Ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu hoặc bia trong thời gian ngắn. Việc uống quá nhanh, uống một lượng bia - rượu lớn nhưng kém chất lượng sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tìm hiểu ngay bài viết dưới đây để bảo vệ sức khỏe tốt hơn nếu bạn thường xuyên sử dụng rượu - bia.
Định nghĩa
Ngộ độc rượu gây hậu quả nghiêm trọng và đôi khi có thể dẫn tới tử vong, nhất là với những người uống một lượng lớn rượu trong một thời gian ngắn. Uống quá nhiều và nhanh có thể ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và phản xạ nôn. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Ngộ độc rượu cũng có thể xảy ra khi người lớn hoặc trẻ em vô tình hoặc cố ý uống phải các sản phẩm gia dụng có chứa cồn. Nếu bạn cho rằng ai đó bị ngộ độc rượu, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Hình ảnh
Triệu chứng
Các triệu chứng ngộ độc rượu điển hình bao gồm:
- Lú lẫn.
- Nôn mửa.
- Co giật.
- Thở chậm (tức là ít hơn tám nhịp thở một phút).
- Hơi thở không đều đặn - khoảng cách hơn 10 giây giữa các nhịp thở.
- Da có màu xanh, xám hoặc trông nhợt nhạt.
- Nhiệt độ cơ thể thấp hay còn được gọi là hạ thân nhiệt.
- Khó giữ được ý thức hoặc tỉnh táo.
Nguyên Nhân
Rượu ở dạng ethanol hay còn gọi là rượu etylic có trong đồ uống có cồn. Nó cũng có trong nước súc miệng, một số chiết xuất nấu ăn, từ thuốc và một số sản phẩm gia dụng khác. Ngộ độc rượu ethyl thường là do uống quá nhiều đồ uống có cồn trong một thời gian ngắn.
Các dạng rượu khác có thể gây ngộ độc cần phải điều trị khẩn cấp. Chúng bao gồm:
- Rượu isopropyl, được tìm thấy trong cồn tẩy rửa, nước thơm và một số sản phẩm tẩy rửa.
- Metanol hoặc ethylene glycol, một thành phần phổ biến trong chất chống đông, sơn và dung môi.
Nguyên nhân chính gây ngộ độc rượu là uống rượu say, tức là khi nam giới uống nhanh chóng từ 5 đồ uống có cồn trở lên trong vòng hai giờ hoặc nữ giới uống ít nhất bốn đồ uống có cồn trong vòng hai giờ. Cơn say rượu có thể xảy ra trong nhiều giờ và thậm chí là kéo dài đến vài ngày. Ngay cả khi người đó bất tỉnh hoặc ngừng uống rượu, dạ dày và ruột vẫn tiếp tục giải phóng rượu vào máu, nồng độ cồn trong cơ thể vẫn tiếp tục tăng cao.
Biện pháp chẩn đoán
Ngoài việc kiểm tra các dấu hiệu cũng như triệu chứng ngộ độc rượu, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Điều này sẽ giúp xác định các dấu hiệu ngộ độc rượu khác như lượng đường trong máu thấp.
Biện pháp điều trị
Điều trị ngộ độc rượu thường bao gồm chăm sóc hỗ trợ trong khi cơ thể tự đào thải rượu. Điều này thường bao gồm:
- Theo dõi để ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp hoặc nghẹt thở.
- Liệu pháp oxy.
- Chất lỏng được truyền qua tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước.
- Sử dụng glucose và vitamin để giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Những người vô tình uống phải rượu methanol hoặc rượu isopropyl có thể cần phải chạy thận nhân tạo. Đây là một cách cơ học để lọc chất thải và chất độc từ máu. Nó có thể tăng tốc độ loại bỏ rượu khỏi máu.
- Chuyên gia
- Cơ sở