Vì Sao Sáng Ngủ Dậy Bị Đau Lòng Bàn Chân? Cách Trị

Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải. Cơn đau nhức thường khởi phát do tác động từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bạn cần phải xác định chính xác nguyên nhân để có thể đưa ra phương án điều trị cho phù hợp. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng này, bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn.

Đau lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và không thể vận động
Đau lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và không thể vận động

Nguyên nhân gây đau lòng bàn chân khi ngủ dậy

Trên cơ thể người, bàn chân nắm giữ chức năng nâng đỡ cơ thể và giữ thăng bằng, giúp bạn có thể thực hiện các hoạt động một cách bình thường. Chính vì vậy, xương và mô ở lòng bàn chân rất dễ bị tổn thương và kích thích khởi phát triệu chứng đau nhức. Vào buổi sáng sau khi ngủ dậy là thời điểm dễ bị đau nhức lòng bàn chân nhất. Dưới đây là các nguyên nhân gây đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Viêm cân gan bàn chân

Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm cân gan bàn chân là đau lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Bệnh lý này xảy ra khi cân gan bàn chân bị viêm, gây đau nhức ở lòng bàn chân và gót chân. Cơn đau do viêm cân gan bàn chân thường diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là khi bạn thực hiện những bước đi đầu tiên sau khi ngủ dậy. Bạn có thể phân biệt tình trạng đau lòng bàn chân do viêm cân gan bàn chân thông qua các triệu chứng đặc trưng sau đây:

  • Cơn đau thường khởi phát khi bạn đưa ngón chân về phía ống chân, uốn cong bàn chân, đứng hoặc ngồi quá lâu,..
  • Triệu chứng đau nhói chỉ xuất hiện ở một bên chân, cơn đau sẽ thuyên giảm khi đi bộ và tăng lên khi tập thể dục.
  • Xuất hiện cơn đau cấp tính kèm theo triệu chứng sưng cục bộ nếu cơ gan bàn chân bị rách.
Viêm cân gan bàn chân gây đau nhức lòng bàn chân khá khó chịu vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy
Viêm cân gan bàn chân gây đau nhức khá khó chịu ở lòng bàn chân vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy

Viêm khớp dạng thấp

Đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh lý tự miễn mãn tính, khởi phát do hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn. Lúc này, kháng thể mà cơ thể sản xuất ra sẽ tấn công và phá hủy các mô khỏe mạnh bên trong cơ thể.

Đau lòng bàn chân do viêm khớp dạng thấp thường có thêm một số triệu chứng đi kèm như sưng cứng, đỏ da, đau nhức các khớp,… Ngoài ra, bệnh còn gây ra tình trạng tê cứng bàn chân khiến người bệnh không thể đi lại sau khi ngủ dậy. Chuyên gia cho biết, bệnh viêm khớp dạng thấp thường gây ảnh hưởng đến nhiều khớp trên cơ thể cùng lúc. Với những trường hợp nặng sẽ gây biến dạng khớp và viêm ngoài màng tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động cũng như sức khỏe người bệnh.

Viêm gân Achilles

Mắc bệnh viêm gân Achilles (viêm gân gót chân) cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Bệnh lý này khởi phát khi phần gân nối xương gót chân với cơ bắp chân bị viêm. Sử dụng gót chân quá nhiều, chạy nhảy liên tục hoặc tiếp đất không đúng kỹ thuật là nguyên nhân gây viêm gân Achilles thường gặp.

Bạn có thể nhận biết tình trạng đau lòng bàn chân do viêm gân Achilles thông qua các triệu chứng đi kèm như cứng bắp chân, sưng đau sau gót chân, phạm vi chuyển động bị hạn chế, da gót chân ấm nóng, đau và cứng khớp vào mỗi buổi sáng,… Khi bị viêm gân Achilles, người bệnh cần nghỉ ngơi và tiến hành phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không được hoạt động quá sức để tránh bị đứt gân.

