Vitamin D3 (cholecalciferol-D3) Là Gì? Công Dụng và Lưu Ý
Vitamin D3 (hay cholecalciferol) là cấu trúc sinh lý chính của vitamin D. Loại vitamin này có công dụng tăng cường hấp thụ canxi, phốt pho giúp xương khớp chắc khỏe và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Ngoài các chế phẩm bổ sung, vitamin D3 còn được dung nạp thông qua nguồn thực phẩm hoặc tắm nắng.
Vitamin D3 (cholecalciferol-D3) là gì?
Vitamin D3 là một dạng cấu trúc của vitamin D được biết đến với tên gọi khác là cholecalciferol . Loại vitamin này có khả năng tan trong dầu và đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ canxi và phốt pho của cơ thể, đảm bảo cho khung xương phát triển khỏe mạnh.
Lượng vitamin D3 được dung nạp vào cơ thể chủ yếu thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc qua chế độ ăn uống. Đôi khi, bạn có thể được chỉ định bổ sung vitamin D3 dưới dạng viên uống để ngăn ngừa và điều trị các chứng thiếu vitamin D, còi xương, loãng xương hay suy cận giáp…
Công dụng của vitamin D3
Vitamin D3 có nhiều tác dụng đối với cơ thể, đặc biệt là sức khỏe xương khớp. Cụ thể như sau:
– Làm tăng mật độ xương, giảm nguy cơ mắc bệnh về xương khớp
Khi được dung nạp, vitamin D3 hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả hơn. Điều này làm mật độ xương, giúp xương khớp chắc khỏe hơn. Cơ thể được bổ sung đầy đủ vitamin D3 sẽ giúp trẻ bị còi xương chậm lớn phát triển chiều cao tốt, đồng thời ngăn ngừa bệnh loãng xương cho người lớn.
– Cải thiện tình trạng hạ canxi và phốt pho trong máu:
Ngoài việc tăng cường hấp thụ canxi, vitamin D3 còn giúp làm tăng lượng phốt pho trong cơ thể, đảm bảo các vật liệu cần thiết đủ cho quá trình tái tạo xương. Chính vì vậy mà vitamin D3 có thể được bác sĩ kê đơn kết hợp với một số loại thuốc khác để điều trị cho bệnh nhân bị hạ canxi hoặc hạ phốt pho trong máu.
– Hỗ trợ điều trị các bệnh ở tuyến giáp
Một số vấn đề ở tuyến giáp có thể làm giảm nồng độ canxi và phốt pho trong máu, chẳng hạn như suy cận giáp hay bệnh giả suy cận giáp. Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng vitamin D3 để ngăn ngừa tình trạng mất xương ở những bệnh nhân này.
Đôi khi, vitamin D3 còn được khuyến cáo sử dụng cho người mắc bệnh thận hoặc các đối tượng sử dụng thuốc lợi tiểu kéo dài. Loại vitamin này sẽ giúp tăng cường hấp thụ canxi để bù đắp lại lượng đã mất, đảm bảo cho khung xương phát triển khỏe mạnh.
– Cải thiện năng lượng cho cơ thể
Một số bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi được xác định là thiếu vitamin D. Tiến hành thử nghiệm lâm sàng cho thấy, sau khi được bổ sung vitamin D3, nồng độ vitamin D trong máu ở những bệnh nhân này đã tăng đáng kể, giúp người bệnh bớt cảm giác mệt mỏi.
Theo giải thích của các nhà khoa học, hiệu ứng vitamin D ở cấp độ tế bào có thể thúc đẩy quá trình phosphoryl oxy hóa của các ty thể trong cơ và trong xương, giúp bệnh nhân bớt giảm đau mỏi cơ.
– Ngăn ngừa đau tim, đột quỵ
Nghiên cứu phát hiện, nồng độ vitamin D trong máu ở những người bị béo phì, cao huyết áp thường thấp hơn so với người khỏe mạnh. Việc tăng cường bổ sung vitamin D3 có thể giúp ổn định huyết áp và giảm thiểu nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cho những đối tượng này.
