Đau Đầu Gối Nhưng Không Sưng
Đau đầu gối nhưng không sưng là do nguyên nhân nào chính là băn khoăn của rất nhiều người đang gặp tình trạng này. Không phải các tổn thương nào cũng khiến đầu gối sưng to rõ ràng nên bạn không được chủ quan nếu có các triệu chứng đau nhức ở đầu gối. Tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.
Nguyên nhân
Có rất nhiều bệnh, vấn đề thường gặp ở đầu gối gây ra tình trạng đau nhức nghiêm trọng từ bên trong. Tuy nhiên không ít người nếu thấy đầu gối có dấu hiệu vừa đau, vừa sưng đỏ hay nóng lên thì mới bắt đầu đi thăm khám. Nếu đầu gối vừa sưng, vừa đau thì có thể liên quan đến các tác nhân như tràn dịch khớp gối, chấn thương, hoạt động quá sức hay viêm khớp.
Tuy nhiên thực tế chỉ bị đau đầu gối nhưng không sưng cũng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề nghiêm trọng không kém. Những vấn đề này thường có xu hướng đã xuất hiện âm ỉ từ lâu nhưng chỉ mới có triệu chứng trong thời gian gần đây nên thường rất nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan.
Vậy đau đầu gối nhưng không sưng liên quan đến những nguyên nhân nào?
- Thoái hóa khớp gối: đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, thường gặp chủ yếu ở người lớn tuổi do liên quan đến quá trình thoái hóa của tuổi tác và hoạt động quá mức trong thời gian dài. Một số triệu chứng điển hình của tình trạng này là nghe thấy có tiếng kêu lục cục trong khớp khi di chuyển, dịch khớp khô nên mỗi lần di chuyển, đặc biệt là leo cầu thang sẽ đau nhức nghiêm trọng kèm theo cứng khớp có thể kéo dài đến 30 phút vào mỗi sáng. Bệnh làm ảnh hưởng rất nhiều đến chế độ sinh hoạt thường ngày.
- Lao xương: có khoảng 15% bệnh nhân bị đau đầu gối nhưng không sưng có liên quan đến lao xương. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Ở những giai đoạn đầu, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức âm ỉ, mệt mỏi, sốt về chiều, ăn uống kém đau ở đầu gối, thắt lưng nhưng không có dấu hiệu sưng. Tuy nhiên ở giai đoạn sau đầu gối có thể sưng nhưng lại không kèm nóng đỏ như các dạng viêm khác. Bên cạnh đó bệnh nhân thường bị lao phổi trước lao xương nên đôi khi có thể bị che lấp các triệu chứng đau nhức xương khớp sau đó.
- Thừa cân béo phì: nghe thì có vẻ lạ nhưng thực tế những người có thừa cân béo phì lại rất dễ bị đau nhức đầu gối do phải chịu nhiều áp lực từ phần trên cơ thể đổ dồn xuống. Khớp gối phải hoạt động nhiều vừa phải nâng đỡ cơ thể nên cũng rất dễ tổn thương. Tình trạng này kéo dài cũng là nguyên nhân gây nên rất nhiều các bệnh lý khớp gối khác.
- Viêm gân bánh chè: dù có liên quan đến tình trạng viêm nhưng viêm gân bánh chè hầu như cũng chỉ gây đau nhức nghiêm trọng chứ không gây sưng. Cơn đau nằm ở trước gối nơi gân bị viêm sẽ tăng lên dần nếu người bệnh hoạt động đầu gối liên tục, nhất là chơi thể thao. Nếu không có hướng kiểm soát sớm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như rách gân hay đau đầu gối mãn tính.
- Giai đoạn đầu của một số bệnh lý: viêm khớp dạng thấp, bệnh gout hay kể cả tràn dịch khớp gối ở giai đoạn đầu bệnh nhân đều sẽ cảm thấy đầu gối đau nhức âm ỉ nhưng không sưng. Tuy nhiên ở giai đoạn sau hầu như các bệnh lý này đều làm đầu gối bị sưng đỏ, nóng rất khó chịu.
- Ảnh hưởng từ một số bệnh khác: đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hay thoái hóa cột sống đều có thể gây ra các biến chứng làm đau đầu gối nhưng không sưng. Do đó bạn không được chủ quan là đau đầu gối chỉ liên quan cho rằng chỉ gặp các vấn đề ở đầu gối.