Bệnh nhân bị viêm gân gót chân tuyệt đối không được vận động chân quá mức
Bệnh nhân bị viêm gân gót chân tuyệt đối không được vận động chân quá mức

Hội chứng bàn chân bẹt

Hội chứng bàn chân bẹt hay còn gọi là bàn chân phẳng. Quan sát bên ngoài sẽ thấy vòm bàn chân rất thấp hoặc không có vòm bàn chân. Khi người mắc phải hội chứng này di chuyển, gan bàn chân sẽ bị lõm vào trong và mũi bàn chân hướng ra ngoài. Lúc này, phần lòng bàn chân sẽ chạm đất thay cho phần đệm phía trước và gót chân.

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, hội chứng bàn chân bẹt là một dạng dị tật bẩm sinh không gây đau nhức hay có bất kỳ triệu chứng đi kèm nào. Tuy nhiên, hội chứng này sẽ gây ra tình trạng rối loạn liên kết ở chân, khiến cơ và dây chằng bị kéo căng quá mức do không được nâng đỡ. Lâu dần sẽ gây ra tình trạng sưng đau ở vùng gót chân và vòm bàn chân.

Gai gót chân

Gai gót chân là sự hình thành gai xương ở mặt dưới hoặc phía sau gót chân do lắng đọng canxi bất thường. Các gai xương này thường có hình móc câu nhọn, kéo dài từ gót chân đến vòm bàn chân. Đau lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy cũng có thể là do bệnh gai gót chân gây ra.

Gai gót chân mọc ở bên trong xương nên không thể nhìn thấy bằng mắt thường và không cảm nhận được triệu chứng nếu chúng có kích thước nhỏ. Nhưng nếu gai xương với phát triển với kích thước lớn sẽ gây đau nhức nghiêm trọng và ảnh hưởng đến một số bộ phận khác như dây thần kinh, dây chằng,… Bạn có thể nhận biết bệnh gai gót chân thông qua các dấu hiệu đặc trưng sau đây:

Gai gót chân phát triển lớn sẽ gây ra triệu chứng đau nhức ở lòng bàn chân
Gai gót chân phát triển lớn sẽ gây ra triệu chứng đau nhức ở lòng bàn chân
  • Cảm giác đau như kim châm ở vùng gót chân, cơn đau sẽ nhanh chóng lan rộng đến lòng bàn chân và mũi chân.
  • Cơn đau diễn ra âm ỉ cả ngày nhưng nghiêm trọng nhất là vào buổi sáng. Cơn đau cũng có thể khởi phát khi bạn đứng lên sau một thời gian dài ngồi cố định.
  • Bị sưng viêm ở phía trước gót chân, không thể đi bằng chân trần, nhìn thấy gót chân nhô ra khi gai xương có kích thước lớn.

Chấn thương

Đau lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy cũng có thể là hậu quả của chấn thương. Đây là hiện tượng mô bị tổn thương. Tình trạng này rất dễ xảy ra khi bạn tiếp đất từ trên cao xuống không đúng kỹ thuật, chạy chân trần, mang giày chật, vận động gắng sức,… Dựa vào mức độ thương tổn mà cơn đau có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ.

Một số dấu hiệu chấn thương bàn chân có thể kể đến là là sưng đau, bầm tím da ngoài da, đau khu trú hoặc lan rộng ra toàn bộ chân, đau đột ngột khi bước xuống giường vào buổi sáng,… Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy do chấn thương thường không quá nghiêm trọng, triệu chứng này sẽ thuyên giảm chỉ sau vài ngày.

Điều trị đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy

Nếu tình trạng đau lòng bàn chân xảy ra vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy kèm theo các triệu chứng khó chịu khác, bạn cần thăm khám chuyên khoa tìm ra nguyên nhân để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Trường hợp đau nhức ở mức độ không quá nghiêm trọng, bạn có thể kiểm soát bằng cách chăm sóc và giảm đau tại nhà. Sau thời gian dài tự chăm sóc, nếu triệu chứng đau nhức không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách
Thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách

Dưới đây là một số cách khắc phục triệu chứng đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Liệu pháp nhiệt

+ Chườm đá: Bạn có thể sử dụng túi đá lạnh hoặc túi chườm mát áp lên khu vực bị tổn thương từ 10 – 15 phút để cải thiện triệu chứng đau nhức. Mục đích của việc chườm lạnh là làm co mạch và giảm lượng máu lưu thông đến khu vực viêm. Từ đó, triệu chứng đau nhức và sưng viêm sẽ dần được cải thiện. Cách này rất thích hợp áp dụng với những trường hợp bị đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy do chấn thương, viêm khớp,…

