẽ biến mất nhanh hơn và dễ dàng hơn nếu các melanin tập trung ở sâu dưới lớp trung bì và hạ bì của da.
- Nguyên nhân gây tăng sắc tố da: Các vết tăng sắc tố gây ra sau khi gãi nhẹ hoặc côn trùng cắn sẽ mờ đi nhanh hơn. Tăng sắc tố do mụn trứng cá sẽ hết nhanh hơn so với vết bỏng.
- Vùng da bị tổn thương: Tăng sắc tố sau viêm tập trung tại những vùng da thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (vùng chữ T, hai bên gò má) sẽ lâu lành hơn, thậm chí ngày càng đậm màu hơn bởi tác động của tia cực tím.
- Độ tuổi: Tuổi càng trẻ, làn da càng khỏe mạnh sẽ cải thiện tốt hơn và nhanh hơn với những làn da bị lão hóa.
Nguyên nhân gây tăng sắc tố da sau viêm
Quá trình viêm kích thích cơ thể giải phóng và oxy hóa axit arachidonic dẫn đến tăng sản xuất các chất trung gian gây viêm (prostaglandins, leukotrienes, cytokines, chemokines,…). Các chất trung gian này kích thích tế bào melanocyte – tế bào biểu bì tạo hắc tố melanin – gây giải phóng ồ ạt các hạt sắc tố melanosome, bao gồm tyrosinase (một loại enzyme chịu trách nhiệm sản xuất và tổng hợp melanin).
Melanin là yếu tố quyết định đến màu sắc làn da và mái tóc của mỗi người. Trong trường hợp các hạt sắc tố tập trung quá mức sẽ làm đổi màu hoặc làm tối vùng da đã từng bị tổn thương trước đây và nằm tại đó lâu dài sau khi vết thương hồi phục.
PIH có thể là hậu quả của nhiều tình trạng viêm da khác nhau, cụ thể:
- Sau quá trình da bị tổn thương bởi các loại bệnh lý, như: Chấn thương cơ học, nhiễm trùng da, tổn thương da do bỏng, phát ban do ánh sáng, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc – dị ứng, lupus ban đỏ, lichen phẳng, mụn chứng cá…
- Sau khi thực hiện một số thủ thuật y khoa trên da, như: Siêu âm, điều trị tia xạ trị không ion hóa, lăn kim, mài mòn da, thay da hóa học, laser trị liệu…
- Tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây tổn thương da, như: Tia UV từ ánh nắng mặt trời, một số chất hóa học (vàng, bạc, asen,…) hoặc thuốc (tetracycline, bleomycin, doxorubicin, 5-fluorouracil,…).
Dấu hiệu tăng sắc tố da sau viêm
Dấu hiệu dễ nhận biết của tăng sắc tố sau viêm da là sự xuất hiện những dát tăng sắc tố tại những vùng da bị chấn thương hay tổn thương trước đó. Màu sắc của những đốm này tùy thuộc vào type da và vùng da bị tổn thương.
PIH nông (vùng thượng bì):
- Xuất hiện những đốm màu nâu, nâu đen hoặc đen.
- Có thể tự hết trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm mà không cần can thiệp điều trị nào.
- Quan sát rõ dưới ánh sáng đèn Wood – đèn ánh sáng đen (đèn chuyên khoa da liễu, hoạt động theo cơ chế sử dụng tia tử ngoại bước sóng dài xuyên sâu vào da để quan sát độ sâu của những tổn thương sắc tố trên da).
PIH sâu (vùng dưới thượng bì):
- Xuất hiện những vùng da màu xám xanh
- Chỉ hết sau một khoảng thời gian rất dài hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn nếu không có biện pháp can thiệp điều trị.
- Không quan sát được rõ dưới ánh sáng đèn Wood.
Tăng sắc tố sau viêm da có hết không nếu dùng thuốc, kem bôi tại chỗ?
Một số loại thuốc và sản phẩm chăm sóc da để điều trị PIH thường chứa một số thành phần có tác dụng ức chế quá trình sản sinh hắc tố và làm trắng các vùng da tối màu, giúp da sáng và đều mà hơn.
