Rối Loạn Nội Tiết Tố Sau Sinh
Quá trình mang thai và sinh con mang đến không ít những thay đổi với cơ thể phụ nữ, trong đó tình trạng rối loạn nội tiết tố sau sinh được xem là nỗi ám ảnh với nhiều người. Nó không chỉ gây ra hiện tượng rụng tóc, sạm da, mất ngủ, trầm cảm, giảm ham muốn,… mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chị em.
Trong khi đó, theo thống kê có tới 80% phụ nữ mắc phải chứng rối loạn nội tiết tố sau sinh, vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì, biểu hiện ra sao và cách điều trị như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây.
Hình ảnh
Triệu chứng
Thay đổi nội tiết tố sau sinh gây ra rất nhiều sự thay đổi lớn đối với cơ thể phụ nữ cả bên trong lẫn bên ngoài, trong đó những triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết nhất là:
- Ngủ không đủ giấc, mất ngủ, thường xuyên tỉnh giấc. Một phần nguyên nhân có thể là do con nhỏ quấy khóc, tuy nhiên việc giảm nội tiết tố sau sinh cũng khiến phụ nữ thường xuyên rơi vào tình trạng này.
- Da bị khô sạm, nổi mụn, thâm nám, giảm độ đàn hồi, mất đi độ mịn màng. Nguyên nhân là do các tế bào Melanocytes gây nám tăng lên, hắc tố Melanin phát triển mạnh. Khiến vẻ bề ngoài của chị em bị giảm sút, dễ rơi vào tình trạng chán nản, tự ti, mất tự tin vào bản thân.
- Cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, ủ rũ, tâm trạng chán nản, stress, căng thẳng, hay khóc,… Đặc biệt, đối với những người lần đầu làm mẹ, tình trạng này còn trầm trọng hơn.
- Cân nặng tăng bất thường, khó kiểm soát. Mỡ thừa tập trung nhiều tại vùng bụng dưới, eo, dưới cánh tay, bắp đùi,… phần nào ảnh hưởng tới vóc dáng và sự tự tin của chị em.
- Hay đau đầu, nhức đầu, trí nhớ suy giảm, hay quên.
- Hiện tượng tim đập nhanh bất thường dù không hoạt động mạnh, dễ bị mệt khi vận động.
- Tóc khô và gãy rụng nhiều do lượng Estrogen giảm, dẫn đến hormone DHT (tác nhân gây rụng tóc) tăng cao, da dầu tăng tiết bã nhờn, các nang tóc teo lại, chân tóc bị bít kín khiến tóc khó mọc, yếu và rụng đi rất nhiều.
- Chu kỳ kinh nguyệt bị loạn, thay đổi bất thường (dài hoặc ngắn ngày hơn với chu kỳ bình thường).
- Thường xuyên bị các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hoá như đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, tức bụng,…
- Âm đạo khô hạn, trở nên lãnh cảm, không còn ham muốn tình dục.
- Bị nhiễm trùng tái phát như như nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu, nhiễm trùng thận hoặc tử cung. Hiện tượng này có thể làm giảm khả năng miễn dịch ở phụ nữ và dễ bị vi khuẩn tấn công hơn, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng lặp đi lặp lại.
Nguyên Nhân
Có thể thấy, chị em gặp không ít khó khăn và rắc rối sau quá trình vượt cạn do rối loạn nội tiết tố khiến cơ thể có những thay đổi đến chóng mặt. Tình trạng này đa phần đều là do các nguyên nhân sau đây:
Mất cân bằng hormone
Thực tế, trong cơ thể phụ nữ có hai loại hormone chính và quan trọng nhất. Một là nội tiết tố nữ Estrogen – quyết định toàn bộ vẻ đẹp và nét nữ tính của phái nữ, hai là Progesterone – giúp điều hoà chu kỳ kinh nguyệt, tác động tốt tới tử cung. Trong đó, Estrogen giúp giữ mỡ và nước ở da, ức chế sắc đó của da, đồng thời đảm bảo ham muốn tình dục.
