Các Giai Đoạn Ung Thư Tuyến Tiền Liệt Và Biện Pháp Phòng Tránh Bệnh
Các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt cách dùng từ nhằm mô tả vị trí của khối u ác tính, xem nó đã di căn chưa và có ảnh hưởng đến những bộ phận khác hay không. Đánh giá đúng giai đoạn của bệnh là việc làm rất quan trọng, giúp bác sĩ có cái nhìn tổng thể, từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, an toàn nhất.
Phương pháp chẩn đoán chính xác ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tiền liệt tuyến xảy ra khi các tế bào trong tuyến tiền liệt phát triển bất thường. Hầu hết đó là tế bào ung thư biểu mô tuyến. Mặc dù những tế bào ung thư này phát triển khá nhanh nhưng triệu chứng bệnh lý ung ở giai đoạn thường không quá rõ ràng. Vì thế nam giới chỉ phát hiện ra bệnh ở giai đoạn muộn, điều này gây khó khăn trong việc điều trị, thậm chí có thể tử vong.
Các tế bào ung thư ác tính trong tuyến tiền liệt có khả năng di căn sang những vùng khác trên cơ thể như xương hoặc máu. Từ đó gây nên nhiều biến chứng nặng nề khác. Chính vì vậy đây được coi là bệnh lý nguy hiểm nhưng vẫn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu. Trong trường hợp bệnh đã xuất hiện những triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, khả năng điều trị khỏi là rất thấp.
Vì thế các chuyên gia cho biết nam giới nên thăm khám sức khỏe định kỳ, từ đó nhanh chóng phát hiện bệnh và có hướng điều trị thích hợp. Một số xét nghiệm sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến thường được chỉ định thực hiện bao gồm:
- Khám qua trực tràng (DRE): Theo đó bác sĩ sẽ chèn một ngón tay đã đeo găng tay bôi trơn vào trực tràng để kiểm tra chính xác tình trạng tuyến tiền liệt. Trường hợp bác sĩ phát hiện bất thường về hình dạng, kết cấu hoặc kích thước phì đại tuyến tiền liệt sẽ chỉ định làm thêm một số kiểm tra khác.
- Thử nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Một mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch trên tay người bệnh và đem đi phân tích PSA. Số lượng PSA trong máu nhỏ là bình thường. Trường hợp cao hơn mức bình thường được tìm thấy có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiền liệt tuyến hoặc ung thư.
- PSA thử nghiệm kết hợp với DRE: Sự kết hợp này giúp xác định các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt một cách sớm nhất. Nhưng các nghiên cứu đã không chứng minh được rằng thử nghiệm này là hữu ích. Vì thế có đến hiện tại vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh tầm soát ung thư tiền liệt tuyến.
Dựa vào những kết quả thử nghiệm nêu trên nếu phát hiện bất thường ở DRE hoặc PSA, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm thêm một số kiểm tra khác để xác định bệnh một cách chính xác nhất. Cụ thể là:
- Siêu âm: Nếu các xét nghiệm khác làm tăng nghi ngờ mắc bệnh tiền liệt tuyến, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm nhằm đánh giá chi tiết hơn về tuyến tiền liệt. Việc thăm dò này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tuyến tiền liệt.
- Thu thập mẫu mô tuyến tiền liệt: Nếu kết quả thử nghiệm ban đầu là ung thư tiền liệt tuyến, bác sĩ có thể đề nghị thu thập mẫu mô tế bào (sinh thiết). Sinh thiết tuyến tiền liệt được thực hiện bằng cách sử dụng một chiếc kim nhỏ đưa vào tuyến tiền liệt để lấy mẫu mô. Tiếp đó bác sĩ phân tích các mẫu mô trong phòng thí nghiệm để xác định sự có mặt của tế bào ung thư.
Khi kết quả sinh thiết khẳng định sự hiện diện của tế bào ung thư, bước tiếp theo được gọi là phân loại và xác định tính chất ung thư. Dựa vào những mẫu mô này, bác sĩ nghiên cứu tế bào ung thư so với tế bào khỏe mạnh. Trường hợp càng nhiều tế bào ung thư khác nhau chứng tỏ bệnh sẽ tiến triển nhanh và khả năng lây lan cao hơn.
Điểm số Gleason được ứng dụng phổ biến trong việc đánh giá các tế bào ung thư tiền liệt tuyến. Phổ điểm có thể từ 2 (không ung thư) đến 10, trong đó điểm thấp nhất cho bệnh ung thư là 6 – tức ung thư đang tiến triển chậm. Điểm số Gleason là 7 nghĩa ung thư tiến triển vừa là điểm 8, 9, 10 là ung thư tiến triển nhanh chóng.
Nói tóm lại, điểm Gleason càng cao, ung thư phát triển càng nhanh. Điều này có nghĩa bệnh ung thư có khả năng phát triển và lây lan sang nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Hiện nay bác sĩ cũng sử dụng những thông tin này cùng với các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt để lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Nếu được phát hiện sớm, bệnh ung thư tiền liệt tuyến sẽ có tiên lượng tốt.
