Chảy máu cam
Chảy máu cam là hiện tượng phổ biến mà bất cứ ai cũng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân chính khiến mũi bị chảy máu là do độ ẩm không khí xuống thấp khiến mũi bị khô, làm vỡ nứt mạch máu trong niêm mạc mũi. Có những bước đơn giản để bạn có thể điều trị và ngăn ngừa máu mũi chảy ra. Mặc dù gây khó chịu nhưng bị chảy máu mũi không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Định nghĩa
Chảy máu cam là thuật ngữ y khoa chỉ hiện tượng máu chảy từ cánh mũi. Máu sẽ chảy từ các mô nằm bên trong mũi, có thể xảy ra ở một hoặc hai bên lỗ mũi. 1
Trong mũi có rất nhiều mạch máu nhỏ, những mạch máu này giúp làm ấm và làm ẩm không khí khi hít thở. Tuy nhiên chúng lại nằm sát bề mặt bên trong của mũi. Khi không khí di chuyển qua mũi nó có thể làm khô và kích thích các mạch máu. Điều này khiến chúng dễ bị tổn thương, dẫn đến chảy máu cam.
Mặc dù chảy máu cam gây ra nhiều khó chịu nhưng hầu hết các trường hợp chảy máu cam đều không quá nguy hiểm. Có khoảng 60% dân số trên thế giới sẽ bị chảy máu cam ít nhất một lần trong đời và chỉ có khoảng 10% trường hợp nghiêm trọng, cần được điều trị y tế.
Thông thường, người bệnh khi bị chảy máu cam sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài việc máu chảy ra từ mũi. Nếu bạn ngửa cổ ra sau, máu sẽ chảy xuống phía sau cổ họng, vào dạ dày và gây ra mùi khó chịu khiến bạn cảm thấy buồn nôn. Trường hợp nếu người bệnh có thêm bất cứ triệu chứng nào có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị một bệnh lý nào khác.
Nguyên nhân
Hầu hết việc chảy máu cam chỉ xuất hiện ở một bên lỗ mũi nhưng chúng vẫn có thể ảnh hưởng đến cả hai bên cùng lúc. Chảy máu cam có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng chúng đều không quá nghiêm trọng.
- Không khí khô nóng, độ ẩm thấp khiến màng mũi bị khô, dễ bị nứt. Điều này khiến bạn dễ bị chảy máu cam khi cọ xát, ngoáy mũi hoặc xì mũi.
- Do nhét dị vật vào mũi hoặc làm mũi bị tổn thương.
- Do nhiễm trùng đường hô hấp, bị cảm lạnh, viêm xoang khiến người bệnh bị ho, hắt hơi và xì mũi nhiều lần.
- Do bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang mũi.
- Do dùng các loại thuốc làm loãng máu như aspirin, thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng histamin, warfarin và các loại khác. 2
- Do sử dụng Cocaine hoặc các loại thuốc khác mà bạn hít vào qua mũi.
- Dị ứng với các mùi hóa chất hoặc các mùi mạnh khác.
- Do bị thiếu oxy, áp suất tăng cao.
- Do mũi bị lệch vách ngăn.
- Thường xuyên dùng thuốc xịt mũi và thuốc thông mũi, điều trị nghẹt mũi, chảy nước mũi,... khiến cho màng mũi bị khô.
Ngoài ra việc chảy máu cam còn có thể do các nguyên nhân ít phổ biến như sau:
- Sử dụng rượu.
- Rối loạn chảy máu.
- Huyết áp cao.
- Xơ vữa động mạch.
- Phẫu thuật mặt và mũi.
- Khối u ở mũi.
- Polyp mũi.
- Giảm tiểu cầu miễn dịch.
- Bệnh bạch cầu.
- Giãn tĩnh mạch xuất huyết.
- Mang thai.
Chăm sóc tại nhà
Khi bị chảy máu cam, bạn cần thực hiện việc cầm máu để ngăn không cho máu chảy ra quá nhiều.
- Ngồi thẳng, nghiêng cơ thể và đầu hơi hướng về phía trước. Điều này sẽ giữ cho máu không chảy xuống cổ họng, tránh gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. 3
- Thở bằng miệng.
- Dùng khăn giấy hoặc khăn mềm ẩm để thấm máu.
- Sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ để ấn chặt vào phần mềm của mũi. Đảm bảo kẹp phần mềm của mũi vào phần xương cứng tạo thành sống mũi. Ép phần trên của xương mũi sẽ có thể giúp cầm máu.
- Bịt mũi liên tục trong ít nhất 5 phút và kiểm tra xem máu còn chảy không. Nếu máu mũi vẫn chảy thì tiếp tục bóp mũi thêm 10 phút nữa.
- Có thể chườm một ít đá lạnh lên sống mũi để làm co mạch máu, tạo cảm giác thoải mái.
- Có thể xịt các loại thuốc không kê đơn như Afrin, Dristan, Neo-Synephrine, Vicks Sinex vào bên mũi đang bị chảy máu. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài vì nó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu mũi.
- Sau khi máu mũi ngừng chảy, bạn không nên cúi xuống, căng người hoặc nhấc bất cứ vật gì nặng.
- Không nên xì mũi hoặc chà mũi trong vài ngày tiếp theo.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Đa số các trường hợp bị chảy máu cam đều không quá nghiêm trọng và người bệnh có thể tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu sau thì cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe:
- Thường xuyên bị chảy máu cam, mỗi tuần 1-2 lần.
- Tình trạng chảy máu mũi kéo dài trên 30 phút ngay cả khi có sự can thiệp điều trị.
- Chảy máu mũi không ngừng, máu mũi chảy ra quá nhiều.
- Chảy máu mũi do chấn thương ở vùng mũi và mặt như ngã xe, tai nạn, chấn thương, bị người khác tác động vật lý,...
- Bị chảy máu mũi kèm theo các triệu chứng thiếu máu, cơ thể yếu, mệt mỏi, lạnh, khó thở, da nhợt nhạt, buồn nôn, nôn mửa, ngất xỉu.
- Bạn đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc bị rối loạn đông máu khiến việc cầm máu gặp khó khăn.
- Có hiện tượng chảy máu cam khi dùng một loại thuốc điều trị mới.
- Bị chảy máu cam kèm theo tình trạng cơ thể bị bầm tím. Tình trạng này có thể là do bạn bị rối loạn đông máu, bệnh bạch cầu hoặc có khối u ở mũi.
- Trẻ em từ 0 - 2 tuổi bị chảy máu cam.
- Máu mũi chảy khiến bạn bị khó thở.
Câu hỏi thường gặp
Những câu hỏi thường gặp dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng chảy máu cam của mình:
Những ai dễ bị chảy máu cam?
Chảy máu trong mũi là một hiện tượng phổ biến. Hầu hết mọi sẽ đều sẽ gặp phải một vài lần trong đời. Bất kì ai cũng có thể bị chảy máu cam, tuy nhiên tình trạng này sẽ xảy ra phổ biến ở những đối tượng như:
- Trẻ em từ 2-10 tuổi.
- Người cao tuổi.
- Phụ nữ mang thai.
- Những người thường xuyên dùng thuốc làm loãng máu (aspirin), thuốc chống đông máu (warfain).
- Người bị rối loạn đông máu, mắc bệnh máu khó đông.
Làm thế nào để phòng ngừa hiện tượng chảy máu mũi?
Bạn có thể ngăn ngừa hiện tượng chảy máu cam bằng việc thực hiện một số phương pháp sau đây:
- Giữ ẩm cho niêm mạc mũi, đặc biệt khi thời tiết trở lạnh, không khí khô hanh. Bạn hãy bôi một lớp mỏng vaseline hoặc thuốc mỡ vào tăm bông và chấm vào trong mũi, mỗi ngày 3 lần. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng nước muối xịt mũi để làm ẩm niêm mạc mũi.
- Nếu bạn thường xuyên ngủ trong phòng điều hòa, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp bổ sung độ ẩm cho không khí, tránh để mũi hít quá nhiều không khí khô, làm tăng nguy cơ bị chảy máu cam.
- Bỏ hút thuốc lá vì hút thuốc có thể làm khô mũi và khiến mũi bị kích thích.
- Đội mũ bảo hộ nếu tham gia vào các hoạt động có thể gây thương tích cho mặt, mũi của bạn.
- Cắt móng tay và hạn chế việc ngoáy mũi.
- Không đưa dị vật vào bên trong mũi.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc tăng khả năng chảy máu như aspirin, ibuprofen, warfarin, NSAIDs.
- Tránh xì mũi quá mạnh.
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt là bổ sung vitamin C cho cơ thể.
Chảy máu cam xuất hiện cục máu đông có sao không?
Không. Cục máu đông là những cục máu hình thành khi mạch máu bị tổn thương. Quá trình đông máu sẽ ngăn máu chảy ra quá nhiều. Khi bạn bịt mũi để cầm máu, máu sẽ bắt đầu đông lại. Những cục máu đông sẽ ở đó cho đến khi bạn lấy ra hoặc xì mũi nhẹ nhàng.
Có thể uống nước sau khi chảy máu mũi không?
Có. Bạn nên uống nhiều nước sau khi chảy máu mũi. Có thể dùng nước lọc, nước trái cây hoặc các chất lỏng không chứa caffein khác. Khi bị chảy máu cam, một ít máu có thể chảy xuống cổ họng vào dạ dày. Điều này khiến bạn cảm thấy khó chịu ở cổ họng. Việc uống nước sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này.
Chảy máu cam có thể gây tử vong không?
Chảy máu cam nếu xảy ra cao hơn trên vách ngăn hoặc sâu hơn trong mũi sẽ khiến bạn khó kiểm soát bệnh. Tuy nhiên chảy máu cam rất hiếm khi gây tử vong. Tại Hoa Kỳ, ước tính số ca tử vong do chảy máu cam chỉ là 4/2.400.000 người, đây là một con số vô cùng nhỏ.
Chảy máu cam là một tình trạng bệnh lý phổ biến nhưng gây lại ra nhiều khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt. Mặc dù hầu hết các trường hợp chảy máu mũi đều không nghiêm trọng, nhưng bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ nếu bị chảy máu cam thường xuyên hoặc bị rối loạn chảy máu.