Khi ở độ tuổi 18 – 25, phụ nữ có lượng Estrogen dồi dào nên thường sở hữu vóc dáng thon gọn, làm da sáng, mái tóc mượt, tinh thần vui vẻ, thoải mái, đời sống tình dục viên mãn. Tuy nhiên, sau quá trình sinh con lượng Estrogen suy giảm nghiêm trọng, khiến quá trình lão hoá diễn ra nhanh và trầm trọng hơn. Điều này làm cho chị em dễ “bốc hỏa”, âm đạo teo và trở nên nhăn nheo, xuất hiện hiện tượng khô hạn, lãnh cảm với chuyện chăn gối.
Trong khi đó, Progesterone lại đóng vai trò ổn định tâm lý, cảm thiện cảm xúc, tâm trạng. Khi mang thai, nhau thai sẽ hỗ trợ cơ thể tiết ra loại hormone này nhiều gấp 500 – 1000 lần so với bình thường với mục đích bảo vệ cho thai nhi. Thế nhưng khi sinh con chúng lại bị suy giảm nhanh chóng để nhường chỗ cho hormone prolactin có chức năng tiết sữa. Điều này sẽ khiến các mẹ thường rơi vào trạng thái ủ rũ, buồn bã, thậm chí là trầm cảm.
Suy giảm hormone tuyến giáp
Thyroxin là hormone do tuyến giáp tiết ra có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tổng hợp protein trong cơ thể cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển, sinh trưởng của cơ thể.
Thế nhưng phần lớn phụ nữ đều sẽ gặp tình trạng tuyến giáp ngừng hoạt động trong khoảng một vài tuần sau khi sinh. Còn sau thời gian này nó sẽ hoạt động với hiệu suất vô cùng thấp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn nội tiết tố sau khi sinh.
Tình trạng căng thẳng, áp lực kéo dài
Phụ nữ sau sinh thông thường sức khỏe còn rất yếu, phải đối mặt với nhiều cú sốc về hình thể, các áp lực, mệt mỏi trong việc bỉm sữa, cảm giác tù túng trong quá trình ở cữ, con quấy khóc, chăm con, gia đình,… Những điều này không chỉ ảnh hưởng tới tinh thần và cảm xúc của mẹ mà còn gây mất cân bằng lượng hormone cho cơ thể, trong đó bao gồm cả Estrogen.
Bị mất ngủ, thiếu ngủ
Hầu hết phụ nữ sau khi sinh xong đều không tránh khỏi tình trạng thức đêm trông con, cho con bú, vì vậy mà sẽ rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Đây cũng là lý do khiến cho lượng hormone Estrogen và Testosterone bị ảnh hưởng tiêu cực. Sự mất cân bằng ở 2 loại hormone này chính là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn nội tiết tố sau sinh.
Chế độ ăn uống
Phụ nữ sau sinh cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để có thể phục hồi sức khỏe và cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé. Trong trường hợp không chú ý bồi bổ hoặc nóng lòng giảm cân ngay, kiêng khem quá mức rất dễ khiến cho cơ thể rơi vào tình trạng suy nhược, mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng và đặc biệt là gây rối loạn nội tiết tố.
Biến chứng
Có thể thấy, việc rối loạn nội tiết tố sau sinh ảnh hưởng không ít tới cơ thể, sức khỏe, đời sống, tinh thần của chị em phụ nữ, đặc biệt là có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng như:
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ sau sinh có thể gây ra những tác động xấu tới sức khỏe như:
- Suy tuyến giáp: Estrogen tăng cao có thể dẫn đến suy tuyến giáp, khiến tuyến giáp có nguy cơ bị viêm, nồng độ cortisol gia tăng, gây nên chứng trầm cảm.
