Chỉ Chụp X-Quang Có Phát Hiện Được Thoát Vị Đĩa Đệm?
Chụp X-Quang là loại xét nghiệm hình ảnh nhằm chẩn đoán các bệnh về xương khớp. Tuy nhiên, vì đĩa đệm không có canxi nên rất khó phát hiện thoát vị đĩa đệm bằng X-Quang nếu bệnh ở mức độ nhẹ. Trường hợp bệnh nặng gây biến dạng cột sống, chụp X-Quang mới phát hiện được nhưng không chính xác tuyệt đối. Để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên chụp cộng hưởng từ MRI.
Chụp x-quang là một loại xét nghiệm hình ảnh thường được chỉ định thực hiện để chẩn đoán các bệnh lý về xương khớp thường gặp. Vậy nếu chỉ chụp x-quang thì có phát hiện ra bệnh thoát vị đĩa đệm hay không? Theo dõi bài viết bên dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Chụp x-quang có phát hiện thoát vị đĩa đệm không?
Chụp x-quang là sử dụng tia X để thu về các hình ảnh cần thiết trên cơ thể người như cột sống, xương khớp, cơ quan nội tạng,… để hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh. Khi chụp x-quang, một chùm tia x sẽ được phóng ra và đi xuyên qua mô mềm bên trong cơ thể. Các khối canxi bên trong xương sẽ xuyên qua tia X và cung cấp hình ảnh xương trên phim một cách tốt nhất. Chụp x-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng phổ biến trong y khoa giúp phát hiện các bệnh lý liên quan đến xương khớp và nội tạng.
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng nhân nhầy bên trong đĩa đệm cột sống bị thoát ra khỏi vị trí ban đầu. Chúng có thể chèn ép lên rễ thần kinh gây đau nhức kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Với trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến bại liệt. Khi nghi ngờ bản thân bi thoát vị đĩa đệm, bạn cần đến bệnh viện làm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh như x-quang, MRI, CT,..
Vậy phương pháp chụp x-quang có phát hiện bệnh thoát vị đĩa đệm không? Giải đáp thắc mắc này bác sĩ chuyên khoa cho biết, chụp x-quang thông thường chỉ cung cấp chi tiết về hình ảnh xương, còn đĩa đệm và rễ thần kinh không có canxi nên không thu được hình ảnh trên phim. Vì thế, chụp x-quang thông thường rất khó phát hiện bệnh thoát vị đĩa đệm, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhẹ chưa ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống. Còn với trường hợp bệnh nặng đã gây tổn thương rõ rệt đến cột sống, chụp x-quang vẫn có thể phát hiện ra bệnh nhưng không được chính xác như chụp cộng hưởng từ MRI.
Chụp x-quang có chi phí thấp, thích hợp áp dụng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm với những trường hợp có điều kiện kinh tế thấp hoặc ở xa các trung tâm y tế chất lượng cao. Tuy nhiên, chụp x-quang không cho kết quả rõ ràng nên không được ưu tiên áp dụng. Nhưng bạn vẫn có thể dùng phương pháp này để xác định một số nguyên nhân gây đau thắt lưng khác như gãy xương, xẹp đốt sống, xuất hiện khối u,…
Khi nào nên chụp x-quang thoát vị đĩa đệm?
Chụp x-quang rất khó xác định tình trạng thoát vị đĩa đệm nhẹ. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có thể chỉ định thực hiện với những trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng với các triệu chứng như:
- Nhức mỏi chân tay: Khi bệnh thoát vị đĩa đệm diễn ra ở mức độ nặng sẽ gây ra triệu chứng đau nhức ở vùng cổ vai gáy rồi lan rộng đến chi. Ở trường hợp này, tình trạng thoát vị đã diễn ra nghiêm trọng và gây chèn ép lên rễ thần kinh. Lúc này, cơn đau sẽ diễn ra âm ỉ kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn khi vận động.
