Xét Nghiệm Viêm Gan B
Viêm gan B vẫn luôn được đánh giá là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nó hầu như không xuất hiện triệu chứng rõ rệt nhưng lại gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Hiện nay, việc xét nghiệm viêm gan B là cách tốt nhất để sớm phát hiện, đồng thời có các biện pháp ngăn ngừa tác hại của bệnh. Vậy quá trình xét nghiệm gồm những gì, nên thực hiện ở đâu đảm bảo nhất?
Tổng quan
Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan, đặc biệt 25% người bệnh ở thể mạn tính diễn biến thành xơ gan, suy giảm chức năng gan nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi đối tượng đều có khả năng nhiễm bệnh, chính vì vậy mà xét nghiệm viêm gan B thường được yêu cầu khi:
- Xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng liên quan đến bệnh viêm gan B cấp tính.
- Người đã từng tiếp xúc với người bệnh bị viêm gan B.
- Người sinh sống hoặc đi du lịch, công tác tới các địa điểm có nguy cơ viêm gan B cao.
- Tầm soát những người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như bác sĩ, y tá, nha sĩ…
- Người bị bệnh thận hoặc đã lọc máu thận trước đây.
- Người có quan hệ tình dục không an toàn, trai/gái mại dâm, quan hệ tập thể.
- Người bị nhiễm HIV hoặc HCV.
- Người muốn hiến máu, huyết tương, mô, tinh dịch hoặc nội tạng.
- Người đã từng tiêm vacxin ngừa virus viêm gan B trước đây, muốn xét nghiệm để xác định trong cơ thể đã có kháng thể hay chưa và vacxin có tác dụng hay không.
- Những người bị viêm gan B nên xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần. Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm cũng được chỉ định nhằm giúp bác sĩ đánh giá liệu trình điều trị có mang lại hiệu quả hay không.
Trên thực tế, không phát tất cả những người bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) đều sẽ mắc bệnh. Trong đó chỉ có từ 10 – 20% người bệnh tiến triển nặng thành viêm gan B. Để chắc chắn rằng mình có bị nhiễm virus hay không thì chúng ta cần trải qua các đợt xét nghiệm chính sau đây:
Xét nghiệm HBsAg
Đây là phương pháp xét nghiệm khá phổ biến dựa trên kháng nguyên bề mặt của virus HBV, hầu như người nào có nguy cơ mắc viêm gan B đều sẽ phát thực hiện xét nghiệm HBsAg. Sau khi có kết quả bác sĩ sẽ đánh giá và chỉ định các xét nghiệm cần thiết tiếp theo. Những trường hợp cho kết quả dương tính (HBsAg+) chứng tỏ người bệnh đã bị nhiễm virus viêm gan B, tuy nhiên không phải ai có HBsAg+ cũng mắc bệnh viêm gan siêu vi B.
Xét nghiệm HBsAg gồm có phương pháp xét nghiệm định lượng và định tính. Trong đó, xét nghiệm định tính sẽ chẩn đoán việc người bệnh có bị viêm gan B hay không, còn định lượng sẽ cho biết nồng độ kháng nguyên nhiều hay ít. Từ đó làm cơ sở để bác sĩ theo dõi tình hình và tìm ra cách điều trị phù hợp nhất.
Trong thời gian 6 tháng, nếu men gan tăng cao thì chứng tỏ bạn đã bị nhiễm virus viêm gan B. Với những người men gan tăng cao rồi lại giảm không đều qua các lần xét nghiệm trong vòng 6 tháng, thì được gọi là viêm gan siêu vi B cấp. Như vậy, thực hiện xét nghiệm HBsAg sớm là rất cần thiết đối với người bệnh trong việc điều trị và bảo vệ sức khỏe.