- Suy tuyến thượng thận: Tuyến thượng thận có nguy cơ bị quá tải, không đáp ứng đủ lượng cortisol, khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi.
- Suy nhược cơ thể: Rối loạn nội tiết tố có thể khiến mẹ bỉm mệt mỏi, uể oải, chán ăn, suy giảm sức đề kháng dẫn đến suy nhược cơ thể, dễ mắc các bệnh về xương khớp.
Ảnh hưởng đến nhan sắc
Những ảnh hưởng tiêu cực tới ngoại hình, nhan sắc xuống dốc cũng chính là lý do khiến chị em phải “khóc thét” khi hormone estrogen suy giảm. Một loạt thay đổi có thể kể đến như:
- Nhan sắc: Xuất hiện tình trạng lão hoá sớm, nhan sắc xuống dốc không phanh, da chảy xệ, tàn nhang, nám, nổi mụn, rụng tóc.
- Vóc dáng: Hàm lượng Estrogen giảm đi dẫn đến tình trạng tích mỡ ở vùng bụng dưới, eo, dưới cánh tay, đùi, cằm,… khiến chị em trở nên sồ sề hơn. Đặc biệt, phụ nữ sau sinh đa phần đều phải đối mặt với việc vòng 2 quá khổ, để có thể lấy lại vóc dáng thon gọn là cả một hành trình đầy gian nan.
Ảnh hưởng tới tâm lý
Progesterone là loại hormone đóng vai trò giữ cho tâm lý phụ nữ ổn định, cải thiện tâm trạng. Sau quá trình vượt cạn thành công, loại hormone này sẽ giảm đi đáng kể, khiến chị em dễ lâm vào chán nản, u sầu, tự ti, tâm trạng tiêu cực, dễ khóc và dễ bị tổn thương,… Nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới stress nghiêm trọng, suy nhược thần kinh, trầm cảm sau sinh.
Ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân
Nếu Progesterone suy giảm gây ảnh hưởng tới tâm lý thì Estrogen suy giảm lại khiến nữ giới phải đối mặt với vấn đề về sinh lý, điển hình là việc khô âm đạo. Lúc này, âm đạo sẽ không tiết hoặc tiết ra rất ít chất bôi trơn, khiến chị em cảm thấy đau rát, thậm chí là ra máu. mỗi khi quan hệ tình dục
Từ đó, nhu cầu và ham muốn tình dục bị tụt giảm, khó đạt được khoái cảm, chuyện chăn gối cũng mờ nhạt theo. Tình trạng này có thể khiến vợ chồng dần lạnh nhạt, xa cách, mâu thuẫn, thậm chí là chồng ngoại tình do không đáp ứng được nhu cầu sinh lý, gây ảnh hưởng tới hôn nhân.
Tuy nhiên, rối loạn nồng độ hormone nội tiết tố ở phụ nữ thông thường sẽ kết thúc và quay trở về mức bình thường sau 6 tháng từ khi vượt cạn. Đây cũng là khoảng thời gian trùng khớp với chu kỳ kinh nguyệt lần đầu sau khi sinh em bé.
Phòng ngừa
Bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường nội tiết tố
Việc đơn giản nhất mà các mẹ bỉm có thể làm để cân bằng lại nội tiết tố trong cơ thể sau khi sinh đó chính là xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, khoa học và lành mạnh. Trong đó, một số loại thực phẩm tăng cường nội tiết tố nữ được các chuyên gia khuyên dùng cho phụ nữ sau sinh đó là:
- Các loại rau họ cải: Những loại rau này mang đến hiệu quả cao trong việc duy trì nồng độ Estrogen ở mức bình thường, hỗ trợ cải thiện nội tiết tố sau sinh. Gồm có bắp cải, cải chíp, cải xoăn, cải bó xôi, bông cải xanh,…
- Tảo biển, rong biển: Nhóm thực phẩm này cung cấp lượng lớn vitamin, chất xơ cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe của tuyến vú, điều hoà nội tiết tố.
