Phong Thấp

Tổng quan

Phong thấp là bệnh lý xương khớp mãn tính, rất khó điều trị dứt điểm và dễ phát sinh biến chứng. Nếu bạn chủ quan trong việc điều trị, bệnh sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến khớp xương và khiến khả năng vận động bị suy giảm đáng kể. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng bên trong cơ thể và thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh phong thấp bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn.

Định nghĩa

Phong thấp là tên gọi dân gian của bệnh đau nhức xương khớp và các cơ quan có liên quan như gân, cơ, bắp,... Còn trong Tây y, đây là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh lý như viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương, thấp khớp,... nhưng thường gặp nhất là viêm đa khớp. Phong thấp xảy ra khi hệ miễn dịch bên trong cơ thể bị rối loạn, tấn công vào màng bao quanh khớp. Bệnh rất dễ khởi phát ở những người trong độ tuổi trung niên hoặc người cao tuổi. Đặc biệt là những người bị suy nhược cơ thể, tính chất công việc nặng nhọc hoặc sinh hoạt trong môi trường lạnh ẩm.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh phong thấp là gây đau nhức xương khớp gây khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với một số triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, suy nhược, sốt nhẹ, ăn kém,... Nếu bệnh diễn ra ở mức độ nặng sẽ khiến khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng.

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, phong thấp là bệnh lý mãn tính có tiến triển chậm. Các triệu chứng của bệnh như đau nhức, tê cứng, sưng đỏ,... khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể và làm giảm hiệu suất công việc. Khi về đêm, cơn đau nhức tại khớp sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, làm suy giảm chất lượng giấc ngủ. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến cơ thể người bệnh luôn trong tình trạng suy nhược, mệt mỏi và khó chịu.

Nếu bệnh phong thấp không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến tổn thương mô sụn. Điều này đã khiến cho khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể. Ở những trường hợp bệnh chuyển biến nặng sẽ biến chứng sang biến dạng khớp hoặc teo cơ. Lúc này, người bệnh sẽ mất đi khả năng vận động và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ảnh hưởng đến xương, bệnh phong thấp còn có thể gây tổn thương đến hàng loạt các cơ quan khác trên cơ thể như da, mạch máu, phổi, thận,...

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, các biểu hiện của bệnh phong thấp còn tùy thuộc vào yếu tố cơ địa và tình trạng bệnh lý của mỗi người. Bạn có thể nhận biết ra bệnh lý này thông qua các dấu hiệu điển hình sau đây:

  • Xuất hiện cơn đau nhức tại các khớp xương ở bàn tay chân, cổ, gối, vai hoặc lưng.
  • Cơn đau có thể diễn ra tại một hoặc nhiều khớp với mức độ âm ỉ hoặc dữ dội.
  • Ngay tại vùng khớp bị ảnh hưởng còn có thêm một số triệu chứng khác như sưng nóng, đỏ rát, tê cứng,...
  • Nhiều trường hợp sẽ bị đổ mồ hôi bất thường tại các chi và xuất hiện hạt dưới da.
  • Một số triệu chứng toàn thân có thể gặp phải là mệt mỏi, sốt nhẹ, suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mất ngủ,...

Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng, người bệnh sẽ phải đối mặt với một số triệu chứng khác như:

  • Bị biến dạng khớp, giảm khả năng vận động.
  • Khó thở, tim đập nhanh hoặc loạn nhịp, thiếu máu.
  • Bắp thịt suy thoái, tê liệt tay.
  • Cơ thể giảm tiết dịch gây khô miệng, khô mắt,...
  • Tổn thương gan phổi.

Phong thấp là bệnh lý tiến triển chậm và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng theo thời gian. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến ổ khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Lúc này, khớp sẽ dần biến dạng và dần mất đi chức năng vận động. Bệnh phong thấp khi chuyển biến nặng còn gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể như da, thần kinh, thận, phổi,...

Nguyên Nhân

Hiện nay, y khoa vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh phong thấp. Nhưng theo nghiên cứu, hầu hết các trường hợp khởi phát bệnh đều do phản ứng bất thường của hệ miễn dịch bên trong cơ thể. Dưới đây là một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh phong thấp bạn có thể tham khảo:

  • Tuổi tác: Đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý về xương khớp khởi phát, trong đó có bệnh phong thấp. Tuổi tác càng cao nghĩa là quá trình lão hóa xương khớp bên trong cơ thể diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều này đã khiến cho các cơ quan như mô sụn, dây chằng, cơ,.. dần suy yếu, dễ bị tổn thương và hình thành bệnh.
  • Di truyền: Chuyên gia cho biết, phong thấp là bệnh lý có khả năng di truyền. Nếu cơ thể bị di truyền gen HLA-DK4, PTPN22 hoặc PADI4 sẽ có nguy cơ khởi phát bệnh phong thấp là rất cao, đặc biệt là gen HLA-DK4.
  • Suy giảm Estrogen: Nồng độ hormone Estrogen trong cơ thể bị suy giảm cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp. Lúc này, xương khớp sẽ dần suy yếu và dễ bị tổn thương. Estrogen suy giảm kết hợp với yếu tố thoái hóa diễn ra bên trong cơ thể là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phong thấp ở nữ giới trong độ tuổi trung niên.
  • Tính chất công việc: Chuyên gia cho biết, bệnh phong thấp rất dễ khởi phát ở những người có tính chất công việc phải lao động nặng hoặc làm việc trong môi trường có độ ẩm cao. Ví dụ như công nhân dệt may, nhân viên chế biến thủy hải sản,...
  • Thời tiết: Bệnh phong thấp thường khởi phát vào những thời điểm chuyển mùa trong năm hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Khi trời chuyển lạnh, mạch máu trong cơ thể sẽ co lại và gây ảnh hưởng đến quá trình sản sinh dịch nhờn tại khớp. Điều này đã hình thành nên các triệu chứng của bệnh như đau nhức, tê cứng,...
  • Nhiễm trùng: Phong thấp cũng có thể là biến chứng của các bệnh lý nhiễm trùng. Nếu không điều trị dứt điểm các bệnh lý này, vi khuẩn hoặc virus gây bệnh sẽ di chuyển đến khớp xương, gây tổn thương mô sụn và hình thành bệnh. Các chủng virus gây ra bệnh nhiễm trùng thường gặp là virus cúm, Parvo virus B19, Epsein Barr,...

Bệnh phong thấp rất dễ khởi phát ở những đối tượng sau đây:

  • Bị thừa cân béo phì.
  • Mắc bệnh tiểu đường.
  • Lười vận động.
  • Lạm dụng rượu bia.
  • Cơ thể bị suy nhược, miễn dịch kém.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Khi có các triệu chứng của bệnh phong thấp, bạn nên thăm khám chuyên khoa để xác định mức độ bệnh trạng. Một số phương pháp chẩn đoán bệnh thường được áp dụng là kiểm tra lâm sàng,  xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện của bệnh và tình trạng sức khỏe của mỗi người để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Hiện nay, y khoa vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh phong thấp. Các cách điều trị hiện nay đều nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Dưới đây là các cách điều trị bệnh phong thấp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Điều trị theo Tây y

Chữa bệnh phong thấp bằng thuốc Tây y là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Thành phần dược tính trong thuốc khi đi vào cơ thể sẽ đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Tuy nhiên, phương pháp trị bệnh này lại tồn tại nhược điểm là dễ phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe nếu sử dụng sai cách. Vì thế, trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc Tây y, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Các loại thuốc thường được kê đơn chữa phong thấp là:

  • Thuốc chống thấp khớp DMARDS.
  • Thuốc chống viêm steroid hoặc không steroid.
  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc sinh học.
  • Thuốc ức chế miễn dịch.

Bên cạnh việc dùng thuốc Tây y, bạn cũng nên kết hợp vật lý trị liệu để quá trình điều trị bệnh nhanh chóng mang lại hiệu quả. Đồng thời, vật lý trị liệu còn có khả năng cải thiện chức năng vận động của các chi khá hiệu quả. Các phương pháp vật lý trị liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh phong thấp là tập vật lý trị liệu, nhiệt trị liệu, dùng sóng siêu âm,...

Còn với những trường hợp phong thấp nặng phát sinh ra các biến chứng như bào mòn sụn khớp, biến dạng khớp,... bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện điều trị bằng phương pháp can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật nhằm mục đích phục hồi các khớp bị tổn thương, giải phóng sức ép lên dây chằng và mô mềm xung quanh, giúp cải thiện lại khả năng vận động.

Chữa bệnh bằng thuốc Nam

Nếu bệnh phong thấp chỉ diễn ra với mức độ nhẹ và chưa gây tổn thương nghiêm trọng đến sụn khớp, bạn có thể sử dụng cây thuốc nam để điều trị. Ở trường hợp này, bạn nên ưu tiên dùng thảo dược có tính ấm để trị bệnh. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:

  • Dùng gừng tươi: Gừng tươi đem rửa sạch đất cát bám xung quanh rồi để cho ráo nước. Sau đó đem gừng đi giã nát, cho vào bình thủy tinh ngâm với rượu trắng trong 30 ngày là có thể dùng. Mỗi ngày, bạn chỉ cần lấy một lượng rượu gừng vừa đủ để xoa bóp khác khớp xương bị ảnh hưởng. Áp dụng đều đặn cho đến khi triệu chứng của bệnh thuyên giảm hẳn.
  • Dùng ngải cứu: Ngải cứu sau khi mua về đem rửa sạch rồi vớt ra để cho ráo. Đem ngải cứu đi sao nóng cùng với một ít muối hạt rồi dùng để chườm lên vùng khớp bị đau nhức. Thực hiện từ 2 - 3 lần/ngày, áp dụng đều đặn mỗi ngày cho đến khi tình trạng bệnh chuyển biến tốt.

Dùng cây thuốc Nam chữa phong thấp có độ an toàn cao nhưng mang lại hiệu quả rất chậm và chỉ thích hợp áp dụng đối với những trường hợp nhẹ. Nếu bệnh đã chuyển biến nặng, thực hiện điều trị bằng thuốc Nam sẽ không mang lại hiệu quả khả quan.