Một số bệnh lý hay tình trạng sức khỏe khác cũng có thể gây ra tình trạng đau nhức đầu gối nhưng không sưng. Người bệnh nếu bị các cơn đau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, việc sinh hoạt hay đi lại thường ngày cần nhanh chóng có hướng giải quyết kịp thời để phòng tránh các hệ lụy nguy hiểm khác xuất hiện.
Chăm sóc tại nhà
Như đã nói, đau đầu gối dù chưa bị sưng có thể liên quan đến rất nhiều bệnh lý khác nhau nên hướng điều trị cũng có thể khác nhau. Dưới đây chỉ là các biện pháp chung phổ biến có thể áp dụng cho nhiều trường hợp, còn người bệnh cần phải thăm khám bác sĩ chuyên môn để có hướng điều trị cuối cùng chính xác nhất.
Điều trị tại chỗ
Không phải lúc nào dùng thuốc cũng là tốt nên thay vì dùng thuốc bạn có thể áp dụng các biện pháp đơn giản, có thể thực hiện tại nhà để kiểm soát cơn đau nhanh chóng hơn. Đây đều là các biện pháp an toàn có thể áp dùng cho mọi trường hợp, an toàn với mọi bệnh nhân nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm.
Một số phương pháp có thể cải thiện tình trạng đau đầu gối nhưng không sưng đơn giản như
- Chườm lạnh: Nếu liên quan đến các bệnh lý cấp tính, chẳng hạn như gout ở giai đoạn đầu thì chườm lạnh chính là giải pháp tốt nhất. Bạn chỉ cần dùng một vài viên đá lạnh đem bọc trong khăn hoặc bao nilon chườm lên đầu gối trong 15 phút, có thể áp dụng nhiều lần trong ngày để giảm đau nhức hiệu quả hơn.
- Chườm ấm: với các bệnh mãn tính chẳng hạn như thoái hóa khớp thì chườm nóng lại đem đến kết quả tốt hơn. Tác động của nước nóng sẽ làm giãn nở mạch máu, kích thích máu lưu thông để đưa các dưỡng chất đến và phục hồi các tổn thương hiệu quả hơn.
- Dùng các thảo dược: bạn có thể tận dụng các thảo dược như lá lốt, gừng hay ngải cứu để sao khô với muối, bọc lại trong khăn rồi đợi cho nguội còn 40- 45 độ rồi chườm lên đầu gối. Các thảo dược này cũng có rất nhiều hoạt chất tốt trong việc giãn cơ và phục hồi các tổn thương ở đầu gối.
- Xoa bóp giảm đau: kết hợp dầu nóng, rượu thuốc hay một số loại thuốc xona bóp ngoài với massage cho đầu gối cũng mang đến tác dụng giảm đau nhức nhanh chóng, rất nên áp dụng vào mỗi tối để ngủ ngon hơn, tránh bị đau nhức hay cứng khớp vào buổi sáng sau khi dậy.
Điều trị y khoa
Trong trường hợp áp dụng các biện pháp trên không còn mang đến tác dụng thì bác sĩ cần chỉ định một số loại thuốc để hỗ trợ giảm đau và nâng cao chất lượng đời sống của người bệnh. Thường các nhóm thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ sẽ được chỉ định. Các nhóm thuốc chống viêm hay cả thuốc kháng sinh (nếu bị lao xương) cũng được chỉ định.
Một vài trường hợp người bệnh cũng được yêu cầu vật lý trị liệu bằng laser, sóng xung kích hoặc các bài tập để phục hồi các tổn thương bên trong, hỗ trợ việc vận động của người bệnh. Nếu các tổn thương quá nghiêm trọng, thực hiện các biện pháp điều trị nội khoa không còn đem đến tác dụng người bệnh mới cần phẫu thuật.
Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối liệu trình điều trị từ bác sĩ trong việc dùng thuốc hay các phương pháp khác để đem lại tác dụng tốt nhất. Tuyệt đối không được ngưng thuốc hay các biện pháp giữa chừng vì sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tái phát trở lại rất nguy hiểm.
