Tổng Hợp Các Chỉ Số Viêm Gan B Quan Trọng Nhất Cần Nắm Rõ
Các thể viêm gan B đều có biểu hiện lâm sàng, tuy nhiên chúng lại khá mờ nhạt, khó nhận biết, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Hiện nay, chỉ có các xét nghiệm vi sinh, xét nghiệm sinh hóa mới có thể xác định chính xác được các nguyên nhân gây bệnh, tình trạng, mức độ lây nhiễm… Chính vì vậy, những chỉ số viêm gan B sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và dễ dàng nhận định kết quả bệnh lý của bản thân.
Các chỉ số viêm gan B quan trọng
Sau khi xét nghiệm và cầm trên tay tờ kết quả, nhiều người cảm thấy khó hiểu và thắc mắc về các chỉ số được ghi tại đây, bởi không phải ai cũng được trang bị đầy đủ kiến thức y khoa để hiểu hết ý nghĩa của chúng. Một vài chỉ số mà bạn nên biết và nắm rõ như là:
Chỉ số HbsAg
HbsAg là từ viết tắt của Hepatitis B Surface Antigen, được hiểu là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Đây là một trong số các chỉ số quan trọng mà bác sĩ dựa vào đó để đưa ra kết luận chính xác về khả năng mắc viêm gan của người bệnh. Do đó xét nghiệm HbsAg là việc không thể thiếu trong quá trình thăm khám, đồng thời nó cũng thuộc 5 loại xét nghiệm cơ bản để tìm ra bệnh viêm gan B.
Nếu kết quả HbsAg dương tính
Đồng nghĩa với việc trong huyết thanh của cơ thể đang có chứa loại kháng nguyên này, cụ thể là bạn đã từng hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan B. Trong khoảng 10 tuần đầu, chỉ số HbsAg có thể sẽ tăng lên, tuy nhiên nếu cơ thể có hệ miễn dịch tốt thì HbsAg sẽ giảm dần, thậm chí là biến mất sau 4 – 6 tháng. Như vậy cơ thể đã tự khỏi bệnh và miễn nhiễm với virus viêm gan B, cũng không cần tiêm phòng vacxin viêm gan B.
Ngược lại, nếu hệ miễn dịch của cơ thể yếu, lúc này HbsAg không những không mất đi mà thậm chí còn tiếp tục hoạt động và phát triển mạnh mẽ sau khoảng 6 tháng ủ bệnh. Khi chỉ số HbsAg định lượng cao lên, rất có thể người bệnh đã chuyển biến sang giai đoạn siêu vi B mạn tính và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Theo thống kê, thực tế chỉ có khoảng 10% người bệnh có HbsAg dương tính mang mầm bệnh mãn tính hoặc có nguy cơ chuyển biến nặng thành xơ gan hoặc ung thư gan, còn lại thì phần lớn các trường hợp đều tự khỏi mà không cần điều trị. Chính vì vậy mà khi có kết quả dương tính, người bệnh cần tuyệt đối nghe theo lời khuyên của bác sĩ và không nên quá lo lắng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị.
Nếu kết quả HbsAg âm tính
Nếu HbsAg âm tính, người bệnh có thể hoàn toàn an tâm rằng mình không bị mắc căn bệnh nguy hiểm này, tuy nhiên chúng ta cũng không nên chủ quan. Các chuyên gia khuyên rằng người bình thường vẫn nên tiêm phòng viêm gan B để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng.
Chỉ số HbsAg có thể cho biết bạn có mắc viêm gan B hay không, thế nhưng để biết rõ về tình trạng hoạt động của virus, mức độ nguy hiểm cũng như đánh giá mức độ tổn thương gan… thì người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm khác để có thể kiểm tra chính xác.