Đặc điểm của các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Dựa vào việc tiến hành chẩn đoán ung thư nêu trên, bác sĩ sẽ xác định các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.
Hiện bệnh ung thư tuyến tiền liệt được chia làm 4 giai đoạn. Dưới đây là đặc điểm chi tiết từng giai đoạn bệnh bạn nên nắm rõ.
Giai đoạn I
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 1 (giai đoạn ban đầu), bệnh thường tiến triển chậm, các tế bào ung thư khu trú ở 1 phần của tuyến. Đôi khi các tế bào ung thư này trông khá giống với tế bào khỏe mạnh bình thường.
Theo các chuyên gia, đối với tất cả các loại bệnh lý, nếu được phát hiện càng sớm, khả năng chữa trị và tiên lượng sống càng cao. 100% bệnh nhân phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn này đều có thể sống trên 5 năm.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi bệnh ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư phát triển một cách thầm lặng, thậm chí không gây ra triệu chứng bất thường nào khác. Việc áp dụng những phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng có thể không phát hiện ra bệnh.
Các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt, cụ thể giai đoạn 1, nồng độ PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến) thường rất thấp trong máu. Vì thế việc phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn này thực sự là một vấn đề khó khăn. Sự di căn của ung thư cũng diễn ra âm thầm.
Trong giai đoạn 1, với những bệnh nhân không có triệu chứng ung thư tiền liệt tuyến, người bệnh cao tuổi hoặc có vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác thường được khuyến cáo theo dõi, không can thiệp điều trị. Với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao xem xét tiến hành cắt bỏ hoặc xạ trị tiền liệt tuyến.
Giai đoạn II
Ở giai đoạn 2, các tế bào ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Lúc này khối u được phát hiện dựa trên kinh nghiệm và thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên nồng độ PSA trong máu chỉ ở mức trung bình hoặc rất thấp.
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2 tuy nhỏ nhưng vẫn có thể phát triển và lây lan nếu gặp điều kiện thích hợp.
- Giai đoạn 2a: Bác sĩ sẽ không thể sờ thấy khối u tiền liệt tuyến. Bên cạnh đó mức PSA trong máu ở mức trung bình, các tế bào ung thư được biệt hóa tốt. Giai đoạn này cũng bao gồm các khối u lớn hơn giới hạn trong tiền liệt tuyến miễn là đảm bảo các tế bào ung thư còn biệt hóa tốt.
- Giai đoạn 2b: Khối u sẽ chỉ được tìm thấy trong tuyến tiền liệt và nó có thể đủ lớn để có thể sờ thấy trong quá trình DRE. Bên cạnh đó mức PSA ở mức trung bình, các tế bào ung thư được biệt hóa vừa phải.
- Giai đoạn 2c: Khối u được tìm thấy bên trong tuyến tiền liệt và nó đủ lớn để sờ thấy thông qua quá trình DRE. Mức PSA ở mức trung bình, các tế bào ung thư được biệt hóa trung bình hoặc kém.
Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn này, kích thước khối u vẫn còn khá nhỏ và có thể phát hiện thông qua thăm khám trực tràng, nồng độ PSA thường ở dưới mức 20g/ml.
Vì thế, chuyên gia khuyên rằng nam giới khi có những dấu hiệu như tiểu đêm nhiều, tiểu buốt, tiểu đau, tiểu ra máu,… cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị ở giai đoạn này có thể kết hợp phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt và xạ trị. Tùy tình trạng bệnh nhân bác sĩ có thể chỉ định thời gian xạ trị riêng, thông thường kéo dài khoảng 6 tuần.
Giai đoạn III
Ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn 3, lúc này tế bào ung thư đã lộ rõ nguyên hình và bắt đầu xâm lấn, di căn ra bên ngoài. Khối u đã tiến đến mục tiêu đầu tiên là túi tinh – nơi sản xuất chất dịch tạo nên tinh dịch. Thế nhưng nó sẽ chưa thể di căn xa hơn đến bàng quang hay trực tràng. Nồng độ PSA lúc này rất cao, có thể phát hiện thông qua xét nghiệm máu.
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3 thường khó điều trị và tỷ lệ tái phát cao.
- Giai đoạn 3a: Tế bào ung thư lúc này đã lan ra lớp ngoài của tuyến tiền liệt và đi vào các mô lân cận. Hơn nữa nó cũng đã di chuyển đến túi tinh với mức PSA cao.
- Giai đoạn 3b: Khối u đã phát triển bên ngoài tuyến tiền liệt và có thể xâm lấn đến các cấu trúc lân cận, ví dụ như trực tràng và bàng quang.
- Giai đoạn 3c: Các tế bào ung thư ở giai đoạn này biệt hóa kém, có nghĩa là chúng trông khác với tế bào khỏe mạnh.
Việc điều trị ở các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt không giống nhau. Theo đó, ở giai đoạn 3, bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị (bắt buộc), phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến (cắt bỏ hạch bạch huyết vùng chậu) kết hợp với liệu pháp hormon.
