Viêm Túi Thừa Đại Tràng

Tổng quan

Viêm túi thừa đại tràng là tình trạng đường tiêu hóa phổ biến, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, các biến chứng này có thể dẫn đến nhiều bệnh lý mãn tính và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Định nghĩa

Túi thừa đại tràng là những túi nhỏ, phồng lên, hình thành bên trong niêm mạc đại tràng. Viêm túi thừa đại tràng xảy ra khi một hoặc nhiều túi thừa bị viêm, sưng và nhiễm trùng. Tình trạng này thường gây ảnh hưởng đến người từ 40 tuổi trở lên và khoảng 50% người trên 60 tuổi mắc bệnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ viêm túi thừa cũng tăng lên theo độ tuổi và hầu hết mọi người đều bị viêm túi thừa khi trên 80 tuổi.

Bình thường túi thừa đại tràng có 4 lớp đều đặn và không có vị trí nào bị lõm sâu vào. Do đó, nếu có một vị trí bị lõm sâu vào thì đó là dấu hiệu của túi thừa đại tràng. Túi thừa đại tràng thường chứa phân bị kẹt, dẫn đến hình thành cục đá phân (fecalith) theo thời gian. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây nghẹt lòng túi thừa, chèn ép lên các vách ngăn, khiến vi khuẩn phát triển ở đại tràng, dẫn đến nhiễm trùng, viêm, sưng.

Viêm túi thừa đại tràng nhẹ có thể được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật để tránh các rủi ro nghiêm trọng.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Viêm túi thừa đại tràng thường không có triệu chứng. Tuy nhiên trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị đi ngoài ra máu. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, bao gồm:

  • Đau bụng: Viêm túi thừa đại tràng có thể khiến người bệnh bị đau dạ dày hoặc đau bụng bên trái. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và dữ dội kéo dài trong trong vài ngày. Cường độ cơn đau có thể giảm hoặc tăng theo thời gian.
  • Buồn nôn hoặc nôn: Viêm túi thừa có thể khiến người bệnh buồn nôn. Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên, người bệnh cũng có thể bị nôn.
  • Sốt: Nhiễm trùng và viêm ở túi thừa đại tràng có thể khiến người bệnh bị sốt nhẹ, kéo dài. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị ớn lạnh.
  • Chuột rút ở bụng: Nhiều người bệnh viêm túi thừa đại tràng có thể bị chuột rút ở bụng dưới. Tình trạng này có thể xảy ra kèm với đau bụng, buồn nôn hoặc xảy ra riêng biệt.
  • Thay đổi chuyển động ruột: Viêm túi thừa đại tràng có thể gây thay đổi nhu động ruột ở người bệnh, chẳng hạn như dẫn đến táo bón, đi ngoài ra máu. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị tiêu chảy, tuy nhiên tình trạng này thường không phổ biến.
  • Chảy máu trực tràng: Một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh viêm túi thừa là chảy máu trực tràng. Tình trạng này được biểu hiện bằng việc đi ngoài ra máu hoặc có máu dính trên phân hoặc giấy vệ sinh.

Viêm túi thừa đại tràng có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Với thể cấp tính, người bệnh có thể bị một hoặc nhiều đợt nhiễm trùng và viêm nặng. Trong khi đó, viêm túi thừa mãn tính là tình trạng viêm và nhiễm trùng kéo dài, không thể điều trị khỏi. Theo thời gian, tình trạng viêm có thể dẫn đến tắc ruột, gây ra táo bón, phân loãng, tiêu chảy, đầy bụng và đau bụng. Nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, cơn đau bụng sẽ khiến bụng căng lên, khiến người bệnh bị tức bụng và dẫn đến nhiều biến chứng khác.

Viêm túi thừa đại tràng là bệnh lý khó chẩn đoán. Bởi vì các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác, chẳng hạn như Hội chứng ruột kích thích, bệnh celiac, bệnh viêm ruột, viêm ruột thừa, sỏi mật và loét dạ dày. Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Nguyên Nhân

Hiện tại các bác sĩ không rõ nguyên nhân chính dẫn đến viêm túi thừa đại tràng, tuy nhiên sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn được cho là nguyên nhân chính dẫn đến viêm túi thừa.  Bên cạnh đó, chế độ ăn uống ít chất xơ và lối sống ít vận động cũng được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hoặc làm tăng nguy cơ viêm túi thừa.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh viêm túi thừa đại tràng, chẳng hạn như:

1. Gen di truyền

Di truyền đóng một vai trò quan trọng trong các nguy cơ dẫn đến viêm túi thừa, chiếm khoảng 50% các nguy cơ tiềm ẩn. Những bệnh nhân trẻ tuổi thường có một số khiếm khuyết trong các sợi mô liên kết hoặc các thành phần ngoại bào.

Nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa đại tràng sẽ cao hơn gấp 3 lần nếu người bệnh có anh / chị em song sinh mắc bệnh. Nguy cơ này cũng tăng lên gấp 7 lần ở các cặp song sinh cùng trứng, giống hệt nhau.

2. Chế độ ăn uống

Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng, chế độ ăn uống ít chất xơ có thể dẫn đến viêm túi thừa. Cụ thể, tình trạng thiếu chất xơ có thể dẫn đến táo bón. Điều này gây ra áp lực kéo dài bên trong ruột và dẫn đến hình thành các túi thừa.

Chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ, ít rau xanh, trái cây và ngũ cốc giàu chất xơ, được cho là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến viêm túi thừa. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho biết, thường xuyên tiêu thụ chất xơ có thể ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh viêm túi thừa.

3. Lối sống ít vận động

Mặc dù không có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên lối sống ít vận động được cho là có thể dẫn đến viêm túi thừa đại tràng. Theo các nghiên cứu, nam giới ngồi tối thiểu 52 giờ mỗi tuần có nguy cơ phát triển viêm túi thừa cao hơn 30% so với nam giới ngồi ít hơn 16 giờ mỗi tuần.

Do đó, để hạn chế nguy cơ viêm túi thừa, người bệnh nên thường xuyên tập thể dục, vận động cơ thể. Theo khuyến cáo, hầu hết mọi người nên vận động thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa nhiều bệnh lý.

4. Béo phì

Béo phì là tình trạng tích tụ nhiều chất béo trong cơ thể, có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Béo phì được đo bằng chỉ số BMI, chỉ số này được tính bằng chiều cao và cân nặng của một người.

Theo thống kê, những người có chỉ số BMI trên 30 có nguy cơ viêm túi thừa cao gấp đôi những người có chỉ số BMI bình thường. Ngoài ra, béo phì cũng có liên quan đến một số rối loạn khác nhau, chẳng hạn như tiểu đường, bệnh tim mạch, ngưng thở khi ngủ hoặc trầm cảm. Do đó, người bệnh béo phì hoặc có nguy cơ béo phì nên có kế hoạch giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

5. Hút thuốc

Các nghiên cứu cho biết xác suất phát triển viêm túi thừa đại tràng ở những người hút thuốc cao hơn khoảng 24 - 30% khi so với người không hút thuốc. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ thủng túi thừa, viêm loét dạ dày và người bệnh cần phải phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.

Bên cạnh đó, hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như rối loạn tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, đột quỵ. Do đó, nếu hút thuốc, người bệnh nên có kế hoạch bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

6. Ức chế hệ thống miễn dịch

Những người bị ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như cấy ghép nội tạng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc người bệnh rối loạn tự miễn dịch, có thể làm tăng khả năng bị viêm túi thừa đại tràng. Bên cạnh đó, nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nghiêm trọng và khó điều trị hơn.

7. Các nguyên nhân khác

Một số yếu tố rủi ro khác có thể làm tăng nguy cơ viêm túi thừa đại tràng bao gồm:

  • Độ tuổi: Theo ước tính, tỷ lệ viêm túi thừa theo tuổi tác như sau, khoảng 13% đối với người dưới 50 tuổi, 30% đối với người từ 50 - 70 tuổi và 50% đối với những người từ 70 - 85 tuổi và 66% đối với những người trên 85 tuổi.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Những người dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen natri, diclofenac natri, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn khoảng 4.85 lần. Bên cạnh đó, người dùng thuốc NSAID có nguy cơ thủng dạ dày và tử vong cao hơn những người không dùng.
  • Uống rượu: Những người nghiện rượu hoặc uống rượu với cường độ cao, có nguy cơ viêm túi thừa đại tràng cao hơn những người khác là 36%. Theo một số nghiên cứu, các triệu chứng viêm túi thừa cũng nghiêm trọng hơn và có thể cần được phẫu thuật ở những người nghiện rượu.
  • Bệnh lý tiềm ẩn: Các nghiên cứu cho biết, bệnh nhân suy giáp, tăng huyết áp động mạch, tiểu đường và bệnh thận, thường có nguy cơ viêm túi thừa cao hơn so với những người khác.