Chỉ số Anti HBe
Xét nghiệm Anti HBe hay còn được gọi là HbeAb – kháng thể chống lại kháng nguyên HbeAg, đây là một trong số các hạng mục nhằm kiểm tra, chẩn đoán và theo dõi điều trị viêm gan B. Kháng thể Anti HBe đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn quá trình tự nhân đôi hoặc thể đột biến của các loại virus viêm gan B hoạt động trong cơ thể người.
Xét nghiệm Anti HBe sẽ giúp bác sĩ đánh giá quá trình tự nhân lên của virus viêm gan B, xem chúng có dấu hiệu giảm hay dừng lại không. Nó được thực hiện từ ban đầu để phát hiện ra tình trạng bệnh cũng như đánh giá được hiệu quả điều trị theo thời gian, nhờ đó mà có được phương hướng phù hợp tiếp theo.
Tuy nhiên, chỉ số Anti HBe không thể cho chúng ta biết cơ thể có miễn dịch với virus viêm gan B hay không. Muốn xác định được điều này thì còn phải phụ thuộc vào ảnh hưởng của HBeAg và định lượng viêm gan B.
Nhìn chung, việc xét nghiệm HBeAb sẽ giúp chẩn đoán được mức độ phát triển của virus nên chúng thường được chỉ định ở những người đã dương tính với viêm gan B. Để theo dõi tình trạng bệnh, chúng ta nên kiểm tra gan và xét nghiệm mức độ hoạt động của virus từ 6 – 12 tháng cho tới khi nào có kết quả HBeAb dương tính. Xét nghiệm Anti HBe cũng thường được thực hiện đồng thời với HBeAg nhằm đánh giá chính xác và đầy đủ nhất tình trạng của người bệnh.
Trường hợp Anti HBe dương tính
Nếu Anti HBe dương tính và HBeAg âm tính thì đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ hệ miễn dịch trong cơ thể đã ngăn chặn được việc virus nhân lên nhờ quá trình điều trị, lúc này virus không nhân lên hoặc ở thể đột biến. Mặt khác vẫn có trường hợp HBeAg âm tính và Anti HBe dương tính cho thấy cơ thể đã bước vào giai đoạn mãn tính. Nói cách khác thì virus vẫn đang nhân lên nhưng cơ thể không có khả năng ức chế bằng Anti HBe.
Trường hợp Anti HBe âm tính
Nếu Anti HBe cho kết quả âm tính thì chứng tỏ rằng phương pháp điều trị viêm gan B hiện tại đang áp dụng không khả quan, virus vẫn nhân lên bình thường mà cơ thể không thể ức chế được bằng Anti HBe do kháng thuốc. Cũng có thể hiểu kết quả âm tính khẳng định virus hoạt động ngày càng mạnh mẽ hơn, đòi hỏi bệnh nhân phải đổi phương pháp điều trị khác để có thể kiểm soát và khống chế virus.
Chỉ số Anti Hbc
Anti HBc hay còn được gọi là HbcAb – một loại kháng thể do cơ thể tạo ra để chống lại kháng nguyên HbcAb của virus HBV tồn tại ở gan. HbcAb là kháng nguyên lõi của virus, nó chỉ tồn tại trong tế bào gan, do đó các xét nghiệm máu thông thường không thể phát hiện ra được loại kháng nguyên này. Chính vì thế mà kiểm tra Anti Hbc được thực hiện để kiểm tra việc đang hoặc đã từng xuất hiện HbcAg trong cơ thể người bệnh.
Chỉ số Anti Hbc chỉ có thể được tạo ra nếu cơ thể đã hoặc đang có sự hiện diện của virus viêm gan B chứ không thể tự tạo ra nếu chỉ tiêm phòng vacxin. Xét nghiệm Anti Hbc sẽ giúp sàng lọc ra những trường hợp có kháng thể HbcAb nhờ vào tiêm vacxin và những trường hợp có HbcAb do đã từng nhiễm virus viêm gan B và tự khỏi trong giai đoạn cấp tính.
