Suy Dinh Dưỡng Thể Phù (Kwashiorkor) – Điều Cần Biết
Suy dinh dưỡng thể phù là tình trạng thường gặp ở trẻ em không được bú mẹ đầy đủ. Đây là một dạng suy dinh dưỡng cấp tính, xảy ra khi cơ thể trẻ không được cung cấp đủ hàm lượng protein cần thiết. Trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù cần được chăm sóc đúng cách để có thể phát triển một cách bình thường.
Suy dinh dưỡng thể phù là gì?
Suy dinh dưỡng là hiện tượng cơ thể không được cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết để có thể phát triển một cách tốt nhất. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, có khoảng 500 triệu trẻ em trên thế giới đang bị suy dinh dưỡng, thường gặp là trẻ em sống ở những đất nước đang phát triển.
Suy dinh dưỡng thể phù hay còn được gọi là Kwashiorkor, là một trong hai dạng suy dinh dưỡng cơ bản ở trẻ em. Suy dinh dưỡng thể phù thuộc nhóm suy dinh dưỡng cấp tính, tình trạng này xảy ra khi cơ thể bị thiếu hụt protein nghiêm trọng. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị suy dinh dưỡng thể phù, đặc biệt là những trẻ không được bú mẹ đầy đủ.
Khi bị suy dinh dưỡng thể phù, cơ thể của trẻ sẽ bị tích nước và dẫn đến tình trạng sưng tấy, phù nề. Nếu tình trạng này được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì vẫn có thể phục hồi hoàn toàn. Mục đích của việc điều trị là bổ sung thêm calo và protein vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ.
Còn với những trường hợp không được phát hiện và xử lý kịp thời, suy dinh dưỡng thể phù sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Với những trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra do suy dinh dưỡng thể phù là hôn mê, sốc, tàn tật vĩnh viễn,… Theo thống kê y khoa, có khoảng 45% trường hợp trẻ em bị tử vong trên thế giới là do suy dinh dưỡng. Trong đó, suy dinh dưỡng thể phù là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ.
Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng thể phù
Chuyên gia cho biết, hiện nay y khoa vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng thể phù. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra thể suy dinh dưỡng này là do cơ thể bị thiếu hụt protein. Nhưng cũng có nhiều trường hợp tăng cường bổ sung protein vào trong khẩu phần ăn hàng ngày vẫn không cải thiện được tình trạng này
Protein là thành phần dưỡng chất có trách nhiệm duy trì chất lỏng bên trong cơ thể. Khi cơ thể không được cung cấp đủ protein, chất lỏng sẽ di chuyển bất thường bên trong cơ thể, tích tụ tại mô và gây ra tình trạng mất cân bằng chất lỏng. Lúc này, cơ thể sẽ trở nên phù nề do trữ nước. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ có thể kể đến là:
- Trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ ở giai đoạn sơ sinh do mẹ không đủ sữa hoặc sữa mẹ không đảm bảo chất lượng.
- Trẻ sinh ra ở những quốc gia có điều kiện kinh tế kém phát triển với chế độ ăn uống chủ yếu là ngô, khoai, sắn,…
- Chế độ ăn uống của trẻ không phù hợp, không cân bằng các nhóm dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
- Mẹ không cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể trong giai đoạn thai kỳ hoặc sau khi sinh khiến chất lượng nguồn sữa không đảm bảo.
- Trẻ mắc bệnh lý di truyền hoặc bệnh lý nhiễm khuẩn ở giai đoạn sơ sinh nhưng không được điều trị và chăm sóc đúng cách.
- Suy dinh dưỡng thể phù cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn như nhiễm khuẩn HIV, lao, nhiễm trùng máu,…
Dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng thể phù
Chuyên gia cho biết, hàm lượng chất béo bên trong cơ thể trẻ bị suy dinh dưỡng thường ở mức rất thấp nên sẽ có thể trạng ốm yếu và còi cọc. Nhưng với trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù thì lại khác, trẻ khá nặng cân và trông rất bụ bẩm. Nguyên nhân khiến trẻ trở nên bụ bẫm là do tích trữ chất lỏng bên trong cơ thể chứ không phải do tăng cơ hay tăng mỡ.
Quan sát bên ngoài mẹ sẽ thấy, khuôn mặt trẻ rất tròn trịa nhưng tay chân lại khẳng khiu. Khi làm kiểm tra y khoa sẽ cho lại các kết quả như thiếu máu, gan to, phù phổi, thoái hóa mỡ hoặc đạm trong máu,… Khi tình trạng suy dinh dưỡng thể phù tiến triển sang giai đoạn nặng, trẻ sẽ đối mặt với các triệu chứng sau đây:
- Sưng phù mặt, mí mắt và hai chân. Nhiều trường hợp còn bị phù nề toàn thân, tràn dịch màng bụng hoặc màng tinh hoàn.
