Đau Nhức Cánh Tay

Cơ bản

Đau nhức cánh tay thường khởi phát sau khi cánh tay bị chấn thương, vận động quá mức, đôi khi là dấu hiệu của bệnh lý. Vì thế, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt. Nếu chủ quan trong việc điều trị, khả năng vận động của tay sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và có nguy cơ để lại biến chứng.

Định nghĩa

Đau nhức cánh tay là dấu hiệu cho thấy vùng cánh tay của bạn đang bị tổn thương. Chấn thương hoặc vận động quá mức là hai nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức cánh tay phổ biến nhất hiện nay. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về xương khớp, tim mạch,... Dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh mà mức độ nguy hiểm ở mỗi trường hợp sẽ có sự khác nhau.

Nguyên nhân

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau nhức cánh tay thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

  • Căng cơ, bong gân: Lạm dụng cánh tay quá mức sẽ khiến cơ gân dễ bị tổn thương và gây ra tình trạng căng cơ, bong gân. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng như đau nhức dữ dội, sưng tấy, bầm tím và co thắt cơ. Ở trường hợp này, bạn cần thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây ảnh hưởng đến chức năng của cánh tay.
  • Gãy xương: Cơn đau nhức vùng cánh tay sẽ khởi phát đột ngột nếu cánh tay bị chấn thương dẫn đến gãy xương. Đồng thời, vùng tổn thương còn có thêm các triệu chứng như bầm tím, sưng viêm, co thắt cơ,... Trường hợp gãy xương cần được điều trị y tế để chữa lành hoàn toàn, tránh để lại những tổn thương không mong muốn.
  • Trật khớp: Tình trạng đau nhức cánh tay cũng có thể xảy ra nếu như vùng khớp vai hoặc khớp cổ tay bị trật, khớp xương lệch ra khỏi ổ khớp. Trật khớp thường xảy ra sau chấn thương do té ngã hoặc vận động thể thao. Lúc này, vùng cánh tay bị ảnh hưởng sẽ có triệu chứng đau nhức và sưng viêm nghiêm trọng, điều này đã khiến người bệnh không thể thực hiện các vận động thông thường. Ở trường hợp này, bạn cần đến bệnh viện để được xử lý chuyên khoa giúp đưa khớp xương trở về đúng vị trí ban đầu.
  • Hội chứng Rotator cuff: Hội chứng này thường khởi phát ở những người có tính chất công việc phải thường xuyên lặp lại một động tác ở vùng cánh tay. Khi mắc phải hội chứng này người bệnh sẽ có triệu chứng đau âm ỉ hoặc đau buốt dữ dội ở vùng cánh tay. Khi nghi ngờ bản thân mắc phải hội chứng Rotator cuff, bạn cần đến bệnh viện để được hướng dẫn xử lý đúng cách.
  • Dây thần kinh bị chèn ép: Dây thần kinh bị chèn ép quá mức sẽ gây ra tình trạng đau buốt cánh tay, tê bì hoặc ngứa ran, đau nhói và yêu cơ. Tình trạng này thường xảy ra khi dây thần kinh phải chịu áp lực lớn từ hệ cơ, xương, cơ bắp hoặc gân,...

Khi bị đau nhức cánh tay kéo dài kèm theo triệu chứng bất thường, rất có thể đây là dấu hiệu của một số bệnh lý sau đây:

  • Viêm gân: Đây là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra tại gân cánh tay hoặc vai. Viêm gân thường khởi phát ở những người thường xuyên thực hiện các động tác lặp lại ở cánh tay như vận động viên quần vợt,...Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là đau buốt ở vùng cánh tay bị tổn thương, cơn đau có thể lan rộng đến vai, khuỷu tay hoặc cổ tay.
  • Hội chứng rối loạn cánh tay: Đây là thuật ngữ chuyên khoa dùng để chỉ tình trạng cánh tay bị bất động, mất khả năng thực hiện các vận động thông thường. Các triệu chứng đặc trưng của hội chứng này là đau buốt cánh tay, cứng cơ bắp, cơ bắp yếu và dễ tổn thương,...
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính xảy ra khi hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn, tự tạo ra kháng thể tấn công vào các khớp xương khỏe mạnh gây viêm. Khi bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến cánh tay sẽ gây ra các triệu chứng như khớp mềm và ấm, sưng khớp, cứng khớp, đau buốt cánh tay,...
  • Đau thắt ngực: Đau nhức cánh tay cũng có thể là dấu hiệu của bệnh đau thắt ngực. Bệnh lý này xảy ra khi tim không được cung cấp đủ oxy. Bạn có thể nhận biết bệnh lý này thông qua các triệu chứng đi kèm như tức ngực, khó thở, buồn nôn, chóng mặt,... Đau thắt ngực là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm, bạn cần thăm khám và điều trị đúng cách ngay từ sớm để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Đau tim: Đau tim xảy ra khi máu và oxy không thể lưu thông đến tim do tắc nghẽn, đây là bệnh lý nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời để tránh đe dọa đến tính mạng. Khi bị đau tim, người bệnh sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như đau buốt cánh tay, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, tức ngực,...