Việc xác định kết quả xét nghiệm Anti Hbc dương tính phải dựa vào kết quả của các xét nghiệm khác của người bệnh mới có thể đưa ra kết luận. Gồm có:
Trường hợp Anti Hbc dương tính, HbsAg dương tính
Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh đã bị nhiễm viêm gan b, để có thể xác định được bệnh đang ở giai đoạn nào thì cần làm thêm một số xét nghiệm riêng biệt khác đối với từng loại Anti Hbc.
Cụ thể, nếu chỉ có Anti Hbc IgM dương tính thì người bệnh đang bị viêm gan cấp tính, nếu chỉ Anti Hbc IgG dương tính thì người bệnh đang bị viêm gan mạn tính. Nếu cả hai cùng dương tính thì người bệnh đang phải đối mặt với viêm gan mạn tính ở mức nghiêm trọng.
Trường hợp Anti Hbc dương tính, Anti Hbs dương tính
Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh đã từng bị nhiễm virus viêm gan B trước đây nhưng đã đào thải được hết virus ra ngoài trong thời gian bệnh ở thể cấp tính, hoặc cũng có thể là do người bệnh đã điều trị thành công.
Trường hợp Anti Hbc dương tính, các chỉ số khác âm tính
Trường hợp này xảy ra có thể là do các vấn đề sau đây:
- Kết quả xét nghiệm bị sai, đây là trường hợp dương tính giả.
- Người bệnh ở giai đoạn mới chớm phát bệnh, đang ở thể cấp tính.
- Người bệnh từng nhiễm viêm gan B trước đó và đã miễn nhiễm, nhưng nồng độ Anti Hbc do cơ thể sản sinh ra đã giảm dần sau nhiều năm, nên nó giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện cho ra kết quả Anti Hbs âm tính.
Xem thêm: Khám Viêm Gan B Ở Đâu? Top 10 Địa Chỉ Uy Tín, Chất Lượng Nhất
Chỉ số Anti Hbs
Anti Hbs là chỉ số xét nghiệm quan trọng hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán viêm gan B, nó cho thấy mức độ hiện diện của kháng thể chống lại virus HBV trong cơ thể. Anti Hbs là kháng thể của người bệnh được hình thành khi họ tiêm phòng vacxin viêm gan B, hoặc khi từng mắc bệnh nhưng cơ thể đã tự đào thải được virus ra ngoài nên có khả năng miễn nhiễm với viêm gan B.
Việc thực hiện xét nghiệm định tính và định lượng Anti Hbs sẽ biết được khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước sự tấn công của virus viêm gan B là ở mức độ như thế nào. Bởi đôi khi cơ thể có kháng thể, nhưng lại ở mức thấp và yếu thì khả năng chống lại sự tấn công của virus viêm gan B là rất thấp. Hoặc nếu hệ miễn dịch cùng kháng thể đều kém thì việc mắc viêm gan B là khó tránh khỏi.
Định lượng Anti Hbs được chia làm 3 bậc như sau:
- Ở mức 0 – 10IU/ml: Khả năng bảo vệ của cơ thể trước virus rất thấp, cần tiêm phòng vacxin để có thể tạo ra kháng thể mạnh hơn.
- Ở mức 10 – 100IU/ml: Cơ thể đã có kháng thể nhưng yếu, chúng ta cần phải tiêm thêm 1 mũi vacxin nhắc lại, nhằm tăng cường kháng thể.
- Ở mức 100 – 1000IU/ml: Kháng thể trong cơ thể rất lớn, chúng ta miễn nhiễm với virus viêm gan B.
Chỉ số HbeAg
HbeAg là viết tắt của từ Hepatitis B Envelope Antigen – một loại kháng nguyên e của virus viêm gan B. Xét nghiệm HbeAg thuộc xét nghiệm chức năng gan, giúp bác sĩ có thể xác định chính xác mức độ của virus viêm gan B ở người bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có sự xuất hiện của kháng nguyên e HbeAg, tức virus viêm gan B đang hoạt động mạnh trong cơ thể và có khả năng lây lan nhanh.