- Các loại hạt: Nhóm thực phẩm này không chỉ giàu vitamin mà còn giúp tăng cường nội tiết tố, chứa các chất chống oxy hóa, phòng tránh ung thư, các bệnh về tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ sau khi sinh. Gồm có hạt lanh, đậu nành, hạt dẻ cười, hạt hạnh nhân,…
- Cá biển: Được biết đến là nguồn bổ sung omega-3 dồi dào cho cơ thể, bên cạnh đó trong các loại cá này còn chứa thành phần đạm cao, giúp cải thiện Estrogen, bảo vệ buồng trứng. Trong đó cá hồi là thực phẩm được đánh giá cao nhất về độ hiệu quả.
- Khoai lang: Đây là thực phẩm rất giàu vitamin B6, acid amin giúp cân bằng cơ thể và loại bỏ căng thẳng. Mặt khác, khoai lang còn hỗ trợ chống lão hoá và nội tiết tố nữ sau sinh. Chị em có thể chế biến nó dưới nhiều dạng như luộc, nướng, xay nghiền bột làm bánh,…
- Lòng đỏ trứng: Đây là nguồn bổ sung vitamin B-complex như B12 và B6 vô cùng tuyệt vời. Đồng thời nó còn giàu selen – chất quan trọng trong quá trình chuyển đổi hormone tuyến giáp không hoạt động thành hormone tuyến giáp hoạt động, giúp khôi phục sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ.
Bên cạnh đó, mẹ bỉm cũng cần uống đủ nước mỗi ngày để điều chỉnh lượng hormone cortisol một cách hiệu quả nhất. Tốt nhất hãy uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, kết hợp cùng các loại nước ép rau quả tươi, trà thảo mộc để mang lại hiệu quả cao nhất. Bởi nếu cơ thể phụ nữ thiếu nước, nội tiết tố sẽ không được cải thiện ở mức tiêu chuẩn. Việc lười uống nước hoặc uống không đủ vô hình chung khiến hoạt động nội tiết trở nên rối loạn.
Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, khoa học
Ngoài việc ăn uống đủ chất thì một thời gian biểu hợp lý, các thói quen sinh hoạt lành mạnh cũng mang lại hiệu quả cao trong việc cân bằng lại lượng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ. Gồm có:
- Ngủ đủ giấc: Một ngày ngủ đủ từ 6 – 8 tiếng là việc cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ sau quá trình sinh nở. Điều này giúp chị em đảm bảo sức khỏe và nhanh cân bằng lại nội tiết tố cho cơ thể.
- Suy nghĩ tích cực: Yếu tố này được xem là vấn đề lớn của phụ nữ khi cuộc sống làm mẹ bắt đầu. Việc luôn giữ cho mình một tinh thần thoải mái, lạc quan là điều phái đẹp nên làm để tránh các ảnh hưởng xấu của việc suy giảm nội tiết tố nữ sau sinh. Chị em có thể chọn các giải pháp như xem phim, đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè đề giữ cho mình sự tích cực nhất.
- Tập luyện thể dục, thể thao: Sau thời gian kiêng cữ chị em có thể thử nhiều môn thể thao như: Yoga, đi bộ, zumba, đạp xe,… Đây đều là những môn vận động nhẹ nhàng, vừa sức. Tốt nhất nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để liên tục và duy trì đều đặn, bởi nó không chỉ giúp cân bằng nội tiết tố mà còn mang lại sức khỏe dẻo dai, vóc dáng cân đối.
- Tạo thói quen cho trẻ: Việc xây dựng giờ giấc ngủ nghỉ cho trẻ sẽ giúp mẹ bớt áp lực về chuyện chăm con và bỉm sữa hơn. Mặt khác mẹ cũng sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, giảm áp lực. Hãy yêu cầu sự san sẻ với chồng để giảm bớt gánh nặng trong khoảng thời gian này.