Acid Uric Cao
Acid uric tăng cao gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe và là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh lý khác khởi phát. Thông thường, tình trạng này sẽ xảy ra khi bạn tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhân purin hoặc chức năng lọc độc tố của thận bị suy giảm.
Định nghĩa
Acid uric là một loại acid hữu cơ được cơ thể tạo ra trong quá trình phân hủy nhân purin có trong thực phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Sau khi phân hủy nhân purin, acid uric sẽ được sản sinh ra và hòa tan vào trong máu. Lượng acid uric dư thừa sẽ được thận xử lý và đào thải thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, acid uric không được đào thải hoàn toàn ra ngoài mà sẽ được giữ lại trong máu với nồng độ rất thấp. Lúc này, chúng sẽ hoạt động như một chất chống oxy hóa và tăng cường bảo vệ cơ thể.
Trong cơ thể người, quá trình tổng hợp và đào thải luôn duy trì trạng thái cân bằng để có thể giữ nồng độ acid uric trong máu ở mức an toàn. Nếu sự cân bằng này mất đi, nồng độ acid uric sẽ không được đào thải hết mà tích tụ lại bên trong cơ thể. Điều này đã khiến cho nồng độ acid uric trong máu tăng cao bất thường. Để xác định nồng độ acid uric trong máu, bạn cần làm xét nghiệm y khoa. Acid uric cao được xác định là nồng độ acid uric trong máu cao vượt mức 420 micromol/lít ở nam giới và 360 micromol/lít ở nữ.
Nguyên nhân
Chuyên gia cho biết, tình trạng acid uric trong máu tăng cao có thể xảy ra do tác động từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc nắm rõ nguyên nhân sẽ có tác động rất tích cực đến quá trình điều trị bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây tăng acid uric thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
- Rối loạn chuyển hóa: Gặp phải tình trạng rối loạn chuyển hóa không rõ nguyên nhân là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tăng acid uric trong máu. Nguyên nhân gây bệnh này chiếm đến khoảng 85% trên tổng số trường hợp và phần lớn là do ảnh hưởng từ yếu tố di truyền. Rối loạn chuyển hóa là hiện tượng cơ thể vẫn có thể tự tổng hợp ra lượng lớn acid uric mặc dù đã ăn kiêng nghiêm ngặt.
- Giảm đào thải acid uric: Chuyên gia cho biết, khoảng 80% hàm lượng acid uric sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài thông qua đường nước tiểu. Số còn lại sẽ đào thải qua mồ hôi hoặc đường tiêu hóa. Khi quá trình đào thải acid uric bên trong cơ thể bị ảnh hưởng do một nguyên nhân nào đó, nồng độ acid uric trong máu sẽ tích tụ tại máu và tăng vượt mức cho phép.
- Bệnh lý: Nồng độ acid uric trong máu cao cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như nhược giáp, nhiễm độc thai nghén, suy thận, vẩy nến, huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường,... Ở trường hợp này bạn cần điều trị dứt điểm bệnh lý đang mắc phải để có thể đưa nồng độ acid uric trở về mức an toàn.
- Nhờn thuốc: Acid uric trong máu tăng cao cũng có thể xảy ra với những bệnh nhân đang điều trị bệnh gout nhưng bị nhờn thuốc. Lúc này, cơ thể sẽ không đáp ứng điều trị với thuốc và khiến cho quá trình đào thải acid uric bị suy giảm.
- Do thuốc Tây: Nồng độ acid uric trong máu cũng có thể tăng nếu bạn đang sử dụng một số loại thuốc Tây y điều trị bệnh như thuốc giảm đau nhóm salicylate liều thấp, thuốc lợi tiểu, thuốc ngủ nhóm barbiturate,...
- Nguyên nhân khác: Một số thói quen sinh hoạt gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu mà bạn cần tránh là lười vận động, chế độ dinh dưỡng chứa nhiều nhân purin, lười uống nước, nhịn đi tiểu,...
Dấu hiệu nhận biết
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, có khoảng 2/3 trường hợp bị tăng acid uric trong máu và biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ tạo điều kiện cho nhiều bệnh lý nguy hiểm khởi phát. Vì thế, bạn cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện ra bất thường và đưa ra biện pháp can thiệp đúng cách. Bạn có thể nhận biết ra tình trạng acid uric trong máu tăng cao thông qua các dấu hiệu điển hình sau đây:
- Xuất hiện các triệu chứng của bệnh gout: Acid uric trong máu tăng cao đột ngột sẽ khởi phát cơn gout cấp tính gây đau nhức dữ dội tại khớp, điển hình là khớp ngón chân cái. Thông thường, bệnh gout cấp tính sẽ khởi phát sau khi bạn ăn quá nhiều đạm hoặc uống nhiều rượu bia chỉ trong thời gian ngắn. Nếu tình trạng tăng acid uric diễn ra kéo dài sẽ gây ra bệnh gout mãn tính với các triệu chứng như nổi hạt tophi gần khớp bị ảnh hưởng, sưng đau và biến dạng khớp,...
- Xuất hiện triệu chứng của bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu: Acid uric cũng có thể tích tụ bên trong thận hoặc đường tiết niệu và hình thành nên sỏi. Lúc này bạn sẽ có các triệu chứng như đau lưng dưới, đau khi đi tiểu, tiểu ra máu, buồn nôn,... Trường hợp gây nhiễm trùng thận sẽ có thêm triệu chứng sốt và ớn lạnh.
- Bệnh lý khác: Acid uric trong máu tăng cao còn tạo điều kiện cho nhiều bệnh lý khác khởi phát như thiếu máu, bệnh bạch cầu, đa u tủy xương,... Với người lớn tuổi sẽ làm gia tăng nguy cơ bị viêm mạch máu, viêm ngoài màng tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ,...
Điều trị
Khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Hiện nay, y khoa có hai phương pháp kiểm tra acid uric là xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Mục đích của việc kiểm tra nồng độ acid uric máu là phục vụ cho việc chẩn đoán bệnh để có thể lên phác đồ điều trị cho phù hợp.
Trường hợp tăng acid uric trong máu do nhờn thuốc hoặc sử dụng thuốc trị bệnh, bạn cần thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh loại thuốc điều trị cho phù hợp. Còn với trường hợp tăng acid uric do bệnh lý, bắt buộc phải điều trị dứt điểm các bệnh lý đang mắc phải theo phác đồ chuyên khoa kết hợp điều trị dự phòng để phòng ngừa tái phát. Dưới đây là các cách điều trị acid uric cao bạn có thể tham khảo:
Điều trị acid uric cao có triệu chứng
Trường hợp acid uric trong máu tăng cao gây ra cơn gout cấp tính thì bạn cần điều trị y tế. Mục đích của việc điều trị là giảm acid uric ngay lập tức để cải thiện triệu chứng gout cấp tính. Thông thường, người bệnh cần phải sử dụng thuốc kéo dài kết hợp với lối sống khoa học để có thể ngăn ngừa cơn gout cấp tính tái phát trở lại. Các loại thuốc thường được sử dụng là:
- Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng đau nhức do gout gây ra.
- Thuốc Colchicine: Được kê đơn giúp phòng ngừa cơn gout cấp tính, thường được chỉ định sử dụng với trường hợp không đáp ứng điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid
- Thuốc probenecid: Thuốc có tác dụng giảm acid uric trong máu bằng cách lợi tiểu và ngăn ngừa gout cấp khởi phát
- Thuốc Febuxostat và Allopurinol: Được sử dụng kết hợp hỗ trợ làm giảm acid uric trong máu
Với trường hợp acid uric trong máu tăng cao và hình thành nên sỏi, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh uống nước nhiều hơn để hỗ trợ đẩy sỏi ra ngoài thông qua đường tiết niệu. Nếu kích thước sỏi đã vượt quá 5mm, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ.
Điều trị acid uric cao không triệu chứng
Nếu nồng độ acid uric trong máu tăng cao nhưng chưa biểu hiện ra ngoài bằng triệu chứng lâm sàng, bạn có thể điều trị theo hướng dẫn sau đây:
- Sử dụng thuốc hạ acid uric theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng kéo dài để tránh phát sinh tác dụng phụ.
- Cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
- Điều chỉnh lại lối sống lười vận động, nên dành nhiều thời gian để tập thể dục thể thao.
- Tiến hành giảm cân bằng cách ăn uống và tập luyện hợp lý nếu đang bị thừa cân.
Phòng ngừa
Để nồng độ acid uric trong máu có thể duy trì ở mức an toàn và tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bạn cần phải điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của bản thân sao cho hợp lý. Một số điều mà bạn cần lưu ý là:
+ Dinh dưỡng khoa học: Để ngăn ngừa tình trạng tăng acid uric trong máu, bạn cần hình thành cho bản thân thói quen ăn uống khoa học. Cụ thể là:
- Nói không với đồ uống có cồn, nồng độ cồn khi đi vào cơ thể sẽ gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa. Không nên tiêu thụ đồ uống chứa nhiều đường hoặc trái cây chứa nhiều đường.
- Cắt giảm việc tiêu thụ nhóm thực phẩm chứa nhiều nhân purin như thịt đỏ, cá biển, nấm, nội tạng động vật,...
- Các loại thực phẩm nên tăng cường bổ sung vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày là củ cải, nho, ổi, chuối, súp lơ, rau cần, táo,...
- Bổ sung thêm vitamin C cho cơ thể thông qua thực phẩm hoặc viên uống bổ sung để phòng ngừa gout và các vấn đề sức khỏe có liên quan
+ Uống đủ nước: Đây là cách làm giảm acid uric trong máu đơn giản và hiệu quả nhất. Uống đủ nước sẽ giúp thận hoạt động tốt hơn và tăng đào thải acid uric ra ngoài thông qua nước tiểu. Tốt nhất, bạn nên bổ sung đủ 2 lít nước cho cơ thể mỗi ngày. Chú ý, chỉ nên tiêu thụ các loại thức uống lành mạnh như nước lọc, nước ép trái cây tươi, nước khoáng kiềm, sữa không đường,...
+ Tập thể dục: Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng cơ thể và giúp quá trình chuyển hóa năng lượng bên trong cơ thể diễn ra tốt hơn. Khi tập luyện, cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi hơn và tăng đào thải acid uric thông qua qua tuyến mồ hôi.
+ Duy trì cân nặng hợp lý: Theo thống kê y khoa, những người bị thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ bị tăng acid uric trong máu cao hơn bình thường. Vì vậy, bạn nên lên kế hoạch giảm cân sao cho khoa học và hợp lý nếu đang bị thừa cân.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng tăng acid uric trong máu bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Nếu thuộc trong nhóm nguy cơ cao, bạn nên thăm khám chuyên khoa và làm xét nghiệm định kỳ để kiểm tra nồng độ acid uric trong máu. Cách này giúp bạn sớm phát hiện ra bất thường để có thể đưa ra phương án xử lý đúng cách ngay từ sớm.