Xét nghiệm Anti-HBc (HBc-Ab)
Đây là phương pháp xét nghiệm nhằm tìm kiếm kháng thể lõi của virus viêm gan B (HBc-Ab) trong cơ thể người bệnh. Kháng thể lõi xuất hiện sớm sau khi có sự tiếp xúc với virus HBS và chúng sẽ tồn tại suốt đời. Những trường hợp xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với viêm gan B giúp bác sĩ biết bạn có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
Những người đã bị nhiễm virus siêu vi B khi thực hiện xét nghiệm HBc-Ab chủ yếu nhằm xác định tình trạng bệnh hiện tại đang ở thể viêm gan cấp tính hay viêm gan mạn tính. Ngoài ra, nó còn có thể chẩn đoán người bệnh trước đó đã từng bị nhiễm virus viêm gan B hoặc từng mắc bệnh hay chưa.
Dù vậy thì xét nghiệm tìm kháng thể lõi cũng chỉ đánh giá được sự hiện diện của virus mà không thể biết được chúng ở trong cơ thể người bệnh có hoạt động hay đang trong trạng thái ngủ. Để có kết quả chính xác hơn, chúng ta cần thực hiện thêm những xét nghiệm liên quan khác.
Xét nghiệm Anti-HBs
Đây là phương pháp giúp kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể trước virus viêm gan B. Với những người đã từng tiêm phòng vacxin ngừa viêm gan B thì Anti-HBs chính là kháng thể được hình thành sau khi tiêm. Do vậy mà xét nghiệm cho ra kết quả dương tính chứng tỏ cơ thể đã có kháng thể chống lại virus gây bệnh.
Ngoài ra còn có thể là do bệnh nhân đã từng nhiễm virus viêm gan B từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại virus đã được loại bỏ ra khỏi cơ thể, đồng thời cơ thể cũng tự tạo ra được kháng thể bảo vệ khỏi sự tấn công, xâm nhập của virus gây bệnh.
Thông thường, sẽ có 3 mũi vacxin được tiêm để chống lại virus viêm gan B theo các mốc là 0, 1, 6 tháng sau mũi đầu tiên. Khi đã hoàn thành đầy đủ các mũi tiêm, bạn nên đi xét nghiệm anti-HBs để kiểm tra xem cơ thể đã tiếp nhận và hình thành đủ lượng kháng thể hay chưa. Nếu chỉ số nồng độ anti-HBs > 10mUI/ml thì được xem là có khả năng bảo vệ và phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B, kháng thể càng cao thì hiệu quả bảo vệ càng tối ưu.
Xét nghiệm HbeAg
HbeAg là kháng nguyên vỏ capsid của virus viêm gan B, loại kháng nguyên này được xem là một phần kháng nguyên lõi, một dạng protein virus được tiết ra bởi các tế bào nhiễm HBV của bệnh nhân. Nếu xét nghiệm cho ra kết quả dương tính (HbeAg+), đồng nghĩa với việc có sự hoạt động mạnh của virus viêm gan B trong cơ thể. Ngoài ra virus cũng có thể đang trong quá trình tự nhân đôi, đây là giai đoạn được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh.
Đối với trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh dùng các loại thuốc điều trị, nhằm ngăn cản sự hoạt động của virus. Sau 3 tháng điều trị, nếu xét nghiệm HbeAg vẫn cho ra kết quả dương tính thì tình trạng viêm gan B đang dần chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Ngược lại, nếu sau 3 tháng điều trị cho ra kết quả HbeAg âm tính thì sẽ có hai khả năng xảy ra: Một là virus viêm gan B trong cơ thể ở thể không hoạt động có thể tự khỏi, hai là virus ở thể đột biến, lúc này người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác như HBV genotyping và HBV DNA.
Xét nghiệm Anti-Hbe
Xét nghiệm Anti-Hbe cũng tương tự như Anti-Hbs, giúp tìm ra kháng thể HBeAg, kháng thể này có tác dụng chính là kìm hãm hoặc ngăn chặn quá trình nhân đôi của virus viêm gan B trong cơ thể. Tuy nhiên, Anti-Hbe chỉ là một phần của kháng thể chống lại virus HBV, nếu bệnh nhân nghi ngờ mình bị viêm gan B, khi xét nghiệm Anti-Hbe cho kết quả dương tính tức cơ thể đã có một phần kháng nguyên miễn dịch với virus.
