Cứng Khớp Ngón Tay
Cứng khớp ngón tay là biểu hiện của nhiều bệnh lý, phổ biến nhất là tình trạng thoái hóa khớp ngón tay, viêm khớp dạng thấp hay gout. Đôi khi, tình trạng này còn xảy ra sau khi bị chấn thương hoặc do hoạt động khớp quá mức. Trong hầu hết trường hợp, bệnh cứng khớp ngón tay có thể được chữa trị hiệu quả nhờ các phương pháp nội khoa mà không cần phải phẫu thuật.
Định nghĩa
Cứng khớp ngón tay là hiện tượng các khớp nhỏ ở ngón tay vận động kém linh hoạt. Người bệnh thường gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các cử động thông thường, chẳng hạn như cầm nắm đồ vật. Hiện tượng này chủ yếu có liên quan đến tình trạng hao mòn, thoái hóa các mô sụn hoặc giảm tiết dịch khớp khiến cho các đầu xương không được bôi trơn đầy đủ.
Cứng khớp ngón tay là triệu chứng của các bệnh lý sau:
- Thoái hóa khớp ngón tay: Bệnh xảy ra khi lớp sụn và xương dưới sụn ở các khớp ngón tay bị hao mòn, tổn thương. Cứng khớp ngón tay là triệu chứng đặc trưng của thoái hóa khớp ngón tay. Ngoài ra, các khớp thoái hóa còn bị đau nhức, có thể sưng phù, giảm khả năng vận động.
- Viêm khớp dạng thấp: Bệnh gây sưng đau, viêm đỏ và cứng các khớp ngón tay đối xứng. Các triệu chứng bệnh thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng. Bệnh viêm khớp dạng thấp có tính chất tự miễn nên rất khó chữa khỏi hoàn toàn.
- Bệnh gout: Sự khởi phát của bệnh gout có liên quan đến tình trạng tăng axit uric kéo dài do rối loạn chuyển hóa purin. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp trên cơ thể, đặc biệt là các khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay hay các đốt ngón tay. Khi ảnh hưởng đến khớp ngón tay, bệnh gout gây sưng khớp một cách đột ngột, đau nhức dữ dội kèm theo tình trạng cứng khớp, khó co gập ngón tay.
- Lupus ban đỏ: Đây là dạng bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến các khớp ngón tay dẫn đến viêm sưng, tê cứng khớp hoặc bầm tím các ngón tay, nhất là khi các mạch máu bị co thắt.
- Hội chứng De Quervain: Bệnh ảnh hưởng đến các bao gân cơ có dạng dài. Khi chi phối đến gân ngón tay, hội chứng De Quervain có thể khiến khớp bị cứng, khó cử động.
- Hội chứng ống cổ tay: Khi mắc hội chứng này, các dây thần kinh trong ống cổ tay bị chèn ép, tổn thương dẫn đến tê tay, đau và cứng các ngón tay. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến dân văn phòng hay những người làm việc bằng tay nhiều.
- Ung thư xương: Bệnh hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý gây cứng khớp ngón tay khác. Người bệnh cần thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán phân biệt và điều trị bệnh cho đúng.
Hình ảnh
Triệu chứng
Hiện tượng cứng khớp ngón tay thường rõ ràng hơn vào buổi sáng khi ngủ dậy. Đôi khi, tình trạng này còn đi kèm với nhiều triệu chứng bất thường khác như:
- Khô khớp
- Các đầu xương mà sát mạnh với nhau khi cử động các khớp ngón tay dẫn đến cảm giác đau nhức khó chịu.
- Tê đầu ngón tay hoặc bàn tay
- Có cảm giác ngứa ran, châm chích ở đầu ngón tay nếu thần kinh bị chèn ép
- Sưng đỏ, viêm tấy các khớp ngón tay.
- Yếu các ngón tay hoặc cả bàn tay
- Mệt mỏi
- Các triệu chứng trên có thể xuất hiện cùng với chấn thương, viêm khớp ngón tay hay thoái hóa khớp ngón tay...
Nguyên Nhân
Một số yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng khớp ngón tay. Bao gồm:
- Chấn thương: Tình trạng khô khớp thường phát triển sau một thời gian các khớp ngón tay bị chấn thương do té ngã, vận động quá mức hoặc tai nạn. Phổ biến nhất là tình trạng tổn thương ở các mô sụn trong khớp ngón tay hoặc nứt gãy xương. Chúng khiến cho khớp bị sưng đau và giảm tiết dịch.
