Vitamin D Là Gì? Công Dụng và Thông Tin Cần Biết

Vitamin D là một loại vitamin thiết yếu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như làm tăng khả năng hấp thụ canxi, chống còi xương, cải thiện hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc ung thư. Bạn có thể bổ sung loại vitamin này thông qua chế độ ăn hàng ngày, tắm nắng hoặc viên uống. Tuy nhiên, cần sử dụng vitamin D với liều lượng hợp lý bởi việc dư thừa vitamin có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ cho cơ thể.

Vitamin D là gì?

Vitamin D (calciferol) là một trong những loại vitamin thiết yếu cho cơ thể, được tạo thành bởi một nhóm các seco-sterol có khả năng tan trong chất béo. Loại vitamin này chủ yếu được quang hợp trong da của các loại động vật có xương sống khi tiếp xúc với bức xạ B từ tia tử ngoại. Vitamin D cũng có thể được tìm thấy trong thực phẩm tự nhiên nhưng với lượng không đáng kể.

Vitamin D là gì?
Vitamin D là một dưỡng chất có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe

Cấu trúc của vitamin D

Vitamin D có nhiều cấu trúc khác nhau. Tuy nhiên, vitamin D2 và vitamin D3 là hai cấu trúc sinh lý chính. Về mặt giá trị dinh dưỡng, chúng có giá trị tương tự nhau. 

  • Vitamin D2 (ergocalciferol): Dạng vitamin này có nguồn gốc từ các loại nấm men, sterol thực vật hay ergosterol.
  • Vitamin D3: Do 7-dehydrocholesterol ở da tổng hợp thành.

Công dụng của vitamin D

Vitamin D có tác dụng gì? Rất nhiều người được khuyến cáo nên bổ sung vitamin D mà chưa thực sự hiểu rõ về công dụng của loại vitamin này.

Vitamin D giữ nhiều vai trò quan trọng với cơ thể. Khi được hấp thụ, dưỡng chất này sẽ phát huy các tác dụng sau:

  • Giúp cơ thể hấp thụ canxi và phospho nhiều hơn, từ đó tham gia vào quá trình xây dựng cấu trúc xương, giúp xương khớp phát triển cứng cáp, khỏe mạnh hơn. Tại xương, vitamin D kết hợp cùng với hormone tuyến cận giáp PTH cũng thúc đẩy quá trình chuyển hóa canxi và phospho. Điều này có thể giúp làm tăng sự lắng đọng các tinh thể canxi tại xương, cải thiện mật độ xương. Ngoài ra, vitamin D cũng đóng vai trò là chất điều hòa, giúp làm cân bằng nội mô của canxi và phốt pho trong cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ vitamin D sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị chấn thương, nứt gãy xương, loãng xương hay thoái hóa khớp.
  • Xây dựng hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn khi bị virus, vi khuẩn tấn công.
  • Phân chia tế bào
  • Bài tiết và chuyển hóa một số loại hormone trong cơ thể. Bao gồm insulin cùng với hormon tuyến cận giáp (PTH).
  • Nhiều nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra, vitamin D có thể tác động đến sự biệt hóa của các tế bào gây ung thư ở da, xương hay vú. Những người được bổ sung đầy đủ vitamin D ít có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư đại tràng hay ung thư tuyến tiền liệt so với người bị thiếu chất này.
công dụng của vitamin D
Vitamin D có công dụng tăng cường khả năng hấp thụ canxi, giúp xương khớp chắc khỏe hơn

Thiếu vitamin D có sao không?

Vitamin D có thể bị thiếu hụt do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đầy đủ nhu cầu vitamin D hàng ngày theo đúng khuyến nghị. Nguyên nhân này thường xảy ra ở những người ăn chay trường do hầu hết các thực phẩm chứa vitamin D đều bị bỏ qua trong chế độ ăn.
  • Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên da không thể tổng hợp được vitamin D
  • Sở hữu làn da tối màu cũng có thể làm bạn giảm năng tạo vitamin D ở da.
  • Do bị suy giảm chức năng thận, vitamin D trong cơ thể không được thận chuyển đổi thành dạng hoạt động.
  • Có thói quen sử dụng kem chống nắng thường xuyên ngay cả khi chỉ ở trong nhà làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
  • Điều trị bằng thuốc chống động kinh trong thời gian dài
  • Dị ứng sữa hoặc bất dung nạp đường sữa
  • Có vấn đề ở đường tiêu hóa như mắc bệnh crohn, bệnh Celiac, từ đó làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D tại ruột.
  • Từng phẫu thuật cắt dạ dày nên khả năng hấp thụ vitamin D kém.
  • Lớn tuổi, nhất là các đối tượng tuổi ngoài 50 trở đi. Lúc này, các chức năng trong cơ thể đều bị suy giảm, nhất là khả năng hấp thụ và chuyển hóa vitamin D.
  • Béo phì làm giảm sự giải phóng của vitamin D vào tuần hoàn. Đây chính là lý do mà những đối tượng có chỉ số khối cơ thể trên 30 thường có lượng vitamin D máu thấp hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh.