Xét nghiệm Anti-Hbe không thể nói lên được bệnh nhân có miễn dịch với virus gây viêm gan B hay không. Trong một số trường hợp, Anti-Hbe dương tính và HBeAg âm tính vào lúc bệnh đã bước vào giai đoạn mạn tính. Khi đó virus HBV vẫn không ngừng được nhân lên nhưng cơ thể lại không thể ức chế được bằng Anti HBe.
Nhằm đảm bảo chính xác nhất trong quá trình chẩn đoán, thông thường bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thực hiện tất cả các xét nghiệm kể trên. Trong một số trường hợp nếu xét nghiệm bước đầu tiên là HBsAg âm tính bạn có thể tiêm phòng vacxin để phòng bệnh.
Để đảm bảo các xét nghiệm cho ra kết quả chính xác nhất mà vẫn đảm bảo tiết kiệm, bạn có thể không cần thực hiện hàng loạt xét nghiệm ngay, thay vào đó nên tiến hành theo từng bước. Bác sĩ cũng có thể ngừng một số xét nghiệm không cần thiết nếu đã đủ dữ liệu để đưa ra kết quả rõ ràng.
Thực hiện
Quá trình lấy máu diễn ra khá nhanh chóng, bạn nên mặc áo thun hoặc trang phục có tay ngắn để lấy máu dễ dàng hơn. Quy trình như sau:
- Nhân viên y tế sẽ dùng một dây đàn hồi (garo) quấn xung quanh phần bắp trên của cánh tay để ngăn lưu thông máu, đồng thời giúp mạch máu phía dưới phồng to hơn nhằm dễ dàng đưa kim tiêm vào mạch máu.
- Dùng bông y tế tẩm cồn để lau sạch vùng chọc tĩnh mạch.
- Đưa kim tiêm vào mạch máu, trong nhiều trường hợp có thể cần đâm kim tiêm nhiều hơn 1 lần.
- Kéo nòng để lấy một lượng máu vừa đủ.
- Tháo garo ra khỏi cánh tay sau khi đã lấy được đủ lượng máu cho xét nghiệm.
- Đặt một miếng gạc hoặc bông gòn đè lên vùng vừa lấy máu sau đó rút kim tiêm ra.
- Ép gạc vào vùng vừa lấy máu để cầm máu và tránh nhiễm trùng, cuối cùng dán băng cá nhân lên để cố định gạc.
Sau khi thực hiện xét nghiệm, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu do băng quấn đàn hồi ở cánh tay hoặc đau nhẹ do quá trình đâm kim tiêm. Sau đó bạn cần chờ trong khoảng một vài tiếng để lấy kết quả và bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm có ý nghĩa là gì.
- Chuyên gia
- Cơ sở
Câu hỏi thường gặp
- Xét nghiệm HBsAg được thực hiện để kiểm tra xem người bệnh có bị nhiễm viêm gan B hay không
- Kết quả HBsAg dương tính có nghĩa là bạn bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) và có khả năng lây nhiễm cho người khác.
- HBV lây lan qua khi tiếp xúc với chất dịch trên cơ thể người bị nhiễm bệnh như tinh dịch, dịch âm đạo, máu.
Tùy từng loại xét nghiệm khác nhau, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định có cần nhịn ăn trước khi thực hiện hay không. Cụ thể:
- Các xét nghiệm như HBV-DNA (5 hạng mục: HbsAg, HbsAb, HbeAg, HbeAb, HbcAb) không yêu cầu nhịn ăn.
- Xét nghiệm chức năng gan yêu cầu người bệnh nhịn ăn từ 8-12 tiếng trước khi thực hiện để đảm bảo kết quả chính xác.
- Siêu âm nên nhịn ăn trước khi thực hiện khoảng 4 tiếng.
- Sinh thiết gan không yêu cầu nhịn ăn, tuy nhiên người bệnh nên hạn chế ăn no.
Khi đi chích ngừa viêm gan B, bạn không cần phải nhịn ăn. Việc nhịn ăn có thể khiến bạn mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến quá trình tiêm chủng và gây khó khăn cho việc phân biệt triệu chứng do đói và tác dụng phụ của vắc-xin.
Thay vào đó, bạn nên ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe. Nên hạn chế đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ và thức uống có cồn trước khi tiêm.
Xem chi tiết