Thay đổi chế độ sinh hoạt thường ngày
Như đã nói, đau đầu gối nhưng không sưng có thể là dấu hiệu ban đầu của một số vấn đề bệnh lý chưa quá nguy hiểm nên việc thay đổi chế độ sinh hoạt hằng ngày có thể đem đến rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Đồng thời người sau điều trị cũng nên áp dụng các biện pháp này để nhanh chóng phục hồi các tổn thương, phòng tránh nguy cơ bệnh tái phát.
Cụ thể, người bệnh cần chú ý đến chế độ sinh hoạt lành mạnh sau
- Tập co duỗi đầu gối nhẹ nhàng mỗi ngày, bạn chỉ cần nằm trên giường, co chân lại rồi lại duỗi thẳng ra. Thực hiện lặp lại vài lần sẽ giúp giảm các triệu chứng đau nhức hay cứng khớp vào buổi sáng.
- Kiểm soát cân nặng, giảm cân lành mạnh trong các trường hợp cần thiết. Tuy nhiên bạn nên giảm cân khoa học, tránh các biện pháp tiêu cực như nhịn ăn hay dùng thuốc giảm cân vì sẽ làm tổn hại đến xương khớp hay cơ thể nhiều hơn
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày. Người bị đau đầu gối nhưng không sưng có thể đi bộ, bơi lội, đạp xe chậm để cải thiện độ linh hoạt của khớp gối. Yoga hay dưỡng sinh cũng là các bộ môn phù hợp. Tuy nhiên nếu tập gym hay yoga người bệnh nên trao đổi trực tiếp với huấn luyện viên để được hỗ trợ các bài tập phù hợp.
- Tránh chạy nhảy hay mang vác quá nặng nếu các tổn thương chưa thực sự được hồi phục, việc leo cầu thang cũng có thể gây đau nhức nghiêm trọng hơn nên cần thực sự thận trọng.
- Tắm nước ấm, ngâm chân với nước ấm và các thảo dược hằng ngày sẽ giúp khớp gối thư giãn và giảm đau hiệu quả
- Kết hợp bổ sung dinh dưỡng khoa học, đặc biệt là nhóm vitamin D3, canxi hay K2 để hỗ trợ hệ thống xương khớp linh hoạt, chắc khỏe hơn. Tăng cường các nhóm thực phẩm như các loại hạt, sữa, hải sản, rau xanh hay trái cây
- Tránh xa đồ uống có cồn, chất kích thích, bỏ thuốc lá, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn có nhiều đạm, đồ ăn muối chua..
- Đảm bảo uống đủ 2- 2,5 lít nước mỗi ngày
- Ngủ đủ giấc, hạn chế việc lo lắng căng thẳng quá mức
Câu hỏi thường gặp
Bị đau đầu gối nhưng không sưng có nguy hiểm không?
Bất cứ tình trạng bất thường nào cũng có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nên tuyệt đối không được chủ quan. Bị đau đầu gối nhưng không sưng nếu liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm thì có thể dẫn tới khó khăn trong đi lại, sinh hoạt thường ngày. Cơn đau khiến người bệnh mất ngủ nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe toàn diện.
Trong một vài trường hợp nguy hiểm, các tổn thương trong khớp gối nếu không được kiểm soát kịp thời thậm chí có thể dẫn tới bại liệt, mất chức năng đi lại hay ảnh hưởng cả đến các cơ quan lân cận nên tuyệt đối không được chủ quan. Việc thay thế khớp trong các trường hợp cần thiết cũng tốn rất nhiều chi phí.
Nói chung, ngay khi thấy có dấu hiệu đau đầu gối dù cho không sưng tấy hay viêm đỏ thì bạn cũng nên thăm khám bác sĩ. Việc chưa sưng khớp gối trong một vài trường hợp có thể là dấu hiệu tích cực cho thấy mới chỉ là các tổn thương ở giai đoạn đầu nên vẫn có thể kiểm soát được.
Người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín có đầy đủ thiết bị cơ sở vật chất để được hỗ trợ điều trị và thăm khám tốt nhất. Bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm hình ảnh như MRI, CT, Xquang để nhìn rõ các tổn thương bên trong hoặc siêu âm, xét nghiệm máu.. Thông qua các triệu chứng bên ngoài bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết rồi mới đưa xa hướng điều trị cuối cùng.