Ý Nghĩa Các Chỉ Số Xét Nghiệm Viêm Gan B Hiểu Thế Nào Cho Đúng?
Vì diễn biến khó lường của bệnh viêm gan B và những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu không kiểm soát tốt được virus. Bên cạnh việc phát hiện kháng nguyên virus, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán và xác định tình hình bệnh. Lúc này, chúng ta cần nắm rõ ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm viêm gan B để có thể đánh giá được mức độ bệnh đồng thời hỗ trợ cho quá trình điều trị thuận lợi hơn.
Tìm hiểu chi tiết ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm viêm gan B
Nếu bạn sống và làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, hoặc nghi ngờ bản thân bị nhiễm bệnh nhưng vẫn chưa biết chính xác cần thực hiện những xét nghiệm gì. Vậy đừng bỏ qua ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm viêm gan B quan trọng sau đây:
Chỉ số định tính HBsAg
Xét nghiệm viêm gan B định tính HBsAg được biết đến là phương pháp xét nghiệm dựa trên kháng nguyên bề mặt của virus HBsAg. Nó được chỉ điểm thực hiện sớm nhất nhằm chẩn đoán và theo dõi viêm gan B, trong đó sẽ có 2 trường hợp xảy ra là:
- Trường hợp HBsAg âm tính: Chứng tỏ bạn không bị viêm gan B, nếu muốn biết mình đã bị phơi nhiễm chưa (do nhiều tài liệu cho thấy bệnh nhân phơi nhiễm vẫn có nguy cơ ung thư gan rất cao) thì cần làm thêm xét nghiệm Anti-HBc. Còn nếu muốn biết cơ thể đã có miễn dịch với virus HBV hay chưa thì làm xét nghiệm Anti-HBs.
- Trường hợp HBsAg dương tính: Có nghĩa cơ thể đang bị nhiễm virus viêm gan B, các kháng nguyên này sẽ tăng nhanh trong khoảng 10 tuần đầu sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh.
Trong nhiều trường hợp, khi cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì chỉ số này cũng có thể giảm dần và biến mất hoàn toàn sau khoảng 4 – 6 tháng tiếp theo. Lúc này cơ thể bạn sẽ ở trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh và có khả năng tự miễn (miễn dịch) suốt đời với virus viêm gan B. Vì vậy mà bác sĩ sẽ yêu cầu cần thực hiện xét nghiệm xác chẩn lại sau 6 tháng.
Tuy nhiên, nếu HBsAg không tự mất đi mà tiếp tục dương tính sau 6 tháng kể từ khi xét nghiệm lần đầu, thì người bệnh đã chuyển sang giai đoạn viêm gan B mãn tính. Khi đó chúng ta cần làm thêm một số xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, bao gồm xét nghiệm sinh hóa, huyết học và xét nghiệm sinh học phân tử như HBV-DNA, HBV genotyping.
Sau khi hoàn thành xét nghiệm định tính HBsAg, bạn cần phải làm đầy đủ các xét nghiệm khác là: Định lượng HBsAg, HBsAb, HBeAg, HBeAb (Anti-HBe), Anti-HBc và Anti-HBc IgM.
Chỉ số định lượng HBsAg
Việc xét nghiệm định lượng HBsAg sẽ cho chúng ta biết được nồng độ kháng nguyên của virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể ở mức ít hay nhiều, nó có giá trị cao trong việc theo dõi điều trị. Trong trường hợp kết quả định lượng HBsAg cho ra nồng độ cao, thì người bệnh có thể không cần thực hiện xét nghiệm Anti-HBs nữa.
Chỉ số Anti-HBs
Chỉ số Anti-HBs hay còn được gọi là HBsAb – một trong những chỉ số giúp bác sĩ xác định kháng thể chống lại kháng nguyên virus viêm gan B (HBsAg). Nó sẽ cho biết khả năng miễn nhiễm của cơ thể với virus HBV, trong đó gồm các kết quả:
- Anti-HBs cho kết quả dương tính: Chứng tỏ cơ thể có miễn dịch với viêm gan B và không cần phải tiêm vacxin phòng bệnh. Với nồng độ Anti-HBs > 10mUI/ml thì được coi là có tác dụng bảo vệ.
- Anti-HBs cho kết quả âm tính: Chứng tỏ trong cơ thể chưa có miễn dịch với viêm gan B, cần phải nhanh chóng tiêm vacxin để phòng bệnh. Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh hoặc sau khi tiêm vacxin viêm gan B có đủ kháng thể Anti-HBs thì được coi là đã có miễn dịch.