Kết luận HbeAg dương tính có nghĩa là bệnh đang diễn biến phức tạp và gây ra nhiều mối lo ngại lớn cho sức khỏe. Đồng thời virus có chiều hướng tăng trưởng nhanh chóng và hoạt động mạnh mẽ hơn trong cơ thể. Nếu HbeAg dương tính trên 6 tuần thì được xem như bệnh đã bước sang giai đoạn mãn tính.
Trường hợp HbeAg dương tính
Nếu HbeAg dương tính kết hợp cùng men gan tăng cao, xuất hiện các dấu hiệu bị viêm thì tình trạng của người bệnh đang có chiều hướng xấu đi do virus hoạt động mạnh và có nguy cơ lây nhiễm cao. HbeAg dương tính sẽ xảy ra hai trường hợp là:
- HbeAg dương tính, chức năng gan bình thường: Việc ngăn chặn virus hoạt động mạnh hơn và đưa chúng trở về trạng thái ngủ yên sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn.
- HbeAg dương tính, chức năng gan giảm sút: Người bệnh cần có biện pháp điều trị kịp thời và phù hợp. Nếu sau một thời gian, các chỉ số trở lại mức bình thường và bệnh có dấu hiệu thuyên giảm thì bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị theo phác đồ đó.
Đặc biệt với phụ nữ mang thai ở 3 tháng cuối của thai kỳ, nếu chỉ số HbeAg dương tính thì khả năng mẹ lây nhiễm sang cho thai nhi là rất lớn. Do vậy, mẹ bầu cần khám thai định kỳ để các bác sĩ có hướng giải quyết thích hợp nhất.
Trường hợp HbeAg âm tính
HbeAg âm tính cho biết virus đang ở trạng thái ngủ yên, tạm thời không hoạt động, mức độ tổn thương mà chúng có thể gây ra cho gan là rất thấp, khả năng lây nhiễm không cao. Tuy nhiên người bệnh vẫn nên duy trì đi khám định kỳ 3 tháng một lần để nắm bắt chính xác được tình hình và sự phát triển của virus, nhằm có phương án kiểm soát kịp thời.
Đối với trường hợp bệnh nhân bị men gan AST-ALT tăng cao hơn so với bình thường từ 1 – 2 lần thì cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm men gan, HBV-DNA.
Chỉ số HBV-DNA
Chỉ số HBV-DNA được dùng để đánh giá mức độ và số lượng của virus viêm gan b đang nhân lên, thời điểm này có nên sử dụng thuốc để ức chế virus hay không, theo dõi được tiến triển của bệnh, đồng thời xác định khả năng đáp ứng điều trị.
Chỉ số HBV-DNA cho biết số lượng hoặc nồng độ của virus viêm gan B có trong 1 đơn vị thể tích huyết thanh hoặc huyết tương. Đơn vị đo được sử dụng là IU/ml hoặc copies/mL, thông thường thì 1IU/ml sẽ tương đương với 5 – 6 copies/mL. Cụ thể:
- Kết quả trên 10.000 IU/ml tức mức độ virus đang ở mức cao.
- Kết quả từ 2.000 – 10.000 IU/ml tức mức độ virus đang ở mức trung bình.
- Kết quả dưới 2.000 IU/ml tức mức độ virus ở mức thấp.
Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc để điều trị, có kết quả sau 1 – 3 tháng mà lượng virus viêm gan B giảm 100 lần thì có thể đánh giá phương pháp này mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, trong một số trường hợp người bệnh cũng nên thực hiện xét nghiệm HBV-DNA như: HbeAg dương tính, men gan ALT tăng cao gấp 2 lần bình thường, đang mắc virus viêm gan B, siêu âm gan có dấu hiệu tổn thương, người mệt mỏi, chán ăn, da vàng, đau hạ sườn phải…
Chỉ số men gan ALT, AST, GGT và ALP
Chỉ số men gan cũng đóng vai trò quan trọng trong kết quả xét nghiệm viêm gan B, trong đó quan trọng nhất là 4 loại men: ALT, AST, GTT và ALP. Thông thường chỉ số men gan ở người khỏe mạnh sẽ ở mức như sau:
Chỉ số men gan |
Nam |
Nữ |
ALT |
< 40 U/L |
<37 U/L |
AST |
< 40 U/L |
<37 U/L |
GGT |
11-50 U/L |
07-32 U/L |
ALP |
30-115 U/L |
30-115 U/L |
Khi các tế bào gan chết gia tăng nhiều hơn thì sẽ xảy ra tình trạng các chỉ số men này tăng lên. Mức độ men gan tăng nặng hay nhẹ sẽ cho biết tình trạng sức khỏe của gan, đồng thời nó cũng phụ thuộc vào từng thời điểm cũng như nguyên nhân dẫn đến men gan tăng cao.
Men gan tăng đồng nghĩa với việc gan đang bị tổn thương, các tế bào gan đang bị hủy hoại và phản ánh dấu hiệu của nhiều bệnh lý như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Mặt khác, nó cũng có thể là dấu hiệu cho biết sự tổn thương của các cơ quan khác như thận và tim. Nếu men gan tăng từ 1 – 2 lần tức đang ở mức độ nhẹ, tăng từ 2 – 5 lần tức ở mức độ trung bình và tăng trên 5 lần tức ở mức độ cao.
Chỉ số men gan cao bất thường thường xảy ra ở một số trường hợp bệnh nhân bị viêm gan do rượu, khi đó men gan sẽ cao gấp 2 – 10 lần người bình thường. Còn trường hợp viêm gan virus hoặc viêm gan do thuốc thì men gan có thể tăng đến 3.000 U/L, một số bệnh nhân suy gan cấp thì chỉ số men gan có thể lên đến mức 5.000 U/L.
Một số vấn đề quan trọng khi xét nghiệm viêm gan B
Trên thực tế, xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B không hề giống với các xét nghiệm viêm gan khác. Chính vì vậy, không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và các chỉ số thì người bệnh cần đặc biệt lưu ý tới một số vấn đề quan trọng sau đây:
Khi làm xét nghiệm viêm gan B có cần phải nhịn ăn không?
Trước khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B, chúng ta không cần phải nhịn ăn, thay vào đó người bệnh vẫn có thể ăn uống bình thường. Điều này hoàn toàn không làm ảnh hưởng gì đến kết quả cũng như quá trình xét nghiệm.
Tuy nhiên, chúng ta cần tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá hoặc chất kích thích trong thời gian này, tối thiểu là 48 giờ trước khi xét nghiệm. Bên cạnh đó cũng cần báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thảo dược, thực phẩm chức năng hay các viên uống bổ sung. Bởi một số loại thuốc sẽ chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng hoặc làm sai lệch kết quả xét nghiệm.
Xét nghiệm viêm gan B giá bao nhiêu, có đắt không?
Hiện nay, chi phí xét nghiệm viêm gan B tại các bệnh viện công lập sẽ dao động ở mức 50.000 – 150.000 đồng. Chi phí này sẽ bao gồm xét nghiệm xác định tình trạng của gan hiện tại có tồn tại virus viêm gan B hay không. Đồng thời nó cũng phụ thuộc vào nơi thực hiện xét nghiệm và tình trạng của người bệnh, do đó chi phí có thể thay đổi mà không báo trước.
Nếu trường hợp người bệnh có kết quả đã dương tính với viêm gan B trong quá khứ và cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, thì khi đó chi phí có thể giao động từ 500.000 – 2.000.000 đồng.
Xét nghiệm viêm gan B được tính bảo hiểm hay không?