+ Chườm ấm: Tác dụng của việc chườm ấm là giảm nhẹ triệu chứng đau nhức, tăng tuần hoàn máu để chữa lành mô bị tổn thương, giúp khớp vận động linh hoạt hơn. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần sử dụng miếng đệm sưởi ấm hoặc chai nước ấm để lăn lên lòng bàn chân bị đau. Thực hiện cách này từ 2 – 3 lần/ngày và mỗi lần chườm nên kéo dài khoảng 20 phút.

+ Ngâm chân trong nước ấm: Ngâm chân trong nước ấm trước khi đi ngủ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và ngăn ngừa khởi phát cơn đau nhức ở lòng bàn chân sau khi ngủ dậy. Nhiệt độ ấm nóng từ nước có tác dụng làm thư giãn hệ thống xương khớp, mô mềm và dây thần kinh bị tổn thương. Từ đó, tình trạng co thắt cơ sẽ không xảy ra, đẩy lùi nhanh chóng triệu chứng đau nhức và cứng khớp. Để nâng cao hiệu quả mang lại, bạn có thể hòa tan muối Epsom vào trong nước ấm trước khi tiến hành ngâm chân. Thành phần khoáng chất trong muối Epsom có khả năng chữa đau nhức do viêm khớp và đào thải độc tố ra bên ngoài cơ thể.

Ngâm chân trong nước muối ấm giúp thư giãn hệ gân cơ và mang lại hiệu quả giảm đau
Ngâm chân trong nước muối ấm giúp thư giãn hệ gân cơ và mang lại hiệu quả giảm đau

Massage lòng bàn chân

Massage lòng bàn chân có tác dụng tăng lưu thông máu để chữa lành tổn thương và hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau nhức. Đồng thời, massage còn giúp người bệnh thư giãn đầu óc và nâng cao khả năng vận động. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần ngồi thoải mái trên ghế rồi dùng lực từ tay tác động nhẹ nhàng vào lòng bàn chân. 

Bạn có thể thực hiện động tác kéo hoặc uốn cong các ngón chân để làm tăng hiệu quả mang lại. Trước khi massage, bạn nên tôi tinh dầu hoặc kem dưỡng lên da để bôi trơn, giúp quá trình xoa bóp diễn ra thuận lợi hơn.

Vận động nhẹ nhàng

Nếu gặp phải tình trạng đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy, bạn nên duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng bằng cách đi lại hoặc thực hiện các bài tập kéo giãn để kích thích khớp. Vận động có tác dụng tăng tuần hoàn máu, tăng cường sức mạnh cơ cũng như độ dẻo dai của xương khớp, tránh bị đau lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.

Người bệnh cần kiểm soát cơn đau trước khi tập, không nên cố gắng tập luyện khi cơn đau đang diễn ra. Hãy bắt đầu với những chuyển động hoặc bài tập kéo giãn nhẹ nhàng. Chú ý tập luyện vừa sức để tránh gây áp lực lên bàn chân và kích thích khởi phát cơn đau.

Sử dụng thiết bị hỗ trợ

Bác sĩ sẽ yêu cầu mang nẹp cố định bàn chân khi cần thiết
Bác sĩ sẽ yêu cầu mang nẹp cố định bàn chân khi cần thiết

+ Mang nẹp vào ban đêm: Mang nẹp có tác dụng cố định chân ở vị trí nghỉ ngơi, tránh để bàn chân hướng vào khi đang ngủ. Từ đó sẽ hạn chế khởi phát triệu chứng đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy. Phương pháp này mang lại hiệu quả rất tốt đối với những trường hợp bị đau lòng bàn chân do viêm cân gan bàn chân. Người bệnh nên mang nẹp đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

+ Dùng giá đỡ vòm: Dùng giá đỡ vòm hoặc nẹp chỉnh hình có tác dụng ổn định bàn chân mỗi khi bạn đi bộ hoặc đứng dậy, từ đó triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm một cách đáng kể. Phương pháp này thường được áp dụng với những trường hợp bị đau lòng bàn chân do viêm cân gan bàn chân, hội chứng bàn chân bẹt hoặc gai gót chân. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên sử dụng giày dép sao cho phù hợp. Ưu tiên những đôi giày có miếng lót hỗ trợ và kích thước vừa vặn. Đệm lót hỗ trợ sẽ giảm áp lực lên vùng chân bị thương và ngăn ngừa khởi phát cơn đau.