– Tăng cường hệ thống miễn dịch
Đây cũng là một trong những tác dụng của vitamin D3 với sức khỏe không phải ai cũng biết. Loại vitamin này có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng cho cơ thể, nhất là các chứng viêm đường hô hấp cấp tính như như viêm họng, viêm phổi, viêm xoang…
– Cải thiện tâm trạng:
Tình trạng thiếu hụt vitamin D3 thường xảy ra ở những bệnh nhân bị trầm cảm. Qua nghiên cứu, theo dõi tác động của vitamin D3 với não bộ của những bệnh nhân này cho thấy việc tăng lượng vitamin bổ sung có thể giúp giảm nhẹ các dấu hiệu của trầm cảm.
Nhờ vào tác dụng cải thiện tâm trạng cho người bệnh, vitamin D3 thường được kê đơn cùng với các loại thuốc khác để điều trị trầm cảm.
– Hỗ trợ kiểm soát trọng lượng cơ thể
Phụ nữ sau tuổi mãn kinh được đáp ứng đầy đủ nhu cầu vitamin D3 hàng ngày thường có trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và vòng eo cân đối hơn.
Các vấn đề có thể gặp phải khi thiếu vitamin D3
Một cá nhân có thể bị thiếu vitamin D3 do ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thường xuyên bôi kem chống nắng hoặc mặc đồ bảo hộ kín mít khi đi ra ngoài. Bên cạnh đó, những đối tượng có làn da tối màu, ăn chay trường, tuổi tác cao, từng phẫu thuật cắt dạ dày, bị béo phì hoặc mắc bệnh đường ruột cũng có nguy cơ bị thiếu vitamin D3 cao.
Việc thiếu vitamin D3 có thể dẫn đến một số vấn đề bất thường về sức khỏe như:
- Mệt mỏi thường xuyên
- Yếu cơ
- Đau nhức xương khớp
- Mất xương, xương yếu và dễ gãy khi gặp tác động mạnh
- Rụng tóc
- Lo âu, trầm cảm
- Tăng huyết áp
- Tăng nặng các triệu chứng của bệnh chàm, viêm khớp, thoái hóa khớp
Để ngăn ngừa các vấn đề trên và luôn duy trì được sức khỏe tốt nhất, bạn nên chú trọng bổ sung đầy đủ vitamin D3 cho cơ thể. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thiếu vitamin D3, hãy tới gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn cách xử lý.
Cách bổ sung vitamin D3
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời chính là con đường bổ sung vitamin D3 nhanh nhất cho cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng viên uống hay các thực phẩm có chứa loại vitamin này.
Dưới đây là những cách bổ sung vitamin D3 cho cơ thể:
1. Tắm nắng
Tắm nắng có thể bổ sung một lượng lớn vitamin D3 cho cơ thể. Các tế bào thụ thể vitamin D trong da sẽ được kích hoạt và tổng hợp nhiều vitamin D3 dưới sự tác động của tia cực tím B có trong ánh nắng mặt trời.
Để tăng lượng vitamin D3 trong cơ thể một cách tự nhiên, bạn nên duy trì thói quen tắm nắng thường xuyên. Dành thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày từ 10 – 15 phút.
Thời điểm tắm nắng để bổ sung vitamin D3 tốt nhất là trước 9 giờ sáng và sau 16 giờ chiều. Lúc này, cường độ tia cực tím không cao nên sẽ tránh được tình trạng bị cháy nắng, tổn thương da hoặc ung thư da.
Khi tắm nắng, bạn nên cố gắng để lộ diện tích da càng nhiều càng tốt. Nếu nắng nhẹ thì không cần mang nón hay đeo mắt kính. Tránh thoa kem chống nắng hay mặc quần áo kín mít trong quá trình tắm nắng làm giảm khả năng tiếp xúc của da với tia UVB.
2. Bổ sung vitamin D3 qua thực phẩm
Thường xuyên ăn các thực phẩm giàu vitamin D3 cũng giúp cung cấp được nhu cầu trong ngày của cơ thể. Loại vitamin này được tìm thấy nhiều nhất trong các thực phẩm sau:
- Các loại cá: Cá hồi, cá thu, cá chim lớn, cá ngừ, cá tuyết…
- Dầu gan cá
- Gan động vật, nhất là gan bò
- Bơ thực vật
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Lòng đỏ trứng
- Các loại nấm
- Hạt hạnh nhân
- Bột yến mạch
- Đậu nành và các chế phẩm như sữa đậu nành, đậu hũ, đậu phụ
- Đậu Hà Lan.
