Trẻ Bị Đau Xương Ống Chân

Cơ bản

Trẻ bị đau xương ống chân do nhiều nguyên nhân khác nhau như chạy nhảy nhiều, phát triển quá nhanh, ăn uống thiếu chất. Đôi khi, đây còn là dấu hiệu cảnh báo con bạn đang mắc bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị sớm.

Định nghĩa

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đau xương ống chân. Phổ biến nhất là tình trạng đau nhức xương tăng trưởng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là hậu quả của việc vận động sai cách hoặc là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng.

Nguyên nhân

Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng đau xương ống chân ở trẻ em:

 Do thói quen sinh hoạt, vận động xấu:

  • Chạy nhảy, đi lại nhiều
  • Thường xuyên bưng bê vật nặng hoặc làm những công việc quá sức, không phù hợp với lứa tuổi.
  • Nằm ngủ không đúng tư thế, ít thay đổi tư thế trong lúc ngủ khiến máu lưu thông kém và làm tăng áp lực lên xương ống chân ở một hoặc hai bên.
  • Ít vận động, đứng lâu một chỗ
  • Ngồi xổm trong một khoảng thời gian dài.
  • Không khởi động kỹ trước khi chơi thể thao hoặc tập thể dục.
  • Tham gia các bộ môn vận động mạnh, dùng sức ở xương ống chân nhiều, chẳng hạn như đá banh.

– Đau nhức xương tăng trưởng:

Đây là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị đau nhức xương ống chân. Chứng đau nhức xương tăng trưởng thường gặp ở các bé phát triển quá nhanh và có thể tự khỏi ở tuổi thiếu niên mà không cần phải điều trị.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Đau xương ống chân, cơ đùi, vùng bắp chân hay phía sau của đầu gối. Cảm giác đau có thể xảy ra ở cả hai chân.
  • Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng, thường xuất hiện vào ban đêm và có thể hết vào buổi sáng.
  • Thường xuyên bị chuột rút cơ bắp ở chân.
  • Trẻ bị đau xương ống chân có tính chất chu kỳ, thường kéo dài trong vài ngày rồi biến mất và lặp lại sau một khoảng thời gian.
  • Các triệu chứng khác có thể gặp: Nhức đầu, đau bụng,…

– Bệnh lupus ban đỏ hệ thống:

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý xảy ra do hệ thống miễn dịch bị tối loạn và gây tổn thương cho hầu hết các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả xương khớp.

Ngoài triệu chứng đau nhức xương ống chân, trẻ bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống còn gặp nhiều dấu hiệu bất thường khác như:

  • Thường xuyên mệt mỏi dù đã được nghỉ ngơi
  • Các khớp sưng viêm, đau nhức, cứng và khó cử động
  • Nổi phát ban ngoài da, nhất là trên mặt, khu vực xung quanh mũi.
  • Rụng tóc nhiều
  • Nóng sốt.

 Bệnh gout: 

Bệnh gout thường xảy ra ở người lớn nhưng trẻ nhỏ cũng có thể mắc căn bệnh này. Nguyên nhân gây gout ở trẻ em là do rối loạn chuyển hóa, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, ít vận động, di truyền, sử dụng thuốc làm tăng axit uric trong máu hoặc do suy thận…

Khi bị gout, các khớp xương thường có biểu hiện sưng đau đột ngột. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là mắt cá chân, khớp ngón chân cái, khớp đầu gối. Cơn đau thường dữ dội và có thể lan tỏa đến xương ống chân của trẻ khiến bé có cảm giác đau nhức, khó chịu.

Các triệu chứng khác trẻ có thể gặp khi bị gout bao gồm:

  • Nóng đỏ khớp
  • Giới hạn phạm vi vận động của khớp
  • Khó khăn khi đi lại hoặc cầm nắm đồ vật
  • Nổi cục tophi ở khớp bị ảnh hưởng
  • Trẻ mệt mỏi
  • Có thể sốt

 Viêm khớp tự phát thiếu niên:

Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên có thể gây sưng đau cho một hay nhiều khớp trên cơ thể trẻ. Một số bé còn bị đau nhức xương ống chân, xương kém phát triển, yếu cơ bắp và giảm khả năng vận động.