Hoạt chất ức chế enzyme tyrosinase:
- Hydroquinone (HQ): Ngoài việc ức chế enzyme tyrosinase, hoạt chất còn có khả năng tiêu diệt tế bào hắc tố melancocytes. Hàm lượng HQ an toàn thường có nồng độ thấp hơn hoặc bằng 4% và sẽ thấy hiệu quả sau khoảng 4 tuần sử dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng vì HQ có thể gây kích ứng với một số người hoặc dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm không mong muốn.
- Arbutin: Là một dẫn xuất tự nhiên của HQ. Mặc dù chúng tác động yếu và ít hiệu quả hơn HQ công nghiệp nhưng rất lành tính và an toàn.
- Axit kojic: Là một dẫn xuất tự nhiên, được chiết xuất từ nấm và là một sản phẩm của quá trình lên men gạo hoặc rượu gạo. Hoạt chất được sử dụng ở nồng độ từ 1 – 4%. Ở nồng độ cao hơn có thể gây một số tác dụng phụ như mỏng da, đỏ, ngứa, phát ban, viêm da…
- Thiamidol: Thiamidol là hoạt chất độc quyền của thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng đến từ nước Đức.
- Axit azelaic: Axit azelaic là một axit có nguồn gốc tự nhiên, được tìm thấy trong các loại ngũ cốc như lúa mạch và lúa mì. Theo kết quả nghiên cứu, axit azelaic 20% có tác dụng tốt hơn HQ 2% và kém hơn HQ 4%, nhưng lại không có tác dụng phụ như hoạt chất này.
Hoạt chất ức chế vận chuyển melanosomes:
- Axit retinoic: Là một chất chuyển hóa của vitamin A, có khả năng cải thiện sắc tố, mụn và lão hóa da hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ như rát da, nhạy cảm với ánh sáng mặt trời (làm PIH nặng hơn).
- Niacinamide: Là một phức hợp của vitamin B3 đã được chứng minh có tác dụng hiệu quả trong việc giảm chứng tăng sắc tố da. Thay vì tác động lên enzyme tyrosinase, hoạt chất này ngăn chặn sự chuyển giao của hạt sắc tố melanin tới keratinocytes – tế bào ở lớp ngoài cùng của da.
Hoạt chất chống oxy hóa:
Vitamin C và các dẫn xuất của nó ngoài việc làm sáng da, chống oxy hóa, tăng cường khả năng bảo vệ da trước tia UV, kích thích tăng sinh collagen. Để thấy rõ hiệu quả, nên sử dụng vitamin C có nồng độ từ 10 – 20%, không nên dùng cao hơn vì sẽ rất dễ gây kích ứng da.
Khi sử dụng bất cứ sản phẩm nào để điều trị PIH cần có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi mỗi loại da và mức độ của PIH là khác nhau. Vì thế, cần có sản phẩm phù hợp tăng tính hiệu quả điều trị và hạn chế những tổn thương đáng tiếc có thể xảy ra.
Thay da sinh học (Peel da)
Peel da là phương pháp điều trị PIH bằng cách sử dụng các hợp chất hóa học tự hiên (thường là axit nồng độ cao) tác động mạnh lên vùng da bị tăng sắc tố để loại bỏ lớp da trên bề mặt, đẩy nhanh quá trình thay da và tái tạo tế bào da mới sáng khỏe mạnh và đều màu hơn.
Các loại axit thường được sử dụng nhiều nhất trong peel da là:
- Axit glycolic (AHA): GA hay AHA là một alpha hydroxy gốc nước tự nhiên gây ra sự phân giải biểu bì, phân tán hắc tố ở lớp đáy và tăng tổng hợp collagen ở da. Nồng độ GA peel dao động từ 20 đến 70%, và cần trung hòa với nước hoặc natri bicacbonat để chấm dứt peel. Kết hợp peel 70% GA và tiếp theo là 35% TCA peel cho kết quả tốt trong điều trị PIH do bất kỳ tình trạng nào gây ra.
- Axit salicylic (BHA): SA hay còn được gọi là BHA, là một beta hydroxy axit gốc dầu, gây ra sự phân hủy lớp sừng bằng cách phá vỡ liên kết lipit giữa các tế bào biểu mô. Peel SA bề mặt sử dụng nồng độ từ 20 – 30% mà không cần trung hòa như GA.
- Axit tricloaxetic (TCA): Là một dạng axit hữu cơ có công dụng giúp tái tạo cấu trúc da mới nên nó đặc biệt hiệu quả trong việc trẻ hóa da, cải thiện nếp nhăn và sắc tố da.
