Đột Quỵ Xảy Ra Ở Độ Tuổi Nào?
Theo kết quả các cuộc nghiên cứu, đột quỵ xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi trên 65, có bệnh nền và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Tuy nhiên con số này đang có dấu hiệu trẻ hoá với độ tuổi đột quỵ từ 18-50.
Cơn đột quỵ xảy ra ở độ tuổi nào?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là thuật ngữ y học chỉ tình trạng tổn thương của não khi không được cung cấp máu, oxy kịp thời do mạch máu ở khu vực này bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, đột quỵ vô cùng nguy hiểm và luôn tiềm ẩn những hậu quả nặng nề, thậm chí là tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời.
Vậy đột quỵ thường xảy ra ở độ tuổi nào? Thực tế, độ tuổi bị đột quỵ nhiều nhất là trên 65. Đồng thời, nguy cơ bị đột quỵ cũng sẽ tăng dần theo độ tuổi, ở những người từ 55 tuổi trở lên cứ sau mỗi 10 năm nguy cơ đột quỵ sẽ tăng gấp 2 lần. Điều này có nghĩa là đột quỵ không chỉ xảy ra ở đối tượng trung và cao tuổi mà đang dần có xu hướng trẻ hoá.
Theo thống kê của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ năm 2019, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ đã tăng trên 44% trong 10 năm gần đây. Trung bình, mỗi năm các bệnh viện phải tiếp nhận 15% trường hợp đột quỵ trong độ tuổi từ 18 – 50 tuổi, các ca đột quỵ tuổi 20 cũng có dấu hiệu tăng. Riêng tại Việt Nam hiện nay, các ca đột quỵ phải nhập viện cấp cứu chỉ từ 30 tuổi trở lên.
Những dấu hiệu phổ biến cảnh báo đột quỵ ở mọi lứa tuổi bạn cần chú ý như:
- Mặt bị lệch, không cân xứng, xuất hiện cảm giác tê hoặc yếu, lệch nhân trung, méo miệng. Những dấu hiệu đột quỵ ở mặt sẽ dễ nhận biết hơn khi bạn cười.
- Mờ mắt, nhìn không rõ ở một bên hoặc cả 2 mắt.
- Những bất thường ở giọng nói, khó mở miệng, khó phát âm, nói không rõ chữ môi lưỡi tê cứng.
- Tay chân tê mỏi, khó cử động, mất thăng bằng thậm chí tê liệt 1 bên tay, chân.
- Đầu đau nhức dữ dội, đôi khi kèm theo cảm giác buồn nôn, chóng mặt.
- Rối loạn trí nhớ, lú lẫn, không nhận thức được những chuyện xảy ra trong một thời gian nhất định.
Biện pháp phòng tránh đột quỵ cho mọi lứa tuổi
Để phòng tránh các biến chứng nặng nề do đột quỵ gây ra, mỗi người cần chủ động trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống theo hướng lành mạnh. Cụ thể:
Ăn uống, sinh hoạt khoa học
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột quỵ là chế độ ăn uống quá nhiều muối, dầu mỡ, calo… Thói quen nguy hại này được xem là “quả bom nổ chậm” đe dọa trực tiếp sức khỏe mỗi người.
Do vậy, để phòng tránh đột quỵ bạn nên hạn chế các chất béo xấu, giảm khẩu phần muối hằng ngày. Thay vào đó nên tăng cường sử dụng các thực phẩm tươi, rau củ quả giàu vitamin, tích cực uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể đào thải độc tố tối đa.
Tập luyện thể dục thường xuyên
Việc tập luyện thể dục thể thao không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện độ dẻo dai của cơ thể mà còn tăng cường tuần hoàn máu, củng cố sức khỏe tim mạch. Do vậy, mỗi người nên chủ động tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần để giảm nguy cơ đột quỵ.
Kiêng thuốc lá, không uống rượu bia
Thuốc lá, rượu bia cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tim mạch, tuần hoàn máu, đột quỵ và tai biến. Nếu một người bỏ thuốc lá từ 2 – 5 năm, nguy cơ đột quỵ sẽ giảm đi một nửa.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra hệ thần kinh là một trong những biện pháp giúp kiểm soát tốt các chỉ số bệnh tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch… Đồng thời, việc chủ động thăm khám cũng giúp sàng lọc sớm những dị tật mạch máu não có nguy cơ gây đột quỵ, các vấn đề về thần kinh – não bộ… Từ đó kịp thời xử lý, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Đột quỵ thường xảy ra ở những người độ tuổi trung niên và lớn tuổi. Đây là tình trạng nguy hiểm, không chỉ để lại biến chứng về vận động, rối loạn ngôn ngữ mà còn đe dọa trực tiếp sức khoẻ mỗi người. Vì vậy, hãy chủ động xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học, thường xuyên thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường và có biện pháp xử trí phù hợp.