Do có nhiều chức năng quan trọng với cơ thể nên việc thiếu vitamin D có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Bao gồm: 

  • Giảm khả năng miễn dịch dẫn đến thường xuyên bị nhiễm trùng, ốm vặt , nhất là các bệnh lý ở đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm.
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Đau lưng, đau ở xương sườn, xương chân hay đau nhức khớp. Trẻ em bị thiếu vitamin D có thể bị còi xương, chậm phát triển về chiều cao. Trong khi đó, người trưởng thành cũng có nguy cơ bị mất xương gãy xương, loãng xương, thoái hóa khớp hay thoái hóa cột sống sớm khi không cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể.
  • Dễ bị trầm cảm
  • Lâu lành vết thương
  • Làm tăng nguy cơ bị tiểu đường type 1 hoặc các căn bệnh ung thư nguy hiểm. Chẳng hạn như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư bạch huyết, ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư buồng trứng.

Ứng dụng vitamin D trong điều trị bệnh

Vitamin D có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị các vấn đề sức khỏe như:

  • Hạ phosphate huyết
  • Hội chứng Fanconi
  • Hạ canxi ở người bị suy tuyến cận giáp hoặc giả suy cận giáp
  • Bệnh vảy nến
  • Nhuyễn xương
  • Loãng xương
  • Còi xương
  • Loạn dưỡng xương do thận
  • Các bệnh tự miễn dịch
  • Ung thư.

Bổ sung vitamin D bằng cách nào?

Nguồn vitamin D nạp vào cơ thể thông qua nhiều con đường như chế độ ăn hàng ngày, tắm nắng hay dùng viên uống bổ sung. 

Bổ sung vitamin D bằng cách nào?
Vitamin D có thể được bổ sung thông qua các thực phẩm bạn ăn hàng ngày, tắm nắng hoặc dùng viên uống

– Bổ sung vitamin D qua chế độ ăn:

Vitamin D được bổ sung chủ yếu thông qua nguồn thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Vậy vitamin D có trong thực phẩm nào

Bạn nên thường xuyên sử dụng các thực phẩm dưới đây để đáp ứng một phần nhu cầu vitamin D trong ngày của cơ thể:

  • Các loại cá béo: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá tuyết, cá trích…
  • Dầu gan cá
  • Các loại ngũ cốc
  • Gan bò hay gan của các loại động vật khác
  • Trứng, nhất là lòng đỏ trứng
  • Bột mì
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Bánh quy
  • Dầu ăn
  • Yến mạch
  • Các loại nấm
  • Nước cam ép
  • Tôm
  • Đậu nành
  • Trứng cá muối
  • Phô mai
  • Hàu
  • Sữa chua
  • Bơ thực vật…

Khi được hấp thụ vào cơ thể, vitamin D hòa tan trong chất béo. Chính vì vậy, khi chế biến hay sử dụng các thực phẩm trên, bạn nên dùng kèm với một ít chất béo để chuyển hóa vitamin D tốt hơn.

Tắm nắng:

Tắm nắng cũng là một cách bổ sung vitamin D nhanh chóng và an toàn cho cơ thể. Thói quen này được thực hiện đúng cách có thể cung cấp đến 90-95% tổng nhu cầu vitamin D cần thiết trong ngày.

Thời điểm tắm nắng lý tưởng nhất là vào buổi sáng trước lúc 8 giờ và trong thời gian từ 4 – 5 giờ chiều. Mỗi lần bạn nên phơi nắng khoảng 15 – 20 phút. Khi tắm nắng cần để lộ da để da được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, cần đội mũ và đeo kính râm để bảo vệ cho cùng đầu và mắt, nhất là khi có nắng to. Không sử dụng kem dưỡng da hay kem chống nắng trong thời gian tắm nắng.

– Bổ sung vitamin D qua viên uống, thực phẩm chức năng:

Vitamin D có thể được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén hay dung dung uống. Bạn có thể cân nhắc sử dụng các thực phẩm này để bổ sung thêm lượng vitamin D còn thiếu nếu chế độ ăn hàng ngày hay tắm nắng không cung cấp đủ nhu cầu cần thiết cho cơ thể.

Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để được hướng dẫn liều dùng vitamin D phù hợp. Việc bổ sung vitamin D bừa bãi có thể gây nhiều tác dụng phụ có hại cho cơ thể.