- Yếu cơ, bại liệt: Biến chứng này có thể xảy ra nếu tình trạng thoát vị diễn ra kéo dài mà không được điều trị đúng cách. Lúc này khả năng vận động của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với các triệu chứng như khó cử động, teo cơ, liệt chi,…
- Tê bì chân tay: Khi nhân nhầy chèn ép lên rễ thần kinh hoặc ống sống sẽ gây ra triệu chứng tê bì chân tay. Nếu tình trạng này diễn ra với mức độ nghiêm trọng, người bệnh phải đối mặt với tình trạng rối loạn cảm giác, châm chích, ngứa ran,…
Chụp x-quang còn được chỉ định thực hiện để xác định đường cong của cột sống, hỗ trợ cho việc chẩn đoán biểu hiện của bệnh cũng như tổn thương tại cột sống. Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp x-quang bằng chất cản quang để quan sát nhân nhầy bị tràn ra bên ngoài.
Phương pháp chụp x-quang thoát vị đĩa đệm và quy trình thực hiện
Dưới đây là một số phương pháp chụp x-quang thường được áp dụng để chẩn đoán tình trạng thoát vị đĩa đệm mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
- Chụp thẳng, chụp nghiêng cột sống: Thường được chỉ định thực hiện với trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc thắt lưng. Hình ảnh x-quang thu được giúp bác sĩ quan sát được tình trạng xẹp hoặc trượt đĩa đệm tại cột sống. Đồng thời, bác sĩ còn dựa vào hình ảnh trên phim để xác định gai xương và chẩn đoán bệnh loãng xương.
- Chụp x-quang tủy sống với chất cản quang: Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào trong ống tủy rồi mới tiến hành chụp x-quang. Dựa vào hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng hẹp tủy sống để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Phương pháp chẩn đoán này có chi phí cao hơn và đem lại kết quả chính xác hơn.
- Chụp x-quang ở tư thế đặc biệt: Người bệnh được yêu cầu nằm ngửa và há miệng khi chụp x-quang. Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện để xác định tình trạng thoái hóa hoặc thoát vị xảy ra ở cột sống cổ.
- Chụp cột sống chếch 3/5: Phương pháp chẩn đoán này giúp bác sĩ quan sát được sự biến đổi của lỗ liên hợp bên trong đĩa đệm bị thoát vị.
Thông thường, quá trình chụp x-quang thoát vị đĩa đệm sẽ được thực hiện dựa trên quy trình sau đây:
- Bước 1: Cởi bỏ hết trang sức và phụ kiện kim loại trên người. Sau đó, thay quần áo bệnh viện vào.
- Bước 2: Điều chỉnh tư thế chụp theo đúng chỉ định của bác sĩ để quá trình chụp có hiệu quả và chính xác, thời gian chụp chỉ mất từ 5 – 10 phút. Hình ảnh sẽ được xử lý chuyên môn, trải qua quá trình phân tích và trả lại cho người bệnh.
- Bước 3: Sau khi nhận kết quả, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm. Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như chụp MRI hoặc CT để hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh.
Lưu ý khi chụp x-quang thoát vị đĩa đệm
Chụp x-quang là phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh được áp dụng phổ biến trong y khoa. Chi phí chụp x-quang khá rẻ, chỉ dao động từ 170.000 – 250.000 VNĐ cho mỗi lần chụp. Một số điều bạn cần lưu ý khi chụp x-quang thoát vị đĩa đệm là:
- Khi đi vào phòng chụp x-quang, không đeo đồ trang sức hoặc thiết bị kim loại để tránh ảnh hưởng đến kết quả thu được.
- Phụ nữ mang thai không chụp x-quang chẩn đoán bệnh để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
- Phụ nữ đang cho con bú, nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiến hành chụp x-quang bằng chất cản quang.
- Chụp x-quang chẩn đoán bệnh quá nhiều lần sẽ gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục, chức năng sinh lý, xương tủy, da,…
- Không sử dụng thuốc lá và chất kích thích trước khi chụp x-quang.
Bài viết trên đây là giải đáp thắc mắc “Chụp x-quang có phát hiện thoát vị đĩa đệm không?” bạn có thể tham khảo. Việc chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp chụp x-quang mang lại kết quả không rõ nên không được ưu tiên áp dụng. Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán cho phù hợp.