- Vận động khớp nhiều: Cử động ở các khớp ngón tay lặp đi lặp lại nhiều lần làm gia tăng áp lực lên khớp và khiến khớp bị tổn thương, ít sản xuất dịch. Nguyên nhân gây bệnh này thường gặp ở những người ngồi gõ máy tính nhiều, công nhân đóng gói sản phẩm...
- Ít vận động: Hoạt động thể chất ít khiến cho máu kém lưu thông đến tay. Tình trạng này không chỉ khiến bạn dễ bị tê bì ngón tay và còn gây khô khớp.
- Tư thế sinh hoạt xấu: Vận động không đúng tư thế, thường xuyên tì đè lên bàn tay hoặc bẻ ngón tay gây áp lực, tổn thương cho khớp và khiến khớp bị khô dần.
- Thiếu canxi: Tình trạng thiếu hụt canxi thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mãn kinh hoặc có chế độ ăn uống không hợp lý. Thiếu canxi sẽ khiến mật độ xương thừa dần, đồng thời gây đau nhức xương khớp, khô khớp, dễ bị gãy xương, loãng xương và nhiều vấn đề khác.
- Lớn tuổi: Càng lớn tuổi, nguy cơ bị khô khớp ngón tay càng cao do ảnh hưởng của quá trình lão hóa.
- Các yếu tố nguy cơ khác: Béo phì, lạm dụng bia rượu, khả năng miễn dịch kém, hút thuốc lá, mang thai, có tiền sử bị chấn thương khớp.
Đôi khi, tình trạng khô khớp gối có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Nếu triệu chứng này kéo dài, người bệnh nên thận trọng thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.
Biện pháp chẩn đoán
Các phương pháp được áp dụng để chẩn đoán cứng khớp ngón tay bao gồm:
- Khám lâm sàng:
- Kiểm tra tiền sử bệnh, chấn thương, nghề nghiệp hay chế độ ăn uống sinh hoạt của người bệnh để xác định nguyên nhân gây cứng khớp ngón tay.
- Bác sĩ trao đổi về triệu chứng cứng khớp và các dấu hiệu khác người bệnh đang gặp phải.
- Đánh giá chức năng vận động của các khớp bị ảnh hưởng bằng cách yêu cầu người bệnh cầm nắm đồ vật hay thực hiện các cử động khác ở ngón tay.
- Xét nghiệm máu:
Kỹ thuật này cho phép chẩn đoán tình trạng cứng khớp ngón tay có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như:
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp ngón tay do nhiễm khuẩn
- Bệnh gout
- Thiếu canxi...
- Xét nghiệm hình ảnh:
Để phát hiện tổn thương và kiểm tra cấu trúc bên trong các khớp, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh như:
- Chụp X-quang
- Chụp CT
- Siêu âm khớp
- Chụp cộng hưởng từ MRI.
Biện pháp điều trị
Một số phương pháp có thể giúp cải thiện tình trạng cứng khớp ngón tay. Bao gồm:
Chườm nóng
Sử dụng muối nóng hay chai nước nóng chườm lên các khớp ngón tay là một cách đơn giản để giảm cứng khớp, giúp khu vực ảnh hưởng bớt đau nhức bằng cách tăng cường tuần hoàn máu và làm thư giãn các cơ. Phương pháp này thích hợp cho người bị cứng ở khớp ngón tay do hoạt động quá mức hoặc do mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay. Tránh áp dụng khi mới bị chấn thương hoặc khớp đang bị sưng to.
Thực hiện các bài tập giảm cứng khớp ngón tay
Một số bài tập được xây dựng dành riêng cho người bị cứng khớp ngón tay. Chúng giúp kích thích lưu thông máu, giảm hiện tượng sưng đau và tê cứng ở các khớp ngón tay, giúp khớp vận động linh hoạt hơn.
Bài tập 1: Chạm ngón
- Mở rộng các ngón tay và hướng đầu ngón lên trên sao cho cổ tay và các ngón tay thẳng nhau.
- Uốn cong ngón cái với ngón trỏ làm dấu "OK" trong khi các ngón khác được giữ thẳng.
- Để khoảng 5 giây rồi thả lỏng ngón tay.
- Tiếp tục uốn cong ngón cái lần lượt với các ngón giữa, ngón áp út và ngón út.