Thay da hóa học là phương pháp khá an toàn và được sử dụng phổ biến. Liệu trình điều trị ngắn, đơn giản, không đau, không gây ra nhiều kích ứng. Tác dụng phụ thường gặp thường là nổi ban đỏ, cảm giác bỏng rát, bong vảy da… Do đó, trước khi bắt đầu thực hiện, bạn cần có những kiến thức nhất định về peel da để tăng tối đa hiệu quả và giảm thiểu tác dụng phụ.
Tăng sắc tố sau viêm da có hết không nếu áp dụng công nghệ cao?
Sử dụng công nghệ laser điều trị PIH cho kết quả nhanh chóng và hiệu quả hơn so với các phương pháp điều trị khác.
Bản chất của phương pháp này là sử dụng nguồn năng lượng laser với bước sóng sinh học phù hợp, tác động vào vùng da bị tăng sắc tố ở các mức độ khác nhau (có thể hoạt động trên lớp biểu bì hoặc xâm nhập vào các lớp da sâu hơn – trung bì) để phá vỡ hoàn toàn thành nhiều mảnh siêu nhỏ mà không làm tổn thương đến các mô lành xung quanh. Các mảnh nhỏ này sẽ được đào thải dần ra ngoài theo cơ chế tự nhiên.
Một số công nghệ laser thường dùng hiện nay: Laser Picosure, laser Toning, laser vi điểm Pixel, laser Q-Switched
Những tác dụng phụ có thể gặp phải sai điều trị PIH bằng laser là sưng đỏ, ngứa rát, phồng rộp, ghẻ lở, nhiễm trùng, để lại sẹo xấu… Do đó, khi quyết định điều trị bằng phương pháp này, bạn cần lựa chọn bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ uy tín, bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Ngoài ra, liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao (IPL) có thể được sử dụng cho các chỉ định tương tự.
Biện pháp phòng ngừa chứng tăng sắc tố sau viêm da
Để ngăn ngừa tình trạng tăng sắc tố da sau viêm đồng thời bảo vệ làn da hàng ngày, bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
- Tránh, hạn chế và bảo vệ làn da khỏi các yếu tố gây chấn thương (ngã, va đập, bỏng…) để không làm viêm da dẫn đến tăng sắc tố sau viêm.
- Điều trị tốt bệnh lý nền PIH như mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da dầu, vảy nến…. để giảm tình trạng viêm.
- Chăm sóc da nhẹ nhàng hàng ngày với kem dưỡng ẩm và các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ, không gây kích ứng và không có hương liệu.
- Tránh ánh nắng mặt trời: Tia UV từ ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân phổ biến làm sạm da và làm nặng hơn mức độ tăng sắc tố da sau viêm. Vì vậy, việc bảo vệ làn da tránh ánh nắng mặt trời bằng cách dùng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF 30 và chỉ số PA+++ trở lên là vô cùng cần thiết. Cần sử dụng kem chống nắng hàng ngày và bôi lại sau mỗi 2 – 4 giờ khi tiếp xúc với nắng.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nắng nhất là trong giờ cao điểm từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu cần thiết phải ra ngoài, nên trang bị thêm các phụ kiện chống nắng như quần áo chống nắng, mũ rộng vành, kính râm, găng tay… để tăng hiệu quả bảo vệ da.
- Hạn chế sử dụng các thuốc gây tăng sắc tố da, như kháng sinh tetracyclin, bleomycin, KS cyclin…
- Điều trị dự phòng tăng sắc tố sau laser.
- Khi gặp các vẫn đề về da như dị ứng, mụn trứng cá, bỏng, nhiễm trùng… bạn nên hạn chế gãi, cào, nặn trên da. Vì những thói quen này sẽ ảnh hưởng đến vùng da đang bị tổn thương, khiến da phục hồi lâu hơn và dễ bị sậm màu hơn. Thay vào đó, bạn nên đi thăm khám bằng cách gặp các bác sỹ da liễu để được điều trị hiệu quả và bảo vệ tính thẩm mỹ cho da.
Tăng sắc tố sau viêm da có thể điều trị khỏi nếu sử dụng đúng phương pháp. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý điều trị mà cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để có hiệu quả tốt và tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn.