Đau Đầu Gối Khi Chơi Thể Thao
Đau đầu gối khi chơi thể thao là hiện tượng thường gặp. Nguyên nhân chủ yếu là do vận động quá sức và không khởi động kỹ khiến cho khớp gối bị chấn thương. Bạn cần biết cách xử trí đúng để nhanh hết đau và không để lại di chứng cho đầu gối.
Nguyên nhân
- Khớp gối bị quá tải:
Các hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần ở khớp gối khiến cho khớp bị quá tải hoặc gây căng cơ, hao mòn sụn khớp. Đây là hậu quả của việc tập trung quá nhiều vào việc tập luyện một động tác hay bài tập tác động đến cơ bắp cũng như khớp gối trong thời gian dài.
Càng hoạt động khớp gối nhiều lần với tần suất liên tục mà không cho đầu gối có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi thì càng có nguy cơ bị tổn thương, nhất là ở phần sụn khớp và các dây chằng. Khi vận động khớp nhiều, các dây chằng quanh đầu gối bị kéo căng, lớp sụn cũng bị mài mòn làm tăng lực ma sát giữa các đầu xương. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người bị đau đầu gối khi chơi thể thao.
- Chơi thể thao quá sức:
Chơi thể thao quá sức, luyện tập trong thời gian dài liên tục hoặc lựa chọn các bộ môn vận động có cường độ cao, không phù hợp với sức khỏe chẳng những khiến bạn mệt mỏi, đau nhức cơ bắp mà còn làm tăng nguy cơ bị chấn thương khớp gối, đau đầu gối.
Nguyên nhân này ít khi xảy ra ở các vận động viên thể thao chuyên nghiệp do họ có kế hoạch luyện tập khoa học và biết cách rèn luyện để nâng cao thể lực dần dần nhằm hạn chế chấn thương. Tuy nhiên, một số người lâu lâu mới có thời gian chơi thể thao và cố gắng vận động cho đến khi có cảm giác mệt nhoài mới thấy thỏa mãn.
Khi cơ thể mệt mỏi, hoạt động ở hai chân cũng không được phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác. Chính vì vậy mà nguy cơ bị chấn thương đầu gối khi chơi thể thao quá sức là rất cao, nhất là khi tham gia các bộ môn có sự lặp đi lặp lại ở khớp gối như chạy, nhảy. Quá trình vận động sẽ tạo ra một lực căng ngày càng lớn lên đầu gối và khiến khu vực này bị đau.
Có không ít trường hợp chỉ cảm thấy mệt mỏi và đau đầu gối rõ ràng sau khi chơi thể thao bởi lúc này, nồng độ endorphin trong cơ thể đã xuống thấp. Đây là một loại hormone có tác dụng giảm đau, cải thiện tâm trạng, chống mệt mỏi.
Các chấn thương ở đầu gối có thể gặp khi chơi thể thao gồm:
- Chấn thương dây chằng: Hệ thống các dây chằng quanh đầu gối có chức năng duy trì sự ổn định của khớp, giữ cố định các đầu xương và giúp khớp gối không bị lỏng lẻo. Khi chơi thể thao, dây chằng có thể bị kéo căng quá mức dẫn đến các chấn thương như giãn dây chằng, rách hay đứt dây chằng. Trong trường hợp không quá nghiêm trọng, tổn thương ở dây chằng có thể điều trị khỏi bằng các phương pháp bảo tồn mà không phải làm phẫu thuật.
- Rách sụn chêm: Sụn chêm là lớp sụn bao bọc bên ngoài đầu xương đùi, xương bánh chè và xương chày. Nó có chức năng giảm sóc, bảo vệ và giảm ma sát giữa các đầu xương, duy trì khả năng vận động trơn tru, linh hoạt cho khớp gối. Sự va chạm mạnh vào đầu gối khi chơi thể thao hoặc các hoạt động tại khớp được lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho sụn chêm bị ăn mòn hoặc bị rách. Hậu quả khiến đầu gối không chỉ bị đau nhói, sưng tấy mà còn gây cứng khớp, hạn chế vận động.
- Bong gân: Chấn thương này gây giãn hoặc rách dây chằng nối các xương trong khớp. Người bệnh thường gặp hiện tượng sưng tím hay tụ máu ở khu vực có dây chằng bị tổn thương. Ấn vào đầu gối thấy đau.
- Hội chứng bánh chè - đùi: Hội chứng bánh chè - đùi gây tổn thương chủ yếu cho các mô sụn. Tình trạng này thường xảy ra ở các vận động viên điền kinh, người chơi bóng rổ hay bóng chuyền. Đau đầu gối khi chơi thể thao là triệu chứng đặc trưng của hội chứng bánh chè - đùi. Cơn đau ngày càng trở nên rõ ràng hơn sau một thời gian bị chấn thương.
- Trật khớp gối: Hoạt động thể thao quá mạnh, tư thế vận động không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến trật khớp gối. Trường hợp này, người bệnh có thể bị sưng đau đầu gối, khớp gối biến dạng thấy rõ. Đây là một trong những vấn đề thường gặp ở đầu gối khi chơi thể thao.
- Gãy xương đầu gối: Va chạm mạnh, té ngã hoặc thay đổi tư thế đột ngột khi chơi thể thao có thể dẫn đến gãy xương. Lúc này, bạn sẽ có cảm giác đau đầu gối dữ dội, sưng đau, bầm tím tại vị trí xương bị gãy và không thể tự di chuyển.
Chăm sóc tại nhà
Để khắc phục tình trạng đau đầu gối khi chơi thể thao, các phương pháp dưới đây thường được lựa chọn:
1. Xử lý ban đầu và giảm đau tại nhà
Nếu cơn đau đầu gối xuất phát từ các chấn thương nhẹ, bạn có thể xử lý, giảm đau tại nhà bằng những cách sau:
- Hạn chế di chuyển, cử động mạnh khớp gối hay thực hiện bất cứ hoạt động nào khiến cơn đau tăng nặng, chẳng hạn như co gập đầu gối.
- Dùng bọc đá lạnh chườm lên đầu gối liên tục từ 2 -3 ngày sau khi chấn thương để giảm đau, chống sưng đầu gối. Thời gian chườm mỗi lần khoảng 20 phút, lặp lại sau mỗi 3 - 4 tiếng nếu vẫn còn bị đau.
- Lựa chọn tư thế ngủ khiến bạn cảm thấy thoải mái và giảm nhẹ cơn đau. Tuy nhiên, cần tránh nằm sấp hoặc nằm đè lên đầu gối bị tổn thương. Hãy kê một chiếc gối dưới chân để hạn chế tích tụ máu ở đầu gối khiến khớp bị sưng to.
- Dùng nẹp cố định vùng tổn thương để tránh tác động lên đầu gối. Trường hợp có dấu hiệu gãy xương, sau khi băng nẹp xong bạn nên nhờ người đưa đến bệnh viện ngay.
- Dùng các loại thuốc giảm đau thông thường không cần kê đơn. Chẳng hạn như Paracetamol, Aspirin...
- Xoa bóp nhẹ nhàng cho đầu gối bị đau để các cơ được thư giãn và giúp máu lưu thông tốt hơn.
Thông thường, tình trạng đau đầu gối khi chơi thể thao ở mức độ nhẹ có thể thuyên giảm dần rồi biến mất trong vòng vài ngày. Bạn cần xây dựng kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi cho phù hợp, tránh stress và ăn uống đầy đủ để cơn đau cũng như tình trạng tổn thương trong khớp gối nhanh chóng hồi phục.
2. Điều trị đau đầu gối khi chơi thể thao bằng phương pháp bảo tồn
Phương pháp điều trị bảo tồn (hay còn gọi là điều trị nội khoa) được áp dụng cho các trường hợp bị đau đầu gối khi chơi thể thao do tổn thương ở sụn, dây chằng hoặc mắc các bệnh lý ở khớp gối không quá nghiêm trọng. Tùy theo nguyên nhân căn bản, mức độ đau và các triệu chứng đi kèm, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:
- Băng nẹp hoặc bó bột đầu gối trong khoảng 3 tuần đầu.
- Sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc kháng sinh, corticoid và một số loại thuốc khác để khắc phục cơn đau và chữa lành tổn thương tại đầu gối.
- Tập các bài tập nhẹ nhàng để phục hồi chức năng, chống cứng khớp, tăng cường sức mạnh cho các cơ, chống teo cơ chân.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Trong một số trường hợp, cơn đau đầu gối khi chơi thể thao chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không đáng lo ngại. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi, hạn chế các cử động ở khớp gối vài ngày kết hợp chườm lạnh, cơn đau sẽ từ từ thuyên giảm.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đau nhức đầu gối kéo dài trong nhiều ngày, cơn đau có tính chất dữ dội hoặc ngày càng tăng nặng, bạn cần được chăm sóc bằng y tế càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám bác sĩ ngay nếu bị đau đầu gối sau khi chơi thể thao kèm theo các triệu chứng sau:
- Khớp đầu gối bị biến dạng
- Không thể đi lại, vận động bình thường
- Đầu gối sưng to, bầm tím hoặc đổi màu da
- Khó khăn trong việc giữ thăng bằng cho cơ thể.
Điều trị
Phẫu thuật nội soi thường được chỉ định để sửa chữa các chấn thương nghiêm trọng và cũng chính là nguyên nhân gây đau đầu gối khi chơi thể thao. Bao gồm:
- Gãy xương đầu gối
- Tổn thương ở dây chằng chéo trước cấp độ 2, 3.
- Dây chằng chéo sau bị tổn thương hoặc căng giãn quá mức không thể phục hồi khiến cho khớp gối bị lỏng lẻo.
- Rạch sụn chêm
- Vỡ sụn dẫn đến kẹt khớp.
- Bị thoái hóa khớp, viêm khớp hoặc các bệnh lý khác ở khớp gối gây phá hủy khớp nghiêm trọng và không thể phục hồi.
- Cần làm phẫu thuật sớm để tránh tàn phế.
Sau phẫu thuật, bạn sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho các cơ ở chi dưới, cải thiện biên độ khớp và phục hồi khả năng vận động. Quá trình trị liệu sẽ được thiết kế riêng để phù hợp với tình trạng của từng cá nhân. Điều quan trọng là bạn cần có sự kiên trì, cố gắng phối hợp tốt với bác sĩ để sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
Lưu ý
Để phòng ngừa chấn thương và giảm nguy cơ bị đau đầu gối khi chơi thể thao, bạn cần lưu ý:
- Mang giày phù hợp với bộ môn thể thao tham gia. Tránh mang giày quá chặt hay quá rộng.
- Khởi động kỹ trước khi bước vào thời gian tập luyện chính thức.
- Tuân thủ đúng các yêu cầu về thao tác kỹ thuật của từng môn thể thao.
- Lựa chọn các hoạt động phù hợp với lứa tuổi, thể chất và sức khỏe của bản thân.
- Không có gắng vận động quá sức. Trong quá trình luyện tập, nếu thấy cơ thể mệt mỏi, mất sức hoặc đau đầu gối, hãy dừng lại ngay.
- Bổ sung canxi và vitamin D để xương khớp chắc khỏe hơn, giúp giảm nguy cơ bị chấn thương, đau đầu gối khi chơi thể thao.