Viêm túi thừa đại tràng xảy ra khi túi thừa bị viêm hoặc nhiễm trùng. Tình trạng này cần được chẩn đoán sớm để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa phù hợp. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng hoặc thuốc nhóm đối tượng nguy cơ, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Biến chứng

Nếu không được điều trị phù hợp, viêm túi thừa đại tràng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Áp xe: Nếu không được điều trị, tình trạng viêm xung quanh túi thừa có thể dẫn đến viêm đại tràng, tụ mủ, nhiễm trùng, hình thành áp xe và người bệnh có thể bị viêm phúc mạc. Nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong, do đó, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức.
  • Thủng hoặc rách thành ruột: Tình trạng này có thể dẫn đến áp xe, nhiễm trùng, bởi vì các chất thải sẽ rò rỉ vào thành bụng. Nếu không được điều trị, thủng thành ruột có thể dẫn đến tử vong.
  • Sẹo: Sẹo đường tiêu hóa có thể dẫn đến co thắt hoặc tắc ruột.
  • Hình thành các lỗ rò: Nếu viêm túi thừa hình thành ở một cơ quan gần đó, điều này có thể gây ra một đường nối, chẳng hạn như giữa đại tràng và bàng quang. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và nhiều biến chứng khác. Bên cạnh đó, đôi khi các đường rò có thể nối giữ ruột, da hoặc âm đạo và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Viêm túi thừa đại tràng nhẹ có thể được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp. Tuy nhiên trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần được phẫu thuật để tránh các rủi ro và hạn chế nguy cơ tái phát. Do đó, nếu nhận thấy chảy máu trực tràng hoặc đau đớn dữ dội, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Bởi vì hầu hết người bệnh viêm túi thừa đại tràng không có triệu chứng, do đó bệnh thường khó chẩn đoán chính xác. Nếu nhận thấy các triệu chứng viêm túi thừa, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Bác sĩ có thể hỏi người bệnh về các tiền sử bệnh lý, các triệu chứng hiện tại, các loại thực phẩm thường ăn, tần suất đi đại tiện cũng như các loại thuốc thường xuyên sử dụng để xác định nguyên nhân cơ bản. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra bụng để xác định các cơn đau đớn hoặc căng thẳng ở bụng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ quá trình chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được chỉ định để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như số lượng bạch cầu cao.
  • Xét nghiệm mẫu phân: Mẫu phân của người bệnh sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định vi khuẩn, ký sinh trùng bất thường có thể dẫn đến nhiễm trùng, đau bụng, có máu trong phân hoặc các triệu chứng khác.
  • Kiểm tra trực tràng: Trong xét nghiệm này, bác sĩ có thể nhẹ nhàng đưa ngón tay vào trực tràng để kiểm tra các bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe ở trực tràng, hậu môn.
  • CT scan: Bác sĩ có thể đề nghị chụp cắt lát vi tính (CT scan) để xác định mức độ viêm ở túi thừa.
  • Chụp X - quang đường tiêu hóa dưới có bari: Trong xét nghiệm này, người bệnh sẽ được tiêm một chất lỏng có chứa bari vào hậu môn. Chất lỏng sẽ bao phủ toàn bộ ruột kết và giúp bác sĩ quan sát các vấn đề liên quan.
  • Nội soi đại tràng: Trong xét nghiệm này, bác sĩ sử dụng một ống mềm, mỏng có đèn chiếu sáng ở đầu, đưa vào trực tràng và đại tràng xích ma. Ống này sẽ được kết nối với máy tính để bác sĩ quan sát bên trong trực tràng và đại tràng.
  • Chụp động mạch: Nếu người bệnh đi ngoài ra máu hoặc chảy máu trực tràng, người bệnh sẽ được chụp động mạch để xác định vị trí chảy máu. Trong quá trình này, các động mạch này có thể cung cấp máu cho ruột kết sẽ được tiêm một loại thuốc nhuộm để giúp bác sĩ xác định nguồn chảy máu và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Biện pháp điều trị

Các biện pháp điều trị viêm túi thừa đại tràng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng cơ bản của người bệnh. Cụ thể, các biện pháp điều trị bao gồm:

1. Viêm túi thừa đại tràng không biến chứng

Trong các trường hợp viêm túi thừa nhẹ, không có biến chứng, người bệnh có thể điều trị các triệu chứng tại nhà. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện một số biện pháp điều trị như:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên trong các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, người bệnh có thể không cần sử dụng thuốc.
  • Thay đổi chế độ ăn uống, chẳng hạn như sử dụng thức ăn lỏng trong vài ngày để chống táo bón và giúp hệ thống tiêu hóa có thời gian phục hồi. Khi các triệu chứng được cải thiện, người bệnh có thể thêm thức ăn rắn dần vào chế độ ăn uống để cân bằng dinh dưỡng.

