Nóng Gan
Nóng gan là tình trạng thường gặp ở người có thói quen sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, ăn thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ,... Bệnh gây ra các triệu chứng ngứa ngáy, táo bón, vàng da, mất ngủ,...khiến cơ thể người bệnh suy nhược. Nếu không được điều trị, nóng gan có thể biến chứng nguy hiểm.
Định nghĩa
Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể, nằm ở lồng xương sườn, phía bên phải bụng, giữ nhiệm vụ hỗ trợ tiêu hóa và thải độc cho cơ thể. Khi gan gặp vấn đề sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại sức khỏe.
Nóng gan là thuật ngữ chỉ sự tổn thương của gan dẫn đến suy nhược chức năng chuyển hóa, thải độc. Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà triệu chứng đặc trưng sẽ không giống nhau. Nếu không được khắc phục, lâu ngày tình trạng nóng gan sẽ dần hình thành sẹo hay còn gọi là xơ gan, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Hình ảnh
Triệu chứng
Để nhận biết tình trạng nóng gan có đang diễn ra trong cơ thể hay không, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu nhận biết cơ bản dưới đây:
- Hơi thở có mùi hôi: Khi gan bị tổn thương, suy giảm chức năng sẽ dẫn đến tình trạng tăng sinh ammonia trong cơ thể khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu. Nhiều trường hợp chủ quan khi gặp phải hiện tượng này dẫn đến bệnh ngày càng nghiêm trọng.
- Thâm quầng, mỏi mắt: Ngoài hơi thở có mùi hôi, cơ thể người bệnh còn kèm theo triệu chứng mỏi mắt, thâm quầng vùng da dưới mắt. Đây là dấu hiệu cho thấy gan xuất hiện những tổn thương tiềm ẩn cần được khắc phục sớm.
- Vàng da: Da thay đổi sắc tố là dấu hiệu nhận biết chứng nóng gan dễ nhất mà người bệnh có thể tự quan sát. Lúc này, sắc tố mật bilirubin trong máu tích tụ nhiều dẫn đến hiện tượng vàng da kèm theo các đốm trắng.
- Ngứa, nổi mẩn: Người bị nóng gan sẽ cảm thấy ngứa ngáy thường xuyên, nổi mẩn đỏ từng mảng sau đó lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Gặp vấn đề tiêu hóa: Tình trạng gan chứa nhiều chất béo sẽ khiến cho hệ tiêu hóa không thể hấp thụ cả nước, tuy nhiên trường hợp này không quá phổ biến. Nhưng nếu xảy ra trong thời gian dài sẽ khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng.
- Đổi màu nước tiểu và phân: Nước tiểu và phân có màu nâu đậm, đen là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị mất nước. Nếu phân có màu hơi bạc là dấu hiệu bạn đang bị nóng gan hoặc bộ phận này đang gặp một số vấn đề.
- Vàng mắt, móng tay: Ngoài vàng da, người bị nóng gan còn gặp tình trạng mắt và móng tay chuyển sang màu vàng. Khi thấy triệu chứng này, bạn nên nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe vì đây là dấu hiệu cho thấy gan đang có tổn thương, đồng thời báo hiệu cho các bệnh lý nguy hiểm khác.
- Chướng bụng: Người bị tổn thương gan, nhiễm trùng gan sẽ bị chướng bụng rất to. Tình trạng này nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên Nhân
Có nhiều nguyên nhân gây nóng gan, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Do chế độ ăn uống: Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, nhiều gia vị thường gặp một số vấn đề về gan như tăng tích trữ triglyceride và gây nóng gan.
- Sử dụng thuốc: Nóng gan hình thành còn do người bệnh sử dụng nhiều thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm,...
- Uống rượu bia, đồ uống có cồn: Cồn và ethanol có trong các loại rượu bia gây tổn hại nghiêm trọng đến gan, ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa của cơ quan này. Đồng thời, rượu bia, đồ uống có cồn gây tích tụ chất béo trong cơ thể dẫn đến tình trạng nóng gan.