Liều dùng vitamin D và thời gian sử dụng

Nhu cầu vitamin D trong ngày khác nhau ở từng lứa tuổi, đối tượng và tình trạng sức khỏe. Dưới đây là liệu lượng vitamin D được khuyến nghị:

– Trẻ em:

  • Trẻ 0 – 12 tháng tuổi: 400 IU/ngày
  • Trẻ từ 1 – dưới 18 tuổi: 600 IU/ngày
  • Trẻ bị còi xương: 5000-10000 IU/ngày. Dùng trong 2 – 3 tháng liên tục

Người lớn: 

  • Từ 18 – 70 tuổi: 600 U/ngày
  • Trên 70 tuổi: 800 IU/ngày
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: 600 IU/ngày
  • Người đang bị thiếu vitamin D: Mỗi tuần dùng 50.000 IU. Thời gian uống bổ sung kéo dài từ 6 – 12 tuần
  • Người lớn tuổi có nguy cơ bị loãng xương cao, muốn ngăn ngừa loãng xương: Ngày dùng 400-1000 IU vitamin D3 trong thời gian tối đa 36 tháng. Kết hợp bổ sung thêm 500-1200 mg để tăng hiệu quả.
  • Bệnh nhân điều trị bằng corticosteroid kéo dài: Ngày dùng 0,25-1,0 mcg vitamin D dạng calcitriol hoặc alfacalcidol để ngăn ngừa mất xương. Thời gian sử dụng từ 6 – 36 tháng.
  • Bệnh nhân bị suy tim: Dùng vitamin D dạng cholecalciferol với liều lượng 800 IU/ngày trong 3 năm. Phụ nữ sau mãn kinh dùng vitamin D dạng cholecalciferol liều 400 IU/ngày kết hợp với 1000mg canxi/ngày.
  • Người bị mất xương do cường tuyến giáp: Ngày dùng 800 IU vitamin D3 trong 3 tháng.
  • Bệnh nhân mắc chứng đa xơ cứng: 400 IU/ngày.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng đường thở: Dùng 300-4000 IU vitamin D3 trong thời gian từ 7 tuần – 13 tháng.
  • Phòng ngừa mất răng cho người cao tuổi: Ngày dùng 700 IU vitamin D3 kết hợp với 500mg canxi/ngày. Thời gian uống bổ sung là 3 năm.

Liều dùng vitamin D
Vitamin D cần được bổ sung đúng liều để tránh gây tác dụng phụ cho cơ thể

 Tác dụng phụ của vitamin D khi bổ sung quá liều

Thiếu hay thừa vitamin D đều không tốt cho cơ thể. Trong trường hợp bổ sung vitamin D quá liều, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn hoặc ói mửa
  • Sụt giảm cân nặng
  • Chán ăn, ăn uống kém
  • Táo bón kéo dài, khó đi ngoài
  • Yếu trong người
  • Lú lẫn, khả năng ghi nhớ kém
  • Mất phân biệt được phương hướng
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tổn thương thận hoặc suy giảm chức năng thận.

Tương tác giữa vitamin D với thuốc

Vitamin D có thể tương tác với một số thuốc điều trị bệnh khi được sử dụng cùng lúc. Bạn nên tránh dùng loại vitamin này chung với các thuốc sau:

  • Thuốc chứa nhôm: Vitamin D có thể làm gia tăng nồng độ nhôm có hại cho bệnh nhân bị suy thận khi dùng chung với chất kết dính phốt phát chứa nhôm.
  • Thuốc điều trị co giật: Chẳng hạn như Phenobarbital , Dilantin hay Phenytek. Chúng có thể đẩy mạnh quá trình phân hủy vitamin D và làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
  • Thuốc điều trị cholesterol Atorvastatin (Lipitor): Khi được dùng chung với vitamin D, hiệu quả của thuốc có thể giảm.
  • Thuốc chữa bệnh vảy nến Calcipotriene (Dovonex): Nồng độ canxi trong máu có thể tăng khi dùng vitamin D chung với Calcipotriene .
  • Thuốc giảm cân Cholestyramine (Prevalite): Loại thuốc này có thể ngăn cản cơ thể hấp thụ vitamin D.
  • Thuốc điều trị bệnh tim Digoxin (Lanoxin): Tránh dùng chung với vitamin D liều cao bởi chúng có thể tương tác làm tăng canxi huyết và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thậm chí là tử vong.
  • Thuốc điều trị huyết áp: Chẳng hạn như Cardizem hay Tiazac. Hiệu lực của thuốc có thể giảm hoặc tăng canxi máu khi dùng chung với canxi liều cao.
  • Thuốc Orlistat: Làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D.
  • Thuốc lợi tiểu Thiazide: Loại thuốc này thường được bác sĩ kê đơn cho người bị cao huyết áp. Sử dụng Thiazide gần thời điểm uống vitamin D có thể gây thất thoát nhiều canxi qua nước tiểu hoặc làm tăng nồng độ canxi trong máu.
  • Thuốc kháng viêm Steroid: Ngăn chặn quá trình chuyển hóa vitamin D trong cơ thể và làm giảm khả năng hấp thụ canxi.
  • Thuốc Verapamil: Dùng chung với vitamin D liều cao gây tăng canxi huyết và khiến hiệu quả của thuốc giảm bớt.
 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android