Xét nghiệm viêm gan B là hình thức hoàn toàn được nhận hỗ trợ từ Bảo hiểm Y tế. Người có bảo hiểm có quyền được nhận hoàn trả số tiền dịch vụ khám, xét nghiệm theo đúng như quy định của pháp luật. Cụ thể là trong công văn, Bộ Y Tế đã có chỉ đạo xác nhận người đi xét nghiệm viêm gan B thuộc trường hợp được hoàn trả tiền nếu có tham gia bảo hiểm.
Theo như thông tư của Bộ Y Tế – Tài Chính – Lao động Thương binh và Xã Hội, xét nghiệm virus HBV là hoạt động nằm trong danh mục kỹ thuật được hưởng quyền lợi nhận bảo hiểm y tế. Mức giá thanh toán nằm trong khung quy định và sẽ dao động từ 800.000 – 1.350.000 đồng.
Xét nghiệm viêm gan B trong bao lâu thì nhận được kết quả?
Thông thường tại các bệnh viện hoặc trung tâm lớn, người bệnh có thể phải đợi từ 3 ngày đến 1 tuần mới có kết quả do lượng bệnh nhân lớn. Còn tại các trung tâm xét nghiệm hoặc một số bệnh viện tư nhân thì thời gian này có thể sẽ được rút ngắn hơn.
Mặt khác, thời gian có kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào số lượng xét nghiệm mà chúng ta cần thực hiện. Thông thường, sau xét nghiệm viêm gan b cần chờ khoảng 2 – 3 giờ sau là đã có kết quả. Thế nhưng trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm khác kèm theo. Sau khi xét nghiệm xong, bác sĩ sẽ cho người bệnh biết chính xác thời gian nhận được kết quả là khi nào.
Nên xét nghiệm viêm gan B ở đâu là tốt nhất?
Nếu có nhu cầu thăm khám và xét nghiệm viêm gan B, các bạn có thể tham khảo qua một số địa chỉ uy tín, chất lượng tốt như:
- BV Nhiệt đới TW Hà Nội: Là địa chỉ hàng đầu hiện nay tại khu vực miền Bắc về thăm khám, điều trị viêm gan B và các bệnh truyền nhiễm khác. Bệnh viện được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến, phục vụ tối ưu cho quá trình xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Bệnh viện có chuyên khoa gan riêng biệt,chuyên tiếp nhận và phục vụ người bệnh có vấn đề về gan.
- Bệnh viện Bạch Mai: Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện là tuyến cuối cùng trong công tác tiếp nhận, thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả viêm gan B. Ngoài ra, bệnh viện còn hợp tác chuyên môn với rất nhiều tổ chức Quốc tế uy tín nhằm mang đến dịch vụ thăm khám và điều trị tốt, chính xác và hiệu quả cho người bệnh.
- Bệnh viện Chợ Rẫy: Khoa Nghiên cứu và Điều trị viêm gan của bệnh viện là một trong số ít các cơ sở tại phía Nam đi đầu trong công tác thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh liên quan đến gan. Đặc biệt khoa còn chú trọng nghiên cứu và điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân viêm gan, chính vì vậy mà đã gặt hái được nhiều thành tựu chuyên sâu hơn so với khoa Gan – Mật thông thường.
- BV Nhiệt đới TPHCM: Đây là cơ sở y tế tại phía Nam tập trung đặc biệt của các bệnh lý truyền nhiễm, trong đó gồm cả viêm gan B. Bên cạnh hình thức khám là khoa khám bệnh và khám theo yêu cầu thì bệnh viện còn cung cấp dịch vụ thăm khám ngoài giờ và các ngày cuối tuần nên vô cùng tiện lợi cho người bệnh không thể tới trong giờ hành chính.
Trên đây là những thông tin hữu ích về các chỉ số viêm gan B mà chúng ta cần biết và hiểu ý nghĩa của chúng. Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm và có khả năng lây lan mạnh mẽ, do đó ngoài việc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cho bản thân, bạn cũng nên khuyên người thân tới các bệnh viện uy tín để xét nghiệm, qua đó giúp phòng ngừa bệnh một cách tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!