- Thói quen sinh hoạt: Người có thói quen sinh hoạt không điều độ gây ảnh hưởng đến gan và túi mật. Đặc biệt, đối tượng thường xuyên làm việc trong khung giờ từ 23 đến 5 giờ sáng có nguy cơ cao bị nóng gan. Do cơ thể không được nghỉ ngơi và đào thải độc tố, khiến chúng tích tụ nhiều trong cơ thể, suy giảm chức năng gan.
- Bệnh lý: Nguyên nhân gây nóng gan còn do bạn đang mắc một số bệnh lý liên quan đến cơ quan này như viêm gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan tự miễn, xơ gan, ung thư gan,...làm cho gan bị tổn thương.
- Một số nguyên nhân khác: Thường xuyên làm việc, tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, hóa chất,...là nguyên nhân dẫn đến chứng nóng gan ở nhiều người.
Biến chứng
Gan có nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống vận hành cơ thể, nếu cơ quan này bất ổn đồng nghĩa với việc hệ thống bị trì trệ. Đặc biệt, gan tham gia vào quá trình thúc đẩy tiêu hóa thức ăn và đào thải độc tố, nếu tổn thương, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khó chịu.
Khi khởi phát, các triệu chứng nóng gan sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thay vào đó là gây ra một chút rối loạn trong sinh hoạt và giấc ngủ của người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm gan, suy gan,... thậm chí là ung thư nguy hiểm.
Biện pháp chẩn đoán
Khi bạn thấy cơ thể có những triệu chứng kể trên hãy nhanh chóng kiểm tra sức khỏe để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh xảy ra những trường hợp không mong muốn. Các bác sĩ sẽ dựa vào dấu hiệu và tiểu sử bệnh, thói quen sinh hoạt, kết hợp với các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
Một số xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm gan, xét nghiệm công thức máu, CT Scan, MRI, siêu âm, sinh thiết gan,... Người bệnh nên phối hợp với bác sĩ để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây nóng gan và khắc phục sớm.
Biện pháp điều trị
Sử dụng thuốc tây chữa nóng gan
Sử dụng thuốc tân dược chỉ nên áp dụng theo hướng dẫn của bác sĩ trường hợp nóng gan kéo dài.
Một số loại thuốc có thể được chỉ định như:
- Essential: Thuốc thường có dạng viên uống, công dụng điều hòa chức năng gan, được sử dụng điều trị chứng nóng gan, viêm gan, xơ gan giai đoạn khởi phát.
- Flumeciol: Thuốc thường được dùng cho bệnh nhân bị hư gan do sử dụng thuốc điều trị kéo dài.
- Cianidanol: Thuốc có tác dụng ổn định màng tế bào gan, tiêu diệt các gốc tự do và cải thiện độ ATP.Cianidanol được chỉ định cho người bị nóng gan do nhiễm độc, virus hoặc rượu bia.
- Biphenyl dimethyl dicarboxylat: Thuốc có nguồn gốc thảo dược, tác dụng phục hồi chức năng gan do ảnh hưởng của thuốc điều trị, rượu bia.
Việc sử dụng thuốc Tây điều trị nóng gan chỉ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý mua và sử dụng có thể khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể.
Sử dụng mẹo dân gian chữa nóng gan
Nhiều bệnh nhân bị nóng gan đã tìm đến các nguyên liệu thiên nhiên để điều trị chứng bệnh này. Đây là cách an toàn và đem lại hiệu quả tốt, ít gây tác dụng phụ và giúp người bệnh tiết kiệm được chi phí.
Dưới đây là một số mẹo dân gian chữa nóng gan bạn có thể tham khảo:
- Hoa atiso: Đây là nguyên liệu quen thuộc có tác dụng thải độc, mát gan, rất dễ mua và sử dụng. Người bệnh có thể sử dụng hoa tươi hoặc khô nấu nước để uống hàng ngày. Tuy nhiên không nên uống thay nước lọc, chỉ sử dụng một thời gian đến khi triệu chứng nóng gan giảm hẳn.
- Trà xanh: Ngoài atiso thì lá trà xanh cũng là thảo dược thiên có tác dụng cải thiện chứng nóng gan hiệu quả. Bạn có thể lấy một ít lá trà xanh tươi, đun với nước sôi để lấy nước uống.
- Rau má: Đây là loại rau dễ mua, có tác dụng làm mát cơ thể an toàn. Khi bị nóng gan, bạn có thể sử dụng nước ép rau má hoặc chế biến rau má thành món ăn để giải nhiệt cơ thể, khắc phục tình trạng nóng gan.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Dưới đây là các cách khắc phục tình trạng nóng gan hiệu quả, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng:
1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Để cải thiện nhanh chóng tình trạng nóng gan, người bệnh đầu tiên cần thay đổi thói quen ăn uống. Bởi vì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng nếu muốn bệnh nhanh chóng hồi phục.
Chính vì thế, bạn nên:
- Bổ sung thêm đạm trong các loại thịt trắng, cá, sữa, nấm, các loại hạt và đậu vào bữa ăn hàng ngày. Hàm lượng protein có trong những loại thực phẩm này sẽ giúp tái tạo tế bào và giúp gan phục hồi chức năng. Tuy nhiên, cũng nên ăn với lượng vừa đủ, không lạm dụng sẽ làm tăng axit uric máu và gây ra bệnh gout.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, ngũ cốc, rau xanh,...hỗ trợ tăng giải độc gan, giảm cholesterol trong máu, đồng thời cân bằng lại lượng chất béo tích tụ trong gan.
- Ăn lòng trắng trứng tốt cho người bị nóng gan. Theo một số nghiên cứu, lòng trắng trứng chứa nhiều axit amin, methionine,...giúp tái tạo lại màng tế bào gan. Ngược lại, nên tránh ăn lòng đỏ vì nó chứa nhiều chất béo mà cơ thể khó chuyển hóa.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa như kẽm, omega 3, vitamin,...để bảo vệ gan trước những tác động tiêu cực gây tổn thương. Bên cạnh đó, các thành phần dưỡng chất này còn giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa trong cơ thể.
- Uống đủ nước hàng ngày, có thể bổ sung thêm các loại nước ép để thải độc cho gan, ngăn ngừa nguy cơ béo phì.
- Không ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, thực phẩm có chất béo khó hấp thụ, tránh nguy cơ tích trữ triglyceride trong gan dẫn đến tình trạng nóng gan ngày càng nghiêm trọng.
- Sử dụng dầu oliu, dầu dừa hoặc dầu các loại hạt thay cho dầu động vật để bảo vệ sức khỏe gan.
- Hạn chế nêm nếm nhiều muối, đường, gia vị cay nóng, chế biến món ăn hấp, luộc để cảm nhận vị tự nhiên của món ăn.
Ngoài ra, người bị nóng gan nên xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng trong các bữa ăn, không nên ăn quá nhiều thực phẩm tốt cùng một lúc có thể khiến cơ thể không dung nạp kịp thời, phản tác dụng. Đồng thời, việc cân bằng dinh dưỡng cũng giúp giảm áp lực cho gan, bảo vệ cơ quan này được khỏe mạnh.
2. Xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ
Bên cạnh việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để điều trị chứng nóng gan, bạn cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tốt nhất, người bệnh nên:
- Đi ngủ trước 23 giờ hàng ngày và duy trì thời gian mỗi giấc ngủ buổi tối từ 7 - 8 tiếng. Ngủ đúng giờ và đủ giấc sẽ giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, đào thải độc tố, phục hồi tổn thương.
- Hạn chế làm việc quá sức, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, bạn không nên để cơ thể căng thẳng, stress kéo dài, thay vào đó nên sắp xếp công việc, để cơ thể thoải mái sẽ hỗ trợ cải thiện chứng nóng gan.
- Tập luyện thể dục, thể thao vừa sức giúp tăng sức đề kháng, tốt cho quá trình trao đổi chất, duy trì chức năng của hệ tiêu hóa và gan.
- Đặc biệt, cần tránh xa khói thuốc lá, rượu bia để bảo vệ cơ thể được khỏe mạnh, tránh nguy cơ mắc những bệnh lý nguy hiểm về gan, tim mạch, phổi,...
- Chuyên gia
- Cơ sở