- Rối loạn sắc tố da ở vùng da có nếp gấp như cổ, nách, háng, mông,… Lúc này, trên da sẽ xuất hiện các mảng hoặc nốt màu đỏ, đen, nâu,… khác với màu da của cơ thể.
- Cơ thể bị thiếu máu với các triệu chứng như da xanh xao, lông tóc và da suy yếu,…
- Trẻ bị còi xương với các triệu chứng như hạ canxi trong máu, thiếu vitamin D, thức giấc giữa đêm, co giật
- Trẻ bị thiếu vitamin A gây khô giác mạc, mắc bệnh quáng gà, khô giác mạc, còi cọc,…
- Gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể với các biểu hiện như suy tim, gan thoái hóa mỡ, kém hấp thụ dưỡng chất,…
Suy dinh dưỡng thể phù nguy hiểm không?
Suy dinh dưỡng thể phù có thể điều trị khỏi nhưng vẫn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ này. Khi trưởng thành, trẻ không thể đạt được tiềm năng chiều cao và tăng trưởng đầy đủ. Còn với trường hợp phát hiện muộn, trẻ có thể bị khuyết tật về thể chất và tinh thần vĩnh viễn.
Khi tình trạng suy dinh dưỡng thể phù không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái hôn mê và sốc. Nghiêm trọng hơn sẽ gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Một số biến chứng có thể gặp khi trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù là gan to – phù, suy giảm hệ miễn dịch, suy giảm chức năng tế bào, nhiễm trùng đường tiết niệu, gặp vấn đề về tim mạch,…
Phương pháp điều trị suy dinh dưỡng thể phù
Nếu nghi ngờ trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để làm kiểm tra. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất và hỏi về chế độ ăn uống của trẻ. Sau đó, yêu cầu trẻ làm xét nghiệm máu và nước tiểu để đo dấu hiệu suy dinh dưỡng, xác định sự phân hủy cơ, kiểm tra chức năng thận,… Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm da để kiểm tra chức năng của hệ miễn dịch.
Sau khi xác định trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách điều trị và chăm sóc trẻ sao cho phù hợp. Thông thường, tình trạng suy dinh dưỡng thể phù sẽ được điều trị bằng cách tăng dần calo và hàm lượng protein trong chế độ ăn uống của trẻ. Nếu bổ sung dinh dưỡng quá nhanh và đột ngột sẽ gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê đơn thêm một số loại vitamin tổng hợp để kích thích sự thèm ăn ở trẻ.
Với những trường hợp nghiêm trọng thì nên nhập viện điều trị. Nếu trẻ không thể nuốt hoặc hấp thụ dưỡng chất thông qua chế độ ăn uống thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho ăn bằng ống hoặc truyền qua đường tĩnh mạch.
Biện pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng thể phù
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ calo và protein là biện pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng thể phù đơn giản và an toàn nhất. Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, người bình thường sẽ tiêu thụ 10 – 35% lượng calo mỗi ngày đến từ protein, con số này sẽ thấp hơn ở trẻ em (5 – 20%) và thanh thiếu niên (10 – 30%). Các loại thực phẩm giàu protein mẹ nên bổ sung vào trong thực đơn ăn uống của trẻ là hải sản, thịt nạc, các loại đậu, các loại hạt, trứng,…
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bản thân trong giai đoạn thai kỳ. Lúc này, mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất để thai nhi có thể phát triển một cách tốt nhất trước khi chào đời. Nên khám thai định kỳ theo lịch hẹn để kiểm tra sự tăng trưởng của thai nhi.
Sau khi trẻ chào đời, nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sau 6 tháng, bên cạnh việc bú mẹ thì bạn cũng nên kết hợp cho trẻ ăn dặm để bổ sung thêm dưỡng chất. Thực đơn ăn dặm của trẻ cần phải có đủ 4 nhóm dưỡng chất là tinh bột, đạm, chất béo và vitamin. Với mẹ không có sữa hoặc ít sữa, mẹ cần cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành, không nên chỉ cho trẻ uống nước cháo loãng thay sữa.
Bài viết trên đây là những thông tin cần biết về tình trạng suy dinh dưỡng thể phù bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Triệu chứng dễ nhất biết nhất khi bị suy dinh dưỡng thể phù là sưng mắt cá chân, sưng bàn chân và sưng bụng. Đây là dạng suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ em do ảnh hưởng từ chế độ ăn uống thiếu protein. Khi trẻ có các dấu hiệu suy dinh dưỡng thể phù, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!