Dùng thuốc Tây y

+ Bôi thuốc giảm đau: Khi cơn đau khởi phát, bạn cũng có thể bôi thuốc giảm đau để cải thiện. Thường dùng là Diclofenac, salicylat,… Đây là thuốc giảm đau tại chỗ, được dùng bằng cách bôi trực tiếp ngoài da. Một số thuốc bôi chứa tinh dầu bạc hà, bạch đàn,.. còn có tác dụng làm mát và giảm sưng rất nhanh chóng.

Sử dụng thuốc bôi ngoài da để cải thiện triệu chứng đau nhức ở mức độ nhẹ
Sử dụng thuốc bôi ngoài da để cải thiện triệu chứng đau nhức ở mức độ nhẹ

+ Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn được sử dụng phổ biến là Acetaminophen, NSAID,… Tác dụng chính của nhóm thuốc này là giảm viêm đau, mang lại hiệu quả khá tốt với những trường hợp bị đau nhức ở mức độ nhẹ và vừa. Thuốc giảm đau không kê đơn có thể sử dụng kéo dài trong vài tuần để giảm đau hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh cần phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.

Điều trị y tế

Điều trị y tế sẽ được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị đau nhức không thuyên giảm sau 3 – 5 ngày chăm sóc, đau nhức tái phát nhiều lần, đau dữ dội kèm theo vết thương hở tại chân, gặp khó khăn khi vận động, sưng chân kéo dài hơn 1 ngày, nghi ngờ bị đứt gân hoặc bị gãy xương,…

Khi thăm khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng và yêu cầu làm xét nghiệm hình ảnh để đưa ra chẩn đoán chính xác. Sau khi đã xác định được nguyên nhân cũng như mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Các phương pháp điều trị đau lòng bàn chân được áp dụng phổ biến trong y khoa là dùng thuốc giảm đau theo đơn kê, vật lý trị liệu phục hồi chức năng và phẫu thuật.

Cách phòng ngừa đau lòng bàn chân khi ngủ dậy

Đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để phòng ngừa tình trạng này thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:

Tiến hành giảm cân nếu đang bị thừa cân để tránh gây áp lực lên bàn chân
Tiến hành giảm cân nếu đang bị thừa cân để tránh gây áp lực lên bàn chân
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định và hợp lý, tiến hành giảm cân nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì. Thường xuyên xoa bóp hoặc chườm ấm giúp thư giãn lòng bàn chân.
  • Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe cũng như độ dẻo dai của xương khớp. Cách này còn có tác dụng phòng ngừa chấn thương cũng như các tình trạng viêm khá hiệu quả. Chú ý, nên tập luyện vừa sức và nghỉ giải lao giữa buổi tập để hệ xương khớp được thư giãn.
  • Khởi động khớp chân thật kỹ trước khi chơi thể thao và tiến hành kéo giãn nhẹ nhàng sau buổi tập. Duy trì tư thế tốt khi chơi thể thao, làm việc hoặc nâng vật nặng. Không nên chạy bộ hoặc đi bộ quá nhiều trên nền cứng, không đứng lâu và tiếp đất đúng cách khi nhảy từ trên cao xuống.
  • Chế độ ăn uống hàng ngày cần cân bằng các nhóm dưỡng chất nạp vào cơ thể. Các thành phần dưỡng chất nên tăng cường bổ sung là vitamin, khoáng chất, protein, chất chống oxy hóa,…

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng đau lòng bàn chân sau khi ngủ dậy bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Nếu chỉ bị đau nhức ở mức độ nhẹ, bạn có thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nhưng nếu bị đau nhức nghiêm trọng kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, bạn nên tiến hành chẩn đoán và điều trị chuyên khoa.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android