Nếu không được điều trị tốt, bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, hủy hoại khớp không phục hồi và khiến trẻ bị tàn tật vĩnh viễn. Do đó, trẻ cần được chẩn đoán và điều trị sớm ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ.

– Bệnh bạch cầu:

Bệnh bạch cầu là một căn bệnh ung thư máu thường bắt đầu phát triển từ bên trong tủy xương. Đây là bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em.

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu ở trẻ:

  • Đau nhức xương ống chân hay đau nhức xương khớp toàn thân
  • Thiếu máu
  • Dễ bị chảy máu
  • Bầm tím da
  • Nhiễm trùng
  • Sốt thường xuyên hoặc kéo dài dai dẳng
  • Đau bụng
  • Khó thở
  • Sưng các hạch bạch huyết.

– Bệnh lyme:

Một số trẻ bị đau xương ống chân do bệnh lyme. Căn bệnh này khởi phát khi trẻ bị bọ ve mang theo vi khuẩn Borrelia burgdorferi cắn và lây truyền qua da.

Các dấu hiệu khác của bệnh lyme:

  • Nổi phát ban hình tròn ở khu vực xung quanh vết cắn, còn được gọi là phát ban mắt bò.
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Ớn lạnh
  • Đau khớp hoặc đau cơ
  • Liệt mặt.

– Ung thư xương: 

Nếu trẻ bị đau nhức trong xương ống chân kéo dài, cha mẹ cũng nên thận trọng với bệnh ung thư xương. Đây là một bệnh lý ác tính thường gặp ở trẻ em từ 10 – 14 tuổi đang trong giai đoạn phát triển mạnh.

Trong hầu hết các trường hợp, khối u thường phát triển ở phần cuối của các xương dài như xương đầu gối, xương cánh tay gần khớp vai. Khi ảnh hưởng đến xương đầu gối, bệnh thường gây đau nhức xương ống chân, đau đầu gối. Cơn đau tăng dần, có tính chất liên tục và có thể lan tỏa sang khu vực lân cận.

Một số dấu hiệu khác của ung thư xương ở trẻ em:

  • Xương dễ gãy
  • Mệt mỏi
  • Sốt nhẹ
  • Sờ thấy hạch cứng
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.

– Viêm khớp gối:

Bệnh viêm khớp gối ở trẻ em thường xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc chấn thương. Bệnh khiến trẻ bị sưng đỏ khớp gối, sốt, mệt mỏi, chán ăn, đi lại khó khăn kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu trong khớp. Trường hợp bị viêm nặng, cơn đau từ đầu gối có thể lan tỏa xuống cả bắp chân và xương ống chân của trẻ.

– Các nguyên nhân khác:

Không phải trường hợp nào trẻ bị đau xương ống chân cũng là bệnh lý. Đôi khi, cơn đau còn xuất phát từ những nguyên nhân khác như:

  • Ăn uống thiếu chất, đặc biệt là canxi và vitamin D
  • Chấn thương
  • Béo phì
  • Thay đổi thời tiết.