- Thực hiện 10 lần liên tục cho mỗi bàn tay.
Bài tập 2: Trượt ngón tay
- Duỗi thẳng bàn tay và các ngón tay
- Gập các ngón tay lại ở đốt thứ 2 sao cho đầu ngón tay chạm vào lòng bàn tay tạo thành hình móc câu.
- Để khoảng 60 giây rồi duỗi thẳng các ngón tay trở về tư thế ban đầu.
- Tiếp tục gập các ngón tay lại tạo thành nắm đấm thẳng sao cho các đầu ngón chạm vào lòng bàn tay nhưng vẫn còn thấy móng.
- Để 1 phút rồi trở về tư thế ban đầu
- Lặp lại động tác trên thêm 10 lần nữa và kiên trì thực hiện mỗi ngày để giảm cứng khớp.
Bài tập 3: Dạng ngón cái
- Khép các ngón tay vào với nhau, riêng ngón cái hướng ra ngoài hết cỡ
- Di chuyển ngón cái vào trong lòng bàn tay một cách nhẹ nhàng rồi quay lại vị trí ban đầu
- Thực hiện 10 lần liên tục.
Ngâm tay vào nước ấm
Sử dụng nước ấm ngâm tay mỗi ngày 1 - 2 lần có tác dụng làm giảm co cơ, cứng khớp, kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng và chữa lành tổn thương tại khớp.
Cách thực hiện:
- Đổ nước sôi vào một cái chậu nhỏ, thâm vào vài hạt muối hoặc tinh dầu gừng để tăng công dụng điều trị
- Để nước nguội còn khoảng 40 - 45 độ. Không ngâm nước quá nóng gây bỏng hoặc khiến da tay bị khô
- Nhúng cả hai tay vào ngâm trong khoảng 15 phút. Trong quía trình ngâm, người bệnh có thể dùng tay này xoa bóp cho tay kia để các khớp xương được thư giãn và bớt khô cứng.
Chườm lạnh chữa cứng khớp ngón tay
Chườm lạnh cũng giúp cải thiện tình trạng cứng khớp, sưng đau khớp. Phương pháp này thích hợp cho những người bị viêm khớp ngón tay cấp tính hay sưng khớp sau chấn thương.
Cách thực hiện:
- Bỏ vài cục đá nhỏ vào trong túi chườm
- Áp lên các khớp ngón tay bị sưng, cứng
- Sau khoảng 20 phút, cơn đau và tình trạng cứng khớp sẽ được cải thiện đáng kể.
*Lưu ý: Một số trường hợp sử dụng cục đá lạnh chườm trực tiếp lên khớp bị ảnh hưởng. Cách làm này không được khuyến cáo vì nhiệt độ lạnh quá mức có thể khiến da bị kích ứng hoặc gây bỏng nhiệt. Nếu không có túi chườm, bạn có thể bọc cục đá vào trong một cái khăn sạch, hoặc nhúng khăn vào nước lạnh và vắt ráo rồi đắp lên các ngón tay.
Dùng thuốc chữa cứng khớp ngón tay
Nếu không đáp ứng được với các mẹo tự nhiên, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc hoặc chỉ định các phương pháp điều trị khác cho phù hợp. Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị cứng khớp ngón tay bao gồm:
- Thuốc giảm đau, kháng viêm: Paracetamol, Ibuprofen, naproxen là những loại thuốc có thể giúp cắt đứt nhanh cơn đau, giảm sưng viêm, qua đó cải thiện tình trạng cứng khớp ngón tay. Tuy nhiên, các thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh không được lạm dụng kéo dài. Hãy sử dụng thuốc theo đúng khuyến cáo của bác sĩ và thận trọng khi dùng cho các trường hợp bị viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hay có các vấn đề về gan, thận.
- Tiêm steroid: Phương pháp này chỉ được áp dụng cho các đối tượng bị cứng khớp kèm theo sưng viêm khớp ngón tay nghiêm trọng hoặc bị viêm khớp tiến triển. Thuốc được tiêm trực tiếp vào trong khớp bị ảnh hưởng.
- Các loại thuốc khác: Thuốc giảm axit uric chữa bệnh gout, thuốc kháng sinh dùng cho người bị viêm khớp nhiễm khuẩn, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm điều trị viêm khớp dạng thấp, thuốc bổ sung glucosamine hay canxi...
- Chuyên gia
- Cơ sở