Chữa bệnh bằng Đông y

Theo Đông y, bệnh phong thấp xảy ra khi hàn phong xâm nhập vào cơ thể gây tắc nghẽn kinh mạch và ứ trệ. Vì thế, việc điều trị bệnh phong thấp trong Đông y sẽ nhằm mục đích điều hòa khí huyết, giúp giảm đau nhức và tê bì tại khớp. Một số bài thuốc Đông y trị phong thấp được áp dụng phổ biến là:

Bài thuốc số 1: Chữa phong thấp thể hàn tý

  • Chuẩn bị: 16 gram hy thiêm, 16 gam thương nhĩ tử, 12 gram ý dĩ, 12 gram tỳ giải, 12 gram uy linh tiên, 12 gram phòng phong, 12 gram đương quy, 12 gram khương hoạt, 8 gram bạch linh, 8 gram tần giao, 8 gram quế chi, 1gram bạch chỉ, 8 gram ma hoàng.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm sắc với nước rồi dùng để uống. Mỗi ngày dùng một thang cho đến khi bệnh thuyên giảm hoàn toàn.

Bài thuốc số 2: Chữa phong thấp thể thống tý

  • Chuẩn bị: 12 gram ý dĩ, 12 gram thương nghĩ tử, 8 gram bạch thược, 8 gram bạch linh, 8 gram xuyên khung, 8 gram xương truật, 8 gram uy linh tiên, 8 gram ma hoàng, 8 gram thiên niên kiện, 8 gram ca khương, 8 gram quế chi, 8 gram hoàng kỳ, 8 gram ngưu tất.
  • Cách thực hiện: Cho dược liệu vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ rồi đem đi sắc trên lửa nhỏ. Chắt lấy nước sắc thu được, chia thành nhiều phần sử dụng trong ngày. Áp dụng đều đặn mỗi ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm.

Bài thuốc số 3: Chữa phong thấp thể thấp tý

  • Chuẩn bị: 16 gram ý dĩ, 12 gram ngũ gia bì, 12 gram xương truật, 12 gram hoàng kỳ, 12 gram bạch chỉ, 12 gram đan sâm, 12 gram đẳng sâm, 12 gram đan sâm,8 gram ô dược, 8 gram phòng phong, 8 gram quế chi, 8 gram ma hoàng, 8 gram xuyên khung, 8 gram ngưu tất, 8 gram khương hoạt, 8 gram độc hoạt, 6 gram cam thảo.
  • Cách thực hiện: Đem dược liệu đi sắc rồi chắt lấy nước uống. Sử dụng mỗi ngày 1 thang cho đến khi bệnh thuyên giảm.

Chữa phong thấp bằng thuốc Đông y sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh, bồi bổ khí huyết và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên dùng thuốc Đông y kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt hoặc châm cứu. Trước khi lựa chọn thực hiện điều trị bệnh bằng phương pháp này, bạn nên đến phòng khám Đông y thăm khám để xác định thể bệnh và được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc đúng cách.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Phong thấp là bệnh lý không thể điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Khi gặp điều kiện thuận lợi, triệu chứng của bệnh sẽ khởi phát trở lại và gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Khi được chẩn đoán bị phong thấp, bạn nên tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hàng ngày sao cho khoa học để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát. Cụ thể là:

  • Vào những ngày thời tiết chuyển biến lạnh nên có các biện pháp giữ ấm cơ thể. Tránh di chuyển ngoài trời khiến cơ thể bị nhiễm lạnh và gây đau nhức nghiêm trọng hơn.
  • Tránh các hoạt động gây ảnh hưởng không tốt đến khớp xương và khiến bệnh dễ chuyển biến nặng như lao động nặng, mang vác vật nặng, đứng ngồi sai tư thế,...
  • Trường hợp khởi phát bệnh do ảnh hưởng bởi tính chất nghề nghiệp, bạn nên xem xét và thay đổi công việc phù hợp hơn.
  • Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý để tránh gây áp lực không tốt lên khớp xương. Thừa cân - béo phì sẽ tạo cơ hội cho bệnh khởi phát và nhanh chóng chuyển biến nặng.
  • Điều chỉnh lại thực đơn ăn uống hàng ngày sao cho khoa học. Người bệnh nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho xương khớp như thực phẩm giàu canxi, vitamin D, khoáng chất,...
  • Cần hạn chế sử dụng đồ ăn nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản, đồ ăn cay nóng, đồ ăn quá mặn, đồ uống có cồn hoặc chất kích thích,...
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày giúp thanh lọc cơ thể và cải thiện sức đề kháng. Bạn có thể uống nước lọc hoặc nước ép trái cây tươi.
  • Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường độ dẻo dai của xương khớp và hỗ trợ phục hồi tổn thương tại khớp. Các bài tập tốt cho người bị phong thấp là yoga, thái cực quyền, đi bộ và bơi lội.
  • Tiến hành thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra mức độ tiến triển của bệnh. Với những trường hợp điều trị bệnh bằng thảo dược tự nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước đó để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android