Chăm sóc tại nhà

Với những trường hợp bị đau nhức cánh tay do vận động quá mức hoặc chấn thương nhẹ, bạn có thể tự cải thiện tại nhà thông qua các mẹo đơn giản bên dưới đây:

  • Nên tránh các vận động cánh tay giúp khớp và các cơ quan tại đây được thư giãn và có thời gian phục hồi.
  • Tiến hành chườm lạnh lên vùng khớp bị sưng viêm khoảng 20 phút giúp đẩy lùi cơn đau nhức. Bạn có thể tiến hành chườm lạnh nhiều lần trong ngày mỗi khi cơn đau nhức tái phát.
  • Tiến hành nẹp vùng khớp bị tổn thương để hạn chế vận động, giảm áp lực lên khớp và mang lại hiệu quả giảm đau.
  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần đơn kê giúp giảm nhẹ triệu chứng đau nhức và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

Phương pháp chẩn đoán

Nếu nghi ngờ đau nhức cánh tay do tác động của bệnh lý hoặc do một số chấn thương trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, bạn cần đến bệnh viện thăm khám và xử lý kịp thời. Nhiều trường hợp chủ quan trong điều trị có thể đe dọa đến tính mạng. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán nguyên nhân gây đau nhức cánh tay cũng như tổn thương tại cơ quan này. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua các bước sau đây:

  • Hỏi người bệnh về tiền sử bệnh lý, chấn thương trước đó và các triệu chứng lâm sàng đang mắc phải.
  • Kiểm tra phạm vi chuyển động của cánh tay bằng cách nâng cánh tay và yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số động tác đơn giản. Cách này giúp bác sĩ có thể xác định được chính xác vị trí đau nhức và khoanh vùng nguyên nhân gây đau nhức.
  • Yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như chụp x-quang, chụp MRI, chụp CT, siêu âm, xét nghiệm máu,... Nếu nghi ngờ đau nhức cánh tay do vấn đề tim mạch, bác sĩ sẽ yêu cầu đo nhịp tim và lưu lượng máu tuần hoàn đến tim.

Sau khi đã có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân gây đau nhức cánh tay cũng như mức độ tổn thương tại cơ quan này. Sau đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cụ thể phù hợp với từng đối tượng.

Điều trị

Khi bị đau nhức cánh tay, người bệnh nên thực hiện điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chủ động có các biện pháp hỗ trợ cải thiện tại nhà giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Dưới đây là các phương pháp điều trị đau nhức cánh tay mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Điều trị y tế

Dựa vào mức độ đau nhức cũng như nguyên nhân gây ra bệnh mà phác đồ điều trị ở mỗi trường hợp sẽ có sự khác nhau. Ở những trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y giúp giảm nhẹ triệu chứng của bệnh. Với trường hợp nặng không đáp ứng điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phẫu thuật. Cụ thể là:

+ Dùng thuốc Tây y:

Dùng thuốc Tây y là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay do mang lại hiệu quả nhanh và khá tiện lợi. Khi dùng thuốc, bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh tác dụng phụ không mong muốn. Các loại thuốc thường được kê đơn là:

  • Thuốc giảm đau: Được sử dụng phổ biến nhất là Acetaminophen do ít tác dụng phụ. Thuốc mang lại hiệu quả tốt đối với những trường hợp đau nhẹ và trung bình. Tuy nhiên, loại thuốc này cần chống chỉ định với bệnh nhân bị suy gan, suy thận hoặc tiền sử nghiện rượu.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Thường được sử dụng là Aspirin, Diclofenac và Naproxen. Loại thuốc này được kê đơn điều trị nếu thuốc giảm đau thông thường không mang lại hiệu quả. Công dụng chính của nhóm thuốc này là giảm đau và giảm sưng viêm. Với những bệnh nhân mắc bệnh dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa thì nên cẩn trọng khi sử dụng loại thuốc trị bệnh này.
  • Thuốc Corticosteroid: Loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của hệ miễn dịch nên mang lại hiệu quả chống viêm mạnh. Vì thế, thuốc chỉ được sử dụng để điều trị ngắn hạn đối với những trường hợp đau nhức nặng nè. Nếu quá lạm dụng nhóm thuốc này sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

+ Phẫu thuật:

Phẫu thuật là phương pháp điều trị được áp dụng cuối cùng khi mà các phương pháp điều trị khác đều không mang lại hiệu quả tích cực. Thông thường, phẫu thuật điều trị bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện đối với những trường hợp sau đây:

  • Đau nhức cánh tay do đứt dây chằng hoặc gãy xương
  • Đau nhức cánh tay do viêm khớp dạng thấp gây biến dạng khớp nghiêm trọng, không đáp ứng điều trị bằng thuốc.

Sau khi phẫu thuật điều trị bệnh, người bệnh cần tiến hành vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để phục hồi lại chức năng khớp và khả năng vận động. Chú ý chăm sóc sức khỏe đúng cách sau phẫu thuật để đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương do bệnh gây ra.

Phòng ngừa

Đau nhức cánh tay rất dễ khởi phát do chấn thương hoặc vận động quá mức. Để phòng ngừa, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Khởi động trước khi tập luyện để bôi trơn khớp và tránh các chấn thương không mong muốn. Cần cẩn trọng khi chơi các bộ môn thể thao có cường độ mạnh.
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ khi chơi thể thao, nâng vác vật nặng đúng cách, hoạt động đúng tư thế và đúng kỹ thuật,...
  • Nên duy trì cân nặng ở mức vừa phải, thừa cân béo phì sẽ khiến xương khớp phải chịu áp lực lớn và tạo cơ hội cho tình trạng đau nhức khởi phát.
  • Hạn chế dùng tay nâng vật nặng, để đảm bảo an toàn bạn nên sử dụng thêm dụng cụ hỗ trợ để tránh gây áp lực không tốt lên xương khớp.
  • Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn sớm phát hiện triệu chứng bất thường và có các biện pháp can thiệp đúng cách ngay từ sớm.

Đau nhức cánh tay khiến bạn gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài, bạn cần nhanh chóng thăm khám và điều trị chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Ở những trường hợp đau nhức cánh tay do chấn thương hoặc bệnh lý, nếu chủ quan trong việc điều trị sẽ để lại nhiều biến chứng không mong muốn.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android