Giai đoạn IV
Trong các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt, giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) được coi là nguy hiểm nhất bởi khối u đã có khả năng xâm lấn và di căn diện rộng.
Theo đó ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, các tế bào đã di căn vào bàng quang, trực tràng. Chúng có thể đi di căn xa hơn đến phổi, xương,… theo đường bạch huyết.
- Giai đoạn 4a: Tế bào ung thư lúc này đã lan đến các hạch bạch huyết trong khu vực.
- Giai đoạn 4b: Tế bào ung thư đã lan đến các hạch huyết ở xa, một vài bộ phận khác hoặc di căn vào xương.
Triệu chứng ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn cuối rất rõ ràng, theo đó người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc tiểu tiện, đau nhức do khối u chèn ép. Các biểu hiện ở những cơ quan khác mà khối u di căn gây ra như xương dễ gãy, đau xương, khó thở, chi dưới yếu hơn,…
Thực tế chỉ một số ít bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có thể chữa trị được. Cụ thể khoảng 31% bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn 4 sống được sau 5 năm. Vì thế mục tiêu điều trị ở giai đoạn này là cải thiện chất lượng sống, kiểm soát tiến triển của bệnh.
Như đã nói, các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt sẽ thích hợp với một phương pháp điều trị khác nhau. Ở giai đoạn 4, người bệnh sẽ được chỉ định:
- Sử dụng liệu pháp hormon có thể kết hợp cùng hóa trị.
- Thực hiện xạ trị kết hợp với liệu pháp hormon.
- Cắt bỏ tuyến tiền liệt.
- Phẫu thuật (TURP) nhằm làm giảm triệu chứng của bệnh như chảy máu, tắc nghẽn đường tiết niệu.
- Phương pháp điều trị nhằm hạn chế khả năng tế bào ung thư di căn đến xương, chẳng hạn như denosumab (Xgeva), zoledronic acid (Zometa), xạ trị bên ngoài.
Những phương pháp điều trị này có thể kết hợp với biện pháp giảm đau như tiêm morphin để giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Nguyên nhân là ở giai đoạn cuối của ung thư tuyến tiền liệt, người bệnh sẽ cảm thấy cực kỳ đau đớn, tiên lượng sống chỉ vài tháng đến vài tuần.
Ngoài các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt trên, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ tái phát. Theo đó ung thư tiền liệt tuyến có thể tái phát trở lại khu vực này một lần nữa hoặc ở các bộ phận khác trên cơ thể.
Trường hợp tái phát ung thư, người bệnh sẽ phải thực hiện một đợt xét nghiệm khác để tìm hiểu nguyên nhân cũng như mức độ bệnh. Những xét nghiệm này tương tự như thời điểm chẩn đoán bệnh ban đầu. Cụ thể bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm PSA để đánh giá mức độ bệnh.
Điều quan trọng là người bệnh phải được xác định đúng giai đoạn bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Việc này cũng giúp bác sĩ đánh giá tiên lượng sống của bệnh nhân một cách cụ thể.
Ngoài ra có rất nhiều bệnh nhân quan tâm vấn đề ung thư tiền liệt tuyến di căn xương sống được bao lâu. Về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa cho biết tiên lượng sống của bệnh nhân khá thấp, vì thế bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.
Biện pháp phòng tránh bệnh ung thư tiền liệt tuyến nam
Các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt sẽ tiềm ẩn những nguy hiểm khác nhau. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng di căn. Bên cạnh đó việc thực hiện các biện pháp phòng tránh cũng rất quan trọng. Theo đó nam giới nên chú ý những điều sau:
- Người bệnh ung thư tiền liệt tuyến nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể. Cụ thể bạn nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế thức ăn giàu chất béo.
- Chăm chỉ rèn luyện thân thể với những bài tập thể dục thích hợp cũng là một cách phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả. Có một số bằng chứng cho thấy đàn ông tập thể dục mỗi ngày tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn số người không hoặc ít tập thể dục. Hơn nữa việc tập thể dục cũng giúp bạn duy trì cân nặng, cải thiện tâm trạng, ngăn ngừa các bệnh lý khác.
- Nam giới không nên nhịn tiểu, hãy đi ngay khi có cảm giác buồn vệ sinh. Bên cạnh đó luôn giữ cơ quan sinh dục sạch sẽ khô ráo cũng là cách giúp cánh mày râu ngăn ngừa viêm nhiễm tuyến tiền liệt.
- Tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, việc này giúp tầm soát ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả.
Trên đây là những thông tin về các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt. Theo đó ở mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng khác nhau, phương pháp điều trị và tiên lượng sống không đồng nhất. Vì thế nam giới tuyệt đối không được chủ quan để bệnh tiến triển đến giai đoạn 4, lúc này việc trị khỏi bệnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí người bệnh đối diện nguy cơ tử vong cao. Hy vọng với những thông tin trên Vietmec đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!