Chăm sóc tại nhà

  • Sử dụng các loại kem bôi hay thuốc mỡ giảm đau tại chỗ cho bé. Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn theo đường uống như Paracetamol, Ibuprofen cũng có thể giúp bé xoa dịu cơn đau xương ống chân ở mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Để trẻ nghỉ ngơi nhiều, hạn chế đi lại khi đang bị đau nhiều. Việc nghỉ ngơi có thể giúp xương khớp được thư giãn và tăng tốc độ chữa lành tổn thương bên trong.
  • Chườm ấm ở cẳng chân bé mỗi ngày vài lần hoặc tắm cho trẻ bằng nước ấm có tác dụng giảm co cơ, thư giãn thần kinh và kích thích lưu thông máu đưa các dưỡng chất đến nuôi dưỡng vùng bị đau.
  • Mang nẹp cố định xương ống chân.
  • Chườm lạnh giảm đau, giảm sưng viêm khi mới bị chấn thương.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng bên ngoài khu vực xương ống để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng sau khi đã hết đau để tránh bị teo cơ. Tạo thói quen tập thể dục hàng ngày cho bé để kiểm soát cân nặng và giúp xương khớp phát triển ổn định hơn.
  • Xây dựng kế hoạch giảm cân khoa học cho trẻ bị béo phì. Trọng lượng cơ thể giảm sẽ giúp hạn chế được áp lực lên xương ống chân của bé, giúp xương bớt đau nhức.

Câu hỏi thường gặp

Trẻ bị đau xương ống chân có nguy hiểm không?

Tình trạng đau xương ống chân của trẻ chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân như đau xương tăng trưởng, chạy nhảy nhiều và thường không gây nguy hiểm. Cơn đau có thể nhanh chóng thuyên giảm sau vài ngày khi bé được nghỉ ngơi đầy đủ và chăm sóc đúng cách.

Tuy nhiên, tình trạng đau xương ống chân ở trẻ nếu kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Trẻ cần được thăm khám và điều trị kịp thời để bảo tồn chức năng vận động và tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Bạn nên đưa bé tới bệnh viện khám trong những trường hợp sau:

  • Trẻ bị đau nhức trong xương ống chân kéo dài quá 3 ngày
  • Cơn đau có tính chất dữ dội hoặc ngày càng tăng nặng.
  • Đau xương kèm theo sưng viêm khớp hoặc giảm nhiều cân nặng không rõ lý do.
  • Cơn đau ở xương ống chân kéo dài liên tục 24 giờ không dứt.
  • Đau xương ống chân sau khi té ngã hoặc gặp tai nạn
  • Trẻ đi lại khó khăn.

Chẩn đoán

Để đưa ra chẩn đoán chính xác về nguyên nhân gây đau xương ống chân ở trẻ em, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ trao đổi với phụ huynh về tình trạng bé đang gặp phải, tiền sử mắc bệnh hay thói quen ăn uống, sinh hoạt thường ngày của bé. Sau đó, nhân viên y tế tiến hành thăm khám, quan sát bên ngoài vùng bị đau và khu vực lân cận để tìm kiếm dấu hiệu liên quan.

Nếu nghi ngờ trẻ bị đau xương ống chân do bệnh lý hay chấn thương, bác sĩ có thể đề nghị cho bé chụp X-quang, xét nghiệm máu hay chụp MRI nhằm chẩn đoán xác định nguyên nhân gây đau.

Điều trị

Nếu các biện pháp giảm đau tại nhà không mang lại hiệu quả, trẻ cần được điều trị bằng y tế. Phương pháp chữa trị cho trẻ bị đau xương ống chân chủ yếu là dùng thuốc.

ác loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn để điều trị đau xương ống chân cho trẻ bao gồm:

  • Thuốc giảm đau thông thường có tác dụng giảm cơn đau nhẹ và vừa.
  • Thuốc kháng viêm không steroid giúp ức chế phản ứng viêm, giảm đau.
  • Thuốc giãn cơ, giảm co thắt cơ
  • Thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng
  • Thuốc giảm đau thần kinh
  • Thuốc bổ sung các vitamin và khoáng chất trẻ bị thiếu hụt.

Đôi khi, trẻ có thể được tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng vận động và hỗ trợ giảm đau, nâng cao hiệu quả của thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được với các phương pháp trên, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cho bé. Ca mổ được tiến hành nhằm mục đích điều trị các chấn thương (gãy xương, rách dây chằng) hoặc cắt bỏ khối u… tùy theo nguyên nhân khiến trẻ bị đau xương ống chân.

Chuyên sâu

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android