Cần lưu ý rằng, chế độ ăn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vitamin D3 trong ngày của cơ thể. Cần cân đối với các nguồn bổ sung khác để không bị thiếu vitamin.
3. Các chế phẩm bổ sung vitamin D3
Một số đối tượng được chỉ định bổ sung vitamin D3 thông qua các chế phẩm như dung dịch, viên nén, viên nhai hay viên nang cứng… Đây là cách làm tăng nồng độ vitamin D3 hiệu quả và nhanh nhất cho cơ thể.
Liều dùng vitamin D3
+ Ở người trưởng thành:
- Trường hợp chế độ ăn uống và tắm nắng không đáp ứng đủ vitamin D3: Ngày uống 400-1000 IU/lần
- Thiếu vitamin D3: Uống 1000 IU/lần/ngày
- Phòng ngừa chứng té ngã: Ngày uống 800 IU. Kết hợp dùng chung với canxi theo hướng dẫn của bác sĩ để xương chắc khỏe hơn.
- Phòng ngừa gãy xương cho người cao tuổi: Bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên có thể dùng 100.000 IU mỗi 4 tháng.
+ Liều dùng vitamin D3 ở trẻ em:
- Liều dùng chung cho trẻ sơ sinh, trẻ em khỏe mạnh: 200 IU/lần/ngày.
- Trẻ sinh non, thiếu tháng: Uống 400- 800 IU/lần/ngày hoặc 150-400 IU/kg/ngày.
- Trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ một phần hoặc hoàn toàn: Trong vài ngày đầu mới sinh uống 400 IU/lần/ngày. Sau đó duy trì uống với liều lớn hơn hoặc bằng 1000 ml/ngày cho đến khi trẻ được cai sữa.
- Trẻ sơ sinh và trẻ đã ăn: Uống 400 IU/ngày
- Trẻ tuổi vị thành niên không cung cấp đủ vitamin D3 qua các con đường khác: Uống 400 IU/lần/ngày.
- Trẻ có nguy cơ bị thiếu vitamin D3 do kém hấp thụ chất béo hoặc sử dụng thuốc chống động kinh kéo dài: Có thể tăng liều bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trường hợp không nên uống bổ sung vitamin D3:
- Người bị dị ứng với vitamin D
- Bệnh nhân bị tăng nồng độ canxi trong máu
- Người dư thừa vitamin D
- Người có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm kém
- Thận trọng tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định uống bổ sung vitamin D3 nếu bạn đang có vấn đề về tim mạch, mắc bệnh thận hoặc rối loạn điện giải.
Hiện chứa có nghiên cứu đầy đủ về tính an toàn khi sử dụng các chế phẩm vitamin D3 cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ trước khi dùng.
Tác dụng phụ của vitamin D3?
Bổ sung vitamin D3 qua các chế phẩm có thể dẫn đến một số tác dụng phụ cho cơ thể. Nguy cơ gặp phản ứng phụ cao hơn khi bạn lạm dụng quá mức hoặc uống quá liều lượng cho phép.
Các rủi ro có thể gặp khi uống vitamin D3 bao gồm:
- Dị ứng da ngứa toàn thân
- Đau tức ngực, khó thở
- Sưng phù niêm mạc họng hoặc sưng mặt, môi, lưỡi…
- Có cảm giác khó chịu trong người
- Rối loạn hành vi, suy nghĩ
- Khó tập trung
- Đi tiểu nhiều lần
- Yếu trong người
- Giảm cân
- Trong miệng có mùi vị giống như kim loại
- Táo bón
- Đau xương
- Đau cơ bắp
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Nổi mề đay
Không phải đối tượng nào cũng gặp tất cả các tác dụng phụ trên cùng lúc. Nếu có dấu hiệu bất thường sau khi uống vitamin D3, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết ngay.
Tương tác giữa vitamin D3 với thuốc và thực phẩm
Vitamin D3 có thể tương tác với một số loại thuốc. Phản ứng này có thể gây ra một số tác dụng phụ không tốt cho cơ thể hoặc làm giảm hiệu quả của thuốc.
Hãy liệt kê ra một danh sách tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng hay thuốc bổ bạn đang sử dụng và thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết để nhận được những lời khuyên hữu ích trước khi uống bổ sung vitamin D3.
Rượu, bia có thể tương tác, làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D3. Vì vậy, tránh sử dụng các chất kích thích này cùng lúc với vitamin.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!