Các phương pháp điều trị tại nhà đáp ứng tốt đối với hầu hết người bệnh bị viêm túi thừa đại tràng nhẹ và không có biến chứng.

2. Viêm túi thừa đại tràng phức tạp

Trong trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng, nguy cơ biến chứng cao, bác sĩ có thể kê các loại kháng sinh đường uống, chẳng hạn như amoxicillin, metronidazole, trimethoprim-sulfamethoxazole hoặc ciprofloxacin để điều trị nhiễm trùng.

Trong trường hợp người bệnh bị chảy máu trực tràng hoặc viêm túi thừa mãn tính, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nhập viện và tiêm thuốc kháng sinh thông qua tĩnh mạch. Ngoài ra, trong trường hợp có áp xe, bác sĩ có thể chèn một ống dẫn để dẫn lưu áp xe.

Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các biện pháp điều trị, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để tránh các rủi ro nghiêm trọng.

3. Phẫu thuật điều trị

Phẫu thuật viêm túi thừa đại tràng được chỉ định cho các trường hợp nghiêm trọng hoặc khi người bệnh không đáp ứng các biện pháp tự chăm sóc. Bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật nếu người bệnh có các triệu chứng như:

  • Có các biến chứng, chẳng hạn như áp xe ruột, tắc nghẽn hệ thống tiêu hóa, hình thành các lỗ rò hoặc thủng thành ruột;
  • Viêm túi thừa đại tràng tái phát nhiều lần;
  • Người bệnh có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Các loại phẫu thuật phổ biến được chỉ định để điều trị viêm túi thừa bao gồm:

  • Cắt ruột nguyên phát: Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ đoạn ruột bị bệnh và nối lại các đoạn ruột khỏe mạnh. Điều này giúp người bệnh đi đại tiện bình thường và tránh các rủi ro có thể xảy ra. Tùy thuộc vào mức độ viêm, phẫu thuật có thể được thực hiện thông qua nội soi hoặc phẫu thuật mở truyền thống.
  • Cắt ruột kết hợp cắt đại tràng: Nếu tình trạng viêm nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị đề nghị cắt bỏ đại tràng. Sau đó, một lỗ thoát sẽ được mở ra trong thành bụng và kết nối vời phần lành của ruột kết. Chất thải và phân sẽ đi qua lỗ này và một túi nhân tạo đặt bên hông của người bệnh. Khi tình trạng viêm đã được cải thiện, bác sĩ sẽ tiến hành nối lại ruột và loại bỏ túi chứa phân.

Sau khi điều trị viêm túi thừa đại tràng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tái khám sau 6 tuần để xác định các nguy cơ và có kế hoạch xử lý kịp thời. Ngoài ra, sau khi điều trị thành công, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bổ sung để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Người bệnh nên thường xuyên đi đại tiện, tránh táo bón và hạn chế căng thẳng để phòng ngừa các triệu chứng viêm túi thừa đại tràng. Để phòng ngừa các triệu chứng, người bệnh có thể thực hiện như sau:

  • Bổ sung chất xơ: Chất xơ có thể giúp tăng lượng nước ở phân, giúp phân mềm, dễ di chuyển và đi qua đại tràng dễ dàng hơn.
  • Uống nhiều nước: Ăn nhiều chất xơ có thể khiến cơ thể hấp thụ nhiều nước hơn, do đó người bệnh nên uống nhiều nước để giữ phân mềm và di chuyển qua đại tràng nhanh chóng hơn.
  • Tập thể dục hàng ngày: Vận động hàng ngày có thể giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn và tránh các nguy cơ táo bón cũng như tắc nghẽn ruột. Hầu hết mọi người nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa các vấn đề về hệ thống tiêu hóa.

Viêm túi thừa đại tràng có thể được chữa lành bằng thuốc kháng sinh, phẫu thuật hoặc thay đổi phong cách sống theo hướng dẫn của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, thường xuyên tập thể dục và uống nhiều nước để ngăn ngừa viêm thừa tái phát. Thông báo với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Nguyễn Đình Tùy
Bác Sĩ Nguyễn Đình Tùy
Verified
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android