Chỉ số HBeAg
HBeAg là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid của virus gây viêm gan B, sự xuất hiện của HBeAg trong cơ thể chứng tỏ số lượng virus đang được nhân lên nhanh và có khả năng lây lan mạnh mẽ. Ngoài ra, nó cũng giúp chúng ta nhận biết được sự chuyển đổi huyết thanh nếu có.
- Chỉ số HBeAg dương tính: Chứng tỏ virus đang hoạt động, bệnh đã tiến triển trong thời gian khá lâu, có thể đã chuyển sang giai đoạn xơ gan hoặc ung thư gan nguyên phát.
- Chỉ số HBeAg âm tính: Có hai trường hợp xảy ra, một là virus không hoạt động, đang trong giai đoạn không sinh sôi, khả năng lây lan và truyền nhiễm sang cho người khác cũng ít hơn. Hai là virus đột biến, để khẳng định được virus ở thể đột biến thì cần thực hiện xét nghiệm HBV DNA và HBV genotyping.
Chỉ số Anti-HBe
Anti-HBe là kháng thể kháng lại HBeAg, chỉ số này cho phép chúng ta đánh giá được sự chuyển huyết thanh HBeAg. Kết quả của xét nghiệm cũng giúp nhận biết quá trình nhân đôi của virus viêm gan B có giảm hoặc đã dừng lại hẳn hay chưa.
- Trường hợp xét nghiệm dương tính: Chứng tỏ cơ thể đã có miễn dịch một phần.
- Trường hợp xét nghiệm âm tính: Chứng tỏ cơ thể chưa có miễn dịch với virus gây viêm gan B.
Trong đó, cặp xét nghiệm HBeAg và Anti-HBe nên thực hiện đầy đủ để phân tích 4 khả năng có thể xảy ra như sau:
- Trường hợp HBeAg (+) và Anti-HBe (-): Virus đang nhân bản, viêm gan tiến triển và có nguy cơ lây lan mạnh.
- Trường hợp HBeAg (-) và Anti-HBe (+): Virus đã ngừng nhân bản, cơ thể có miễn dịch một phần, khả năng lây lan giảm, ngoài ra cũng có thể virus đang ở thể đột biến hoang dại.
- Trường hợp HBeAg (+) và Anti-HBe (+): Cho thấy KN và KT cân bằng hoặc do phức hợp miễn dịch, người bệnh cần được theo dõi thêm.
- Trường hợp HBeAg (-) và Anti-HBe (-): Cho biết biến thể Pre-C hoặc giai đoạn cửa sổ của quá trình chuyển đảo huyết thanh.
Chỉ số Anti-HBc
Anti-HBc là kháng thể có khả năng chống lại lõi nhân virus chủng viêm gan B, chúng xuất hiện khá sớm và tồn tại lâu dài trong cơ thể cho tới cuối đời. Anti-HBc xuất hiện ở huyết thanh, điều này chứng tỏ người bệnh đã từng nhiễm virus viêm gan B từ trước đó hoặc hiện tại đang mắc viêm gan B. Mặt khác, Anti-HBc cũng không sản sinh khi cơ thể đã được tiêm vacxin phòng ngừa virus siêu vi B.
Chính vì vậy mà chỉ số Anti-HBc chính là cơ sở để đánh giá người bệnh đã phơi nhiễm virus viêm gan B hay chưa. Phân loại của kháng thể Anti-HBc gồm có: IgM và IgG. Trong đó, Anti-HBc IgM thường thấy ở giai đoạn người bệnh nhiễm virus viêm gan cấp tính hay còn gọi là giai đoạn kịch phát từ nhiễm HBV mạn tính. Ngược lại Anti-HBc IgG lại thường xuất hiện khi người bệnh nhiễm virus mạn tính.
Hiện có 3 tên gọi phổ biến cho xét nghiệm này là Anti-HBc, Anti-HBc IgG và Anti-HBc total. Tuy nhiên, chúng thực chất chỉ là 1 dạng, bởi xét nghiệm Anti-HBC IgG vẫn có chứa một phần của Anti-HBc IgM.
Chỉ số Anti-HBc IgM
Anti-HBc IgM chính là kháng thể kháng lõi của virus viêm gan B typ IgM. Kháng thể này xuất hiện tại giai đoạn viêm gan siêu vi cấp tính hay giai đoạn cấp của tiến trình viêm gan B mạn tính.
Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm gan B cấp tính, nên thực hiện hai xét nghiệm HBsAg và Anti-HBc IgM, Nếu cả hai đều cho kết quả dương tính thì khả năng cao bệnh nhân đang ở giai đoạn viêm gan B cấp tính. Ngược lại, nếu Anti-HBc IgM là âm tính thì chứng tỏ bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Xem thêm: Xét Nghiệm Viêm Gan B Gồm Những Gì, Nên Xét Nghiệm Ở Đâu?
Một số ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm viêm gan B khác
Bên cạnh những chỉ số xét nghiệm viêm gan B phổ biến được nêu ở trên, người bệnh cũng có thể được chỉ định thêm một vài xét nghiệm chuyên sâu khác, nhằm xác định cụ thể hơn về tình trạng bệnh như:
- Chỉ số HBV-DNA: Cho biết số lượng virus đang ẩn náu trong cơ thể một cách chính xác nhất, ngoài ra nó còn cho biết mức độ tổn thương gan, từ đó giúp bác sĩ đưa ra được phương án điều trị phù hợp nhất.
- Kết quả xét nghiệm chức năng gan: Được đánh giá dựa trên các chỉ số men gan như ALT, AST, GGT… nhằm xác định được gan của bạn có bị tổn thương hay không.
- Kết quả siêu âm gan: Nhằm kiểm tra xem gan có đang phát triển theo hướng xơ gan hay không.
Tổng hợp kết quả và ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm viêm gan B
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm viêm gan B cũng như tình trạng của bản thân, bạn có thể tham khảo các trường hợp có thể xảy ra, được tổng hợp dưới đây.
- Trường hợp 1: Chỉ số HBsAg (-), Anti-HBs (-), Anti-HBc (-) : Chứng tỏ bạn không bị nhiễm viêm gan B hoặc có thể từng bị nhiễm nhưng vẫn trong thời gian ủ bệnh (âm tính giả). Với trường hợp này, bạn cần theo dõi và quay lại xét nghiệm sau 3 tháng để biết chính xác mình có nhiễm viêm gan B hay không.
- Trường hợp 2: Chỉ số HBsAg (-), Anti-HBs (+), Anti-HBc (-) : Cho biết bạn có khả năng miễn dịch do đã tiêm chủng.
- Trường hợp 3: Chỉ số HBsAg (-), Anti-HBs (+), Anti-HBc (+), HBeAg (-), Anti – HBe (+), Anti-HBc IgM (-): Cho biết bạn thuộc trường hợp đã điều trị nhiễm trùng hồi phục, có thể cơ thể có khả năng miễn dịch do nhiễm tự nhiên.
- Trường hợp 4: Chỉ số HBsAg (+), Anti-HBs (-), Anti-HBc (-), HBeAg (+), Anti – HBe (-), Anti-HBc IgM (-): Cho biết bạn thuộc giai đoạn đầu nhiễm trùng cấp tính.
- Trường hợp 5: Chỉ số HBsAg (+), Anti-HBs (-), Anti-HBc (+/-), HBeAg (+), Anti – HBe (-), Anti-HBc IgM (+/-): Cho biết bạn đang bị nhiễm trùng cấp tính kèm theo các triệu chứng và có khả năng lây nhiễm cho người khác.
- Trường hợp 6: Chỉ số HBsAg (+), Anti-HBs (-), Anti-HBc (+), HBeAg (-), Anti – HBe (+), Anti-HBc IgM (+): Cho biết có sự chuyển đổi huyết thanh, thường đây là giai đoạn muộn của nhiễm trùng cấp tính.
- Trường hợp 7: Chỉ số HBsAg (-), Anti-HBs (-), Anti-HBc (+), HBeAg (-), Anti – HBe (+), Anti-HBc IgM (+): Cho biết nhiễm trùng ở giai đoạn cấp tính đã được điều trị.
- Trường hợp 8: Chỉ số HBsAg (+), Anti-HBs (-), Anti-HBc (+), HBeAg (+), Anti – HBe (-), Anti-HBc IgM (-): Cho biết nhiễm trùng ở giai đoạn mãn tính tái hoạt động (có khả năng gây tổn thương tới gan).
- Trường hợp 9: Chỉ số HBsAg (+), Anti-HBs (-), Anti-HBc (+), HBeAg (-), Anti – HBe (+), Anti-HBc IgM (-): Cho biết bạn đã nhiễm mạn tính nhưng ít có nguy cơ tổn thương gan hoặc người bình thường đang mang mầm bệnh.
Kết quả và ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm viêm gan B đều rất cần thiết để xác định nguy cơ mắc bệnh, quyết định điều trị, tiên lượng và theo dõi quá trình điều trị viêm gan. Bạn nên chọn các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để quá trình xét nghiệm được chính xác nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!