Chỉ số HBsAg Là Gì?
- Xét nghiệm HBsAg được thực hiện để kiểm tra xem người bệnh có bị nhiễm viêm gan B hay không
- Kết quả HBsAg dương tính có nghĩa là bạn bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) và có khả năng lây nhiễm cho người khác.
- HBV lây lan qua khi tiếp xúc với chất dịch trên cơ thể người bị nhiễm bệnh như tinh dịch, dịch âm đạo, máu.
Chỉ số HBsAg là gì?
HBsAg là viết tắt của cụm từ Hepatitis B surface Antigen – có nghĩa là kháng nguyên bề mặt của siêu vi B. Đây cũng là một trong rất nhiều kháng nguyên của virus viêm gan B do Blumberg phát hiện ra trong huyết thanh của con người.
Xét nghiệm HBsAg sẽ giúp người bệnh biết được mình có đang bị nhiễm siêu virus HBV hay không, nó không được dùng để đánh giá chính xác virus HBV đang hoạt động trong cơ thể người bệnh như thế nào.
Ai nên xét nghiệm HBsAg?
Kể từ năm 2023, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã khuyến nghị tất cả người trưởng thành nên xét nghiệm viêm gan B ít nhất một lần trong đời.
Việc sàng lọc virus HBV định kỳ nên được thực hiện:
- Trong khi mang thai
- Trước khi hiến máu hoặc mô
- Trước khi bắt đầu điều trị ức chế miễn dịch
- Ở những người có nguy cơ nhiễm HBV cao
Triệu chứng của virus HBV phổ biến nhất là mệt mỏi cực độ. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Buồn nôn
- Ăn không ngon
- Đau cơ
- Sốt
- Da và mắt vàng (vàng da)
- Nước tiểu sẫm màu
- Đau bụng
Ngoài ra, mọi người cũng có thể thực hiện xét nghiệm này nếu có tiền sử tiếp xúc với virus như:
- Quan hệ tình dục với người bị nhiễm virus HBV
- Sống tiếp xúc gần gũi với người nhiễm virus HBV
- Đàn ông quan hệ tình dục đồng giới
- Trẻ em được sinh ra từ mẹ nhiễm HBV
- Dùng chung kim tiêm để sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch)
- Được truyền máu hoặc ghép tạng bởi những người mắc HBV
Mọi người cũng có thể làm xét nghiệm HBsAg nhiều lần nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B để xem liệu tình trạng nhiễm trùng có thuyên giảm hay không.
Quy trình xét nghiệm HBsAg
Xét nghiệm HBsAg được thực hiện bằng cách lấy máu tĩnh mạch. Máu thường được lấy bằng cách đâm kim vào tĩnh mạch ở phía trong khuỷu tay hoặc mu bàn tay. Máu được thu thập và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Người bệnh không cần nhịn ăn trước khi tiến hành xét nghiệm HBsAg. Nhưng nên uống nước trước khi lấy máu để đảm bảo đủ nước cho cơ thể.
Nếu phát hiện được HBsAg thì kết quả xét nghiệm là dương tính. Nếu không phát hiện thấy HBsAg thì kết quả xét nghiệm là âm tính.
Ý nghĩa chỉ số HBsAg
Kết quả xét nghiệm có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử sức khỏe của người bệnh và các yếu tố khác. Kết quả xét nghiệm cũng có thể khác nhau tùy vào từng phòng thí nghiệm.
- Kết quả bình thường là âm tính nghĩa là không tìm thấy kháng nguyên bề mặt viêm gan B.
- Nếu xét nghiệm dương tính có nghĩa là bạn đang bị nhiễm HBV. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ phục hồi trong vòng khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, nếu không chữa khỏi được trong 6 tháng, khả năng cao virus có thể tồn tại trong máu và gây ra các vấn đề về gan.
- Khi khỏi bệnh, người từng bị nhiễm viêm gan B sẽ có khả năng miễn dịch với virus và không thể lây lan cho những người khác.
Điều trị viêm gan B
Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân nhiễm HBV cấp tính. Virus viêm gan B thường tự khỏi mà không cần điều trị trong khoảng 4-6 tháng.
Những bệnh nhân nhiễm viêm gan B kéo dài hơn 6 tháng thì được coi là mãn tính. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên điều trị nhiễm HBV mạn tính bằng thuốc kháng vi-rút như Viread (tenofovir) hoặc Baraclude (entecavir).
Ngăn ngừa sự lây lan của viêm gan B
- Viêm gan B lây lan qua tiếp xúc qua các chất dịch cơ thể của người bệnh như máu, tinh dịch, dịch âm đạo. Phơi nhiễm viêm gan B có thể xảy ra khi quan hệ tình dục, sinh con hoặc dùng chung kim tiêm, dao cạo râu hoặc thiết bị y tế (như máy theo dõi lượng đường huyết).
- Viêm gan B không thể lây truyền qua hôn, dùng chung dụng cụ ăn uống, hắt hơi, ho, ôm, cho con bú, qua thức ăn hoặc nước uống.
Để ngăn ngừa viêm gan B, bạn có thể tiến hành các biện pháp phòng ngừa sau:
Tiêm chủng
Tiêm vắc-xin viêm gan B có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh viêm gan B. Vắc-xin này được tiêm định kỳ cho tất cả trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Nên theo dõi lịch tiêm của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế để tiêm phòng ngừa trong các giai đoạn trưởng thành.
Xét nghiệm HBsAg trong thai kỳ
Xét nghiệm HBsAg nên được thực hiện thường xuyên trong thai kỳ. Xét nghiệm giúp xác định nguy cơ mắc bệnh viêm gan B của trẻ sau khi được sinh ra qua đường âm đạo hoặc sinh mổ.
Điều trị kịp thời trong 12 giờ đầu đời có thể ngăn ngừa lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Trong trường hợp này, bé có thể được tiêm hai mũi gồm globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) và liều vắc xin viêm gan B đầu tiên.
Các cách phòng ngừa khác
Các cách khác để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh viêm gan B bao gồm:
- Tránh dùng chung các sản phẩm vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc thiết bị y tế (như kim tiêm hoặc máy theo dõi đường huyết ).
- Đảm bảo chỉ sử dụng kim mới hoặc đã khử trùng khi xăm hình hoặc xỏ khuyên trên cơ thể.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Đeo găng tay dùng một lần nếu tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở.
Bảo vệ sức khỏe là yếu tố vô cùng quan trọng, chính vì vậy mà bạn nên chủ động trong các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn bệnh, để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh mình.